Ăn chay có phải là cấm thịt?
Trong Phật giáo, có câu chuyện kể về một ni cô, pháp danh là Tịch Tính, sống vào thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Kể rằng, hàng ngày ni cô Tịch Tính đều cầm bát ra ngoài khất thực (xin ăn). Bất cứ ai cho gì, dù là cơm thừa canh cặn, thậm chí là đồ ăn sắp ôi thiu, thì ni cô đều cung kính nhận hết. Người ta nói rằng cho dù trong đồ ăn có lẫn cả thịt thì ni cô vẫn vui vẻ chấp nhận.
Vì thấy ni cô Tịch Tính là người xuất gia nhưng lại ăn thịt, nên không ít người đã tỏ ý khinh thường. Nhưng Tịch Tính lại là người giác ngộ Phật Pháp và có tâm tính rất cao.
Có câu chuyện kể rằng, một lần Tịch Tính đang đi khất thực thì trời đổ mưa như trút nước. Mọi người đều vội vã chạy đi tìm chỗ trú, chỉ riêng ni cô là vẫn điềm nhiên thản đãng như không có gì xảy ra.
Mặc cho mưa vẫn trút xuống xối xả, cô ngồi tĩnh toạ trên đường, trong miệng ung dung ngâm bài thơ “Định phong ba” của Tô Đông Pha, trong đó có đoạn:
“Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh”.
Tạm dịch là: (Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn)
“Rừng động đừng nghe chuyển lá cành,
Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh.
Gậy trúc giày rơm say chếnh choáng,
Nào ngán!
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh”.
Quả thật, có thể bình thản trước mưa gió sấm chớp mà không hề run sợ thì hẳn là cảnh giới của vị ni cô này rất cao thâm. Sau khi việc này được truyền tai nhau, những người xung quanh bắt đầu thay đổi cách nhìn, dần dần bội phục cảnh giới tinh thần đạm bạc, không màng vinh nhục, không sợ hãi của Tịch Tính.
Một người xuất gia ăn thịt mà vẫn có thể tu hành tinh tấn như vậy, liệu có phải là chuyện ngược đời không?
Không chỉ riêng ni cô Tịch Tính, mà trong lịch sử Phật giáo cũng có một vị hoà thượng từng đôi lần ăn thịt. Đó chính là hòa thượng Tế Công, người được dân gian lưu truyền là hoá thân của Kim Thân La Hán, là Giáng Long tôn giả.
Truyền thuyết kể rằng, Tế Công là một vị cao tăng đắc Đạo, từng thi triển nhiều phép thần thông khiến người đời ngưỡng mộ. Vậy vì sao ông lại ăn thịt? Và ăn thịt liệu có phải là phạm vào giới luật ăn chay không? Trong Tế Công truyện, ông nói:
“Cổ thi Phật Tổ để một phong,
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,
Người nay tu miệng, lòng không sửa.
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không”.
Ý là, người xuất gia chú trọng tu tâm chứ không phải là ăn cái gì. Như vậy quan niệm của người xưa về ăn chay hoàn toàn không giống với những gì mà ngày nay chúng ta vẫn tưởng tượng.
Kỳ thực, Phật giáo nguyên sơ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế không hề có giới luật cấm thịt. Bản thân Đức Thích Ca cũng từng cho phép người tu hành ăn “năm loại thịt thanh tịnh”. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật thuyết rằng:
“Này A Nan, Ta cho phép Tỳ Kheo ăn năm loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh nhục). Nhưng thịt này thật sự là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn. Các ông, những người Bà La Môn sống trong khí hậu quá nóng và ẩm, và trong vùng đầy cát và sỏi đá như vậy, rau cải không mọc được; do đó, Ta phải giúp cho các ông bằng thần thông và lòng từ bi”.
Vào thời đó, vì dân cư thưa thớt, cuộc sống lại phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, nên đồ ăn rất khan hiếm. Những người xuất gia cũng không thể lựa chọn đồ ăn, người ta cho gì thì chỉ có thể ăn nấy. Chỉ đến sau này trong quá trình phát triển, Phật giáo mới tăng thêm nhiều điều luật trong các chùa chiền, và thịt được đưa vào giới huân như là một thứ cấm kỵ.
Vậy, nếu người ăn chay vẫn có thể ăn thịt, thì mục đích của ăn chay là gì?
Đối với những người tu luyện, khi mà tâm họ không còn dính mắc vào thịt, thì đồ ăn đối với họ chỉ là ăn vào cho no bụng là được rồi. Đó là khi cái tâm ăn thịt đã mất, không còn sự ham muốn và kén chọn thức ăn, mà ăn gì cho đầy bụng cũng được.
Tuy nhiên, đối với những người bình thường, khi mà dục vọng rất nhiều, tâm lý thích ăn thịt cũng rất lớn, thì việc ăn chay không có thịt là một chế độ ăn cần được khuyến khích, bởi những lợi ích thân tâm mà nó mang lại.
Nếu phân tích theo nghĩa gốc, chữ chay (素 – tố) là chỉ màu trắng, thuần tịnh và chất phác. Theo thuyết dưỡng sinh của người phương Đông, con người không nên tham cầu những món ăn nồng nặc dầu mỡ, mà bình dị đạm bạc mới là đạo lý quyết định trong việc dưỡng sinh. Thuận theo Phật giáo lưu truyền, Nam Bắc triều có Lương Vũ Đế được người đời xưng tụng là “Bồ Tát Hoàng đế”, khiến việc ăn chay trở thành nét đặc sắc rõ ràng trong Phật giáo Đại Thừa Trung Quốc. Kể từ sau thời Lương Vũ Đế, việc ăn chay đã nhất loạt trở thành một tiêu chí lớn trong Hán truyền Phật giáo.
Trong học thuyết Trung y vẫn luôn chủ trương dùng nhiều món chay thanh đạm, ít dùng những món thịt mỡ nồng nặc. Dược Vương Tôn Tư Mạc trong cuốn “Bị Cấp Thiên Kim Dực Phương” nói: Nên ăn ít đồ mặn (thịt mỡ), đừng vì tham vị ngon khẩu giác mà tổn hại thân thể, nhất là khả năng hấp thu trong hệ tiêu hóa của người già khá yếu, trong ăn uống cần phải cân nhắc.
Thời Tống là thời đại mà văn hóa Trung Hoa phát triển cao độ. Theo ghi chép trong cuốn “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” và “Mộng Lương Lục”, trong nghề nghiệp ăn uống của Biện Kinh thời Bắc Tống và Lâm An thời Nam Tống đã có các quán ăn chuyên kinh doanh các món chay. Trong “Sơn Gia Thanh Cung” của Lâm Cung có ghi chép hơn một trăm món ăn các loại, mà phần lớn trong đó là các món chay, bao gồm hoa cỏ, cây thuốc, trái cây và những món ăn chế biến từ các loại đậu.
Đến ba triều đại Nguyên – Minh – Thanh, các món chay ngày càng phồn thịnh, trong các loại văn hiến ghi chép liên quan đến món chay cũng vô cùng phong phú. Tiết Bảo Thần cuối thời nhà Thanh đã từng có tác phẩm ăn chay “Tố Thực Thuyết Lược” (bàn luận sơ lược về ăn chay). Ở phương Tây, ‘ăn chay không liên tục” là một chế độ ăn được ưa chuộng giúp kéo dài tuổi thọ. Ví như trường hợp vợ chồng giáo sư Gabe Mirkin, nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng đã tự mình trải nghiệm và rút ra những kết luận bổ ích của việc ăn chay.
Thiện Sinh biên dịch