Sau trận Trân Châu Cảng đẫm máu, phát xít Nhật tiếp tục tập kích cảng Darwin, căn cứ của Mỹ tại Australia trong Thế chiến thứ hai.
Mới hơn 2 tháng trước, Không quân Nhật tiến hành cuộc không kích tàn khốc nhằm vào hạm đội hùng hậu của Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng, Hawaii. Còn lần này là cuộc tấn công đầu tiên của phát xít Nhật vào Australia.
Sau khi Mỹ tham chiến, Darwin, một bến cảng ở cực Bắc của Vùng lãnh thổ phía Bắc (Northern Territory) Australia, trở thành một điểm chuyển tiếp quan trọng của binh sĩ, máy bay, hải quân và vận tải biển bên phe Đồng minh. Mặc dù Darwin nhanh chóng trở thành một cảng lớn trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, nhưng nó lại không được bảo vệ cẩn thận trước nguy cơ không kích. Người Nhật, vốn sẵn sàng xâm chiếm các đảo Timor và Java ở phía Bắc và Tây Bắc Darwin, đã nắm lấy cơ hội để thử phản ứng và giáng một đòn mạnh vào đường tiếp tế của quân Đồng minh.
Có tới hai cuộc tấn công của Không quân Nhật Bản xuống Darwin vào ngày hôm đó. Cuộc đầu tiên xuất phát từ 4 hàng không mẫu hạm, và cuộc thứ hai, diễn ra chỉ hai giờ sau, từ các sân bay ở Đông Ấn Hà Lan (nay là một phần của Indonesia). Bốn tàu sân bay, thuộc Hạm đội Không quân Tàu sân bay số 1, gồm Akagi, Kaga, Hiryū và Sōryū, cũng chính là những con tàu mẹ đã cho máy bay Nhật xuất kích tấn công Trân Châu Cảng, Hawaii ngày 7/12/1941.
Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản Kirishima (phía trước) và tàu sân bay Akagi (phía sau), năm 1939. Ảnh: warhistory
Đợt máy bay đầu tiên từ các tàu sân bay Nhật Bản bao gồm máy bay chiến đấu A6M Zero, máy bay ném bom bổ nhào D3A và máy bay ném ngư lôi B5N. Chúng được dẫn đầu bởi Mitsuo Fuchida, phi công cầm đầu đợt oanh tạc đầu tiên tại Trân Châu Cảng. Tổng cộng gần 250 máy bay Nhật Bản đã tham gia cuộc đánh bom Darwin vào ngày hôm đó.
Các phi công Nhật Bản có vô số mục tiêu giá trị cao. Ít nhất 12 tàu chiến của Australia và Mỹ đậu tại cảng, bao gồm tàu khu trục Hải quân Mỹ Peary, thủy phi cơ USS William B. Preston. Ngoài ra, có ít nhất 45 tàu khác (tàu buôn, vận tải, v.v.) và cả một tàu bệnh viện.
Dân số Darwin đã giảm từ 5.800 người trước chiến tranh, xuống còn khoảng 2000, vì dân thường đã được sơ tán khi nơi đây trở thành một căn cứ quân sự quan trọng. Mặc dù vậy, cảng Darwin vẫn là một nơi sầm uất, đông đúc và dễ bị tổn thương.
Cảng Darwin cháy đen trời trong cuộc tập kích của phát xít Nhật. Ảnh: warhistory
Darwin từng là nơi đặt căn cứ của Hải quân và Không quân Hoàng gia Australia, nhưng thời điểm đó đang đóng vai trò chủ nhà cho quân đội Mỹ, với các sân bay phục vụ máy bay ném bom B-17 Mỹ, được mệnh danh là “Pháo đài bay”.
31 máy bay tại sân bay Darwin bị oanh tạc trong trận "Trân Châu Cảng Australia" là máy bay ném bom hạng nhẹ Lockheed Hudson của Australia và CAC Wirraways (máy bay huấn luyện do Australia chế tạo khi đó được sử dụng trong chiến đấu) và 10 chiếc Curtiss P-40 Warhawks của Không quân Mỹ.
Hỏa lực phòng không duy nhất ở Darwin là 18 súng phòng không và một số súng máy Lewis. Nhưng những khẩu súng lớn lại điều khiển bởi những xạ thủ chưa thành thục và đạn dược cũng thiếu. Ủy ban quân sự Lowe của Australia, cơ quan điều tra về cuộc tấn công Darwin, vào ngày 19/2/1942 đã kết luận rằng phải cần ít nhất 36 súng phòng không và 250 máy bay chiến đấu để đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Nhật.
Một máy bay P-40E của Không quân Mỹ bị phá hủy. Ảnh Australia War Memorial
Hôm đó, gần như không có một dấu hiệu cảnh báo nào, vì vậy thường dân Darwin không có cơ hội sơ tán hay chuẩn bị phòng thủ. Cha đạo McGrath trên đảo Bathurst phát hiện ra máy bay Nhật Bản lúc 9h35 và cố gắng cảnh báo các nhà chức trách bằng cách sử dụng radio. Nhưng các sĩ quan Không quân Australia (RAAF) lại cho rằng chắc hẳn cha McGrath đã nhìn nhầm những chiếc P-40 của Mỹ bay vào Darwin. 20 phút cảnh báo và chuẩn bị vì thế bị để mất, và không một tiếng còi báo động nào hú lên cho đến tận khi máy bay Nhật Bản oanh tạc tàu trong cảng.
Sau cuộc tập kích, Darwin rơi vào cảnh hủy diệt và hỗn loạn. 8 con tàu bị đánh chìm trong đợt tấn công đầu tiên, trong đó có tàu USS Peary. Bến cảng bị đánh bom, khiến hơn 20 công nhân thiệt mạng. Sân bay, doanh trại quân đội và xe chở dầu cũng trúng bom, chịu thiệt hại nặng nề.
Đợt không kích thứ hai diễn ra ngay trước buổi trưa. 27 chiếc máy bay ném bom G3M và G4M của Nhật Bản xuất kích từ các căn cứ đảo ở Thái Bình Dương đã tấn công căn cứ và sân bay của RAAF. Sáu quân nhân RAAF thiệt mạng. Sáu máy bay Australia và hai máy bay Mỹ bị phá hủy, những chiếc khác chịu hư hại. Tính cả phi cơ dân sự, thì khoảng 30 máy bay đã bị phá hủy trong đợt tập kích này.
Các báo cáo và phân tích lịch sử về cuộc tập kích cảng Darwin đưa ra ước tính rằng khoảng 236 - 300 người đã thiệt mạng, gồm cả dân thường. Con số này ít hơn nhiều so với hàng ngàn người đã chết tại Trân Châu Cảng, nhưng một số báo cáo lại kết luận rằng thậm chí Nhật Bản đã thả nhiều bom xuống Darwin hơn cả vào căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii.
Ngôi nhà bị bom phá hủy trong cuộc tấn công vào Darwin ngày 19/2/1942. Ảnh: Australian War Memorial
Khi những quả bom đang rơi, những tin đồn về một cuộc xâm lược sắp đến của Nhật Bản bắt đầu lan truyền mạnh mẽ qua các thành phố và căn cứ tại Australia. Chỉ huy của RAAF, Stuart Griffith thậm chí còn ra lệnh cho tất cả các phi công của ông rời khỏi vùng chiến sự. Nhiều người đã thu thập đồ đạc bỏ chạy và 278 quân nhân Australia được cho là đã đào ngũ.
Với người Nhật, cuộc tập kích cảng Darwin là một thành công lớn. Họ chỉ mất 3 người (2 thiệt mạng, một bị bắt làm tù binh), và 4 máy bay, trong khi đánh chìm tổng cộng 11 tàu địch, khiến 3 chiếc mắc cạn và phá hỏng 25 chiếc khác.
Hơn nữa, với trận đánh này, Tokyo phát đi cảnh báo rõ ràng với phe Đồng minh rằng họ không có ý định cho phép sử dụng Darwin như một bến cảng an toàn. Phe Đồng minh cũng nhận ra rằng Darwin dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của Nhật Bản và bắt đầu chuyển sang các cảng khác như Brisbane và Fremantle, trên bờ biển phía Đông và Tây Australia.
Vụ đánh bom Darwin ngày nay vẫn được nhớ đến. Cứ đến 9h58 sáng ngày 19/2 hàng năm, một hồi còi báo động không kích lại vang lên để tưởng nhớ về sự kiện này.
Thu Hằng/(Theo warhistory)
No comments:
Post a Comment