Wednesday, July 22, 2020

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CON HEO

Có anh bạn cắc cớ đố: "Con lợn khác con heo chỗ nào?". Người trả lời cũng hài hước không kém: "Con lợn ăn ngô, còn con heo ăn bắp".


Heo, hay còn gọi là lợn, là một trong 12 con vật tượng trưng cho 12 con giáp và được xếp sau cùng, theo sắp xếp của hệ can - chi của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên...

Người Hồi giáo bị cấm ăn thịt heo (theo kinh Koran), người Do Thái cũng bị cấm ăn thịt heo (theo luật Kashrent).

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill nói: "Con chó ngước nhìn con người. Con mèo nhìn xuống con người. Còn con heo coi con người ngang hàng".


Ma thuật biến con người thành heo được dùng làm cốt truyện trong nhiều truyện kể. Trư Bát Giới, một nhân vật trong Tây Du Ký của Trung Quốc là một vị thần trên thiên đình có hình dạng nửa người, nửa heo.

Những người nuôi heo làm thú cưng cho biết, heo sạch sẽ, vệ sinh đúng chỗ. Heo cảnh dễ nuôi, chúng thường ăn các loại rau củ tươi, không phải nấu.

Cũng có người cho heo uống mỗi ngày một ít bia, có lẽ để được thấy heo xỉn, cho vui.


Heo cảnh thiện cảm với người, luôn quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn, không chạy rông xa, không cắn, không chồm lên khách lạ, mà chỉ ủn ỉn dễ thương.

Nhưng cũng có loại heo rất dữ. Vài năm trước, một con heo rừng đã lao qua lớp kính nhà vợ chồng già người Đức, ở miền Tây nước này, rồi nhảy lên giường cắn chủ nhà.

Một con heo nặng 900 kg, dài 2,5m, vòng bụng 2,23m, do ông Từ Xương Kim nuôi 5 năm tại thành phố Ngọa Phương Điểm, Trung Quốc, đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness thế giới.


Nói đến heo, người ta thường nghĩ đến một con vật béo ú, chỉ biết ăn rồi ngủ và chờ ngày làm thịt. Nhưng heo cũng chơi thể thao đấy. Trên thế giới, người ta tổ chức hẳn một Olympic dành cho heo tranh tài.

Đua heo là một lễ hội truyền thống xuất hiện từ thế kỷ XVII tại Nga. Lễ hội hấp dẫn và vui nhộn này đã được khôi phục đầu thế kỷ XX và diễn ra định kỳ hằng năm vào ngày 20/3.

Lễ hội đua heo là dịp để nông dân Nga thư giãn sau một vụ mùa làm việc vất vả. Còn các vận động viên heo, đây là cơ hội không chỉ được một xô đầy củ cà rốt tươi ngon mà các "lực sĩ” đoạt giải còn thoát khỏi lò mổ.


Đua heo cũng phổ biến tại miền Nam nước Mỹ, tại Trung Quốc, Thái Lan, Anh... Người ta còn thành lập liên đoàn thể thao heo và tổ chức cả Olympic dành cho heo với ba môn chạy đua, bơi và đá bóng.

Phó chủ tịch Liên đoàn Thể thao heo Thế giới với hơn 100 thành viên cho biết: "Heo chơi thể thao sẽ không bị ăn thịt mà cho sản sinh ra thế hệ heo thể thao mới".

Đua heo tại Việt Nam dù không chuyên nghiệp như các nước khác, nhưng cũng thu hút khá nhiều người hiếu kỳ. Ngoài Khu Du lịch Yang Bay tại Khánh Hòa, TP.HCM có hai nơi tổ chức đua heo là Làng Du lịch sinh thái Củ Chi và Sân vận động Long Bình, quận 9.

Những người bảo vệ động vật ở Đài Loan đã yêu cầu chính quyền phải bãi bỏ cuộc thi heo siêu mập. Họ cho rằng cuộc thi này quá dã man.

Những con vật dự thi được vỗ béo đến nỗi không còn đi đứng nổi, có con nặng gần cả tấn. Sau khi thắng cuộc, con vật bị tế thần. Những cuộc thi như thế là một phần trong tín ngưỡng của một dân tộc thiểu số tại Đài Loan.


Một món ăn mà ngày xưa vua chúa Trung Hoa thường chiêu đãi trong các buổi yến tiệc, đó là món heo sữa Phúc Châu, thịt thơm do được ăn một loại củ, giống như củ hoành tinh, mọc ở đồi Châu Tịch Xương. Sau khi thui lông, những con heo này được ướp các loại thuốc quý trong ba ngày rồi đem chưng cách thủy.

Ở bán đảo Iberian - vùng núi nằm giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là nơi nuôi lợn đen Ibérico hay còn gọi là Pata Negra (móng đen), một giống heo có chất lượng thịt đặc biệt và được nuôi theo phương pháp đặc biệt, tức chỉ thả rông trên những đồng cỏ rải rác có những cây sồi.

Chính nhờ ăn quả sồi mà không giống heo nào có thịt thơm ngon như giống lợn Ibérico. Hàng trăm năm trước, lợn Ibérico đã được dùng chế biến jambon (thịt nguội) và chân giò muối, ngon đến mức một đùi muối từ 24 đến 36 tháng có giá gần 50 triệu đồng.


Lợi ích mà heo mang đến là rất to lớn: từ thực phẩm nuôi sống, nguyên liệu để chế những vật phẩm cần thiết cho đến dược liệu, cả việc tim lợn có thể ghép thay tim người bị hỏng...

Nhưng để 12 năm nữa, Tết Tân Hợi 2031 tôi sẽ kể tiếp.

Trần Thanh

No comments: