Tuesday, March 5, 2019

THIÊN HẠ VÔ SONG (天下無雙)

Câu thành ngữ “Thiên hạ vô song” ý nói trong thiên hạ không có người thứ hai giống như vậy. Câu thành ngữ này có nghĩa tương đương với câu “Độc nhất vô nhị”. Có thể nhiều người đã nghe đến câu thành ngữ này nhưng nguồn gốc của nó từ đâu thì không nhiều người biết rõ.

(Hình minh họa)

Về nguồn gốc của câu thành ngữ này, xưa nay đều tồn tại hai loại thuyết pháp như sau:

Thuyết pháp thứ nhất có liên quan đến công tử nước Ngụy là Tín Lăng Quân: Tần Vương muốn tiến quân đánh nước Ngụy. Vua Ngụy mệnh lệnh phong Tín Lăng Quân làm Thượng tướng quân. Tín Lăng Quân dẫn quân của sáu nước đồng minh là Ngụy, Tề, Hàn, Sở, Yến, Triệu đánh bại quân Tần ở Nam Ngạn, Hoàng Hà. Quân của Tín Lăng Quân thừa thắng xông lên, uy hiếp Hàm Cốc Quan.

Lúc ấy, danh tiếng của Tín Lăng Quân uy chấn thiên hạ. Ông hiểu rõ binh pháp, bởi vậy, các quốc gia chư hầu phàm là có các sáng tác binh pháp thì đều mang đến thỉnh giáo ông, nhờ ông xem qua. Bởi vì các sáng tác binh pháp này đều được Tín Lăng Quân xem qua, nên được xưng là “Binh Pháp Ngụy Công Tử”. Thái độ xử thế của Tín Lăng Quân được người đương thời ca ngợi là “Thiên hạ vô song” (không ai trong thiên hạ sánh được).

Đôi nét về Tín Lăng Quân: Tín Lăng Quân tên thật là Ngụy Vô Kỵ là công tử nước Ngụy thời Chiến Quốc. Ngụy Vô Kỵ là con út vua Ngụy Chiêu Vương, em cùng cha khác mẹ với Ngụy An Ly Vương. Năm 277 TCN, Ngụy Chiêu Vương chết, Ngụy An Ly Vương lên ngôi, phong Ngụy Vô Kỵ là Tín Lăng Quân. Vì vậy người đời sau đều gọi ông là Tín Lăng Quân.

Vào lúc nhà Ngụy bị suy sụp, Tín Lăng Quân học theo Mạnh Thường Quân và Bình Nguyên Quân coi trọng người hiền, thu thập thực khách, bồi dưỡng kẻ sĩ lên đến mấy ngàn người, thành một thế lực mạnh. Ông chiêu hiền đãi sĩ, khi người khác gặp khó khăn không có người giúp đỡ, Tín Lăng Quân sẽ thu nạp họ. Ông từng cầm quân đánh bại quân Tần, cứu nguy cho Triệu quốc và Ngụy quốc. Nhưng Tín Lăng Quân nhiều lần bị Ngụy An Ly Vương hiềm nghi nên không được ban cho trọng trách quan trọng.

(Hình minh họa: Qua pinterset)

Thuyết pháp thứ hai: Thời cổ đại, Hoàng Hương là người Giang Hạ, Hồ Bắc (nay là thành phố Vũ Hán). Năm Hoàng Hương lên chín tuổi thì mẹ cậu qua đời, cha của cậu là một vị quan nhỏ. Hai cha con họ sống nương tựa vào nhau, cuộc sống bần cùng khốn khổ. Hoàng Hương là người có tri thức rộng, lại hiểu biết lễ nghĩa, đối với cha vô cùng hiếu thảo. Hàng ngày cậu đều giành làm những công việc tương đối nặng nhọc để cho cha mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Vào ngày hè nóng bức, Hoàng Hương biết cha mình không chịu được nóng, thời tiết nóng thường làm ông không ngủ được, lại còn bị muỗi đốt nữa. Vì thế mà mỗi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương thường dùng quạt quạt gối và chiếu cho mát, rồi đuổi muỗi xong mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị lạnh, cậu bèn nằm trên giường ủ ấm chăn chiếu, rồi mới mời cha lên giường nghỉ ngơi.

Sau này, Hoàng Hương lớn lên làm quan. Khi ông đảm nhận chức Thái Thú ở Ngụy Quận một lần bị nạn lũ lụt, nhà cửa ở địa phương bị nước lũ cuốn trôi, nhiều người không còn nhà để về, không đủ cái ăn cái mặc. Hoàng Hương bèn lấy hết gia sản và bổng lộc của mình cứu đói những người dân gặp nạn.


Lòng hiếu kính đối với cha, tri thức uyên bác và lòng yêu thương dân chúng của Hoàng Hương khiến người đời ca ngợi không ngớt. Lúc ấy trong kinh thành truyền lưu một câu ca dao dân gian: “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng Hương” (天下無雙 江夏黃香), tức là hiếu thuận như Hoàng Hương ở quận Giang Hạ, e rằng thiên hạ không có người thứ hai.

An Hòa (dịch và t/h)

No comments: