Lá cờ đen in hình đầu lâu xương chéo xuất hiện trên tàu ngầm hạt nhân USS Jimmy Carter.
Theo tờ Washington Post, USS Jimmy Carter là một trong ba chiếc tàu ngầm lớp Seawolf, được thiết kế để tiến hành những sứ mạng ngầm dưới nước bí mật nhất. Nhưng tại sao con tàu lại treo lá cờ “đầu lâu xương chéo”, còn được gọi là Jolly Roger, khi trở về cảng nhà ở bang Washington hôm 12/9 vừa qua?
Sự xuất hiện của lá cờ Jolly Roger trên tháp của các con tàu ngầm có lịch sử từ năm 1914, khi bắt đầu Thế chiến thứ nhất. Thời điểm đó, một tàu ngầm của Anh là HMS E-9, do Chuẩn đô đốc Max Horton chỉ huy, đã đánh đắm tàu chiến Hela của Đức. Khi khải hoàn trở về cảng quê nhà, thuyền trưởng Horton đã cho treo lá cờ biểu tượng của cướp biển, ngụ ý rằng ông đã đánh đắm tàu chiến kẻ thù. Khi những chiến công của Horton ngày càng dày lên, ông thậm chí đã cho đóng một hàng rào những lá cờ đầu lâu xương chéo trông rất “ngầu” trên tàu của mình.
Nhà báo Ali Kefford, trong một bài viết cho tờ The Mirror (Anh) cho rằng, việc thuyền trưởng Horton cho treo cờ cướp biển xuất phát từ những lần ông bị Đô đốc Anh Arthur Wilson xỉ nhục 14 năm trước đó. Đô đốc Wilson cho rằng, các tàu ngầm lúc nào cũng phải trong tư thế tấn công và thủy thủ cần “được đối xử như những tên cướp biển thời chiến”.
Cờ đầu lâu xương chéo trên tàu ngầm Anh, HMS Safari, trong Thế chiến thứ hai.
Lá cờ Jolly Roger trở thành một kiểu linh vật, chứng tỏ rằng con tàu hoạt động hiệu quả và “chết chóc” với quân thù. Việc treo cờ cướp biển trở thành một truyền thống với thủy thủ đoàn tàu HMS E9. Sau mỗi lần chiến thắng trở về, họ lại treo thêm một lá cờ Jolly Roger cho đến khi không còn chỗ để cắm cờ thêm nữa. Do thiếu không gian để cắm cờ trên tàu, thuyền trưởng Horton đã cho làm thủ công một lá cờ lớn, không chỉ thể hiện hình đầu lâu xương chéo mà còn có thêm mỗi vạch cho mỗi tàu kẻ thù mà E9 đánh hạ được.
Sau này, nhiều tàu ngầm Anh khác đã học theo truyền thống của HMS E9 và bắt đầu bổ sung thêm màu sắc cũng như họa tiết đặc trưng khác cho lá cờ Jolly Rogers của mình.
Từ trái sang: Tàu ngầm ORPSokół của Ba Lan trở về căn cứ năm 1944 treo cờ đầu lâu xương chéo và cờ Đức quốc xã lấy từ những con tàu mà họ đánh đắm; Thủy thủ tàu HMS Taku trang trí cho lá cờ Jolly Roger; Sĩ quan trên tàu HMS Ursula đứng trước lá cờ "đầu lâu xương chéo".
Truyền thống này càng trở nên phổ biến hơn trong Thế chiến thứ hai sau khi tàu ngầm HMS Osiris của Anh đánh đắm tàu khu trục Ý Palestro. Khi tàu Osiris ca khúc khải hoàn về cảng Alexandria (Ai Cập) thì được lệnh chờ bên ngoài để đợi một món quà đặc biệt do Tư lệnh Hạm đội tàu ngầm số 1 của Anh gửi đến. Bên trong chiếc hộp quà là một lá cờ cướp biển màu đen, như một sự ghi nhận lòng dũng cảm và sứ mạng thành công vang dội của thủy thủ đoàn Osiris.
Truyền thống treo cờ Jolly Roger trên các tàu ngầm Anh còn tiếp tục trong nhiều thập niên sau đó, với những con tàu như HMS Conqueror treo cờ cướp biển khi trở về cảng sau khi phóng hai quả ngư lôi đánh đắm tàu General Belgrano của Argentina.
Cờ cướp biển Jolly Rogers còn xuất hiện trên các tàu ngầm Anh sau chiến dịch Bão táp Sa mạc ở vùng Vịnh đầu thập niên 1990. Gần đây hơn, Tư lệnh hải quân hoàng gia Anh Rob Dunn đã cho treo cờ "đầu lâu xương chéo" trên tàu HMS Triumph khi trở về cảng Davenport, Anh ngày 2/4/2011 sau khi tham gia chiến dịch ở Libya, nơi con tàu đã phóng những quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh Rob Dunn giơ lá cờ Jolly Roger trên tàu HMS Triumph khi trở về cảng sau chiến dịch ở Libya năm 2011.
Xuất phát từ truyền thống của các tàu ngầm Anh, sau này các tàu ngầm của một số nước khác cũng treo cờ Jolly Roger với hình đầu lâu xương chéo.
Nhưng tại sao một tàu ngầm Mỹ ngày nay lại thể hiện truyền thống của hải quân Anh. Không có nhiều thông tin để giải thích cho điều này. Hoạt động của các tàu ngầm Mỹ hiếm khi được Lầu Năm góc nhắc tới, các con tàu thường thực hiện sứ mạng được giao hoàn toàn bí mật. Trên thực tế thì hầu như chắc chắn không phải tàu Carter đã phóng ngư lôi vào tàu địch hay phóng một quả tên lửa hành trình. Lá cờ mà con tàu mới giương lên khi trở về cảng nhà có thể nhằm thể hiện thành công trong một sứ mạng bí mật hơn.
Tàu USS Jimmy Carter có thể thả biệt kích, triển khai các tàu lặn không người lái hoặc nối dây cáp ngầm ở biển. Một trong những sứ mạng mà tàu ngầm lớp Seawolf từng tham gia là chiến dịch Ivy Bells thời Chiến tranh Lạnh, khi tàu ngầm Mỹ nghe trộm các đường viễn thông ngầm dưới biển của Liên Xô.
Thu Hằng
Link tham khảo: