Có rất nhiều ghi chép về những vụ nổ bí ẩn trên thế giới khiến nhiều nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải. (Ảnh minh họa: Public Domain)
Trên thế giới còn ghi chép lại rất nhiều những sự kiện lạ lùng đến mức nhiều nhà khoa học cho đến nay đau đầu mà vẫn chưa tìm ra lời giải.
Vụ nổ bí ẩn xưởng Vương Cung năm 1625 tại cố đô Bắc Kinh
Sáng ngày mùng 6 tháng 5 năm Hy Tông Thiên Khởi thứ 6 của triều Minh (tức ngày 20/5/1625), tại cố đô Bắc Kinh, một tiếng nổ đinh tai nhức óc như tiếng sét đánh vang lên kéo theo sau một trận động đất lớn, nhà cửa sụp đổ, trời tối đen, bụi mù mịt…
Vụ nổ bí ẩn Wanggongchang (xưởng Vương Cung) gần như phá hủy hoàn toàn Bắc Kinh và kết thúc một triều đại. (Ảnh: china-underground)
Theo các nhân chứng, trước khi thảm họa này xảy ra, dường như đã có rất nhiều dị tượng như những điềm báo mà ông Trời gửi cho người dân nơi đây để tránh được đại nạn.
- Trước khi thảm họa xảy ra, khu vực này đã có hạn hán suốt 2 năm liên tục.
- Một tháng trước thảm họa, lũ chim trên đài quan sát ở thủ đô ngày đêm kêu gào thảm thiết.
- 14 ngày trước thảm họa, rét hại và sương muối xảy ra liên tục một cách dữ dội, khiến ‘cây cối trắng như bông’.
- 8 ngày trước thảm họa, buổi trưa mây mù bao phủ, đầu tiên có màu trắng, sau đó chuyển sang màu đỏ.
- 5 ngày trước thảm họa, tổng trấn Tế Nam, Sơn Đông đến chùa Thành Hoàng dâng hương, và khi vừa đến cổng chùa, vị tổng trấn và đoàn tùy tùng của ông đột nhiên ngất đi không rõ lý do.
- 3 ngày trước thảm họa, mây đỏ xuất hiện trên bầu trời phía đông bắc;
- 2 ngày trước thảm họa, mây đen ùn ùn kéo tới khắp trời.
- 4 giờ trước thảm họa, người dân ở cổng Di An Môn đột nhiên nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ ngôi đền Houzaimen gần đó. Khi vừa mở cửa ngôi đền để xem chuyện gì đã xảy ra thì họ chỉ thấy một quả cầu màu đỏ lăn ra khỏi ngôi đền và bay lên trời.
Các nhân chứng cho biết, lúc xảy ra vụ nổ, bầu trời quang đãng đột nhiên vang lên một tiếng sấm rất lớn, mặt đất "ầm ầm" rung chuyển trong bán kính 13 dặm. Tiếp đến là sấm sét nổ ra ở khắp nơi, hơn 10.000 ngôi nhà đổ sập, hơn 20.000 người thương vong. Xác người, xác động vật vương vãi khắp nơi, cảnh tượng thật điêu tàn.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho hiện tượng này như động đất, thiên thạch rơi xuống Trái Đất, đĩa bay người ngoài hành tinh xâm nhập… nhưng chưa có giả thiết nào thực sự thuyết phục.
Cho đến nay, vụ nổ lớn ở Bắc Kinh năm 1625 được coi là một trong số những hiện tượng bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngoài ra, chúng ta cùng điểm lại một số thảm họa tương tự đã xảy ra ở các quốc gia khác.
Vụ nổ bí ẩn Tunguska tại Nga năm 1908
Rạng sáng ngày 30/6/1908, một tiếng động lớn đã nổ ra trên sông Tunguska thuộc vùng Siberia nước Nga. Một quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện trên bầu trời, nhiệt độ tăng vọt khiến cư dân và động vật sinh sống trong khu vực phút chốc biến thành tro tàn. Hơn 2.150 km vuông bị san bằng và 80 triệu cây cối đổ rạp.
Địa điểm diễn ra sự kiện vụ nổ bí ẩn Tunguska như hiện nay. Hình ảnh: Fedor Daryin / The Siberian Times
Sức công phá của vụ nổ tương đương khoảng 10 - 20 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima năm 1945.
Một số nhân chứng kể lại rằng, họ thấy một cột sáng xanh vụt xuất hiện trên bầu trời phía Bắc. 10 phút sau, một tiếng nổ kinh thiên động địa xé toang bầu không khí yên tĩnh của cả một vùng.
Tiếp sau là một đợt sóng chấn động hất ngã mọi người và làm vỡ cửa sổ ở khoảng cách hàng trăm dặm. Trong vài ngày sau đó, bầu trời đêm trở nên đỏ rực tới mức mọi người có thể đọc sách dưới ánh sáng đó.
Cho đến nay, vụ nổ ở Tunguska được xem là có một không hai và còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Các nhà khoa học Nga cho rằng, “thủ phạm” gây ra vụ nổ này là một sao chổi, trong khi đó các nhà khoa học Mỹ nhận định là do một thiên thạch.
Các cuộc điều tra sau đó cho thấy đất Tunguska có chứa silicat và magnetit, có hàm lượng niken cao. Có nghĩa là vụ nổ Tunguska rất có thể là do thiên thạch của một tiểu hành tinh nào đó rơi xuống Trái đất, chúng tan rã thành các mảnh khi đi qua bầu khí quyển.
Vụ nổ bí ẩn ‘gò tử thần’ hủy diệt thành cổ Ấn Độ
"Mohenjodaro" ở Sindh của Pakistan là một thành phố quan trọng của nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Nơi đây được mệnh danh là "đô thị của Ấn Độ cổ đại và nền văn minh lưu vực sông" với khoảng 40.000 người sinh sống nơi đây.
Khu vực khai quật thành phố Mohenjo Daro, nơi đã xảy ra vụ nổ bí ẩn như chiến tranh hạt nhân nguyên từ thời cổ đại. (Ảnh: Wikipedia)
Nhưng vào khoảng 3.600 năm trước, tất cả 40.000 cư dân này bỗng đột ngột tử vong một cách bí ẩn chỉ trong một đêm, chỉ còn lại 44 hài cốt, thành phố trở nên hoang tàn điêu phế.
Thành cổ Mohenjo Daro được gọi là “Hang chết chóc” hay còn có tên là “Gò chết hạt nhân”.
Năm 1992, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những kiến trúc ở trung tâm vụ nổ, xung quanh đó có rất nhiều bộ xương người. Nghiên cứu những bộ xương này, họ thấy rằng tất cả các nạn nhân đều đột tử. Điều kỳ lạ là trong xương có chứa chất phóng xạ cực mạnh.
Các nhà nghiên cứu còn ngạc nhiên hơn khi nhận thấy hiện trường đổ nát rất giống quang cảnh thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật sau vụ nổ bom nguyên tử. Ngoài ra, trên mặt đất còn lưu giữ dấu vết của sóng bức xạ hạt nhân.
Các nhà khoa học tại Đại học Rome và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Ý đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm cho thấy, điểm nóng chảy của thành cổ Mohenzo Daro vào thời điểm đó có thể lên tới 1.400 đến 1.500 độ C, tương đương với mấy ngày cháy rừng và nhiệt độ của một lò luyện.
Vào thời điểm đó, thành phố này không hề có rừng. Ngoài ra có một truyền thuyết trong lịch sử Ấn Độ kể rằng, nơi đây có "hoàng hôn kỳ lạ", "tia sáng chói lọi" và "cực quang màu tím và trắng".
Vì vậy các nhà khảo cổ học cho rằng nguyên nhân thành phố biến mất là do một “vụ nổ hạt nhân”. Sự cố gò tử thần cho đến nay vẫn chưa có lời giải, được liệt vào một trong "3 bí ẩn thiên nhiên của thế giới".
3 vụ nổ trên khiến cho người ta liên tưởng đến sử thi "Mahabharata" nổi tiếng của Ấn Độ, mô tả một trong những cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử loài người, mà những chi tiết trong đó lại giống hệt như chiến tranh hạt nhân.
Điều đáng nói là, cuộc chiến này lại diễn ra vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên, tức hơn 5000 năm trước.
Chiến tranh hạt nhân trong sử thi ‘Mahabharata’
Sử thi cổ đại nổi tiếng của Ấn Độ "Mahabarata" kể câu chuyện về trận chiến giữa các bộ lạc Pandu và Kulu để tranh giành ngai vàng. Trong đó, 2 cuộc chiến khốc liệt giữa Korawa, Pandawa, Frishini và Anhaka sống ở thượng nguồn sông Hằng ở Ấn Độ là được khắc họa đậm nét nhất.
Cuộc chiến đầu tiên được mô tả như thế này:
“Trời bắt đầu thổi một cơn gió dữ dội, cuồn cuộn, mang theo bụi, sỏi và tiếng hét điên cuồng ... Dường như trời đang nứt và đất đang rung chuyển, Mặt trời quay cuồng trên cao. Thứ vũ khí này tỏa ra sức nóng khủng khiếp, làm rung chuyển cả đất trời. Động vật bị thiêu đốt, sông ngòi sôi sùng sục, tôm cá chết hết. Khi tên lửa nổ, âm thanh vang lên như sấm sét, những người lính địch bị thiêu như những bó đuốc sống".
Mô tả về cuộc chiến thứ hai còn kinh hoàng hơn:
"Tên lửa này dường như có sức mạnh của toàn vũ trụ, độ sáng của nó giống như một vạn mặt trời. Pháo hoa vụt sáng trên bầu trời một cách tráng lệ. Người chết cháy nhiều vô hạn, gương mặt họ biến dạng, tóc và móng tay rụng hết. Ngay cả những con chim đang bay trên trời cũng bị nhiệt độ cao thiêu rụi. Lính địch phải nhảy xuống sông để thoát thân".
Những mô tả về hai cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử này đã khiến con người hiện đại cũng phải phải bàng hoàng. Bởi chúng ta biết rằng, để đá có thể tan chảy thì nhiệt độ thấp nhất phải đạt 1.800 độ C. Những đám cháy thông thường hoàn toàn không thể đạt đến nhiệt độ này. Chỉ những vụ nổ hạt nhân như bom nguyên tử mới có thể đạt nhiệt độ cao đến như vậy!
Thêm nữa, tại rừng nguyên sinh Dekken, người ta còn tìm thấy nhiều tàn tích của các bức tường thành được kết tinh, nhẵn bóng như thủy tinh. Chúng được hình thành do sự nguội lạnh của đá sau khi tan chảy trong tích tắc ở nhiệt độ cao.
Những tàn tích tương tự cũng được tìm thấy ở Babylon, sa mạc Sahara, Mông Cổ Gobi và những nơi khác.
"Đá thủy tinh" này giống hệt như "thủy tinh đá" xuất hiện tại bãi thử hạt nhân ngày nay. Vì vậy, các nhà khoa học đã đặt giả thiết về một số nền văn minh tiền sử của loài người đã bị hủy diệt bởi chiến tranh hạt nhân.
Về sự diệt vong của các nền văn minh nhân loại thời tiền sử, còn có truyền thuyết về Atlantis, một lục địa chìm dưới đáy biển cách đây 10.000 năm do nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato ghi lại.
Người ta tin rằng lịch sử và nền văn minh nhân loại được lặp đi lặp lại và theo chu kỳ lịch sử, đã có nhiều thảm họa tàn khốc xảy ra, chẳng hạn như đại hồng thủy, sự đảo ngược của các cực địa từ, các hành tinh va vào Trái đất, chiến tranh hạt nhân…
Phật gia giảng rằng: Khi một thảm họa kinh hoàng xảy ra, toàn bộ nền văn minh nhân loại sẽ bị hủy diệt, chỉ còn một số ít người sống sót, sau đó sinh sản ra loài người mới và bắt đầu một nền văn minh mới.
Những vụ nổ bí ẩn này hiện nay vẫn thách thức con người thời đại mới kiếm tìm và khám phá, và biết đâu, khi những bí ẩn này được vén màn, toàn bộ tri thức nhân loại sẽ có bước đột phá vĩ đại.
Ngọc Minh (t/h) / Theo: NTDVN
No comments:
Post a Comment