Wednesday, June 5, 2024

8 LOÀI THỰC VẬT TỐT CHO NÃO BỘ VÀ TRÍ NHỚ MÀ BẠN CÓ THỂ TỰ TRỒNG

Bạn không cần phải bỏ ra số tiền quá lớn để mua các loại thực phẩm chức năng bổ sung dưỡng chất cho não. Có rất nhiều loài thực vật tốt cho não bộ và trí nhớ mà bạn có thể tự trồng trong vườn.

Cây xô thơm (sage)
Dưới đây là một số lựa chọn cho bạn tham khảo:

1. Bạc hà

Chỉ cần ngửi mùi lá bạc hà cũng đủ làm bộ não của bạn thức giấc. Hương thơm bạc hà kích thích giác quan giúp bạn năng động, giảm thiểu chứng trầm cảm. Các hoạt chất có trong tinh dầu bạc hà kích thích hoạt động trí não, có ích cho các sĩ tử trong quá trình ôn luyện.

Bạc hà là thực vật tốt cho não. (Ảnh: Pixabay)
Bạn có thể trồng cây bạc hà bằng một khoảng đất nhỏ, trong chậu hoặc trong những trong thùng xốp. Nếu trồng trong chậu hoặc thùng xốp, bạn nhớ đục lỗ thoát nước cho cây. Bạc hà dễ tính, trồng không mất nhiều công sức mà sức sống khá mạnh nên có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Các loại đất thích hợp để trồng cho cây có thể kể đến là đất thịt, đất cát, đất xám. Đất sau khi được chuẩn bị kỹ và lên luống thì bạn tiến hành rạch lỗ sâu khoảng 10cm. Đặt nhẹ cây con giống theo hướng nghiêng mỗi hàng cách nhau khoảng 2cm. Lấp đất kín 2/3 hom đất rồi bạn nén nhẹ để hom tiếp xúc với độ ẩm phù hợp. Bạc hà thuộc cây thân thảo nên có yêu cầu độ ẩm khá cao. Thời gian đầu bạn cần chú ý tưới cây đầy đủ nếu không cây sẽ héo và chết. Lá bạc hà có thể dùng làm trà, ăn rau sống, trộn sa lát hoặc làm thành dầu thơm.

2. Cây xô thơm

Cây xô thơm là một loại cây gia vị chứa nhiều tinh dầu, thành phần chủ yếu gồm xeton, a-Thujone, và ß-Thujone. Ngoài ra, lá cây xô thơm có chứa nhiều hợp chất khác như cineol, borneol, acid tannic; chất có vị cay như cornsole và axit cornsolic; fumaric, chlorogenic, caffeic và axit nicotinic; nicotinamide; flavon; glycosides flavone và các chất estrogen. Nhìn chung, các hợp chất này có tính chống nấm, chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Cây xô thơm thường được các bà nội trợ dùng trong nấu ăn, đồng thời đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị bệnh Alzheimer và cải thiện trí nhớ.

(Ảnh: Pixabay)
Bạn có thể phơi khô lá xô thơm để làm thành hoa khô đặt trong phòng. Cây xô thơm rất ưa ánh sáng mặt trời. Bạn có thể trồng cây bằng cách gieo hạt vào mùa xuân và thu, hái lá vào mùa hè. Xô thơm phát triển trong phạm vi PH từ 5,6 (axit) đến 7,8 (hơi kiềm) và phát triển tốt nhất trong phạm vi PH 6-6,5. Sau khi trồng được 3-4 năm thì bạn nên thay cây mới.

3. Củ nghệ

Vốn dĩ cây nghệ khá dễ trồng, nên chúng thường được trồng trong các khoảng nhỏ trong sân vườn để phục vụ cho nhu cầu của gia đình hằng ngày. Củ nghệ làm giống phải là củ to, không có sâu bệnh, không bị dập nát. Với những củ có nhiều nhánh thì phải tách nhỏ ra. Củ nghệ giống bạn có thể mua ở chợ hoặc siêu thị.

(Ảnh: Pixabay)
Cây nghệ phù hợp trồng ở những vùng đất pha cát, có khả năng thoát nước cao, giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và có thành phần cơ giới đất trung bình hoặc nhẹ, sẽ thuận lợi cho củ dễ dàng sinh sôi và phát triển. Đào hốc sâu 20-25cm, mỗi hốc đặt một khúc nghệ giống. Khoảng cách cây cách cây là 20-25cm, hàng cách hàng khoảng 30-35cm. Sau khi đặt nghệ thì phủ lên một lớp đất mỏng rồi lấy rơm rạ phủ lên trên. Chú ý tưới nước cho đủ ấm để củ nghệ nhanh nảy mầm. Khi nghệ bắt đầu nhú ra khỏi mặt đất thì nên kiểm tra thường xuyên để xử lý các mầm hỏng. Nếu có cây thối thì phải kịp thời thay cây mới.

4. Cây hương thảo

Để cải thiện trí nhớ, bạn có thể cho một muỗng canh (17 ml) hương thảo khô vào một cốc nước sôi (250 ml), ngâm trong mười phút, uống như nước hàng ngày. Hoặc treo những bó hương thảo tươi/khô quanh nhà để bộ não của bạn được tiếp xúc với mùi hương dễ chịu.

Cây hương thảo. (Ảnh: Pixabay)
Do cây hương thảo có bộ rễ khá nhạy cảm và cần sự thoát nước tốt nên chọn đất trồng cây phải đảm bảo vừa tơi xốp, thoát nước vừa đủ ẩm để lá cây không bị xơ xác. Hỗn hợp đất sạch trồng cây hương thảo gồm: 2 phần tro trấu + 0,3 phần trấu sống + 0,3 phần xơ mùn dừa đã xử lý vi sinh + 1 phần phân bò hoai mục + 1 muỗng canh nấm trichoderma, tất cả trộn đều rồi trồng cây trong chậu. Cây hương thảo trồng ngoài vườn hay trong nhà đều được. Tuy nhiên, nếu trồng cây ngoài vườn, cần trồng dưới bóng râm các cây lớn hoặc che lưới, để tránh nắng gắt làm cháy lá, khô cây, dẫn đến chậm phát triển hoặc chết. Hương thảo ưa đất khô, vì vậy bạn đừng tưới quá nhiều. Cây sẽ sinh trưởng tốt với lượng nước tưới vườn trung bình và ưa thích nguồn nước mưa.

5. Cỏ xạ hương

Cỏ xạ hương đã được chứng minh là có tác dụng làm tăng mức độ chống oxy hóa trong não, cũng như tăng mức độ chất béo lành mạnh (như omega-3). Để trồng cỏ xạ hương cần đủ ánh sáng. Nếu cây ở nơi thiếu ánh sáng lâu ngày sẽ rất dễ còi cọc và chết. Xạ hương cũng là một loài cây ưa ấm, nhiệt độ thích hợp 20–25 độ C, kỵ nhiệt độ cao nên vào mùa hè nên tỉa bớt cây, để thông gió và nên để cây ở nơi râm mát. Xạ hương không ưa màu mỡ, có thể sử dụng phân bón lót, mùa hè tốt nhất không nên bón phân, sẽ làm thân cây yếu, có thể làm cây ngừng sinh trưởng. Cây phát triển mạnh nhất vào mùa xuân và mùa đông, pha loãng phân với tỷ lệ 1:1.000, cách 10 ngày tưới 1 lần.

(Ảnh: Pixabay)
6. Cải xoăn

Thời Hy Lạp cổ đại, cải xoăn là loại rau được yêu thích dùng để chữa bệnh thấp khớp, thị lực và cải thiện trí nhớ. Đến thời hiện đại, cải xoăn vẫn là một trong những nguồn dinh dưỡng được các gia đình ưu ái. Cải xoăn chứa chất béo omega-3 có lợi não, chứa lutein – một sắc tố thực vật giúp duy trì chức năng não khỏe mạnh, cũng như tăng cường khả năng học tập và trí nhớ.

(Ảnh: Shutterstock)
Cải xoăn là giống cây ưa thời tiết mát mẻ, thích hợp trồng vào mùa thu. Cây thường nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 21 độ C. Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 2-5 tiếng trước khi gieo. Đất trồng cải xoăn cần được làm kỹ, tơi xốp, có thể bón lót với vôi nông nghiệp rồi phơi ải từ 7-10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Thùng xốp hoặc chậu trồng cây phải được đục lỗ thoát nước tốt. Cải xoăn cần rất nhiều nước để sinh trưởng và phát triển nên vừa gieo xong phải tưới nước ngay, mỗi ngày tưới một đến hai lần.

7. Cây bạch quả

Cả lá và quả cây bạch quả đều được sử dụng làm thuốc. Đây là một trong những loài thực vật giúp tăng cường trí nhớ được sử dụng an toàn hàng ngàn năm tại Trung Quốc. Khi trồng, đặt lỗ bầu sao cho rễ và thân cây thẳng ở giữa hỗ. Mặt trên của bầu thấp hơn miệng hố từ 1-2cm. Tiến hành xé bỏ vỏ bầu trước khi đặt xuống hố. Chú ý không được làm vỡ bầu, méo bầu để tránh tổn thương tới bộ rễ của cây. Lấp đất, lèn chặt bầu và vun thêm đất vào gốc trên cổ rễ chừng 2-3cm. Nên trồng cây bạch quả ở những khu vực giàu dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt.

(Ảnh: Pixabay)
8. Gừng

Gừng nổi tiếng với đặc tính chống viêm. Trong đó, gừng đặc biệt có khả năng làm giảm viêm các bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson. Với người trung niên, bổ sung gừng sẽ giúp cải thiện trí nhớ khi làm việc, phản xạ nhanh chóng và tăng cường khả năng tập trung. Gừng là cây nhiệt đới, ưa khí hậu nóng ẩm, bạn nên trồng ngoài vườn vào mùa hè. Bạn nên chọn giống củ gừng nhỏ (như gừng sẻ, gừng dé), không chọn loại củ to, vì gừng củ nhỏ có vị cay thơm hơn và cây gừng có chiều cao vừa phải, không bị gãy lá.

Gừng là loài thực vật tốt cho não bộ và trí nhớ của bạn. (Ảnh: Shutterstock)
Gừng thích hợp với các loại đất tơi xốp, nhiều mùn và thoát nước tốt. Vì thế, để trồng gừng trong nhà có củ, bạn nên trộn đất sạch và đất dinh dưỡng theo tỷ lệ 2:1, hoặc trộn trấu sống, tro trấu và phân giun quế theo tỷ lệ 1:2:1. Ngâm cả củ gừng chưa tách nhánh trong nước ấm (28–35 độ C) qua đêm. Hôm sau, lấy gừng ra, tách thành từng nhánh nhỏ để trồng và trên mỗi nhánh gừng có ít nhất 1–2 mắt mầm nhỏ. Gừng phát triển tốt nhất khi có đầy đủ độ ẩm và ánh sáng. Vì thế, bạn nên tưới nước và phun sương cho cây hàng ngày.

Minh Minh / Theo: trithucvn

No comments: