Friday, July 17, 2020

NHÂN PHẨM LÀ CÂY, THANH DANH LÀ BÓNG

Tài sản thực sự của một người không phải là vẻ ngoài xinh đẹp, cũng không phải là tiền bạc của cải mà là nhân phẩm (phẩm chất, phẩm giá con người). “Nhân phẩm” là giấy thông hành của cuộc sống. Có thể nói, trong xã hội hiện đại thiên biến vạn hóa như ngày nay, nhân phẩm là chỗ nương tựa cuối cùng của tâm linh con người.

(Hình minh họa: Qua sallypoliticalpage)

Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln cũng từng nói một câu về phẩm chất con người, đại ý rằng, phẩm chất của con người giống như cây cối, thanh danh của con người giống như bóng cây, chúng ta thường thường suy xét đến bóng cây mà lại không biết cây cối mới là cái gốc.

Cổ nhân giảng: “Làm người trước, làm việc sau”. Nhân phẩm tốt là tài phú lớn nhất của một người. Nó hình thành nên địa vị và thân phận của con người. Nó cũng là bằng cấp cao nhất của mỗi người, là báu vật của đời người.

Nhân phẩm là bằng cấp cao nhất

Cổ nhân cho rằng, người không có nhân phẩm tốt, không có đức thì không thể làm nên việc gì, bởi vì đức chính là điều quan trọng nhất trong việc tu thân. Cổ nhân cũng giảng rằng: “Người thực sự có tài và đức mới là nhân tài thực sự”. Người xưa vô cùng coi trọng vị trí thống soái và tác dụng chủ đạo của đức đối với tài, đặt đức lên trên cùng nhất. Họ cho rằng, có tài chỉ là phụ, có đức mới là quan trọng, người có tài năng mà không có nhân phẩm tốt thì rất nguy hiểm, không nên chọn dùng.

Trong một công ty, cho dù là có cách quản lý chặt chẽ đến đâu đi nữa, một khi phân công chức vị lớn cho người có nhân phẩm không tốt thì cũng giống như công ty ấy đang ẩn chứa một mối nguy họa. Nếu như một tổ chức có người mỗi ngày đều nghĩ cách chiếm lợi riêng cho mình thì người ấy đáng trọng dụng sao? Một người có năng lực lớn nhưng lại có nhân phẩm không tốt thì năng lực càng lớn càng phản tác dụng. Cho nên nhân phẩm là vô cùng quan trọng.

Đời người có thể không có học vị nhưng không thể không có học vấn, lại càng không thể không có nhân phẩm. Nhân phẩm là học vị cao nhất, vừa có tài vừa có đức mới thực sự là người trí tuệ, là nhân tài chân chính.

Nhân phẩm là tài phú quý giá nhất

Trong “Tả truyện” có ghi chép rằng: “Thái Thượng hữu lập đức, kì thứ hữu lập công, kì thứ hữu lập ngôn, truyện chi cửu viễn, thử chi vị bất hủ”, ý nói trước hết là thành tựu đạo đức, sau là làm nên công trạng, sau nữa là để lại lời hay được truyền tụng. “Lập đức” ở đây là chỉ việc làm người có phẩm chất đạo đức tốt.

Nhân phẩm tốt chính là vòng nguyệt quế và vinh quang của đời người. Nó là tài phú quý giá nhất của bất kỳ ai. Nó cấu thành nên thân phận và địa vị của của một người. Nó là toàn bộ tài sản thuộc về phương diện danh dự của một người.


“Làm người trước, làm việc sau” đây là đạo lý ngàn đời không thay đổi của người xưa để lại. Một người cho dù có thông minh đến mức nào, có tài năng lớn đến đâu, hoàn cảnh gia đình có tốt đến mức độ nào mà không hiểu được rằng phải làm người trước, nhân phẩm rất kém, thì sự nghiệp và các mối quan hệ của người ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí, người ấy sẽ không thể xây dựng được sự nghiệp trong cuộc đời mình. Chỉ có người hiểu rằng “làm người trước, làm việc sau” mới làm thành được việc lớn.

Khổng Tử từng giảng: “Đức nhược thủy chi nguyên, tài nhược thủy chi ba, đức nhược mộc chi căn, tài nhược mộc chi chi”, ý nói đức hạnh là nguồn nước, tài năng chỉ như sóng nước, đức là cái gốc của cây còn tài chỉ như cành cây mà thôi. Bởi vậy mà trong làm người hay làm việc, Khổng Tử đều nhấn mạnh rằng: “Dĩ đức vi thủ”, tức là lấy đức làm đầu.

Một người có nhân phẩm tốt thì người ấy tự đã có mang theo hào quang. Người ấy đi tới bất kỳ nơi đâu thì đều sẽ tỏa sáng rực rỡ.

An Hòa / Trí Thức Trẻ