Tuesday, June 4, 2024

TẠI SAO RAU MUỐNG BỊ CẤM Ở MỸ SUỐT NHIỀU THẬP KỶ, CHƯA ĐƯỢC PHÉP TRỒNG?

Có thời điểm, giá rau muống tại bang Georgia (Mỹ) cao gấp 3 lần so với các bang khác. Mới đây, bang này đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm rau muống sau nhiều thập kỷ bị cấm.

Rau muống là loại rau rất quen thuộc trong bữa cơm của người dân nhiều nước châu Á (Ảnh: Eats).

Rau muống là loại rau rất quen thuộc trong mâm cơm của người châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Thái Lan hay Đài Loan. Khi cộng đồng người châu Á sang Mỹ sinh sống, nhu cầu tiêu thụ loại rau này tăng lên.

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, rau muống vốn là loại thực vật phát triển mạnh ở nơi ẩm ướt, trở thành "món rau của mọi nhà".

Nhưng tại bang Georgia thuộc vùng đông nam nước Mỹ, suốt nhiều thập kỷ, thứ rau này bị coi là bất hợp pháp. Theo tạp chí Atlanta, rau muống đã bị cấm ở bang này từ những năm 1970 do tính chất xâm lấn. Loài thực vật này cần đất ẩm để phát triển. Chúng được mô tả mọc như cỏ dại, tiêu thụ nguồn nước gần đó và gây hại cho thực vật bản địa.

Ngoài ra, rau muống còn được xem là tạo ra môi trường sinh sản cho muỗi, phá hoại ao hồ, đặc biệt ở những vùng có khí hậu cận nhiệt đới ẩm ướt như Georgia và Florida.

Hình ảnh rau muống trồng trong nhà kính tại Texas, Mỹ. (Ảnh: Mashed)

Suốt thời gian dài, những người gốc Á sống ở bang Georgia phải mua rau muống từ hai bang Florida và Texas. Thậm chí, họ lén bán rau trên ô tô ở các bãi đậu xe siêu thị hoặc chuyển tới nhà cho khách.

Jenny Vo, giám đốc điều hành hai siêu thị địa phương là City Farmers Market và Hong Kong Supermarket, tiết lộ, có thời điểm giá rau muống bán ngoài chợ đen lên tới 22 USD/kg (hơn 515.000 đồng). Mức giá này cao gấp 3 lần so với các bang khác.

"Đi tới nhà hàng muốn ăn rau muống, khách cũng phải hỏi thật khéo và bí mật kiểu như "chỗ anh có bán món đó hay không?" Đúng là một thử thách chỉ để thưởng thức món rau", cô Jenny Vo nhớ lại.

Hơn 10 năm trước, Hong Kong Supermarket bắt đầu thu thập chữ ký trực tuyến và bảng kẹp hồ sơ ở quầy đăng ký nhằm kiến nghị với chính quyền về việc hợp pháp hóa rau muống.

Cha của Jenny Vo, ông Ben Vo là người đại diện viết đơn kiến nghị. Ông đưa ra lập luận, nếu áp dụng các quy định phù hợp, rau muống sẽ trở thành loại thực vật có nguy cơ xâm hại thấp. Những lập luận này được ông đưa vào đơn kiến nghị gửi tới chính quyền bang Georgia.

Món rau muống xào (Ảnh: Food).

Năm 2021 trong cuộc bầu cử tại bang Georgia, rau muống tiếp tục trở thành chủ đề nóng được nhắc tới. Nghị sĩ bang Marvin Lim nhận ra loại rau này khi ông tới thăm ngôi làng nơi mẹ ông lớn lên tại Philippines.

Từ đó, ông nghiên cứu và trò chuyện với các chuyên gia từ Florida, Texas, tìm hiểu cách các bang này canh tác rau muống mà không gây hại cho môi trường. Trong khi đó, bản thu thập ý kiến nhận được 100.000 chữ ký với sự đồng thuận cao.

Năm 2022, Cục Nông nghiệp Georgia (GDA) chính thức cho phép các nhà hàng ở bang được nhập và đưa rau muống vào thực đơn, phục vụ khách hàng.

Khi lệnh cấm bán rau muống được dỡ bỏ, nhu cầu loại rau này ở Hong Kong Supermarket tăng nhanh tới mức ông Ben Vo phải giục Jenny Vo đặt hàng với các nhà cung cấp từ Texas nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.

Món rau muống phục vụ tại một nhà hàng ở Mỹ (Ảnh: Atlanta Magazine).

Tuy nhiên đến nay, việc trồng rau muống vẫn chưa được phép ở bang Georgia. Các siêu thị, cửa tiệm tạp hóa chỉ được phép bán rau muống trong trường hợp "cắt gốc rất sâu không để sót phần rễ" để khách hàng mang rau về không thể trồng lại.

Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn vui mừng trước thông tin này. Họ gọi Jenny Vo là "quý cô rau muống" vì cô là người từng đứng bên quầy đăng ký, xin chữ ký từng người ủng hộ.

Loại rau này hiện xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa thông thường, bán giá hợp lý hơn, khoảng 6 USD/kg (hơn 140.000 đồng).

Huy Hoàng / Theo: Dân Trí

No comments: