Sunday, April 30, 2023

HÀNG RÀO CÂY CAO NHẤT THẾ GIỚI RỰC RỠ MÙA THAY LÁ, MỖI LẦN CẮT TỈA TỐN 2,67 TỶ

Có chiều cao trung bình lên tới 30 mét, Meikleour Beech, nằm gần làng Meikleour, ở Scotland, được sách kỷ lục Guinness công nhận là hàng rào cao nhất thế giới.


Theo Wikipedia, hàng rào cao nhất thế giới được trồng bởi Jean Mercer và chồng của bà, Robert Murray Nairne trên điền trang Meikleour của Marquess of Lansdowne vào năm 1745. 


Người ta nói rằng hàng rào mọc về phía thiên đàng như một tấm bia tưởng niệm vì những người trồng nó đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Culloden chống lại Cuộc nổi dậy Jacobite. Trong số đó có cả người trồng ra nó là ông Robert Murray Nairme.


Hàng rào Meikleour Beech hiện nằm dọc theo Đường A93 Perth-Blairgowrie, cách Perth khoảng 18 km về phía Bắc và Blairgowrie 6 km về phía Nam. "Bức tường" vững chắc này được trồng hoàn toàn bằng cây gỗ sồi, cao 36 mét ở đầu phía bắc và 24 mét ở đầu phía nam, với chiều cao trung bình hơn 30 mét, khiến nó trở thành hàng rào cao nhất thế giới, được sách kỷ lục Guinness công nhận. Nó cũng là hàng rào dài nhất Scotland với chiều dài lên tới 530 mét.


Bao năm qua, đây trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều người tới thăm. Mùa xuân, những lộc non xanh mướt phản chiếu qua ánh sáng, mùa thu tất cả bừng lên sắc vàng rực rỡ.


Trước đây, cứ 10 năm con cháu của ông Robert Murray Nairme lại cắt tỉa hàng rào một lần. Tuy nhiên, năm 2010, một đợt cắt tỉa đã bị trì hoãn do không đủ chi phí. "Đó là một số tiền khổng lồ và rất khó để chúng tôi tự đảm nhận việc cắt tỉa trong suốt nhiều năm", anh Sam Mercer Nairn, 43 tuổi, chủ sở hữu hàng rào nói.


Một lần cắt gia đình sẽ phải đối mặt với hóa đơn khoảng 90.000 bảng (2,67 tỷ) cho chi phí thuê thiết bị máy móc, nhân công, phí quản lý giao thông bởi công việc này phải kéo dài tới sáu tuần. "Khi không được cắt tỉa, nó không còn là hàng rào nữa mà là một khóm cây", chị Claire, vợ của Sam nói thêm.

Hàng rào trong lần cắt tỉa vào năm 1988. Ảnh: The Courier

Khi câu chuyện về hàng rào - biểu tượng tự hào của địa phương - không có tiền cắt tỉa được đưa lên báo, Hội đồng Perth và Kinross đã vào cuộc hỗ trợ kinh phí. Tới tháng 11/2019, hàng rào cuối cùng cũng được cắt tỉa sau 20 năm.

Đỗ An (Tổng hợp)
Link tham khảo:



ĐẶC SẢN "BÒ LEO NÚI" LẠ MIỆNG, KHÁCH "TOÁT MỒ HÔI" THƯỞNG THỨC Ở AN GIANG

Vốn là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia nhưng lâu dần, "bò leo núi" trở thành đặc sản của vùng đất Tân Châu, An Giang và hấp dẫn du khách thập phương bởi hương vị thơm ngon cùng cách chế biến độc đáo.


Nhắc đến ẩm thực An Giang, ngoài những cái tên quen thuộc như lẩu mắm Châu Đốc, bò bảy món núi Sam, cơm tấm Long Xuyên, bánh bò thốt nốt... còn có một món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Đó chính là "bò leo núi" - món ngon trứ danh của thị xã Tân Châu.

Thoạt nghe, thực khách dễ lầm tưởng rằng món ăn được chế biến từ thịt bò nuôi trên núi. Tuy nhiên, tên gọi của đặc sản này thực chất lại bắt nguồn từ cách thưởng thức "có một không hai".

Theo người dân địa phương, "bò leo núi" là món nướng bình dân với nguyên liệu chính gồm thịt bò tươi thái lát và các loại rau củ ăn kèm khác. Đặc biệt, để nướng thịt, người ta phải sử dụng chiếc vỉ làm từ chất liệu gang, có hình dáng lạ. Loại vỉ này có thiết kế không bằng phẳng, nhô lên ở giữa như một ngọn núi, khác biệt so với các vỉ nướng thông thường.

"Bò leo núi" là món ngon nổi danh của vùng đất Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Nguyễn Dương Tiên

Tùy từng nơi mà vỉ nướng chuyên dụng cho món "bò leo núi" được thiết kế với kích thước và kiểu dáng khác nhau để thực khách có thể chỉ ăn nướng hoặc kết hợp kèm lẩu theo sở thích.

Anh Nguyễn Đạt, chủ một quán ăn thị xã Tân Châu cho biết, nguyên liệu và cách thưởng thức món ăn này cũng khá đơn giản. Mỗi suất "bò leo núi" được phục vụ gồm những miếng thịt bò thái lát mỏng, trứng gà tươi, các loại rau ăn kèm như đậu bắp, hành tây, cà rốt...

Theo anh Đạt, "bò leo núi" là món có nguồn gốc từ Campuchia nhưng được người dân An Giang học hỏi và chế biến thành đặc sản của vùng đất. Bởi vậy, nếu không phải đầu bếp địa phương thì khó mà nắm được "bí quyết" riêng để làm món ăn trở nên đậm đà, hấp dẫn.

Những miếng thịt bò đỏ tươi được thái hơi dày, tẩm ướp gia vị vừa ăn với "bí quyết" riêng mà chỉ những người đầu bếp địa phương mới biết. Ảnh: Nguyễn Tuyết

"Để món nướng thơm ngon và đậm đà nhất, người ta thường tẩm ướp thịt bò với các nguyên liệu như hành, tỏi, muối, đường, dầu hào hoặc loại sốt riêng. Đặc biệt không thể thiếu trứng gà tươi.

Trứng gà được khuấy đều, ướp cùng thịt bò rồi nêm nếm gia vị vừa ăn, khi nướng sẽ tạo ra mùi thơm rất hấp dẫn. Trứng gà tươi không chỉ làm thịt bò mềm hơn mà còn tạo vị ngọt, bùi hấp dẫn", anh Đạt nói.

Qua bàn tay khéo léo của người dân Tân Châu, "bò leo núi" trở thành món ngon mang hương vị riêng, khác biệt với những kiểu bò nướng khác trong ẩm thực của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Vũ Tuấn

Để thưởng thức "bò leo núi", đầu tiên, người ta đặt một miếng mỡ lợn trên đỉnh vỉ. Bếp than hồng tỏa nhiệt, làm nóng vỉ khiến mỡ chảy đều xung quanh, lúc ấy, thực khách bắt đầu cho thịt bò lần lượt lên trên. Việc dùng mỡ lợn thay dầu ăn hay bơ thực vật giúp món ăn có độ béo ngậy và mùi vị thơm ngon hơn.

Khi vỉ nóng lên, mỡ chảy xèo xèo còn tạo ra thứ âm thanh nghe khá vui tai. Thực khách cho thịt bò lên vỉ, có thể phết thêm ít bơ vàng óng để tăng vị thơm ngon, đậm đà cho món ăn.

Chiếc vỉ nướng có thiết kế đặc biệt giống như ngọn núi nên món ăn được đặt tên là "bò leo núi". Xung quanh vỉ có nhiều lỗ nhỏ để mỡ chảy đều khắp nơi. Ảnh: @loanlebabies

Món bò nướng này chuẩn vị nhất là cuộn kèm với bánh tráng, rau sống và chuối chát,... rồi chấm cùng chao hoặc mắm pro-hốc (một loại mắm đặc trưng của người dân vùng biên giới An Giang). Vị mềm, đậm đà của thịt bò hòa quyện cùng vị thanh mát của rau sống, kết hợp với nước chấm lạ miệng khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.

Ở một số nơi, người ta kết hợp vỉ nướng này để ăn lẩu. Bởi vậy, nhiều người còn hài hước gọi "bò leo núi" là món "ăn một được hai", thực khách có thể ăn cả lẩu và nướng theo ý thích.

Phần mỡ lợn cùng gia vị của thịt bò ướp trứng gà nướng từ từ chảy xuống nồi nước lẩu sôi lăn tăn. Khách chỉ cần nhúng thêm rau và mì tôm vào và thưởng thức.

Thực khách có thể thưởng thức đặc sản "bò leo núi" kèm lẩu, vừa ngon vừa no bụng. Ảnh: Ami Xương

Món "bò leo núi" thưởng thức khi còn nóng, dễ khiến thực khách "đổ mồ hôi" nên thường được ưa chuộng vào buổi tối. Hoặc những dịp cuối tuần, ngày lễ có nhiều thời gian rảnh rỗi, người địa phương hoặc du khách lại lựa chọn món ăn này để "lai rai".

Dù "bò leo núi" chỉ có ở Tân Châu nhưng nhiều thực khách từ xa như TP.HCM hay Đồng Tháp cũng không ngần ngại vượt trăm cây số tới đây để được thưởng thức món ăn trứ danh vùng biên giới.

Với vị ngon khác lạ và giá thành bình dân, món "bò leo núi" dễ dàng chiều lòng được cả những thực khách khó tính, trở thành đặc sản không thể bỏ lỡ khi ghé thăm vùng đất An Giang. Ảnh: Pé Hiếu

Anh Đạt chia sẻ: "Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến tham quan vãn cảnh rất đông. Dù ở vùng biên giới khá xa nhưng nơi đây vẫn thu hút đông đảo du khách từ nhiều nơi tới thưởng thức bò leo núi, ví dụ như TP. HCM, Đồng Tháp... Có lúc cao điểm, quán mình tiêu thụ hơn 100kg thịt bò".

Chị Thanh Thúy, một thực khách đến từ TP.HCM bày tỏ: "Mình từng thưởng thức bò leo núi ở một số nơi nhưng không ngon và chuẩn vị bằng ở Tân Châu. Thịt bò được tẩm ướp đơn giản nhưng hương vị rất khác biệt nên ăn một lần thấy thích ngay. Món ăn này cũng có giá thành bình dân, chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/suất cho 4 người, tùy lượng thịt bò và đồ ăn kèm".

Theo: Dân Trí



PHAN THANH GIẢN - CHÍNH KHÍ HẠO NHIÊN CỦA BẬC SĨ PHU NAM KỲ

Phan Thanh Giản (1796-1867)

“Trời đất có chính khí
Toả ra cho muôn loài
Là sông núi dưới đất
Là trăng sao trên trời
Đầy rẫy cả vũ trụ
Khí hạo nhiên của người
Gặp cảnh đời bình trị
Triều thịnh vang lời vui
Khi cùng, tiết tháo rõ
Sử xanh ghi đời đời.”

(Chính Khí Ca - Văn Thiên Tường)

Hạo nhiên chính khí là căn bản quan trọng nhất tạo nên tính cách quật cường cao thượng của bậc chính nhân quân tử, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng giữ vững đạo đức bản thân, thà hy sinh chính mình để giữ gìn đại nghĩa chứ nhất quyết không cúi đầu. Vì thế trong lịch sử có vô số bậc anh hùng hiền nhân đã oanh liệt cống hiến sinh mệnh mình ghi vào thanh sử.

Tư Mã Thiên từng viết: “Có cái chết nặng tựa Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Sự khác biệt đó âu cũng là do biến hóa của chính khí hạo nhiên mà ra.

Miền Nam nước ta là một thành tựu xuất sắc vô tiền khoáng hậu của tiền nhân đã khai phá và dùng văn hóa Nho gia hun đúc nên một nền văn hóa và tính cách cứng cỏi hào dùng của những người con Nam Bộ. Vừa có lòng từ bi của Nhà Phật, vừa thanh cao cứng cỏi của kẻ sĩ Nho gia, ấy chính là miêu tả chính xác về một trong những bậc đại nhân nổi tiếng nhất miền Lục Tỉnh, tiến sĩ Phan Thanh Giản. Ông không những là vị tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam Kỳ, mà còn để lại trong sử sách một khí tiết cao thượng lẫm liệt cả đời, thể hiện trong những hoàn cảnh bi tráng nhất, một nhân cách mà cho đến tận ngày nay cũng không thể có người thứ hai đạt đến được.

Hình chụp tại Paris năm 1863 nhân dịp ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp

Đạt nhi kiêm tế thiên hạ, cùng nhi độc thiện kỳ thân
(Mạnh Tử - Tận tâm thượng)


Trong các giáo lý quan trọng của Nho giáo, việc tu thân xếp ở trung tâm vì con người là chủ tế vạn vật. Chỉ có tu thân mới có thể tề gia trị quốc bình thiên hạ. Người quân tử nếu gặp đời thịnh thì sẽ phò vua giúp nước, giáo hóa nhân dân, Nếu không gặp thời, thì ít ra cũng giữ mình trong sạch đạo đức, dù cho bần khốn hay cường quyền cũng không thể làm người quân tử thay đổi ý chí của mình. Mạnh Tử viết: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” , đó là những miêu tả hàm súc nhất về đạo đức của một người quân tử Nho gia. Sinh ra trong những năm tháng cuối cùng của vương triều Nho giáo suy tàn, ấy thế mà Phan Thanh Giản vẫn thực hành việc tu thân một cách rất đáng trân trọng.

Phan Thanh Giản sinh ngày 12/10/1796 tức năm Cảnh Hưng thứ 57 dưới triều nhà Lê. Ông là một vị đại thần của triều Nguyễn, làm quan đến chức đại thần trải qua 3 triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Ông nội của ông là Phan Thanh Tập - một người Hoa chân chính, vào cuối thời nhà Minh, đã di cư sang nước Nam để sinh sống; đến thời Tây Sơn thì chuyển vào Nam rồi định cư tại huyện Bảo An, phủ Hoằng Đạo, tỉnh Vĩnh Long; nay là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Thuở hàn vi, lúc 7 tuổi Phan Thanh Giản đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ, lúc 19 tuổi, cha bị tù oan ở Vĩnh Long, gia cảnh vô cùng nghèo khổ. Là một người con có hiếu, Phan Thanh Giản đến thành Vĩnh Long gặp quan Hiệp trấn xin ở tù thay cha nhưng không được chấp thuận. Tuy vậy, lòng hiếu thảo của Ông đã khiến các quan cảm động. Sau khi gọi ông tới để chất vấn, các quan ở tỉnh đã lấy làm kinh ngạc trước trí thông minh và đức hạnh của vị thiếu niên trẻ tuổi nên đã tạo cơ hội để Ông ở lại Vĩnh Long tiếp tục học hành và chờ khoa thi.

Đến kỳ thi Hương năm 1825, Phan Thanh Giản thi đỗ qua tứ trường tức cử nhân. Một năm sau, trong kỳ thi Hội ở Huế, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, trở thành người Nam Kỳ đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ.

Ông ra làm quan và trải qua bao phen chìm nổi. Tuy nhiều lần bị giáng chức vì gặp việc dám nói, nhưng với tài năng của mình, rất nhanh ông được triều đình phục hồi chức vị và được đảm nhận nhiều trọng trách to lớn như Hàn lâm viện biên tu, Thượng Thư bộ Hình, bộ Lại, bộ Binh; 6 lần Ông được sung Cơ mật viện đại thần, cả Chánh sứ toàn quyền đại thần. Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ, được vua Tự Đức giao làm Tổng tài Quốc sử quán coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục…


Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; Bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương
(Lâm Tắc Từ - Đề Lưỡng Quảng tổng đốc phủ đối liên)

Chủ trương tu thân của Nho gia vốn lấy sự chính trực và vô dục vô cầu, ý chí thanh cao làm tiêu chuẩn của một vị quan tốt có thể kinh bang tế thế. Chỉ khi người quân tử kiềm chế và không dục vọng, nhân cách mới cao thượng và tấm lòng rộng rãi mới có thể chăm lo cho trăm họ. Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản mấy chục năm chưa bao giờ bằng phẳng, nhưng ông vẫn kiên trì nguyên tắc sống tu thân chính mình, là một vị quan gương mẫu chính trực hiếm có suốt 3 đời vua.

Vì thương yêu dân chúng, ông thường xuyên dâng lên triều đình các tấu chương có lợi cho dân và dám thẳng thắn can gián vua. Chỉ vì trung thực dám can gián mà ông đã nhiều lần bị trừng phạt. Dưới triều vua Minh Mạng, ông đã 3 lần bị giáng chức.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Quảng Nam bị mất mùa, dân chúng đói khát, vua Minh Mạng có ý chu du đến núi Ngũ Hành. Phan Thanh Giản lúc này đang giữ chức tuần phủ vì không muốn dân chúng phải bỏ ruộng để lo phục dịch đường sá cho vua đi, nên đã dâng sớ tâu rằng:

“Nghe Hoàng Đế sẽ ngự giá vào, dân chúng ai là chẳng vui mừng; Nhưng hiện nay mất mùa vả lại đang trong buổi tháng tư, tháng năm chính là lúc cày cấy, như bắt dân cung ứng thì được việc này mất việc khác, xin Hoàng Đế tạm đình khoan ngự, để cho dân chuyên việc ruộng trưa”. (Sự tích cụ Phan Thanh Giản - Vĩnh Long Nhân vật chí).

Vua Minh Mạng sau đó đã quyết định hoãn chuyến chu du nhưng xem tấu thấy không bằng lòng, ra lệnh giáng chức Ông từ Tuần phủ xuống làm lính quèn, tức “lục phẩm thuộc viên” giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở công đường.

Tuân thủ lễ nghĩa nhà Nho, Phan Thanh Giản dù bị làm lính cũng tận hết chức trách, không than vãn một lời, Eliacin Luro (một cựu quan chức Pháp tại Nam Kỳ lúc bấy giờ) trong tác phẩm Le pays d’Annam đã viết rằng:

“Phan Thanh Giản phục tòng sự trừng phạt ấy với một lòng đại độ hiếm có. Mặc quần áo một binh quèn, ông đi hàng đầu, làm gương dũng cảm và tuân trọng kỷ luật cho tất cả mọi người. Không bao lâu, ông được tướng sĩ cảm phục và quân đội kính nể. Nhà vua, sau khi giác ngộ sự phẫn nộ bất công của mình, triệu ông về, và dưới các triều vua kế vị Minh Mạng, ông được nâng lên tới những chức quyền quốc gia đại dụng nhất.”

Ở cương vị nào ông cũng làm hết phận của mình. Năm 1852, ông đã cùng Nguyễn Tri Phương dâng sớ tâu với vua Tự Đức cần tránh xa gian thần, chọn bầy tôi trung lương, chú trọng tiết kiệm, giảm bớt chế độ tạp dịch cho binh lính. Vua Tự Đức khâm phục Phan Thanh Giản và tặng ông 4 chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”.

Đời người có ai mà không chết; Lưu tấm lòng son chiếu sử xanh
(Chính khí ca-Văn Thiên Tường)


Từ năm 1862 - 1867 ông cụ thất thập Phan Thanh Giản được vua Tự Đức giao cho nhiệm vụ khó khăn nhất là thương lượng với Pháp để đòi đất.

Ngày 5/6/1862 ông đại diện cho triều đình ký kết hiệp ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh miền đông nam bộ cho Pháp. Năm 1863 ông đứng đầu phái bộ sang Paris để thương thuyết nhưng bất thành. Chuyến đi này giúp ông tận mắt thấy sự tiến bộ của văn minh phương Tây, ông đã dâng sớ mong triều đình thay đổi nhưng vua không nghe, Phan Thanh Giản biết rằng với thực lực yếu, vũ khí thô sơ, trí lực chưa được mở mang như hiện tại thì nếu Pháp mở rộng cuộc chiến ra miền Trung hay Bắc thì sẽ không chống đỡ nổi.

Năm 1865, vua sai Phan Thanh Giản đi Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Sứ đoàn Phan Thanh Giản tại Paris (hình chụp ngày 21-9-1863)

Tháng 6/1867, đô đốc De la Grandière dẫn hơn 1500 lính thủy quân lục chiến Pháp đi trên 16 tàu chiến áp sát thành Vĩnh Long, yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng.

Trước tình thế nguy cấp, Phan Thanh Giản hiểu rằng sẽ là vô ích nếu tiếp tục một sự chiến đấu trong đó chỉ có máu của người An Nam chảy, giờ đây, việc quan trọng nhất là bảo toàn tính mạng cho quân dân, ông đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho đồng bào mình.

Phan Thanh Giản lúc ấy đã gửi công thơ cho quan Tổng đốc An Giang, Hà Tiên:

Hỡi các quan và dân chúng!… Bản chức van vái trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ: “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú lang sa bằng võ khí, cũng như con nai con muốn bắt con cọp. Mình lại kéo về phe mình một cách vô ích những tai họa lớn, để tai hại ấy đè lên đầu dân mà trời đã giao cho mình chăn. Vậy bản chức viết công thơ cho các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và gươm, giao thành trì khỏi chống lại…”

Là sứ thần nhiều năm thừa lệnh vua xử lý công vụ liên quan đến các cuộc chiến, hơn ai hết Phan Thanh Giản thấu hiểu thời cuộc, đâu là thế yếu của ta, đâu là sức mạnh của quân Pháp. Đại thế đã mất, hy sinh chỉ vô ích. Ông hy vọng giữ nguyên sức lực của quân dân nhằm tính kế lâu dài.

Trung thành với vua, Phan Thanh Giản từ chối tất cả đề nghị trọng hậu của kẻ thắng, ông gửi lại áo mão, ấn triện cùng tờ sớ tạ tội về Triều đình. Là một mệnh quan triều đình chưa chu toàn chức trách, ông đã chọn cái chết để đền đáp ân vua.

Ông tuyệt thực 17 ngày và uống thuốc độc tự vẫn. Ngày 4/8/1867 ông qua đời trong một căn nhà tranh nghèo, thọ 71 tuổi. Trước khi mất ông đã hướng về phương Bắc lạy vua 5 lạy, và căn dặn con cháu không được làm quan cho Pháp cầu vinh mà cần nâng cao trí lực, học hỏi văn minh phương Tây, theo kịp tiến bộ để phụng sự cho đất nước.

Đô đốc De la Grandière đã viết cho con của cụ Phan rằng vô cùng kính mến và thương tiếc Ông, khi ông mất, quân lính đã cho 1 chiếc tàu Pháp chở ông về quê, lúc cất đám có quân Pháp bồng súng tiễn tống. (Vĩnh Long nhân vật chí). Thực là:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

(Xưa nay có ai mà không chết
Hãy để lòng son chiếu sử xanh)

(Trích Chính khí ca - Văn Thiên Tường)

Thái An / Theo: ntdvn

Tham khảo 1 số bài viết:



CHUYÊN GIA ẨM THỰC NỔI TIẾNG KHEN NỨC NỞ BÁNH XÈO, NEM LỤI CỦA VIỆT NAM

Mới đây, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Tasting Table đã đăng tải bài giới thiệu về bánh xèo, nem lụi, hai món ăn đặc sản của Việt Nam chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới.


Mở đầu bài viết, tác giả Clarice Knelly của Tasting Table nhận định, nhiều du khách nước ngoài có thể chỉ biết tới phở hoặc bánh mì nhưng trên thực tế còn nhiều món ngon khác đã tạo nên bức tranh ẩm thực đường phố đa dạng của Việt Nam. Các món ăn Việt đa phần được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản nhưng tươi ngon.

"Nhưng chính sự đơn giản kết hợp với cách chế biến khác nhau của từng vùng miền cùng nguyên liệu tươi ngon, khiến nhiều đầu bếp trên thế giới phải kéo ghế ngồi học hỏi thêm", Knelly dẫn lại lời nhận định của CNN.

Ví dụ như bún bò Huế, vốn nổi tiếng với nước dùng đậm đà và phần thịt được ninh mềm tan trên đầu lưỡi. Sợi bún trong món ăn này cũng to hơn bình thường khiến nhiều du khách lần đầu thưởng thức không khỏi thích thú. Một món ăn đặc sản khác là bánh khọt, loại bánh được đựng trong những chiếc bát nhỏ xinh nhưng chứa đầy nhân tôm, hành lá và đậu xanh.

Tuy nhiên, món bánh Việt để lại ấn tượng hơn cả với Knelly là bánh xèo. Cô mô tả nó giống như một dạng bánh crepe mặn có lớp vỏ mỏng, giòn ăn cùng nhân thịt, tôm và rau. Dù trông có vẻ đơn giản đến khó tin nhưng theo Cook's Illustrated, món bánh này là sự kết hợp hoàn hảo giữa kết cấu, hương vị và nhiệt độ. 

Bánh xèo được nhiều du khách nước ngoài nhận định giống như một loại crepe mặn của Việt Nam. Ảnh: Cooky

Phiên bản bánh xèo ở miền Nam thường gồm lớp vỏ bánh được làm từ bột nghệ, bên trong nhồi nhân tôm, thịt ba chỉ đậm đà ăn cùng nước chấm chua ngọt và các loại rau sống. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi hay Quảng Nam, người dân thường cuốn bánh xèo trong bánh tráng trước khi chấm vào nước mắm chua ngọt để ăn.

Bên cạnh bánh xèo, một tác giả khác của Tasting Table là Ali Fagan lại lựa chọn về một "đặc sản Hoàng gia" của vùng đất cố đô Huế là nem lụi. Theo Fagan, dù du khách có thể ăn nem lụi ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S nhưng nem lụi Huế vẫn mang nét đặc biệt riêng.

Nem lụi Huế mang một hương vị rất riêng so với các vùng miền khác ở Việt Nam. Ảnh: Hue City

Theo các đầu bếp cung đình xưa, để làm nem lụi Huế chuẩn bị, đầu tiên người ta phải xay thịt lợn mới mổ thật nhuyễn. Sau đó, ướp thịt trong khoảng 30 phút cùng hỗn hợp nước mắm, hạt tiêu và hành tây. Các thành phần khác cũng có thể được thêm vào như bì lợn, tỏi và hẹ. Sau khi ướp, thịt được tạo hình và quấn quanh một thanh sả đập dập trước khi nướng trên bếp than.

Nem lụi Huế được chấm cùng nước sốt đậu phộng quánh mịn. Ảnh: Vietnam Coracle

Thưởng thức nem lụi đúng cách là phải cuốn vào bánh tráng ăn kèm dưa chuột, xoài xanh, dứa thái lát rồi chấm vào nước sốt đậu phộng thơm phức.

Đỗ An (Theo Tasting Table) / Theo: vietnamnet

NƯỚC TIỂU TRONG VEO CŨNG KHÔNG TỐT, TẠI SAO?

Nước tiểu có màu xanh? Tất nhiên là “báo động” rồi. Nhưng trong suốt thì cũng không hoàn toàn tốt đâu nhé.


Nghe có vẻ kì lạ nhưng mỗi lần đi vệ sinh là mỗi lần bạn có thể kiểm tra tình trạng cơ thể đang tốt hay xấu. Bằng cách nhìn màu nước tiểu, bạn có thể tự khám sơ sơ tình trạng sức khỏe của mình rồi.

Màu cam

Nguyên nhân có thể là do một số loại thuốc chống viêm (Azulfidine), thuốc hóa trị và thuốc nhuận tràng với senna khiến nước tiểu màu cam. Màu sắc này nói rằng có thể bạn đã ăn quá nhiều thức ăn có chứa vitamin B2 hoặc beta-carotene (ví dụ như cà rốt). Nếu không phải vì những nguyên nhân trên thì bạn nên:Uống nhiều nước hơn. Cơ thể mất nước có thể khiến cho màu sắc của nước tiểu đậm hơn và chuyển đổi từ màu vàng đậm sang màu cam. Nhưng chỉ trong vài giờ sau nước tiểu sẽ quay trở lại màu vàng như bình thường.

Kiểm tra mắt của bạn. Nếu bạn nhìn thấy màu vàng trong tròng trắng, còn nước tiểu màu cam thì rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy gan của bạn đang không hoạt động tốt. Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức!

Màu hồng và đỏ

Đây có thể là một báo động cho bạn khi nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng, nhưng đừng quá lo lắng vì nó chưa hẳn quá nghiêm trọng, có thể màu sắc ấy là do thức ăn hoặc thuốc bạn vừa uống tạo nên. Lý do vì sao lại có màu sắc này nhỉ?

Thức ăn: Nếu bạn ăn củ dền, mâm xôi hoặc rau dền thì bạn không có gì phải lo lắng. Một số hợp chất tạo nên màu đỏ cho các loại hoa quả này cũng sẽ tạo nên sắc đỏ cho nước tiểu của bạn sau khi thận làm xong công việc của nó. Như bình thường, màu sắc này sẽ biến mất vào ngày hôm sau. Nhưng nếu vẫn còn màu đỏ hoặc hồng thì bạn nên hẹn gặp bác sĩ.

Thuốc: Thuốc kháng sinh như là Rifadin và Rimactane được dùng để điều trị bệnh lao có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ. Thuốc Phenazopyridine được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiểu và thuốc nhuận tràng có chứa senna cũng có thể là lý do khiến cho nước tiểu màu hồng nhạt.

Máu: Khi xuất hiện màu đỏ kiểu như màu máu trong nước tiểu thì rất có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu, bệnh thận, khối u ác tính, lành tính hoặc bệnh về bàng quang, sỏi thận. Nếu bạn thấy bất kỳ cục máu đông hoặc các mô khác trong nước tiểu, hãy đi khám bác sĩ ngay. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những trường hợp này thường hiếm và hay bị bỏ sót không để ý đến, đặc biệt là chị em phụ nữ thường bỏ qua dấu hiệu này vì một số lầm tưởng rằng mình ”đến ngày”.

Màu xanh lá hoặc xanh dương

Màu xanh lá và xanh dương??? Bạn đã bao giờ thấy màu nước tiểu nào như thế chưa? Tuy hiếm nhưng cũng vẫn có thể xảy ra bởi những trường hợp sau:

Thức ăn: Do bạn vừa ăn hoặc uống một loại thực phẩm quá nhiều màu hoặc vừa ăn măng tây xong. Đừng quá lo lắng, chúng sẽ trở lại màu sắc bình thường sau 1 đến 2 ngày thôi.

Thuốc: Bạn đang dùng một số loại thuốc như Amitriptyline, Indomethacin, và Propofol, chúng có thể gây ra sự thay đổi màu sắc.

Chú ý: Nếu không phải vì những lý do trên, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay. Màu xanh lá cây có thể báo hiệu cho sự nhiễm trùng đường tiểu hiếm gặp do vi khuẩn Pseudomonas gây ra hoặc nó cũng có thể gây bệnh sỏi thận.

Màu nâu

Nếu bạn nhìn thấy nước tiểu màu nâu, có thể là dấu hiệu của sự mất nước. Ngoài ra ăn một số thực phẩm có thể biến nước tiểu thành màu nâu như là rau dền và đậu tằm. Nhưng tốt nhất là đến tìm gặp bác sĩ để kiểm tra, đặc biệt là nếu bạn uống nhiều nước nhưng màu sắc không thay đổi. Nước tiểu màu nâu có thể chỉ ra vấn đề về gan và thận của bạn.

Lưu ý nếu nước tiểu có màu nâu đi kèm triệu chứng đau bụng, phát ban, và động kinh, có khả năng cao đây là bệnh di truyền. Ngoài ra, nếu đi tiểu kèm máu có màu nâu rồi tan ra thì điều này có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng, ví dụ như bạn đang có khối u trong người.

Sủi bọt

Có bọt khi đi vệ sinh là điều bình thường. Nhưng đáng chú ý hơn là khi nước tiểu có nhiều bọt trắng thì bạn nên đến gặp bác sĩ. Có thể đây là dấu hiệu về lượng protein có trong nước tiểu của bạn, theo các đánh giá của chuyên gia thì đây là một trong những triệu chứng ”tiềm năng” của vấn đề bệnh thận nặng.

Trong suốt

Nếu nước tiểu của bạn hoàn toàn trong suốt, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều nước. Điều này có thể gây ra những rủi ro nhất định, điều nguy hại nhất của việc uống nước quá nhiều là làm loãng muối trong cơ thể, tạo ra một sự mất cân bằng hóa học. Bạn nên cân nhắc uống ít nước lại một chút.

Màu vàng rơm nhạt, vàng trong, vàng đậm

Ba cấp độ màu này cho thấy bạn không có gì phải lo lắng. Nước tiểu của bạn ở mức màu vàng nhạt là điều tốt nhất. Màu vàng nhạt cho thấy sự cân bằng khá tốt giữa việc giữ và điều tiết nước trong cơ thể. Nước tiểu càng đậm màu thì cho thấy bạn càng cần uống thêm nhiều nước. Chỉ cần ghi nhớ một quy tắc vàng: nếu nó trông giống như nước chanh – sức khỏe của bạn đang khá ổn định!

Nguồn bài: Bright Side
Link tham khảo:



HỒI ỨC 30/04/1975: CHUYỆN "BỨC TỬ" MỘT BỨC TƯỢNG

Năm 1967, nền Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam đã xây dựng tượng đài hai quân nhân Thủy quân Lục chiến (TQLC) trước Hạ viện, hay còn gọi là tòa nhà Quốc hội, nay là Nhà hát Thành phố. Tượng hai người lính TQLC có độ cao 9 mét, trong tư thế xung phong, mũi súng hướng về trụ sở Hạ viện.

“Bảo vệ” hay “đe dọa” Hạ viện?

Ngay sau khi bức tượng được đặt ở một vị trí quan trọng nhất thủ đô đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số người cho rằng quân đội “thao túng” các dân biểu Hạ viện bằng hình ảnh hai người lính cầm súng đại liên đe dọa sinh hoạt dân chủ của miền Nam.

Quân đội lại giải thích những người lính bảo vệ Quốc hội khi họ hướng mũi súng vào tòa nhà thay vì hướng ngược lại… Lại có một giải thích khác, mũi súng thực ra thì hướng về Khách sạn Continental nằm phía phải Hạ viện, nơi được coi là “hang ổ” của các lực lượng phản chiến, trong số đó có cả những dân biểu.

Chuyện “bảo vệ” hay “đe dọa” còn tùy thuộc vào chính kiến của mỗi người. Bài viết này sẽ không đi vào việc phân tích “đúng” hay “sai” của vị trí hướng súng. Tác giả chỉ có tham vọng viết lại chuyện bức tượng và những diễn biến quanh hai người lính TQLC vào ngày 30/4/1975.

Việc xây dựng những bức tượng kỷ niệm khắp các điểm nổi bật ở thủ đô Sài Gòn đã được “Nội các Chiến tranh” của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thực hiện trên một quy mô lớn. An Dương Vương, thánh tổ Pháo binh, được đặt tại công trường Diên Hồng, trước Thượng viện, đường Bến Chương Dương. Phù Đổng Thiên Vương, thánh tổ Thiết giáp, nằm tại bùng binh Ngã 6 Sài Gòn. Trần nguyên Hãn, thánh tổ Truyền tin, tại bùng binh Quách Thị Trang, trước cửa chợ Bến Thành. Phan đình Phùng, thánh tổ Quân cụ, tọa lạc trước bưu điện Chợ Lớn. Trần Hưng Đạo, thánh tổ Hải Quân, tại công trường Mê-Linh…

Bên cạnh những danh nhân lịch sử, các binh chủng còn có tượng đài kỷ niệm như tượng Thiên sứ Micae, thánh tổ binh chủng Nhảy Dù gần bệnh viện Sùng Chính, quận 5. Biệt Động Quân có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ. “Tổ quốc Không gian” của Không quân trước mặt Tòa Đô Chánh và, đặc biệt hơn cả, là bức tượng TQLC trước Hạ viện.

Bức hình tượng đài Thủy Quân Lục Chiến rất quý hiếm ở trung tâm Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Hoàng Quân cung cấp)

Việc xây dựng tượng TQLC cũng gặp nhiều trục trặc. Ban đầu, Thiếu tá Huỳnh Huyền Đỏ (thuộc bộ Tổng Tham Mưu), đưa ra phác thảo mẫu với hính tượng ba người lính. Thiếu tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ thuật Gia Định. Trong khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó Thiếu tá Đỏ không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho Bộ tư lệnh TQLC.

Trước áp lực phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh, TQLC giao cho Thiếu úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hướng dẫn của hoạ sĩ Lê Chánh (Bộ tư lệnh TQLC) và Lương Trường Thọ (Trung tâm Huấn luyện TQLC).

Thiếu úy Thuộc, đại đội trưởng đại đội Công vụ TQLC, tuy không là hoạ sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là “tay ngang” nhưng ông cùng anh em đại đội Công vụ đã nhận lãnh trách nhiệm. Họ làm việc liên tục 24/24 và cuối cùng, đã hoàn thành nhiệm vụ.

Khi hai người lính TQLC xuất hiện trước công chúng, một số người “trong nghề” phê bình những khiếm khuyết của bức tượng như nòng súng đại liên quá ngắn nếu so với kích thước thật, trong khi đó “cặp mông” của hai chiến sĩ lại quá to… Nếu hiểu rõ bức tượng đã được hoàn thành bởi những người “lính thợ tay ngang” nhiều người tỏ ra thông cảm với những nỗ lực của TQLC.

Những hình ảnh dưới đây được trích từ video clip do các phóng viên người Pháp thực hiện ngày 30/4/1975. Diễn biến cuộc “bức tử” hai người lính TQLC ngay sau khi Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố “đầu hàng” đã được ghi hình, Chúng tôi trích lại như sau:


Một thanh niên “băng đỏ” leo lên đầu bức tượng người lính TQLC trước Quốc hội. Với một chiếc búa, anh ta đập vành nón sắt của người lính để bắt đầu cuộc “bức tử” pho tượng.


Thanh niên “băng đỏ”, hay còn gọi là “cách mạng 30/4”, đứng trên vai bức tượng người lính. Anh tiếp tục dùng búa giáng lên đầu bức tượng…


Cuối cùng, anh ta giơ hai tay lên trời làm dấu hiệu… “chiến thắng”.


Bức tượng sau đó được buộc dây do một số người đứng ở dưới đất kéo xuống…

(Ảnh không nằm trong video clip)


Hai người lính TQLC từ từ ngả về phía tòa nhà Quốc hội.


Khi bức tượng chạm đất, một đám bụi mù bốc lên giữa sự chứng kiến của một số phóng viên nước ngoài.


Một thanh niên “băng đỏ” leo lên đống đổ nát của bức tượng, trên tay cầm lá cờ “Giải phóng Miền Nam”… chứ không phải là cờ của miền Bắc… Cờ “giải phóng” với ba màu đỏ, xanh và ngôi sao vàng còn xuất hiện khắp đường phố Sài Gòn, trên chiến xa, trên xe chở bộ đội miền Bắc…

Ngoài việc lá cờ vàng với 3 sọc đỏ bị hạ xuống tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 để thay bằng cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam, người ta không thấy xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng của miền Bắc dù bộ đội chính quy của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tràn ngập Sài Gòn.

Khi miền Nam thất thủ, lịch sử ghi nhận có 5 trường hợp tuẫn tiết. (1) Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, tự sát lúc 11g ngày 30/4; (2) Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4, tự kết liễu đời mình lúc 11g30; (3) Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4, tuẫn tiết lúc 8g45 tối ngày 30/04; (4) Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh, tự sát vào đêm 30/4; (5) Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, đã ra đi tại nhà vào cùng ngày.

Biến cố ngày 30/4/1975 đánh dấu sự chấm dứt của miền Nam và điều đáng ghi nhớ, đó cũng là ngày mà bức tượng TQLC bị “bức tử”, bị giựt sập trước tòa nhà Hạ viện. VNCH đã cáo chung nhưng hai anh lính TQLC không ra đi trong cô đơn vì vài giờ trước khi bị “bức tử” đã có một anh hùng khác cũng thác theo Sài Gòn ngay dưới chân các anh.

Người tự sát dưới chân tượng đài sáng ngày 30/4/1975 là Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long, Chánh Sở Tư Pháp Vùng I Chiến thuật, người mới từ Đà Nẵng di tản về Sài Gòn.

Trung tá Nguyễn Văn Long yên nghỉ dưới chân bức tượng hai người lính TQLC

Nhà văn Duyên Anh trong “Ngày dài nhất” viết về Trung tá Nguyễn Văn Long như sau:

“…Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của thủy quân lục chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chẩy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon Trung tá, ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung tá cảnh sát Long đã tự sát ở đây, Cộng sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm trung tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lời hoan hô bộ đội giải phóng.

Trung tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết. Tướng giữ thành Sài Gòn là Tổng trấn Sài Gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài Gòn là Đô trưởng Sài Gòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sài gòn là Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia đã đào ngũ. Không có Hoàng Diệu, ở những trang lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhận sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của Trung tá Cảnh sát tên Long…”


“Tôi muốn biểu dương Trung tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sài Gòn. Ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài thủy quân lục chiến Việt Nam anh dũng. Máu Trung tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết của Trung tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân cộng, của bọn phản chiến làm dáng thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. Tôi không mấy hy vọng cái chết của Trung tá Long lay động nổi cái bóng tối vô liêm sỉ trùm đặc tâm hồn những ông tướng đào ngũ. Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn Trung tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của tổ quốc…”

Trung tá Nguyễn Văn Long sinh tại Phú Hội, Huế ngày 1/6/1919.
Ông ra đi năm 1975, lúc đó 56 tuổi, là người cao niên nhất trong số các vị tuẫn tiết. (Ảnh của Jacques Pavlovsky)

Phải rất nhiều năm sau biến cố 30/4/1975 người ta mới lần tìm ra tung tích của Trung tá Nguyễn Văn Long. Năm 2003, nhà văn Giao Chỉ đã liên lạc được với một người con gái thứ 3 của ông tại San Jose:

“Bà Nguyễn thị Tâm năm nay ngoài 60, đã có cháu nội cháu ngoại nhưng mãi mãi vẫn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Bằng một giọng nói xứ Huế pha tiếng Saigon, bà Tâm nói chuyện tuôn trào trôi chảy và đầy hãnh diện khi nhắc đến người cha anh hùng…”

Gia đình ông Long rất đông con, có tất cả 13 anh chị em, 6 trai 7 gái. Con trưởng là Thiếu úy biệt động quân Nguyễn Công Phụng (1942-1968) hy sinh tại Quảng Tín. Trong số 6 người con trai (Phụng, Hoàng, Minh, Tiến, Quang, Hội) có đến 5 người đi lính: 2 người vào Không quân, 1 Thiết giáp, 1 Cảnh sát và 1 Biệt động quân. Trong số 7 người con gái (Đào, Tâm, Thiện, Hòa, Hảo, Hiền, Huê) chỉ có 3 chị em ở Hoa Kỳ, số còn lại đều sống tại Việt Nam. Bà Tâm kể về những ngày cuối cùng:

“Lúc đó vào cuối tháng 3/75 ở Đà Nẵng ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu về Sài Gòn…”

Người Sài Gòn và cả người nước ngoài ngỡ ngàng trước cái chết của Trung tá Nguyễn Văn Long ngày 30/4/1975

Vào đến Sài Gòn đã có cô con gái lớn đón ông về ở tạm, lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng, ông Long vào trình diện Tổng nha Cảnh sát. Trưa 30/4/75 khi radio phát thanh lời Tổng thống kêu gọi đầu hàng, Trung tá Long, chỉnh tề trong bộ cảnh phục, đến bức tượng TQLC trước Quốc hội… Một phát súng được bắn vào thái dương, ông ngã xuống và buông khẩu súng nhỏ theo lệnh Tổng thống! Khẩu súng tùy thân Trung tá Long vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính



Saturday, April 29, 2023

ĐỜI NGƯỜI MUỐN THÀNH CÔNG, PHẢI CHỊU ĐƯỢC HAI THỨ: CHỊU KHỔ VÀ CHỊU LỖ

“Con người muốn thành công, phải chịu được hai thứ: chịu khổ và chịu lỗ”. Nếu hiểu được hai điều này, không tham lợi trước mắt mà đánh mất nhân phẩm, thì người này nhất định sẽ thành công.

Đời người muốn thành công, phải chịu được hai thứ: Chịu khổ và chịu lỗ. (Ảnh qua Weibo)

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe một câu thế này: “Có lợi mà không lấy là ngu ngốc”. Người như vậy trong mắt họ thường chỉ thấy chút lợi cỏn con, ngoài ra không thể thấy bất cứ thứ gì khác cả.

Tuy nhiên, đời người không thể cứ mãi hưởng lợi cho bản thân, thực ra chịu lỗ cũng là một phần của cuộc sống.

Người muốn lấy lợi là đang hủy hoại cuộc sống của chính mình

Tác giả Tuyết Phong đã từng nói trong “Thiền Viện Tập Văn” rằng: “Thế giới tuy có chuyện may mắn, nhưng nhất định không nên trông chờ vào may mắn”.

Một người chỉ vì chút đỉnh lợi ích nhỏ nhoi mà bản thân đạt được rồi sinh ra tự mãn, cho rằng bản thân mình thật may mắn, nhưng họ lại không biết, trong mỗi lần may mắn đó, họ đã mất đi nhân phẩm và lề lối của bản thân, cũng như phá hủy đi cuộc sống của chính mình.

Trong thời gian dịch bệnh gần đây, có một bản tin được đăng trên các trang mạng xã hội Trung Quốc kể về “Người đàn ông lương 2 vạn ở Thượng Hải ăn cắp đồ chuyển phát nhanh” đang nhận được rất nhiều lượt tìm kiếm.

Bản tin đăng về một cậu thanh niên, hiện đang là nghiên cứu sinh, lương tháng 2 vạn tệ. Trong lúc anh ta đi ngang qua kho chuyển phát nhanh, thấy nhiều đồ đạc chồng chất, xung quanh lại không mấy ai để ý, cậu ta nghĩ nếu có mất đi vài cái chắc cũng chẳng ai hay, thế là ‘tiện tay’ lấy đi gần 10 kiện chuyển phát, có trị giá khoảng vài ngàn tệ.

Cậu thanh niên tiện tay lấy luôn vài bưu kiện trị giá vài ngàn tệ. (Ảnh minh họa qua zone-annonces)

Sau cùng do hay trộm cắp nên chàng thanh niên này đã bị phát hiện và bị bắt giam, tự mình làm hỏng đi tiền đồ của chính mình. Vậy mới nói, những lợi ích nhỏ nhoi mà bạn nghĩ có thể lấy được, thực ra đều là gốc rễ của tai họa sẽ cắm sâu vào tương lai của chính bạn.

Người không lấy lợi mới là thông minh nhất

Không lấy mất lợi ích của người thực ra chính là sự giáo dưỡng, người càng có giáo dưỡng lại càng thấu hiểu được những khổ cực của người khác. Trông thì có vẻ như họ đang chịu lỗ nhưng thật ra lại đang thắng trong cuộc đời này.

Có câu chuyện kể về Tăng Quốc Thuyên, em của Tăng Quốc Phiên (một danh thần dưới triều Mãn Thanh), là một người rất thích lấy lợi từ người khác. Sau khi chiến công giành được Cảnh Đức Trấn, ông bèn về nhà để xử lý chuyện di dời mộ. Khi đó Tăng Quốc Thuyên cậy vào thế lực của nhà mình mà chiếm đất, phá hoại cây cối của nhà người khác.

Chuyện này sau khi Tăng Quốc Phiên biết được, ông cảm thấy vừa tức giận lại vừa hoảng sợ.

Danh thần Tăng Quốc Phiên. (Ảnh qua Sohu)

Tức giận là vì Tăng Quốc Thuyên đã cậy vào thế lực của nhà mình, lấy lợi ích nhỏ của người cùng quê hương, làm tổn hại danh tiếng của nhà họ Tăng. Đáng sợ là vì theo sự thăng tiến và địa vị của bản thân, người trong nhà ông càng ngày càng xa hoa phóng túng, chỉ muốn được giàu có, e rằng có muốn bảo họ cầu sự lương thiện cũng đã không làm được nữa rồi.

Tăng Quốc Phiên nói: “Phàm ở đời không nên chiếm lợi ích của người, càng không nên xem nhẹ người tài”.

Thực ra, người thích giành lấy lợi ích từ người khác, nếu xét thời gian ngắn, họ thật sự có thể đạt được lợi ích, nhưng xét theo thời gian dài, thứ mà họ mất đi sẽ còn nhiều hơn là đạt được.

Lấy lợi một lần, khiến bạn bè phải tuyệt giao

Từng có một dân cư mạng kể về câu chuyện của chính mình rằng: Nhiều năm về trước, có một người bạn học ở vùng khác hỏi mượn tiền anh này khoảng 3 triệu VNĐ, nhưng do khoản cách xa nên anh này chọn cách chuyển khoản cho bạn của mình. Tuy nhiên do còn khấu trừ phí dịch vụ chuyển khoảng tầm 10 nghìn VNĐ nên khi đến tay người bạn học thì chỉ còn 2 triệu 990 nghìn VNĐ.

Một thời gian sau, người bạn học đã đem tiền trả lại cho bạn mình, nhưng khi trả, cậu ta chỉ đưa đúng 2 triệu 990 nghìn.

Người bạn học đã đem tiền trả lại cho bạn mình, nhưng khi trả, cậu ta chỉ đưa đúng 2 triệu 990 nghìn. (Ảnh minh họa qua dispatch)

Anh này bèn hỏi người bạn học, rõ ràng đã đưa cậu ta 3 triệu, nhưng sao khi trả chỉ còn 2 triệu 990 nghìn. Người bạn học trả lời, cậu ta nhận được bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, phí dịch vụ không phải cậu ta nhận.

Từ đó người này cũng không còn liên lạc với người bạn học đó thêm một lần nào nữa. Chỉ vì 10 nghìn ít ỏi nhưng lại đánh mất đi một người bạn, thật sự không đáng.

Qua câu chuyện này có thể thấy, khi một người quyết định tuyệt giao với ai đó, cũng là vì lúc đó họ nhận ra lợi ích của mình bị tổn thất. Chẳng ai muốn vẫn tiếp tục trân trọng người từng tính toán chi li với mình như thế.

Mọi mối quan hệ bền vững đều cần duy trì sự có qua có lại, tình bạn tốt sẽ không vì những lợi nhỏ mà đánh mất nhau. Giống như Khổng Tử từng có câu: “Đầu chi dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao” tạm dịch “Mộc đào người tặng ném sang; Quỳnh dao ngọc đẹp mang ra đáp người”.

Tình người thực ra cũng giống như số tiền tiết kiệm bạn để trong ngân hàng, bạn dùng một lần nó sẽ ít đi một lần, không nên đánh giá quá cao bất cứ sức chịu đựng nào trong mối quan hệ, không có nhiều sự đương nhiên như vậy đâu.

Là một người bạn, cần phải hiểu và trân trọng sự cho đi của đối phương, hiểu được rằng có qua có lại mới toại lòng nhau, hiểu được phải chủ động bàn bạc chuyện tiền bạc, hiểu được cái giá của sự trao đổi.

Tiền chính là hòn đá thử vàng của tình bạn, cũng chính là thuyền hộ tống của tình bạn.

Tư Mã Thiên nói: “Chuyện nhỏ nhìn thấy cốt cách, tiểu tiết nhìn thấy nhân phẩm”. Không tính toán chi li là một loại nhân phẩm, không tranh lợi lại là một loại cốt cách.

Người có cốt cách thì mắt ắt sẽ nhìn xa trông rộng, không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà đánh mất đi giới hạn làm người. Còn người không cốt cách sẽ vì muốn giành lợi ích của người khác mà không biết trân quý đức hạnh của mình.

Cuộc đời cũng giống như một đoạn đường, mắt không nên chỉ biết nhìn xuống dưới chân, hãy ngước đầu nhìn phong cảnh phía trước, tâm rộng đường đi tự nhiên sẽ thênh thang.

Theo: Tinh Hoa

VÌ SAO CA SĨ TRƯỚC NĂM 1975 HÁT NHẠC VÀNG HAY HƠN CA SĨ TRẺ BÂY GIỜ?


Nhiều ý kiến cho rằng, lớp ca sĩ trẻ bây giờ hát nhạc vàng không hay bằng các ca sĩ thế hệ trước như: Thanh Thúy, Phương Dung, Giao Linh, Hoàng Oanh, Chế Linh, Duy Khánh…

Nếu nói ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạc vàng chưa có hồn với lý do là họ còn quá trẻ, chưa trải nghiệm cuộc sống thì hoàn toàn không đúng. Hầu như các ca sĩ trước 75 đều thành danh khi còn rất trẻ. Hoàng Oanh, Hương Lan đã đứng trên sân khấu khi còn ở tuổi nhi đồng. Thanh Thúy nổi tiếng với Giọt Mưa sThu khi cô mới tuổi 15-16. Phương Dung nổi tiếng năm 17 tuổi với Nỗi Buồn Gác Trọ…


Hầu hết các ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng thế hệ trước năm 1975 đều sinh vào thập niên 1940, và nổi tiếng vào thập niên 1960 khi mới ngoài 20 tuổi.

Hiện nay, có rất nhiều người yêu nhạc vàng tìm tải trên mạng những nhạc phẩm nhạc vàng thu âm trước 1975 của các sĩ thế hệ trước, được ghi âm cách đây 50-60 năm. Khi thu âm các bài hát đó, những ca sĩ như: Giao Linh, Hương Lan, Thanh Tuyền… vẫn con rất trẻ. Cách đây nửa thế kỷ, kỹ thuật ghi âm đĩa nhựa và băng cối còn sơ sài, không thể hiện đại như bây giờ. Nhạc cụ đệm cho các ca sĩ hát cũng đơn giản hơn nhiều.


Vậy tại sao người ta vẫn thích và tìm nghe những bản nhạc vàng thu âm trước 1975?

Trong khi những ca sĩ trẻ hiện nay cũng hát những ca khúc ấy với kỹ thuật ghi âm hiện đại, âm thanh tốt hơn gấp nhiều lần? Đó là vì cái hồn của bài hát được các ca sĩ ngày xưa thể hiện trọn vẹn. Họ hát các ca khúc bằng một cảm xúc rất chân thật.

Tất cả các bài nhạc vàng đều ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh. Các tác giả đã mang nỗi buồn loạn lạc, ly tán vào ca từ, điệu nhạc “bùm chách chách chách”, nội dung bài hát chủ yếu là hoài niệm, nên giọng hát cũng cần sự từng trải.

Ở lứa tuổi đôi mươi, các ca sĩ thế hệ trước phải sống trong hoàn cảnh chiến chinh, lời buồn quê hương đã vương vào lời ca, tiếng hát. Đó là thế hệ ca sĩ đã thể hiện các ca khúc nhạc vàng bằng giọng hát đầy tâm trạng, da diết một cách tự nhiên như vốn có.

Một lý do không kém phần quan trọng là có nhiều bài hát trước 1975 được nhạc sĩ sáng tác kiểu “đo ni đóng giày” cho giọng hát riêng của ca sĩ, nên về sau khó có người khác hát hay hơn. Hơn nữa, thuở xưa ca sĩ thường được nhạc sĩ sáng tác trực tiếp tập cho hát. Ca sĩ được truyền lại ý tứ, nội dung, ca từ bài hát một cách chính xác nhất để thể hiện trọn vẹn bài hát.


Các ca sĩ trẻ hiện nay hát nhạc vàng như cưỡi ngựa xem hoa, thiếu cảm xúc. Thế hệ sau không được sống trong không gian và thời gian lúc các bài nhạc vàng ra đời. Trong dòng nhạc này, muốn hát được có cảm xúc, ca sĩ bắt buộc phải hiểu hết nội dung bài hát, hát đúng lời, nếu biết được luôn hoàn cảnh sáng tác thì càng tốt. Các nhạc sĩ nhạc vàng và ca sĩ nhạc vàng ngày xưa rất khó chịu khi nghe ca sĩ trẻ hát sai lời nhạc vàng. Khi hát sai lời, nghĩa là họ không hiểu gì về bài hát, nên khó mà thể hiện đúng cảm xúc cần có.

Hơn nữa, kỹ thuật thu âm hiện đại ngày nay cũng góp phần làm cho ca sĩ hát nhạc vàng một cách vô hồn giống như trả bài. Kỹ thuật âm thanh tân tiến chỉ phù hợp với các loại nhạc điện tử. Còn nhạc vàng, người ta hát và nghe chủ yếu là bằng cảm xúc, ca sĩ phải hát bằng giọng thật của mình, không có sự trợ giúp của thiết thị điện tử.

Ngày nay hầu như ai cũng có thể làm ca sĩ, có thể tự thu âm bài hát. Trong phòng thu âm, ca sĩ có thế hát đi hát lại nhiều lần một bài hát, hát sai đoạn nào thì bỏ đoạn đó và ghép các đoạn hoàn chỉnh lại với nhau.


Cách đây nửa thế kỷ, ca sĩ trước 75 phải tập luyện nhuần nhuyễn bài hát thì mới có thể thu âm. Khi đã thu âm thì phải hát một lèo từ đầu đến cuối cùng với ban nhạc. Nếu hát sai hoặc va vấp đoạn nào, dù là nhỏ nhất, cũng phải hát lại từ đầu cùng ban nhạc, chứ không thể cắt, ghép, nối đoạn nhạc như hiện nay. Vì khó như vậy nên ca sĩ phải có thực lực, luyện tập không ngừng nghỉ mới có thể thành danh.

Trong các nữ ca sĩ nổi tiếng trước 1975, mỗi người đều sáng tạo ra cách hát luyến láy riêng cho mình để tạo thành nét đặc trưng. Vì vậy khi nghe nhạc, khán giả dễ dàng nhận biết ai đang hát, không giống như hàng tá giọng hát na ná nhau sau này. Điển hình là khi nghe giọng luyến giống như nức nở, nghẹn ngào đặc trưng thì ai cũng nhận ra đó là Thanh Thúy. Khi nghe những tiếng ngâm thơ đầu tiên, người nghe biết Hoàng Oanh, hoặc nghe giọng luyến và ngân rung rung nhẹ, người nghe biết là Phương Dung.

Có nhiều chi tiết trong các tác phẩm nhạc vàng, bây giờ chỉ còn là quá khứ. Xin đơn cử bài hát Yêu một mình của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân:

Nhà em có hoa vàng trước ngõ.
Tường thật là cao, gió leo cây kín rào.
Nhà anh cuối con đường ngoại ô.
Vách thưa đèn dầu thắp, gió lùa vào từng đêm…

Tuổi em cũng như hoa mới nở,
vạn người thầm mong được đưa đón chân em.
Xót xa anh còn trắng tay hoài,
sách đèn nợ chưa dứt nên lận đận truân chuyên…

Chiều nay pháo bay đầy trước ngõ.
Tạ từ thơ ngây dáng hoa đi lấy chồng.
Đường quen bỗng bây giờ buồn tênh.
Mỗi khi chiều dần xuống thấy lòng mình ngẩn ngơ…


Chắc chắn, các ca sĩ thế hệ 9x chưa bao giờ sống trong cảnh đèn dầu leo lét và được chứng kiến cảnh pháo nổ trong ngày cưới. Vì vậy họ khó thể hiện trọn vẹn được nỗi buồn của chàng thư sinh nghèo yêu thầm cô gái con nhà giàu, cũng như không “bung ra” được hết nỗi buồn của chàng trai khi nhìn xác pháo hồng vương vãi trước cổng nhà người mình yêu… Ca sĩ thế hệ 9X chỉ hát trong trí tưởng tượng, khó bằng các ca sĩ thế hệ trước đã qua sự trải nghiệm thực tế.

Theo: nhacxua