Nói đến rằm tháng 7 âm lịch, ai ai cũng biết đó là ngày lễ Vu Lan và cũng là ngày "xá tội vong nhân" và ai cũng biết 2 lễ này hoàn toàn khác nhau từ 2 sự tích khác nhau của Phật giáo nhưng ít người biết ngày rằm tháng 7 còn có một cái tên khác theo Đạo giáo Trung Hoa là ngày Tết Trung Nguyên.
Có thể một số bạn biết nhưng nếu bạn nào chưa biết thì mời đọc bài sau. (LKH)
TẾT TRUNG NGUYÊN - 中元节
Ngày 15 tháng 7 âm lịch là tết Trung nguyên (Trung nguyên tiết 中元节) của Đạo giáo, Phật giáo gọi là “Vu Lan bồn tiết” 盂兰节, cũng gọi là “quỷ tiết” 鬼节. Đạo giáo gọi ngày rằm tháng Giêng là Thượng nguyên 上元, rằm tháng 7 là Trung nguyên 中元, rằm tháng 10 là Hậu nguyên 后元, lần lượt có 3 thần nhân là Thiên quan 天官, Địa quan 地官, Thuỷ quan 水官. Trong Đạo kinh 道经 có ghi, Trung nguyên là ngày:
Địa quan khảo hiệu chi nguyên nhật, thiên nhân tập tụ chi lương thần.
地官考校之元日, 天人集聚之良辰.
(Ngày Địa quan xem xét khảo sát, thời khắc tốt để thiên nhân tập hợp lại)
Do bởi Địa quan nắm giữ việc xá tội, cho nên mỗi khi gặp ngày này, thủ lĩnh và đạo sĩ của Đạo giáo tụ hội lại giảng tụng Đạo đức kinh 道德经 của Lão Tử 老子: các tín đồ cũng đến đạo quán để cúng bái.
Phật giáo thì gọi rằm tháng 7 là Vu Lan bồn tiết (dịch âm từ tiếng Phạn, ý nghĩa là “cứu đảo huyền” 救倒悬), cũng gọi là “Vu Lan bồn hội” 盂兰盆会 , “Vu Lan bồn trai” 盂兰盆斋, “Vu Lan bồn cung” 盂兰盆供. Truyền thuyết cho rằng Mục Liên 目连, đệ tử của Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼 nhìn thấy mẫu thân đã qua đời của mình chịu khổ ở địa ngục đã cầu Phật cứu độ. Thích Ca Mâu Ni bảo Mục Liên vào ngày cuối cùng chúng tăng an cư,tức ngày 15 tháng 7, chuẩn bị các món ăn để cúng dường tăng chúng thập phương, việc đó có thể giải thoát được khổ nạn của mẫu thân. Tín đồ Phật giáo đã căn cứ theo thần thoại này mà hưng khởi Vu Lan bồn hội, đồng thời dần truyền thành lệ truy tiến tổ tiên.
Theo Phật Tổ thống kí 佛祖统记, thời Lương Vũ Đế 梁武帝 bắt đầu thiết “Vu Lan bồn hội” vào ngày 15 tháng 7. Thời Đường Tống, ngày này trở thành một lễ tiết trọng yếu dân gian tế tự tổ tiên. Trong Càn Thuần tuế thời kí 乾淳岁时记 ghi rằng:
Thất nguyệt thập ngũ nhật, Đạo giáo vị chi Trung nguyên tiết, các hữu trai tiếu đẳng hội; tăng tự tắc dĩ thử nhật tác Vu Lan bồn trai, nhi nhân gia diệc dĩ thử nhật tự tiên.
七月十五日, 道教谓之中元节, 各有斋醮等会; 僧寺则以此日作盂兰盆斋, 而人家亦以此日祀先.
(Ngày rằm tháng 7, Đạo giáo gọi là tết Trung nguyên, các nơi đều tổ chức hội trai đàn; chùa của các tăng thì lấy ngày đó tổ chức Vu Lan bồn trai, còn dân gian thì lấy ngày đó tế tự tổ tiên.)
Lục Du 陆游 trong Lão Học Am bút kí 老学庵笔记 có viết:
Cố đô tàn thử, bất quá thất nguyệt trung tuần, tục dĩ vọng nhật cụ tố soạn hưởng tiên ….. Kim nhân dĩ thị nhật tự tổ, thông hành nam bắc.
故都残暑, 不过七月中旬, 俗以望日具素馔享先. ….. 今人以此日祀祖, 通行南北.
(Cố đô khí nóng còn sót lại, chẳng qua là vào trung tuần tháng 7, tục lấy ngày rằm tháng này bày cổ chay để dâng cúng tổ tiên . ….. Người đời nay lấy ngày này cúng tổ tiên, thông hành cả nam bắc)
Mạnh Nguyên Lão 孟元老 trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录 viết rằng:
Dĩ trúc can phá thành tam cước, ….. thượng chức đăng oa chi trạng, vị chi vu lan bồn, quải đáp y phục minh tiền tại thượng phần chi.
以竹竿破成三脚, ….. 上织灯窝之状, 谓之盂兰盆, 挂搭衣服冥钱在上焚之.
(Lấy một cành trúc chẻ ra 3 chân, ….. phía trên đan giống hình cái ổ đèn, gọi là vu lan bồn, treo y phục và tiền giấy trên đó rồi đốt đi.)
Trong Kim Bình Mai 金瓶梅 trước sau có 3 chỗ nói đến tập tục này. Ở hồi thứ 18 đến Ngư lam hội 鱼篮会 ở chùa để đốt “tương khố” 箱库; hồi thứ 34 lúc tết Trung nguyên ở chỗ Tiết Cô Tử 薛姑子 tại Địa Tạng am 地藏庵 thiết Già lam hội伽蓝会; hồi thứ 83 Ngô Nguyệt Nương 吴月娘 đến chỗ Tiết Cô Tử 薛姑子 ở Địa Tạng am 地藏庵 đốt “tương khố” 箱库 ở Vu lan hội 盂兰会 thay cho Tây Môn Khánh 西门庆. Kì thực, 3 chỗ này đều là điển cố “Vu lan bồn hội”. “Tương khố” 箱库 là thùng và khố được làm từ nan tre phất hồ dán giấy lên, dùng để đựng tiền giấy. Khi cúng đốt lên, ý là để cho vong hồn ma quỷ có tiền dùng ở cõi âm. Phan Vinh Bệ 潘荣陛 đời Thanh trong Đế kinh tuế thời kỉ thắng 帝京岁时纪胜 đã nói rất rõ về phong tục tiết Trung nguyên này:
Tết Trung nguyên tế tự tảo mộ nhộn nhịp hơn tiết Thanh minh. ….. Am quán tự viện thiết Vu lan hội, cho là đó là ngày vị cao tăng Mục Liên cứu mẹ. Khắp các đường phố dựng đài cao, diễn kinh văn, đốt vàng bạc để cứu tế cô hồn. Dùng giấy gấm phất hồ lên làm thuyền, dài đến bảy tám chục xích, đến bên ao đốt lên. Thắp đèn thả trên sông, gọi là “từ hàng phổ độ”.
Tết Trung nguyên đúng vào mùa thu thu hoạch, cho nên cũng hàm nghĩa “thu hoạch tế” 收获祭. Ngô Tự Mục 吴自牧 thời Nam Tống trong Mộng lương lục 梦梁录 có nói, đến tết Trung nguyên, mọi người đều làm những chiếc giỏ đựng ngũ cốc để tế tổ tiên, ngụ ý báo mùa thu thu hoạch xong. Có nơi ở phương nam còn xem ngày này là “kính cô tiết” 敬孤节, nhà nhà ngoài việc hoá vàng bạc cho các vong linh còn tranh nhau chiêu đãi những người già cả neo đơn để tỏ lòng kính trọng.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
TRUNG NGUYÊN TIẾT
中元节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
No comments:
Post a Comment