Friday, July 10, 2020

KUMARI - THÁNH SỐNG TẠI NEPAL

Những Kumari không được phép rời khỏi nhà, trừ những dịp lễ thánh, bàn chân sẽ không bao giờ chạm đất mà các cô bé luôn có người bế đi.

Thánh sống tại Nepal – những đứa trẻ chân không chạm đất

Đến với một con phố nhộn nhịp tại Patan, Nepal, du khách có thể may mắn tìm thấy một tấm bảng nhỏ với dòng chữ viết tay chỉ dẫn nơi thánh sống đang ngự. Một vị thánh mới lên 7. Ảnh: Stephanie Sinclair.

Cô bé Yunika là một Kumari – một trong những vị thánh sống của truyền thống hàng trăm năm của Nepal. Người dân Nepal tin rằng bất kỳ ai dù chỉ có cơ hội thấy thấp thoáng bóng dáng của Kumari, đều sẽ gặp phước lành. Ảnh: Stephanie Sinclair.

Khi trở thành Kumari, Yunika vẫn sống cùng cha mẹ nhưng họ phải nghỉ việc để trở thành người chăm sóc toàn thời gian cho cô bé. Yunika không được phép rời khỏi nhà, trừ những dịp lễ thánh và chân của cô bé sẽ không bao giờ chạm đất. Yunika sẽ luôn được bế, kiệu khi cần di chuyển, ngay cả ở nhà. Mẹ của cô bé phải học để trang điểm cho con thành thạo. Ảnh: Reuters.

Ramesh Bajracharya: “Khi con gái được chọn làm Kumari, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Bởi Kumari được coi là một trong những vị thánh sống được người Nepal tin yêu và coi trọng nhất”. Ảnh: Pinterest.

Khi được hỏi về tuổi thơ khác lạ của con gái, bà Sabita Bajracharya trải lòng: “Tôi cảm thấy buồn một chút khi nhìn thấy những đứa trẻ khác vui chơi bên ngoài, nhưng bạn bè của con bé có thể đến nhà chơi với nó. Dù con gái yêu cầu bất cứ thứ gì, như búp bê hay điều gì khác… chúng tôi đều đáp ứng”. Ảnh: Stephanie Sinclair.

Kumari nghĩa là “những cô gái chưa chồng” hay “trinh nữ”. Để trở thành Kumari, những bé gái từ 2 tới 4 tuổi, phải đạt đủ những tiêu chuẩn đặc biệt đến kinh ngạc. Ảnh: EPA.

Đầu tiên, bản đồ chiêm tinh học của các bé gái phải vừa ý Đức vua của Nepal. Tiếp đó, các bé gái phải qua vòng kiểm tra 32 đặc điểm trên thân thể, với những yêu cầu như “mắt có lông mi như mắt bò”, “bắp đùi giống hươu” hay “giọng nói thanh thoát như tiếng chim”… Bé gái cũng phải trải qua bài kiểm tra bí mật để tìm kiếm những dấu hiệu của lòng dũng cảm và tâm hồn thanh tịnh. Ảnh: EPA.

Một khi được chọn, bé gái ấy sẽ được coi như hóa thân của nữ thần Durga trong đạo Hindu. Nhiều người đã nghe nói về Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị Phật sống của Tây Tạng. Người ta nói rằng linh hồn của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tái sinh thành một bé trai sau khi qua đời. Tương tự như Kumari, việc tìm kiếm Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng gồm nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Kumari chính là những vị thánh sống của Nepal không “thiêng” cả đời. Đến tuổi dậy thì, những bé gái được chọn làm Kumari sẽ trở về cuộc sống của một người bình thường. Ảnh: HuffPo

Rashmila Shakya (thứ 3, từ trái sang) từng là một Kumari từ năm 4 đến 12 tuổi. Nay đã ngoài 30, cô nói: “Khi tôi trở thành thánh sống, tôi không được phép ra ngoài. Cảm giác lúc ấy hơi ngột ngạt một chút. Sau khi tôi rời khỏi nhà Kumari, tôi gặp khó khăn khi đi lại ngoài đường”. Ảnh: Pinterest.

Ngoài thách thức khi phải tập đi ở tuổi mới lớn, những cô gái từng là Kumari phải chịu áp lực khác lớn hơn – mang tiếng sát chồng. Người Nepal từ xa xưa mê tín rằng những người đàn ông lấy người từng làm thánh sống sẽ yểu mệnh. Shakya bật cười khi được hỏi về điều này: “Đó chỉ là điều mê tín khi họ nói Kumari cứ lấy ai, người ấy sẽ chết. Tất cả những cô gái từng làm Kumari đều kết hôn, tôi cũng đã cưới được nửa năm”. Ảnh: Paula Bronste.

Một vài nhà hoạt động xã hội lên án truyền thống Kumari, họ cho rằng đây là hành động bóc lột trẻ em. Nhưng vào năm 2008, Tòa án Tối cao Nepal bác lời kêu gọi chấm dứt hủ tục này. gọi Kumari là truyền thống có giá trị văn hóa. Tháng 4/2015, trận động đất 7,8 độ khiến 8.000 người thiệt mạng. Nhiều làng mạc cùng những công trình lịch sử bị san phẳng. Khi ấy, người Nepal nhận thấy Kumari quan trọng hơn bao giờ hết. Vô số người dân tìm gặp những Kumari để cầu phước lành. Ảnh: Paula Bronste.

Cuộc sống của một Kumari có thể vô thực và kỳ lạ, nhưng với những người từng trải qua thời gian làm một vị thánh sống, đó như một đặc quyền trong tuổi thơ. Những người từng làm Kumari được hưởng uy tín cả cuộc đời của họ, cũng như một khoản trợ cấp suốt đời từ chính phủ Nepal. Nhưng cựu Kumari, Rashmila Shakya, cho biết vinh dự lớn nhất là tiếp nối truyền thống cổ đại – đó là một nhiệm vụ thiêng liêng. “Điều tuyệt vời nhất khi trở thành một Kumari là việc bảo vệ nền văn hoá của tôi, như thể một nữ thánh đang hóa thân thành người giúp dân Nepal”, Shakya nói. Ảnh: EPA.

Theo: Phạm Huyền/Vnexpress
Link tham khảo: