Câu kỷ tử được tôn vinh là siêu thực phẩm. Ảnh: granolaguy
Vùng núi tây bắc Trung Quốc là một vùng trù phú. trên bờ sông Hoàng Hà và dưới bóng râm của dãy núi Lục Bàn, người dân vùng Ninh Hạ đã trồng một trong những thực phẩm được săn lùng nhất ở châu Á trong nhiều thế kỷ.
Loại quả mọng nhỏ, hình bầu dục ấy được gọi là “kim cương đỏ”. Vì nó được cho là có khả năng chống lão hóa, được xem là siêu thực phẩm của thế giới. Nhưng đối với người Trung Quốc, đã sử dụng từ thế kỷ thứ 3, nó chỉ đơn giản là câu kỷ tử, hay kỷ tử.
Quả câu kỷ tử được được trồng trên khắp Trung Quốc, nhưng địa chất độc đáo của Ninh Hạ mới tạo ra phiên bản được tôn sùng nhất: sự kết hợp giữa gió núi mát lạnh, thổ địa giàu khoáng và những thứ dây leo được tưới bằng nước sông Hoàng Hà nổi tiếng làm cho quả câu kỷ tử ở đây được đánh giá cao.
Những người nông dân Ninh Hạ ngày nay vẫn thu hoạch câu kỷ tử giống như cách họ đã làm trong suốt lịch sử. Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, những người nông dân cúi mình thu hoành những quả mọng màu cà chua trong những bụi cây cao tới eo. Họ khéo léo nhổ một nắm quả mọng từ dây leo rồi thả chúng vào giỏ tre đan.
Người dân Ninh Hạ vẫn thu hoạch câu kỷ tử như cách họ đã làm suốt chiều dài lịch sử. Ảnh: China Daily
Tình yêu của Trung Quốc với quả câu kỷ tử đã có từ hàng trăm năm trước. Người ta cho rằng nó là một loại dược liệu quý. Trong văn bản lâu đời nhất (từ thế kỷ 16) còn lưu lại đến ngày nay đã ghi lại tác dụng tuyệt vời của thứ quả mọng này.
Người Trung Quốc xem quả câu kỷ tử vừa là một loại trái cây vừa là một loại thảo mộc. Nó chứa nhiều vitamin C, chất chống oxy hóa, axit amin và khoáng chất vi lượng, được các bác sĩ y học cổ truyền kê đơn tăng cường chức năng gan và thận. Các bà mẹ nói rằng ăn nó sẽ tốt cho mắt, vì có chứa carotene.
Ở nhà, người Trung Quốc rắc quả câu kỷ tử khô, cùng táo tàu và gừng để làm nên món gà hầm bổ dưỡng. Hoặc cho vào một bình trà hoa cúc để tăng cường vitamin. Khi các bác sĩ y học cổ truyền kê đơn cho bệnh nhân, họ thường kết hợp nó với các loại thảo mộc khác.
Trà câu kỷ tử được ưa chuộng. Ảnh: @asianinspirations
Tuy nhiên, không phải lúc nào câu kỷ tử cũng tốt. Chẳng hạn như người cơ thể ôn hàn, người cảm sốt, viêm nhiễm hay đau họng, thầy thuốc sẽ khuyên họ ngưng dùng câu kỷ tử trong thời gian trị liệu. Người bệnh tiểu đường, tiêu chảy, hay có nhu cầu cao trong sinh hoạt vợ chồng cũng không nên dùng. Nhưng trong trạng thái bình thường, thì nhìn chung, câu kỷ tử phù hợp với tất cả mọi người.
Quả câu kỷ tử từ lâu đã là một phần của văn hóa Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng hơn 2.000 năm trước, một thầy thuốc đến thăm một ngôi làng ở Trung Quốc, nơi mọi người đều hơn 100 tuổi. Ông ta phát hiện ra rằng tất cả họ đã uống từ một cái giếng được bao quanh bởi những bụi câu kỷ tử. Người ta cho rằng, khi quả chín, nó sẽ rơi xuống giếng và các chất của nó sẽ thấm vào nước.
Một truyền thuyết khác là một tên Lý Thanh Vân, một người buôn bán thảo dược, võ sĩ, và cố vấn binh lược người Trung Quốc, sống ở thế kỷ 17 đời nhà Thanh, đã ăn quả câu kỷ tử mỗi ngày, nên đã thọ đến 252 tuổi.
Có nhiều truyền thuyết xung quanh thử quả mọng nhỏ bé này. Ảnh: @ superfoodschool_
Thời gian trôi qua, câu kỷ tử thời cổ đại nay trở thành một siêu thực phẩm ở cả Trung Quốc và thế giới. Họ không ăn cháo câu kỷ tử như các bậc tiền nhân, mà cho vào những bình trà dưỡng nhan của mình. Một nghiên cứu năm 2019 của Agility Research & Strategic về thế hệ trẻ ở Trung Quốc cho thấy thế hệ này coi cuộc sống lành mạnh là ưu tiên chính, thậm chí hơn cả tiền bạc, sự nghiệp, hưởng thụ cá nhân và có gia đình.
Câu kỷ tử cũng trở nên phổ biến với người dùng quốc tế. Với danh hiệu siêu thực phẩm, người dân phương Tây đang trả tới 10 USD cho một gói câu kỷ tử, gấp ba lần giá ở châu Á.
Câu kỷ tử được gọi là “kim cương đỏ” vì người ta tin rằng nó có sức mạnh chống lão hóa. Ảnh: @andikasonata
Được giá, người ta nô nức đưa nhiều câu kỷ tử vào siêu thị hơn. Trong khi những người nông dân ở Ninh Hạ hái 180.000 tấn quả câu kỷ tử mỗi năm, họ bán hầu hết sản phẩm dưới dạng quả khô vì thời gian sử dụng ngắn. Câu kỷ tử sẽ chín nhanh trong nắng hè, điều đó có nghĩa là nông dân cần phải làm việc nhanh chóng để thu hoạch. Sau đó, chúng được phơi khô dưới ánh mặt trời. Thời gian khá nhanh chóng khi có thêm cả trợ giúp của công nghệ hiện đại.
Sức mạnh của quả câu kỷ tử dường như ngày càng mạnh lên. Tới 178 tấn câu kỷ tử khô được bán ra ở Trung Quốc trong ngày Độc thân gần đây nhất (phiên bản Thứ sáu đen của quốc gia này).
Không chỉ trà, bạn có thể cho câu kỷ tử vào các món hầm, sốt, lẩu… Ảnh: Goop
Các đầu bếp ở châu Á cũng đang sử dụng quả câu kỷ tử trong các món ăn để mang đến cho họ một chút hương vị địa phương. Đầu bếp Anna Lim được mời làm món ăn sáng phiên bản giới hạn cho người khổng lồ McDonald’s. Bà đã tạo ra món cháo thơm ngon với quả câu kỷ tử. Nó trở nên phổ biến ở Singapore đến nỗi nó được thêm vào thực đơn vĩnh viễn. “Thêm quả câu kỷ tử mang lại vị ngọt tự nhiên cho cháo. Sự kết hợp giữa rau xanh, đậu phụ trắng và quả câu kỷ tử đỏ mang đến một bữa ăn đầy màu sắc, nâng tầm món cháo đơn giản thành món ăn bổ dưỡng lành mạnh.
Bạn có thể cho một ít câu kỷ tử vào nồi cháo hoặc ấm trà, thưởng thức hương vị ngọt ngào và cảm nhận suối nguồn tươi trẻ mà nó mang lại. Ảnh: Food Gawker
Bếp trưởng Chang Hon Cheong của nhà hàng One Harbour Road nằm trong khách sạn Grand Hyatt Hong Kong luôn cố gắng mang đến cảm giác bữa cơm mẹ nấu. Ông dành hẳn một trang thực đơn cho riêng các loại cháo, súp bổ dưỡng với các thành phần truyền thống, trong đó có câu kỷ tử.
Du khách có thể ngồi trong nhà hàng kiểu biệt thự Thượng Hải, nơi Chang phục vụ các món súp mà ông đã tạo ra cùng với các bác sĩ y học cổ truyền. Mỗi ngày, đội của Chang chia nhỏ các thành phần có lợi cho sức khỏe, đặt chúng vào nồi gốm, và ninh từ từ bằng phương pháp đun cách thủy, để đảm bảo giữ được các chất dinh dưỡng và hương vị nguyên liệu nhất.
Không cần cầu kỳ đến vậy, ở nhà, bạn có thể cho một ít câu kỷ tử vào nồi cháo hoặc ấm trà, thưởng thức hương vị ngọt ngào của siêu thực phẩm, và từ từ cảm nhận suối nguồn tươi trẻ mà nó mang lại.
Phong Sa
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
No comments:
Post a Comment