Nơi đây không những có phong cảnh đẹp, thiên nhiên hữu tình như một bức tranh lộng lẫy mà còn sở hữu vô số chùa chiền cổ xưa, có tuổi đời lên đến cả ngàn năm.
Cửu Hoa Sơn được tổ chức thế giới UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên của nhân loại. Bất kể đi hành hương hay đến du lịch, điểm đến này sẽ đem lại cho du khách những phút giây đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên ấn tượng cũng như hiểu thêm về văn hóa Phật giáo Trung Hoa.
Đỉnh chín hoa sen sẽ làm cho du khách có những phút giây đắm chìm giữa thiên nhiên và hiểu thêm về văn hóa Phật giáo Trung Hoa
Theo nhiều tài liệu, Cửu Hoa Sơn theo nghĩa đen là “đỉnh chín hoa sen” được đặt tên theo chín đỉnh cao nhất trong số 99 đỉnh ở khu vực núi Cửu Hoa. Theo ghi chép lịch sử, vào năm 719 trước Công nguyên, có một vị hoàng tử nước Tân La (Hàn Quốc ngày nay), tên là Kim Kiều Giác xuất gia từ nhỏ. Vì nghe danh của ngài Huyền Trang nên Kim Kiều Giác quyết định đến Trung Quốc vào thời Đường Huyền Tông, lên Cửu Hoa Sơn tu hành. Sau đó xây chùa thu nạp nhiều tín đồ, dần Cửu Hoa Sơn thành một Thánh địa Phật giáo cực thịnh đương thời.
Sau 75 năm khổ luyện tu hành, năm 99 tuổi, Kiều Kim Giác bỗng nghe một tiếng gọi mơ hồ thì biết mình sắp chết liền gọi đệ tử đến dặn dò, rồi ngồi vào trong chum mà viên tịch. Ba năm sau, đệ tử mở nắp chum ra để an táng, thấy da thịt vẫn còn nguyên, sắc diện hồng hào như khi còn sống, khi nhấc ra thì các khớp xương dao động thành tiếng lách cách. Phật giáo bảo đó là Bồ Tát truyền thế bèn đem thi thể đặt vào trong tháp, gọi tháp là Địa Tạng Nhục Thân tháp.
Cửu Hoa Sơn - một trong bốn thánh tích nổi tiếng của Phật giáo Trung Hoa
Cửu Hoa Sơn hiện có 99 ngôi chùa với gần 1.000 tăng ni sinh sống và có hơn 10.000 pho tượng Phật, khoảng 2.000 loại văn vật lịch sử quý hiếm. Chưa kể, từ thời nhà Đường đến nay, ở đây còn có 15 pho tượng Nhục Thân (tượng sống) nhưng hiện chỉ có lại khoảng 5 pho tượng để cho du khách thập phương đến chiêm bái.
Trở lại với Cửu Hoa Sơn, đây là một rặng núi cao. Đường lên núi nằm trong một rừng cổ thông. Đoạn cuối cùng lên đỉnh là một tầng cấp với 84 bục đá xanh. Ngoài khu vực thánh địa của Phật giáo, nơi đây còn có phong cảnh hữu tình. Núi non hùng vĩ, tráng lệ với các loại núi đá có hình thù kỳ dị lung linh hòa vào màu xanh của rừng tùng bạt ngàn.
Du khách chinh phục Cửu Hoa Sơn để cảm nhận được núi non hùng vĩ, rừng xanh bạt ngàn
Bên cạnh đó, Cửu Hoa Sơn còn được tô điểm bởi màu trắng xóa của những dòng suối từ khe núi đổ xuống như những dải khói sương mờ đan quyện vào nhau tạo nên một không gian bí ẩn, huyền ảo. Khi lên đến đây, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn những kỳ quan thiên nhiên với biển mây dày đặc hay cảnh mặt trời mọc, thậm chí là ánh phật quang... Nhờ vậy, Cửu Hoa Sơn còn được biết đến như “Liên Hoa Phật Quốc”, “Tú Giáp Giang Nam”...
Núi Cửu Hoa bao gồm năm khu danh lam thắng cảnh chính: Hóa Thành tự, Vạn Niên tự, Kỳ Viên tự, Địa Tạng thiền tự, đỉnh Thiên Thai…
Là ngôi đền cổ nhất và linh thiêng nhất trên Cửu Hoa Sơn - Hóa Thành tự. Nơi đây gắn với hình tượng của Địa Tạng với hai bên tượng họa Thập điện Diêm Vương. Chánh điện được xây dựng trên một sân thượng với những cột đá cao, tường đỏ, gạch sắt, cẩm thạch trắng kết hợp các bản khắc trên vải, giá đỡ và mái nhà tạo nên một không gian nghệ thuật sống động.
Hóa Thành tự - ngôi đền cổ nhất và linh thiêng nhất với không gian nghệ thuật sống động
Đặc biệt, tại đây còn có bức tranh “Chín con rồng đang chơi với ngọc trai” là một tác phẩm nghệ thuật cổ xưa của Trung Quốc. Chưa kể, Hóa Thành tự còn lưu giữ cả các tài liệu, kinh điển của Phật giáo từ thời nhà Đường, nhà Minh và các bản viết tay của Hoàng đế Khang Hy và Hoàng đế Càn Long còn lại từ thời nhà Thanh.
Trong Hoá Thành tự còn có chùa Địa Tạng Bồ Tát bằng gỗ bảy tầng với chân đế bằng đá cẩm thạch trắng. Bên trong chùa, du khách có thể thấy tượng Bồ tát Địa Tạng và hơn 100 bức tượng rất tráng lệ và trang nghiêm cùng với các bài kinh xưa khắc họa trên ống tre nay còn được lưu giữ.
Bên trong Hóa Thành tự với các tài liệu, kinh điển của Phật giáo còn được lưu giữ cho đến ngày nay
Tiếp đến là Vạn Niên tự - chùa cổ có năm tầng bao gồm cổng trước, hội trường lớn, nhà hàng chay,… Đây là nơi lưu giữ nhục thân 350 năm tuổi của Vô Hà đại sư ngồi trong lồng kính. Dù đã từng trải qua hỏa hoạn vào thời Khang Hy hay chiến chinh, loạn lạc thời Hàm Phong nhưng ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn. Điều đó càng làm cho khách hành hương đến viếng tin tưởng vào sự linh thiêng của Vạn Niên tự.
Hội trường lớn của Cửu Hoa Sơn với 500 tượng La Hán
Các tài liệu lưu giữ nhục thân của các vị thiền sư ở Cửu Hoa Sơn
Gần Vạn Niên tự là Hội trường với 500 tượng La Hán với những đủ sắc diện phong phú. Đặc biệt, khi đến tầng quan sát của Vạn Niên tự, du khách có thể quay về hướng đông để có một cái nhìn rộng lớn về những ngọn núi trong hình dạng của Phật ngủ huyền diệu với đầu hướng lên bầu trời sống động, kỳ bí.
Du khách có thể nhìn thấy những ngọn núi trong hình dạng của Phật ngủ huyền diệu với đầu hướng lên bầu trời sống động, kỳ bí
Bên cạnh đó còn có Kỳ Viên tự được xây trong đời nhà Minh thế kỷ thứ 16 với Đại hùng bảo điện cao 43m. Điều nổi bật của chùa chính là có ba bức tượng tuyệt đẹp của Thích ca, A di đà và Dược Sư Phật để du khách đến chiêm bái. Chưa kể, dạo quanh ngôi đền, du khách còn có thể xem một chiếc nồi nấu bằng đồng khổng lồ có thể dùng làm đầu bếp cho khoảng 1.000 nhà sư tại đây.
Tiếp đến, trên đỉnh Thiên Thai - ngọn núi cao 1325m của Cửu Hoa Sơn, du khách còn có thể tham quan Địa Tạng thiền tự, là nơi phải đến khi hành hương ở Cửu Hoa Sơn. Bởi đỉnh núi này được xem là đỉnh chính ở Cửu Hoa Sơn. Khung cảnh thiên nhiên tráng lệ khi nhìn từ một trong 99 đỉnh núi ở đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.
Đỉnh Thiên Thai với khung cảnh thiên nhiên tráng lệ
Thêm vào đó, ở phía Tây của đỉnh Thiên Thai còn có hòn đá tên gọi “Đại Bàng Thính Kinh Thạch”. Chuyện kể rằng, ngày xưa, khi ngài Kiều Kim Giác, tức là Địa Tạng Bồ Tát khi chưa đắc đạo hay giảng kinh tại đây. Một chú chim đại bàng hằng ngày nghe Bồ Tát giảng kinh, chính sự từ bi và thấu hiểu thế gian của Địa Tạng đã cảm hóa chú đại bàng, sau này nó hóa thành đá. Cho nên hòn đá ấy mới có cái tên nghĩa là đá đại bàng nghe kinh.
Dấu tích Phật giáo trên đỉnh Thiên Thai của Cửu Hoa Sơn
Xung quanh đỉnh Thiên Thai còn tập hợp nhiều hang động huyền bí, đá núi hùng vĩ, cây cối xanh tươi và nhiều ngôi chùa cổ khác. Thậm chí có nhiều ngôi cổ tự nổi tiếng qua nhiều thời đại phong kiến và được bảo tồn đến ngày nay như Địa Tạng Thiền Lâm, Cổ Bái Kinh Đài, Đại Bi Viện, Quan Âm Phong Thượng Viện, Thúy Vân Am, Đạo Tăng Động, Vô Đáy Động...
Một số hang động, địa điểm huyền bí khác trên đỉnh Thiên Thai
Bởi từ trên đỉnh nhìn xuống, du khách có thể tận hưởng được cảnh rộng lớn của núi non và sông Trường Giang như con rồng đang buông mình ngơi nghỉ, vắt ngang qua mặt đất, lượn mình về phía xa xa của cõi hư không vô tận.
Có lẽ chính bởi khung cảnh ấn tượng của nơi đây mà các đời danh sĩ, văn nhân trước giờ đều dừng chân tại núi Cửu Hoa để viết chữ, vẽ tranh... Trong đó, Thi Tiên Lý Bạch khi đến đây đã từng ngợi ca:
“Diệu hữu phân nhị khí
Linh Sơn khai cửu hoa”
Nghĩa là:
“Diệu hữu phân trời đất
Linh Sơn nở chín hoa”
Theo: VYC Travel
No comments:
Post a Comment