Saturday, July 11, 2020

PHÙ DUNG TRẤN (芙蓉镇) VÀ TỤC KHÓC CƯỚI CỦA NGƯỜI THỔ GIA

Êm Ả Khung Cảnh Tại Phù Dung Trấn (芙蓉镇)


Phù Dung trấn, ban đầu được gọi là “Vương Thôn”, là nơi “Đại Vương” tộc người Thổ Gia sinh sống từ thời cổ đại, cũng là nơi lấy bối cảnh quay cho bộ phim cùng tên, từ đó được đổi tên thành “Phù Dung trấn”. Nhờ sự thành công của bộ phim mọi người đã biết đến thôn Vương, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hồ Nam và cũng từ đấy mọi người quen gọi là thị trấn Phù Dung.

Phù Dung trấn trên thác nước


Gần thị trấn có con sông Mãnh Động, một dòng sông vẫn còn trong lành. Người dân bắt cá ở sông về ăn, những khi đánh bắt được nhiều, họ mang vào thị trấn bán cho khách vãng lai - Tuy nhiên, đặc sản của thị trấn lại là món bánh gạo đậu phụ. Thị trấn cổ Phù Dung có nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo, hấp dẫn khách du lịch đến vùng Trương Gia Giới.


Thác nước Phù Dung bọt tung trắng xóa là thác nước lớn nhất phía Tây tỉnh Hồ Nam rộng khoảng 40m, chiều cao 60m đổ ra con sông Mãnh Động hiền hòa, hoang sơ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân tại Phù Dung trấn. Như một bức tranh phong thủy hữu tình có núi, có sông, có thác nước chảy, Phù Dung trấn hiện lên mờ ảo, mộng mị trong làn hơi nước khiến ta như được thả mình thưởng ngoạn, lạc vào động pha lê.

Gần thị trấn có con sông Mãnh Động, một dòng sông vẫn còn trong lành


Mùa thác đẹp nhất từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, cũng là mùa đẹp nhất để du lịch Trương Gia Giới. Đến thị trấn Phù Dung, dạo bước trên đường phố trải đá xanh sẽ khiến ta có thể từ trong cảnh đẹp mơ màng ấy tìm thấy những nét độc đáo của thị trấn này. Buổi sáng, hơi nước từ sông Dậu Thủy từ từ dâng lên, cả thị trấn cổ chìm đắm trong màn sương mông lung, những đường phố, nếp nhà sàn, tường khắc hoa khi ẩn khi hiện, dưới nắng ban mai hay ánh chiều tà, nhà cửa trong thị trấn cổ hiện lên mộc mạc.

Khi ánh mặt trời dần tắt để nhường chỗ cho những vì sao lấp lánh, bao trùm lên dòng sông là một thứ ánh sáng màu đỏ rực như nhuộm cả dòng sông. Du khách sẽ được thả hồn vào khung cảnh giản dị, khám phá nhiều điều thú vị, nét đặc trưng nhất của tộc người Thổ Gia sinh sống tại đây.

Những đường phố, nếp nhà sàn, tường khắc hoa khi ẩn khi hiện, nhà cửa trong thị trấn cổ hiện lên mộc mạc

Tộc Người Thổ Gia

Ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp, bạn sẽ có cơ hội cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của tộc người Thổ Gia – tộc người chiếm hơn 80% dân số ở đây. Họ thường sinh sống ở dãy núi Vũ Lăng, trên ranh giới giữa 4 tỉnh thành là Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu và Trùng Khánh. Mặc dù được gọi bằng một loạt các tên khác nhau trong các tài liệu cổ xưa, dân tộc này được ghi chép với tên Thổ Gia từ khoảng thế kỷ 14 trở đi. Tiếng Thổ Gia là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Tạng - Miến và có tương đồng về ngữ pháp và âm vị học với tiếng Di của tộc người Lô Lô ở Việt Nam.

Trang phục truyền thống của tộc người Thổ Gia


Ngày nay, văn hóa truyền thống của người Thổ Gia chỉ còn có thể nhận biết được ở những vùng khá xa xôi và hẻo lánh. Tập tục "Khóc cưới" - là tập tục thú vị mà du khách không thể bỏ qua.

Những khu phố mộc mạc với kiến trúc cổ xưa là nơi người Thổ Gia sinh sống 

Hoa văn chạm khắc trên khung cửa nhà
Những con búp bê bé xinh mặc trang phục truyền thống là món quà lưu niệm ý nghĩa

Đặc Sắc Tập Tục Khóc Cưới

Tập tục “Khóc cưới” của người Thổ Gia là nét văn hóa thu hút du khách nhất bởi sự kỳ lạ của nó. Nếu được tham gia một lễ cưới truyền thống của người dân nơi đây chúng ta sẽ được biết các cô gái Thổ Gia từ 12 - 13 tuổi đã bắt đầu học “Khóc cưới”. Họ khóc trước ngày cưới một tháng hay hai ba ngày, các cô gái dùng tiếng khóc bày tỏ nỗi lòng mình, hình thức khóc bằng lời ca có nhạc đệm. Lời hát có mô thức truyền thống, cũng có những cô gái thông minh tức cảnh tự đặt ra lời ca.

Tập tục "Khóc Cưới" của người Thổ Gia mang nhiều ý nghĩa về nhân sinh quan

Không chỉ các cô dâu mới khóc mà ngay cả cha mẹ, anh chị em trong nhà cũng khóc cưới, nhất là lúc đưa cô gái ra cửa, về nhà chồng. Theo lời giải thích của những người lớn tuổi trong gia tộc thì việc rơi nước mắt khi đám cưới là biểu hiện của sự quyến luyến, nhớ nhung gia đình, cha mẹ - những người đã sinh thành và dưỡng dục cô dâu, nay phải xa cách và không thể làm tròn đạo hiếu. Còn về phía gia đình, đó là cách bày tỏ sự yêu thương và lo lắng khi con gái mình đến môi trường sống hoàn toàn mới và sẽ vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống, nói cách khác là "trở thành con người ta".

Trấn Phù Dung “hớp hồn” du khách bởi cảnh sắc thơ mộng và hùng vĩ

Theo: VYC Travel


No comments: