Saturday, March 2, 2019

"ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC" VÀ NGUỒN GỐC CHỦ NGHĨA TAM DÂN CỦA TÔN DẬT TIÊN

Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên (hay Tôn Trung Sơn) là một triết lý chính trị hướng tới việc biến Trung Hoa thành một quốc gia tự do, thịnh vượng và hùng cường. Trong đó, ba yếu tố cơ bản nhất của nó là: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.


Chủ nghĩa Tam Dân được Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) nhấn mạnh là cốt lõi của chính sách nước này, được Quốc Dân Đảng theo đuổi. Nó cũng xuất hiện ngay ở dòng đầu tiên trong Quốc ca của Trung Hoa Dân Quốc: “Tam Dân chủ nghĩa, Ngô đảng sở tông…” có nghĩa là chủ nghĩa Tam Dân là điều căn bản nhất của Quốc Dân Đảng.

Tôn Trung Sơn 孫中山. (Ảnh qua Wikipedia)

Năm 1894, khi Hưng Trung Hội (Hội chấn hưng Trung Hoa) được thành lập, Tôn Dật Tiên mới theo đuổi hai mục tiêu: dân tộc và dân quyền. Ông chưa có được yếu tố thứ ba, là yếu tố về phúc lợi. Năm 1896, ông bắt đầu chuyến viếng thăm châu Âu 3 năm của mình. Về nước, năm 1900, ông phát động cuộc khởi nghĩa Huệ Châu nhưng thất bại. Tôn Dật Tiên phải ra nước ngoài, tới Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Canada. Mãi năm 1905, khi ông viếng thăm châu Âu một lần nữa, ông mới đưa ra triết lý chính trị của mình trong một bài phát biểu tại Brussels. Tại rất nhiều thành phố ở nước ngoài, Tôn Dật Tiên đã thành lập các nhánh của Hưng Trung Hội. Sau đó, khi Đồng Minh Hội được thành lập, Tôn Dật Tiên đã công bố triết lý của mình trên tờ Dân báo.

Tôn Dật Tiên.孫逸仙 (Ảnh qua Wikipedia)

Triết lý của Tôn Dật Tiên chịu ảnh hưởng lớn từ trải nghiệm của ông tại Mỹ quốc và hàm chứa nhiều yếu tố được rút ra từ các cuộc cải cách ở nước này. Ông cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Ông đã trích dẫn một đoạn trong diễn văn Gettysburg nổi tiếng của Abraham Lincoln: “một chính quyền của dân, do dân và vì dân”, và cho rằng đó là nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa Tam Dân của mình. 

Chủ nghĩa tam dân bao gồm ba yếu tố cơ bản nhất là: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.

Trong đó, dân tộc độc lập có ý nghĩa rằng các dân tộc trên đất nước Trung Hoa không bị thế lực ngoại lai xâm chiếm. Tôn Dật Tiên cho rằng, để thực hiện được điều này, người Trung Hoa phải hình thành một tinh thần Trung Hoa, không phân biệt dân tộc riêng lẻ. Năm tộc lớn là người Hán, người Mông Cổ, người Tây Tạng, người Mãn Châu, và người Duy Ngô Nhĩ phải đồng lòng, và sử dụng một lá cờ gồm có 5 màu (lá cờ cộng hòa của Trung Quốc sử dụng trong giai đoạn 1911-1928)

.
Lá cờ 5 màu. (Ảnh qua Wikipedia)

Dân quyền tự do chính là một “chính quyền của dân”. Người dân có bốn quyền lợi chính trị căn bản: tuyển cử (選舉), bãi miễn (罷免), sáng chế (創制), và phức quyết (複決). Nó tương ứng với quyền công dân ở phương Tây. Đối với Tôn Dật Tiên, điều này có thể hiện thực hóa bằng một chính phủ có hiến pháp, giống như chính phủ Mỹ quốc. Chính phủ “ngũ quyền phân lập” so với “tam quyền phân lập” ở phương Tây. Nó được thể hiện ở 5 viện chịu trách nhiệm: lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiểm sát và thẩm tra.

Dân sinh hạnh phúc có hàm ý về phúc lợi xã hội. Ý tưởng này của Tôn Dật Tiên được ảnh hưởng bởi nhà tư tưởng Henry George, chủ yếu tập trung vào phương pháp cải cách thuế. Trong đó, cuộc cải cách ruộng đất đạt được kết quả tốt đẹp ở Đài Loan chính là một ví dụ trực tiếp. Tôn Dật Tiên cũng phân chia dân sinh hạnh phúc thành 4 lĩnh vực: quần áo, thức ăn, nhà cửa và y tế. Điều đáng tiếc là Tôn Dật Tiên qua đời trước khi ông kịp giải thích cặn kẽ cái nhìn của mình về 4 lĩnh vực này.

Chủ nghĩa Tam Dân đều được Quốc Dân Đảng (cho tới ngày nay) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (dưới thời Mao Trạch Đông) thực thi, tuy nhiên kết quả thì lại rất khác biệt. Một bên trân trọng tinh thần tự do của phương Tây mà Tôn Dật Tiên theo đuổi, một bên sử dụng nó như một vỏ ngoài tuyên truyền cho cốt lõi là một học thuyết khác.

Minh Nhật
Theo: trithucvn

No comments: