Saturday, September 10, 2016

CHÙA VE CHAI

Đã lâu lắm rồi, chương trình "ai là triệu phú" không có ai thắng lớn. Vậy mà trong kỳ phát sóng tuần rồi 06/09/2016 có một anh chàng Sài Gòn ra Hà Nội lấy được tấm cheque "40 triệu" của chương trình và có thể "bê" cô "Bắc kỳ nho nhỏ" về Nam như những lời mở đầu cho bớt nóng với người dẫn chương trình Lại Văn Sâm.


Câu hỏi có mệnh giá "30 triệu" là:



- Ngôi chùa nào ở thành phố Đà Lạt còn có tên gọi dân dã là chùa Ve Chai ?


A. Chùa Linh Phước                          B. Chùa Linh Sơn
    C. Chùa Linh Phong                          D. Chùa Linh Quang



Nếu tôi đi thi thì tôi đã trả lời ngay trước khi anh Sâm đọc ra 4 câu trả lời bởi vì tôi có đọc qua tài liệu này và post cả bài vào năm ngoái như tôi có kể cho các bạn:

Năm 1993 về Việt Nam lần đầu tiên, tôi có ra miền Trung tham quan, đến Huế thì dừng lại là quay về Sài Gòn. Trong chuyến du lịch này dĩ nhiên phải có ghé Đà Lạt đôi ngày. Thời gian ờ Đà Lạt, tôi có đi chợ Đà Lạt, vườn Hồng, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thung lũng tình yêu, thác Cam Ly, thác Prenn, căn nhà 100 nóc..chùa thì có viếng Thiên Sát Cổ Tự, chùa Cư Sĩ Lâm, Trúc Lâm nhưng chẳng nghe ai nói qua về một ngôi chùa đặc sắc nhất Đà Lạt, ngôi chùa mà hôm nay tôi mới biết tới khi ngồi ăn tối và xem chương trình "Rẻ trái, rẻ phải" giới thiệu về Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa: "Chùa Linh Phước".




Chùa quá đẹp, quá hoành tráng và đạt một nghệ thuật rất thuần túy VN với những bức tượng, tranh được khắc khảm bằng mảnh vụn của sành sứ và ve chai như kiến trúc mà tôi được thấy trong lăng Khải Định ở Huế.

Mời các bạn đọc bài giới thiệu và xem thêm clip video mà tôi có post bên dưới:


CHÙA LINH PHƯỚC - KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO

Chùa Linh Phước hay còn được gọi là Chùa Ve Chai, là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và lạ mắt nhất trong địa bàn thành phố Đà Lạt. Tọa lạc tại một khu đất trống trên địa bàn phường 11( thuộc Trại Mát) Đà Lạt.


Ngôi chùa đặc biệt nhất tỉnh Lâm Đồng
Chùa Linh Phước được các phật tử địa phương cùng nhau quyên góp và khởi công xây dựng vào năm 1949, đến năm 1952 thì hoàn thành. Chùa duy trì hoạt động đến năm 1990 thì được trùng tu lại toàn bộ. Khi ấy với bản thiết kế và chỉ huy xây dựng của vị hoàng thượng trụ trì đời thứ 5 của chùa là Thượng Tọa Thích Tâm Vị đã tạo cho ngôi chùa một nét đặc biệt riêng, và từ đó nổi tiếng cho đến tận bây giờ. Để có được vẻ đẹp hoàn thiện như ngày hôm nay không chỉ có công sức của trụ trì và các sư thầy nơi đây mà bên cạnh đó còn có sự đóng góp to lớn của Phật tử địa phương và Phật tử các nơi khác.



Bước vào khuôn viên chùa, quý khách sẽ không khỏi nhạc nhiên khi trước mặt mình là một công trình ấn tượng với tên gọi Long Hoa Viên, các nghệ nhân đã cùng nhau tạo nên một chú rồng to lớn,uốn lượn dài tới 49m quanh tượng đài Đức Phật Di Lạc. Toàn bộ vây rồng được các nghệ nhân ghép bằng những mãnh vở của các chai bia ước tính lên đến 12.000 vỏ chai bia được sử dụng. Đây là một trong những công trình ấn tượng nhất khi du khách đến tham quan và lễ phật tại Chùa Linh Phước.

Bên cạnh đó, khi vào chánh điện của Chùa ngoài việc dâng hương lễ Phật du khách còn có dịp chiêm ngưỡng những họa tiết điệu khắc sắc sảo, chân thật do bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây làm ra, chánh điện dài 33 m, rộng 22 m. Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn".



Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía là bức phù điêu cảnh Bồ Đề Thọ rất sống động.

Song song hai bên chánh điện có hai hàng cột trạm khắc hình rồng khảm mảnh sành như kiến trúc xây dựng lăng mộ của vua nhà Nguyễn. Phía bên trên là những bức phù điêu bằng sành kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi ông được sinh ra đến lúc niết bàn.



Phía trước chánh điện du khách có thể tận mắt chứng kiến một tòa Linh tháp cao đến 7 tầng ( 37m). Hiện nay tòa tháp chuông này được xem là tòa tháp chuông cao nhất Việt Nam, bên trong tháp có Đại Hồng Chung cao 4,3m đường kính 2,3m, nặng 8,5 tấn. Được các nghệ nhân lành nghề, trình độ cao, kinh nghiệm đúc chung lâu đời đến từ Huế đúc vào cuối năm 1999. Họ đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông.

Ngoài ra, bên cạnh tòa Linh tháp còn có Tượng đài Quan Thế âm Bồ Tát được làm từ hoa Bất tử, mang vẻ đẹp hài hòa, cuốn hút du khách.



Bên phải chùa là khu vực nội viện. Ngôi nhà Tăng là nơi sinh hoạt của chư Tăng. Nhà tăng gồm 3 tầng, trên cùng là Tịnh Đường và ao sen bán nguyệt. Tầng giữa và tầng trệt là các phòng cho Tăng chúng. Chính giữa nhà là phòng khách lớn và thư viện của chùa.

Chùa Linh Phước là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Thành phố Đà Lạt, đây là một công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc, đậm đà bản sắc Á Đông.

Dalat Hoa 
(Sưu tầm trên mạng)

Video clip về chùa Linh Phước

No comments: