Ở khu Bờ Tây(*), cây hoa gundelia đã trở thành một phần trong cuộc xung đột giữa cư dân người Palestine đã có mặt lâu đời tại đây và những người Do Thái mới đến định cư sau này. Người Do Thái coi hoa gundelia là một loại thực vật cần được bảo tồn đặc biệt, cấm thu hoạch còn với người Palestine thì hoa akkoub là một loại rau không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày từ bao đời nay. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến mối thâm thù giữa hai dân tộc cùng định cư ở khu Bờ Tây, lại có thêm một sự bất đồng ngẫu nhiên mà sâu sắc về mặt thực vật học gây bởi một loài hoa. Vào một đêm tháng 3-2018, ba chiếc xe tải của người Palestine bị lính biên phòng Israel tuần tra vùng Bờ Tây đưa về đồn, trên xe có hàng trăm bao plastic chứa đầy hoa akkoub. Năm người Palestine đã vận chuyển một lượng hoa akkoub lên đến 11 tấn – lượng hoa akkoub lớn nhất từ trước tới nay bị lính biên phòng Israel thu giữ.
Hoa akkoub trong thiên nhiên hoang dã
Nhiều người Palestine cho rằng loài hoa này tựa như thực vật lai tạo giữa actisô và măng tây, người khác thì ca ngợi vị ngọt dịu tinh tế của akkoub cũng như cho rằng nó có khả năng trị được nhiều chứng bệnh, từ tiểu đường cho tới viêm phế quản. Một số nhà nghiên cứu lại tin rằng những gai nhọn lễu của cây akkoub đã được kết thành chiếc mão gai trên đầu Chúa Jesus khi ngài bị đóng đinh trên thập giá.
Vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, khoảng thời gian các khu chợ vùng Bờ Tây tràn ngập quả hạnh nhân tươi xanh mới hái và củ cải trắng mới nhổ thì đó cũng là lúc nhiều người Palestine tỏa lên các quả đồi để thu hái hoa akkoub mọc hoang dã. Dù chỉ có ở chợ trong một tuần ngắn ngủi song akkoub là loại rau được ưa chuộng nhất. Người ta cắt hoa về, tỉa bỏ những chiếc gai nhọn, lấy phần chồi hoa để làm nguyên liệu nấu nhiều món ăn, như hầm với kishek – loại yogurt khô làm từ sữa dê hay chiên với trứng gà. Song cách chế biến hoa akkoub theo kiểu truyền thống của người Palestine là đem hầm nhừ cùng thịt rồi ăn với cơm, tuy nhiên nấu như thế sẽ không thưởng thức được hương thơm đặc trưng của hoa, một mùi hương phảng phất giữa hương actisô với rau diếp xoăn.
Nõn hoa akkoub hầm với kishek (yogurt khô làm từ sữa dê)
Món chay: gundelia hầm với đậu gà (chickpea)
Eliyahu Kamisher – nhà báo độc lập đồng thời là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu vùng Trung Đông mang tên Moshe Dayan ở Tel Aviv đã chế biến hoa gundelia theo nhiều cách hấp dẫn hơn. Một trong những cách đó là phi tỏi với bơ cho thơm rồi bỏ hoa gundelia vào áp chảo, sau đó thêm ít vang trắng, hầm nhỏ lửa khoảng 20 phút đến khi hoa mềm. Món rau thơm phức và bổ dưỡng này sẽ được ăn kèm với gan ngỗng có da bao (foie gras au torchon), bánh mì kaak được nướng trên đá nóng theo kiểu Ả Rập và xốt hành.
Nõn hoa gundelia áp chảo ăn kèm với gan ngỗng có da bao, bánh mì kaak được nướng trên đá nóng và xốt hành
Còn bếp trưởng Fadi Kattan, người quản lý nhà khách Hosh al-Syrian và quán cà phê Fawda ở thành phố Bethlehem vẫn nhớ cách mà mẹ của ông nấu món ăn với hoa akkoub: rán hoa với nước cốt chanh và xốt bơ vừng tahini. Trong nhà hàng của mình, Fadi Kattan chiên nõn hoa akkoub với dầu chiết xuất từ ngò tây và ăn kèm hạt lựu, hoặc nhúng nõn hoa vào sô-cô-la cùng với hạt hồ trăn (pistachio).
Nidal al-Q’ua, 46 tuổi, là một sĩ quan tình báo của quân đội Palestine nhưng nông nghiệp mới là đam mê thực sự của ông. Vào những sáng mùa xuân, Nidal leo lên những ngọn đồi gần quê nhà ông ở Beit Lid, cách Jerusalem gần 70km về phía đông bắc để tìm hái hoa akkoub mà nếu mua ở chợ có giá tới 20 USD/kg. Nidal lớn lên với những món ăn nấu từ hoa akkoub mà mẹ ông tìm hái trên đồi vào mùa xuân. Vợ ông, Rana, 32 tuổi, trở thành người mê hoa akkoub kể từ khi lấy ông mười năm trước. Vào mùa hoa akkoub, vùng đất họ sinh sống chộn rộn những người thu hoạch và mua bán loại thực vật này. Các gia đình người Palestine mua thật nhiều hoa akkoub để dự trữ trong tủ lạnh và sẽ nấu ăn vào tháng chay Ramadan của người theo đạo Hồi.
Nõn hoa akkoub
Thế nhưng việc thu hái hoa akkoub trở thành bất khả những năm gần đây, bởi chính quyền Israel khu Bờ Tây cho rằng việc buôn bán hoa akkoub sẽ dẫn tới tận diệt loài thảo mộc hoang dã này. Họ đưa hoa akkoub vào danh sách các loài thảo mộc cần được bảo vệ, những người bất tuân sẽ bị phạt hàng ngàn USD và có thể bị giam giữ. Việc cấm đoán này không chỉ ảnh hưởng tới bữa ăn hằng ngày của cư dân Palestine mà còn ảnh hưởng tới cả lợi ích kinh tế của nhiều người. Sức ép của cả hai phía đe dọa đến sự phát triển của cây hoa akkoub trong tự nhiên, hoặc đe dọa đến sự tồn tại của chúng trong môi trường văn hóa bản địa.
Thật ra, gundelia hay akkoub là một loại cây lưu niên “khó tính”; bộ rễ của nó ngủ đông suốt mùa hè, đến mùa thu cây lại đâm chồi, phát triển vào mùa đông và cho hoa vào đầu mùa xuân: những nụ tím nhạt khi nở thành hoa màu vàng rồi sẽ khô đi, rụng xuống để hạt rắc vào đất, mọc thành những bụi cây và tiếp tục chu kỳ sinh-diệt. Nếu thu hoạch hoa trước khi quá trình nêu trên hoàn tất, cây akkoub sẽ không thể phát triển, lan rộng. Không chỉ có nhiều ở khu Bờ Tây, cây hoa akkoub còn mọc ở Liban, đảo Sip, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng nhiều xứ sở khác. Tuy nhiên, các nhà sinh thái học Israel từng theo dõi việc thu hoạch akkoub của người Palestine ở khu Bờ Tây đã hết sức lo âu. Bởi loài thực vật này cho hương vị thơm ngon nhất là trước khi chồi của chúng nở thành hoa, khi đó cái nõn màu xanh của nó thật mềm và ngọt.
Do vậy hoa dễ bị hái nhất lúc còn non, trước khi hạt của chúng bay vào đất. Ori Fragman-Sapir, giáo sư Trường Đại học Hebrew ở Jerusalem và là chủ biên tạp chí online Flora of Israel cho biết ông đã từng chứng kiến những thảm hoa gundelia nở rộ nhưng dần dà bị thu hẹp lại, và ở nhiều phần phía nam khu Bờ Tây chúng đã biến mất hẳn. “Nếu người ta hái chúng chỉ để dùng cho gia đình thì không có vấn đề gì, nhưng loài hoa này được thu hoạch với mục đích thương mại. Dù không phải là thực vật quý hiếm, gundelia đang có nguy cơ bị tận thu”, ông nói. Cũng theo giáo sư Ori Fragman-Sapir, vẫn chưa muộn để người Palestine thích nghi với thực tại và cách tốt nhất là trồng loại hoa này thay vì chỉ thu hái chúng trong thiên nhiên.
Đôi vợ chồng Rana – Nidal ở trong số những người Palestine đầu tiên thử nghiệm trồng hoa akkoub với mục đích thương mại. Rana đã bỏ ra hai tháng nhặt hạt hoa akkoub trên các ngọn đồi để gieo trồng vụ mùa đầu tiên vào năm 2015 và thu hoạch vụ hoa akkoub đầu tiên vào năm 2017. Khoảng 1.000kg đã được bán sạch chỉ trong một tuần và cư dân ở Beit Lid đã biết đến sản phẩm hoa của Rana. Bà hy vọng sẽ mở rộng vùng trồng akkoub lên đến 5 hécta, trở thành nguồn cung chính hạt giống akkoub ở Bờ Tây. Chỉ còn cách đó mới mong cuộc chiến tranh hoa có khả năng kết thúc…
(*) Bờ Tây là một vùng lãnh thổ bao gồm cả Đông Jerusalem, gần bờ biển Địa Trung Hải, có diện tích 5.640km2 cùng diện tích mặt nước 220km2, với khoảng gần 2,8 triệu người Palestine và khoảng hơn 500.000 người định cư Israel (số liệu năm 2015). Cộng đồng quốc tế coi các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp theo luật quốc tế
Thu Thảo
Note: Sau nhiều thập niên cấm hái hoa Akkoub, hiên nay Israel đã cho phép thu hoạch. Đọc link dưới đây:
No comments:
Post a Comment