Em gái Hitler trong một bức ảnh thời trẻ. Ảnh: foreignpolicyi.org
Vào năm 1930, một phụ nữ tên là Paula Hiedler bị sa thải khỏi một công ty bảo hiểm ở Vienna, Áo. Paulalà một công nhân chăm chỉ, một tài sản quý với công ty, cô nghĩ vậy. Vậy tại sao cô lại bị đuổi việc đột ngột khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang manh nha? Hóa ra, đó là vì họ của cô ấy.
"Hiedler" chỉ đơn giản là một họ của Đức, nhưng cách đánh vần ít truyền thống của nó lại không như vậy. Paula đã sử dụng cách đánh vần truyền thống, còn anh trai cô, Adolf đã chọn một phiên bản khác: "Hitler", và hắn đã biến nó thành một trong những cái tên bị ghét nhất trong lịch sử nhân loại.
Paula Hitler, sinh năm 1896, là con út trong một gia đình trung lưu người Đức gốc Áo, và là người em cùng cha cùng mẹ duy nhất của Adolf Hitler sống tới khi thành niên (bốn người anh em khác của của Hitler đã chết khi còn nhỏ, và trùm Quốc xã còn có hai người em cùng cha khác mẹ). Khi Paula lên 6 tuổi, cha cô là Alois qua đời do bị xuất huyết màng phổi và người mẹ Klara phải cáng đáng cả gia đình.
Klara Hitler, mẹ của Adolf và Paula Hitler, vào những năm 1870. Ảnh: Wikimedia Commons
Klara chuyển hai đứa con nhỏ từ nhà cũ ở Leonding đến một căn hộ khiêm tốn ở Linz, thành phố nhỏ ở miền Bắc Áo. Họ sống đạm bạc trong vài năm, nhờ tiền trợ cấp của chính phủ mà người chồng Alois để lại. Bà Klara không đi làm, mà dành trọn thời gian chăm sóc cho các con.
Thật không may, chỉ 5 năm sau cái chết của chồng, Klara cũng qua đời vì ung thư vú. Mới chỉ 11 tuổi, Paula lớn lên dựa vào người anh trai hơn cô 7 tuổi và sống thu mình từ khi mẹ bệnh nặng. Sau khi mẹ chết, Adolf chuyển đến Vienna còn Paula Hitler vẫn ở trong căn hộ nhỏ của gia đình ở Linz. Adolf sau đó không nhận phần trợ cấp của mình mà dành cả cho em gái.
Paula sống lặng lẽ, thỉnh thoảng viết thư cho anh trai - người đang nuôi những kế hoạch lớn hơn.
Ngôi nhà thời thơ ấu của anh em Hitler ở Leonding, Áo. Ảnh: Wikimedia
Em gái Quốc trưởng
Đầu những năm 1920, Paula Hitler chuyển đến Vienna. Mặc dù anh trai cô tiếp tục theo đuổi giấc mơ lớn của mình là trở thành một họa sĩ và một nhà lãnh đạo công chúng, Paula chọn cuộc sống yên tĩnh, đơn giản hơn. Cô làm quản gia cho một vài gia đình giàu có ở Vienna và một ký túc xá Do Thái.
Người ta biết rất ít về những khuynh hướng chính trị của Paula Hitler. Cô làm việc trong ký túc xá của người Do Thái, và không bao giờ biểu lộ bất kỳ sự căm ghét nào với các cư dân ở đây. Cô cũng không tham gia bất kỳ hành động hỗ trợ nào cho anh trai và chưa bao giờ gia nhập Đảng Quốc xã.
Tuy nhiên, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vào khoảng thời gian đầu Thế chiến II, cô đã đính hôn với Erwin Jekelius. Jekelius là một sĩ quan Quốc xã và là một trong những người phụ trách phòng khí độc, liên quan đến cái chết của ít nhất 4.000 người Do thái. Cuộc hôn nhân cuối cùng đã bị Adolf Hitler cấm ngặt. Trùm Quốc xã đày Jekelius đến Mặt trận phía Đông, nơi hắn ta chết trong một trại tù binh chiến tranh của Liên Xô.
Mặc dù hiểu biết về những gì Hitler đã làm với người dân Đức, trong đầu Paula Hitler vẫn có một sự phân đôi kỳ lạ. Rõ ràng cô không ủng hộ anh trai của mình, cả hành động chính trị và xã hội, nhưng cũng có tài liệu cho rằng cô rất ngưỡng mộ anh trai. Trong một cuộc thẩm vấn vào tháng 6/1946 với Quân đội Mỹ, Paula nói rằng cô đã không tin anh trai đã ra lệnh sát hại hàng triệu người. Người đó, với Paula, không giống người anh mà cô biết.
Adolf Hitler (ảnh năm 1937), được ví như "con quái vật" trong lịch sử nhân loại. Ảnh: Wikimedia Commons
Tuy nhiên, vào năm 2005, một tạp chí đã tuyên bố rằng mối quan hệ có lúc sóng gió đã từng tồn tại giữa hai anh em khi còn nhỏ. Giống như cha Adolf đã đánh hắn ta, Hitler cũng từng đánh Paula sau cái chết của mẹ. Tuy vậy, Paula lại tin rằng đó là vì anh trai muốn dạy bảo mình và chỉ muốn giữ cô đi đúng hướng.
Sau khi cô mất việc, Hitler đã hỗ trợ tài chính cho em gái. Trong suốt cuộc chiến và ngay cả đến trước khi tự sát vào năm 1945, hắn vẫn tiếp tục gửi tiền và bày tỏ sự lo lắng cho Paula.
Thời kỳ hậu Hitler
Sau chiến tranh, Paula Hitler đã bị tình báo Mỹ bắt giam để thẩm vấn. Cô giải thích rằng mặc dù yêu quý anh trai mình và nhận được hỗ trợ tài chính, cô chỉ gặp Hitler một hoặc hai lần mỗi năm trong cả thập niên, và thực sự rất ít liên lạc với anh. Paula cũng tuyên bố chỉ gặp Eva Braun, cô dâu xấu số của Hitler, đúng một lần trong suốt 10 năm đó.
Em gái Hitler sau khi bị quân Đồng minh bắt giữ vào tháng 5/1945. Ảnh: Getty Images
Cuối cùng cô đã được Quân đội Mỹ trả tự do và quay trở lại Vienna, tiếp tục sống giản dị nhờ tiền tiết kiệm.
Khi số tiền từng được anh trai hỗ trợ đã hết, Paula xin làm tại một cửa hàng thủ công địa phương. Năm 1952, cô chuyển đến Berchtesgaden, Đức, sống tại một vùng núi ngay ngoại ô thành phố Salzburg và đổi tên thành Paula Wolff.
Cái tên này không có mối liên hệ rõ ràng nào với gia đình Hitler, mặc dù đối với Paula nó có một ý nghĩa: Wolff là biệt danh mà anh trai cô được gọi khi còn là một đứa trẻ, và cũng được hắn sử dụng làm mật danh suốt thời gian làm Quốc trưởng.
Trong thời gian ở Berchtesgaden, Paula Hitler được giám sát chặt chẽ - có lẽ cô cũng không hay biết - bởi các cựu thành viên mật vụ SS từng bảo vệ Hitler, cũng như một vài thành viên “vòng trong” còn sống sót.
Cuối đời Paula Hitler đổi tên thành Paula Wolff khi sống ở Đức. Ảnh chụp năm Paula 64 tuổi: Getty Images
Phần lớn cuộc đời, Paula sống ẩn dật, giữ mình và không bao giờ tham dự các cuộc họp mặt xã hội. Có lẽ cô luôn ghi nhớ những gì phải chịu đựng khi bị người khác phát hiện ra mối quan hệ gia đình, hoặc có lẽ Paula đã hiểu được sự thật rằng người anh mà cô yêu quý đã trở thành một con quái vật ra sao. Dù thế nào đi nữa, cuộc sống của cô sau chiến tranh là một khoảng lặng dè dặt.
Sau đó, vào năm 1959, Paula Hitler đã đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn duy nhất trong đời. Peter Morley, một phóng viên người Anh gốc Đức làm việc cho đài truyền hình Associated-Rediffusion có trụ sở tại Anh đã tìm đến Paula và bày tỏ sự quan tâm đến việc biết cô là ai và cuộc sống của cô khi là em gái Adolf Hitler. Băng phỏng vấn nguyên gốc bằng tiếng Đức đã bị mất, nhưng phiên bản tiếng Anh hiện vẫn còn.
Adolf Hitler (bìa phải) với đồng đội cùng trung đoàn người Bavaria mà hắn từng phục vụ trong Thế chiến thứ nhất. Ảnh: Wikimedia Commons
Hầu hết những gì bao trùm cuộc phỏng vấn Paula là về cuộc sống khi lớn lên với Hitler, và khi được hỏi những câu hỏi chính trị, cô đều né tránh. Qua cuộc phỏng vấn, rõ ràng Paula vẫn không cảm thấy gì ngoài sự ngưỡng mộ dành cho anh trai mình. Cô liên tục tuyên bố không thể tin rằng người anh Hitler có thể làm điều gì đó quá kinh khủng.
Nhưng Paula cũng nhớ lại những ký ức thời thơ ấu với một nhận thức kỳ lạ: “Khi bọn trẻ con chúng tôi chơi trò Người da đỏ, anh trai tôi, Adolf, luôn là thủ lĩnh. Tất cả những đứa trẻ khác đều làm theo những gì anh ấy nói. Họ hẳn đã có bản năng rằng ý chí của anh ấy mạnh hơn họ”, Paula nói.
Đó là cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên và cuối cùng của cô.
Năm 1960, ở tuổi 64, Paula Hitler qua đời, chấm dứt dòng máu trực hệ Hitler, mặc dù các thành viên Hitler khác thì vẫn còn sống, bao gồm các con của những người em cùng cha khác mẹ với Adolf. Cái chết của Paula đánh dấu sự kết thúc của một cuộc sống bình lặng, bị tra tấn bởi mối quan hệ với người anh trai và những tội ác đẫm máu mà hắn đã gây ra.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức