Phù Dung cổ trấn (芙蓉古镇) vốn được xây dựng cách đây hơn 2.000 năm, từ lâu đã trở thành điểm du lịch đặc biệt hút khách của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Cổ trấn chỉ cách Trương Gia Giới chừng 80km về phía Tây Nam, tọa lạc trên thác Vương Thôn, bên dòng sông Dậu Thủy. Nằm trên một ngọn núi nhưng nhìn từ phía xa, ngôi làng hàng nghìn năm tuổi như "treo mình" trên ngọn thác.
Cổ trấn nằm trên thác nước (Ảnh: News).
Trước kia, cổ trấn có tên gọi là Vương Thôn, nhưng kể từ khi bộ phim "Thị trấn Phù Dung" sản xuất năm 1987 được quay tại đây, nơi này đổi tên mới thành trấn Phù Dung, đồng thời góp tên mình trên bản đồ du lịch của Trung Quốc.
Cư dân gốc trong vùng vốn là người Thổ Gia, nhưng hiện tại, rất đông người Hán tới đây sinh sống. Kiến trúc bên trong cổ trấn gồm những ngôi nhà gỗ và đường lát đá được xây dựng từ hơn 2.000 năm trước.
Quỹ đất ở đây được ví như "tấc đất tấc vàng", nên các ngôi nhà cổ bằng gỗ được xây chênh vênh bên thác nước nhằm tăng diện tích sử dụng. Bởi vậy, du khách vẫn gọi nơi này là "cổ trấn treo trên thác nước".
Những con đường đá cổ có tuổi đời cả nghìn năm (Ảnh: News).
Ngoài ra, theo tài liệu cổ ghi lại, người đứng đầu mỗi triều đại Thổ Gia đều điều hành việc xây dựng nơi ở ngay sát nơi có thác nước. Tại sao họ lại chọn vị trí kỳ lạ này?
Theo người địa phương, nơi này có vị trí đắc địa, tầm nhìn độc đáo. Hai mặt vách đá dựng đứng sắc nhọn như mũi dao. Người ngoài muốn tiếp cận chỉ có thể đi từ hai bến thuyền. Đó là vị thế "dễ thủ, khó công" cực kỳ hiểm yếu.
Người Thổ Gia đã cai trị ở đây suốt 800 năm, trải qua vô số triều đại và các giai đoạn lịch sử loạn lạc. Nếu xét tới yếu tố an toàn về quân sự thì nơi này rất phù hợp. Sát cạnh khu vực này là tuyến đường thủy từng là nơi buôn bán rất tấp nập vào thời cổ đại.
Những ngọn thác nhìn từ trên cao (Ảnh: Trip).
Lối kiến trúc nhà ở đây mang đặc trưng của khu vực phía Nam Trung Quốc. Đó là kiểu nhà sàn được xây theo độ dốc của vách núi.
Cuối cùng, lý do quan trọng nhất khiến người Thổ Gia quen xây nhà trên vách đá là để tiết kiệm quỹ đất. Dần dần, người dân không ngừng cơi nới nhà ra ngoài rìa để diện tích sử dụng tăng lên.
Vậy tại sao nằm chênh vênh ở vách đá bên thác nước, nhưng những ngôi nhà gỗ vẫn tồn tại suốt hàng trăm năm?
Cổ trấn lung linh dưới ánh đèn về đêm (Ảnh: Trip).
Các chuyên gia phân tích, khu vực này từng là biển. Lớp vỏ của trái đất vận động khiến những phần đá nứt ra và rơi xuống. Đá bị nước bào mòn rồi dần hình thành nên điều kiện địa lý như ngày nay.
Đá ở cổ trấn hình thành từ trầm tích đáy biển nên rất rắn chắc. Trong khi đó, những ngôi nhà gỗ có cột chống được xây tránh khe nước. Thoạt nhìn tưởng như nguy hiểm nhưng nền đất rất ổn định và bền chắc.
Huy Hoàng / Theo: Dân Trí
No comments:
Post a Comment