Thursday, July 23, 2020

LÍNH LA MÃ ĐÃ CHINH CHIẾN ĐẾN TẬN TRUNG QUỐC?

Lí Kiện, một ngôi làng nhỏ thuộc Trung Quốc, không có gì đặc biệt ngoại trừ những công trình kiến trúc kiểu La Mã cổ đại, những bức tượng danh nhân La Mã, và những người dân tóc vàng mắt xanh trong trang phục lính La Mã.


Lính La Mã cổ đại đã chinh chiến đến tận Trung Quốc?

Bên rìa sa mạc Gobi, huyện Vĩnh Xương, địa cấp thị Kim Xương, tỉnh Cam Túc thuộc CHND Trung Hoa, có một ngôi làng mang tên Lí Kiện. Một ngôi làng nơi xa xôi hẻo lánh, chẳng có gì đặc biệt. Ngoại trừ những công trình kiến trúc kiểu La Mã cổ đại, những bức tượng danh nhân La Mã, và những người dân tóc vàng mắt xanh trong trang phục lính La Mã.

Những bức tượng tại Lí Kiện.

Ngôi làng Lí Kiện nằm trên vùng đất mà trước kia là thị trấn Lí Kiện. Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu người dân nơi đây có vẻ bề ngoài giống như tất cả những người dân Trung Hoa - nhưng không: mũi khoằm, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, đó là những đặc điểm ta có thể nhận thấy ở những người dân của Lí Kiện. Đó là những đặc trưng của chủng tộc Caucasoid - chủng “da trắng” - rõ ràng không phải của người bản địa. Homer Hasenpflug Dubs - giáo sư Trung Hoa học tại Oxford, dịch giả cuốn Hán Thư bản tiếng Anh - vào năm 1941 đã nêu lên một giả thuyết đầy tranh cãi cho tới ngày nay rằng thị trấn Lí Kiện được lập nên bởi những người La Mã bại trận.


Điều gì đã khiến ông đề xuất một giả thuyết táo bạo như vậy? Trước tiên chúng ta cần cân nhắc một số trùng hợp kì lạ trong diễn biến lịch sử khi Lí Kiện được thành lập dưới triều Hán.

1. Cái tên của Lí Kiện

Thông qua Hậu Hán Thư và nhiều ghi chép khác, chúng ta biết rằng người Trung Quốc thời Hán đã biết tới đế quốc La Mã, và đặt cho La Mã ít nhất ba cái tên: Đại Tần với hàm ý La Mã là Trung Hoa của phương Tây, Hải Tây - phía Tây biển lớn, và Lí Kiện (hoặc Lê Kiện). Liệu đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay, theo giả thuyết của GS Dubs, thực chất làng Lí Kiện và đế quốc La Mã có mối liên hệ với nhau?

2. Thời điểm thành lập

Thị trấn Lí Kiện xuất hiện trên bản đồ vào năm 5 SCN, nhưng không có trong ghi chép vào năm 79 TCN. Ở phía Tây đại lục, năm 53 TCN, quân đội La Mã dưới quyền chỉ huy của Marcus Licinius Crassus đại bại dưới tay người Parthia trong trận chiến Carrhae. Một lượng lớn bị bắt giữ, một số khác bỏ chạy và không rõ tung tích. Theo GS Dubs, trong khoảng thời gian sau đó, có thể một số lính La Mã đã lang thang về phía Đông (trên đường chạy trốn hoặc sau khi được thả bởi người Parthia). Họ trở thành lính đánh thuê cho người Hung Nô, và dẫn đến sự trùng hợp thứ 3: trận Taraz năm 36 TCN.

Trận Carrhae, 53 TCN.

3. Trận Taraz, 36 TCN

Năm 36 TCN, tại Talas, Kazakhstan ngày nay, xảy ra một trận chiến khốc liệt giữa quân đội Hán và người Hung Nô dưới sự lãnh đạo của Thiền vu Chí Chi, kết thúc với chiến thắng thuộc về nhà Hán. Đặc biệt hơn, Hán Thư có nhắc tới 145 người lính tính nhuệ trong đội ngũ quân Hung Nô, chiến đấu với “đội hình vảy cá” – đội hình mà GS Dubs cho rằng thực chất chính là đội hình Testudo nổi tiếng của quân đội La Mã. Ông cho rằng những người lính này là lính đánh thuê gốc La Mã, và sau khi rơi vào tay người Hán, đã được di dời về phía Đông để thành lập nên thị trấn Lí Kiện.

Hành trình của những người lính La Mã trong giả thuyết của giáo sư Dubs.

“Numquam ponenda est pluralitas sine necessitate” - Lex parsimoniae

“Luôn luôn tránh những sự phức tạp không cần thiết” - phương châm trong giải quyết tình huống của William xứ Ockham, gọi là lex parsimoniae hoặc “dao cạo Ockham”. Trong giải thích nguyên nhân các sự việc, điều này có nghĩa là các giả thuyết càng đơn giản càng hợp lí, và những giả thuyết có nhiều sự trùng hợp không liên quan lại càng khó xảy ra. Theo lex parsimoniae thì giả thuyết đơn giản và hợp lí chính là của GS Dubs, rằng người dân tại Lí Kiện thực sự là hậu duệ của người La Mã bại trận.

Một bộ xương cao tới 1,8m được tìm thấy khi khai quật di tích của thị trấn cổ Lí Kiện - một chiều cao bất thường đối với một cư dân Trung Hoa. Bộ xương này có niên đại khoảng 2000 năm, trùng với thời điểm thành lập của thị trấn, và như vậy cũng khớp với giả thuyết của giáo sư Dubs. Ngoài ra còn một số chi tiết thú vị như: các ngôi mộ nơi đây đều quay về phía Tây, người dân Lí Kiện cũng thường tổ chức một dạng “đấu bò” - cho 2 con bò đực đấu nhau tới chết - một thú tiêu khiển có phần “La Mã”.


Tuy nhiên, các cuộc điều tra gene trong cư dân Lí Kiện và công tác khảo cổ, trong hàng chục năm, với sự liên kết của các nhà khảo cổ từ nhiều nơi, gần đây là liên kết giữa Ý và Trung Quốc, vẫn không thể đưa ra bất kì bằng chứng thuyết phục nào cho giả thuyết của giáo sư Dubs. Nghiên cứu chỉ ra rằng 56% cư dân mang gene của chủng Caucasoid, nhưng không thể xác định được đó có phải từ “người La Mã” hay không (Người La Mã là từ chỉ công dân La Mã, công dân của một đế quốc đa sắc tộc. Không có khái niệm “dân tộc La Mã”).

Trên con đường tơ lụa và các thảo nguyên Trung Á, cũng như trong các đội quân du mục trong vùng thì người da trắng không phải thứ hiếm gặp. Một nghiên cứu khác vào năm 2007 cho thấy 77% có liên hệ mật thiết với các dân tộc bản địa, chủ yếu là người Hán. Cho tới nay, không một di tích nào đặc trưng cho quân nhân La Mã được tìm thấy trong vùng. Tuy nhiên cũng không có bằng chứng nào bác bỏ được giả thuyết của giáo sư Dubs, và cuộc tranh cãi cứ thế tiếp tục.


Trong khi đó, người dân và chính quyền tại Lí Kiện đã tìm ra một nguồn thu nhập mới từ những người khách du lịch hiếu kì.

Theo Trí Thức Trẻ
Ghi chú: Liqian (Li Can 驪靬)
Link tham khảo: