Sunday, April 2, 2023

TỪ DUNG & TỪ CÔNG PHỤNG: CHUYỆN TÌNH ... BÍ ẨN

Từ Dung & Từ Công Phụng

Tôi học năm Đệ Nhất tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, năm đó có một học sinh người Chàm ở Ninh Thuận cũng lên Đà Lạt học cùng lớp, nhưng khác ban. Có lẽ là người thiểu số nên đi học muộn… dù anh lớn hơn tôi đến 4 tuổi nhưng vẫn học cùng lớp.

Là người Chàm nên anh rất kín đáo và dè dặt trong giao tiếp nhưng cũng nhờ ở trong ban văn nghệ trường nên chúng tôi tương đối cởi mở với nhau. Anh nói giọng Bắc đặc sệt, thỉnh thoảng còn kể chuyện tiếu lâm nhưng đối với những người lạ anh luôn giữ một khoảng cách, kín tiếng và rất kiệm lời.

Trong ban nhạc của trường, tôi chơi đàn guitar điện “fender” còn anh thì hát những bản nhạc nghe rất lạ. Sau mới biết đó là những bản anh tự sáng tác từ năm học Đệ Nhị, nổi bật nhất là bản “Bây giờ tháng mấy”.

Khi nói đến bản nhạc này, các bạn biết ngay đó là Từ Công Phụng, một nhạc sĩ mà sau này rất nhiều bạn trẻ hồi thập niên 60-70 hâm mộ.

Trước đó, Từ Công Phụng đã xuất hiện trên sân khấu trường Trung Học Duy Tân, Phan Rang, nhưng phải nói, lần đứng hát trên sân khấu Hội trường Hòa Bình ở Đà Lạt trong buổi văn nghệ liên trường mới là nấc thang đầu tiên đưa anh vào thế giới âm nhạc.

Từ Công Phụng trên sân khấu trường Duy Tân, Phan Rang

Từ xứ sở sương mù, tiếng hát họ Từ bay xa đến tận Sài Gòn nhờ làn sóng điện của Đài phát thanh Đà Lạt. Những bài hát như “Bây giờ tháng mấy”, “Mùa thu mây ngàn” do anh sáng tác đã được đài Đà Lạt ghi âm và phát đi phát lại nhiều lần. Dĩ nhiên, nhiều thính giả đài Sài Gòn cũng đã được nghe.

Cũng vào thời điểm đó, Từ Công Phụng còn hợp tác với cặp song ca Lê Uyên Phương trong ban nhạc Ngàn Thông hàng tuần được trình diễn trên đài phát thanh và đã chiếm được cảm tình của thính giả Đà Lạt. Đó cũng là nấc thang thứ hai để anh “leo” vào thế giới âm nhạc.

Học hết năm cuối trung học, Từ Công Phụng về Sài Gòn, nghe nói anh vào trường Quốc gia Hành chánh vì được hưởng quy chế ưu tiên dành cho người “dân tộc thiểu số”. Chúng tôi không liên lạc với nhau kể từ đó vì mỗi người có con đường riêng để theo đuổi.

Họ Từ đứng bên phải (hình chụp tại ký túc xá trường Quốc gia Hành chánh, 1966)

Khi về Sài Gòn, năm 1967, Phụng bắt đầu tham gia làng ca nhạc, anh xuất hiện lần đầu tiên ở Quán Văn trong khuôn viên Đại học Văn khoa. Cũng tại đây, anh quen với Từ Dung và hai người bắt đầu hát chung.

Bản nhạc đầu tiên họ hát là “Bây giờ tháng mấy”, bài “tủ” của Từ Công Phụng. Thế là làng ca nhạc Sài Gòn có một hiện tượng “mổi đình, nổi đám” với 3 cặp song ca: Khánh Ly-Trịnh Công Sơn, Lê Uyên-Phương và Từ Dung-Từ Công Phụng.

Điều đáng nói là tất cả đều có liên quan đến Đà Lạt. Hình như xứ sở sương mù là nơi hun đúc những giọng ca có đủ sức khuấy động những dòng nhạc mang nhiều “màu sắc”: triết lý như Trịnh Công Sơn, khắc khoải như Lê Uyên Phương và lãng mạn như Từ Công Phụng.

Cả ba cặp “uyên ương” đều thành công với những phong cách riêng của mình và người nghe có toàn quyền quyết định cái “gout” mình đã chọn cho một dòng nhạc. Đó cũng là điều làm phong phú thẩm âm của người Sài Gòn trước 1975.

Nhạc sĩ & Ca sĩ Từ Công Phụng

Trở lại với Từ Dung, người hát chung với Từ Công Phụng. Từ Dung xuất thân từ một gia đình nghệ thuật. Bố cô là nhà văn Hoàng Đạo – Nguyễn Tường Long trong nhóm Tự lực Văn đoàn của nhà văn Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam. Hoàng Đạo là em của Nhất Linh và cũng là anh của Thạch Lam.

Từ Dung được ca tụng là người đẹp “sắc nước hương trời”, đã có lần được bầu làm Á hậu trong một cuộc thi hoa hậu ở Sài Gòn vào thập niên 60. Hình như là “hồng nhan bạc phận” như người xưa đã từng nói, cuộc đời cô gặp nhiều trắc trở.

Từ Dung mồ côi cha khi mới ba tuổi, ông Hoàng Đạo mất bên Tầu, trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu. Bác của cô, Nhà văn Nhất Linh, qua đời ngày 7/7/1963, năm cô 18 tuổi.

Năm 1965 cô đậu Tú tài 2 và năm 1969 cô tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa. Về âm nhạc, cô là “đệ tử thanh nhạc” của ca sĩ Châu Hà, phu nhân của nhạc sĩ Văn Phụng. Từ Dung gặp Từ Công Phụng năm 1969, hai người hát chung với nhau và thấy “tâm đầu ý hợp” nên cuộc hôn nhân đã diễn ra ngay trong năm đó. Đám cưới được tổ chức theo truyền thống mẫu hệ “rước rể về nhà vợ” của người Chàm.

Năm 1971, Từ Dung bắt đầu xuất hiện trên TV Sài Gòn và cô cũng góp tiếng hát trong cuốn băng “Tơ Vàng 3 – Tình khúc Từ Công Phụng”. Cô song ca với Từ Công Phụng hai bài: “Vùng trời kỷ niệm” “Mùa thu mây ngàn”. Riêng phần mình, cô có 3 bài đơn ca: “Đêm không cùng”, “Lời cuối” “Đêm độc thoại”.

Sau năm 1975, hai người vẫn còn ở Sài Gòn. Nghe nói họ mở một quán cà phê nhỏ trên đường Trần Quang Khải mang tên “Cà phê Từ Dung”. Quán có một chiếc piano để chơi nhạc thính phòng và thỉnh thoảng cũng có ca hát giúp vui mỗi khi thấy không bị… “dòm ngó”.

Ca sĩ Từ Dung

Họ vẫn còn là vợ chồng, hình như đến năm 1976 thì… chia tay. Bản tính của họ Từ là người ít nói nên hầu như không ai biết lý do chính xác của việc ly dị. Năm 1980, Từ Công Phụng vượt biên và định cư tại Portland, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Họ Từ không phải đi lính vì thuộc thành phần “dân tộc thiểu số” nhưng nhạc của anh đã có một thời gian bị cấm dưới chế độ mới. Phần tôi, sau khi đi “cải tạo” về gặp rất nhiều khó khăn nên phải ra trông hàng cho bà chị họ ở chợ Bình Tây rồi lại đi bỏ mối lò dầu hôi cho các chợ ở Sài Gòn.

Mãi đến thời kỳ “Đổi Mới” mới được dễ thở phần nào. Năm 1979 thành phố hình thành Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật nhằm mục đích quy tụ những người đã được đào tạo từ “thế giới tư bản” để dậy Anh ngữ “lớp đêm” được tổ chức tại các trường ở Sài Gòn.

Tôi có dịp được gặp Từ Dung vài lần khi về Trung tâm vì cô cũng là “giáo viên tiếng Anh”. Chỉ là quen mặt chứ chưa bao giờ nói chuyện, hơn nữa, cả hai dậy các lớp đêm khác trường nên cũng chẳng thân thiết gì.

Từ Dung cũng xuất hiện trên sân khấu khi Trung tâm tổ chức những buổi liên hoan văn nghệ. Quả thật, hồi đó chỉ lo “cơm, áo, gạo, tiền” chứ đâu bận tâm đến “văn nghệ - văn gừng”.

Văn nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật

Những ngày ở lại Việt Nam Từ Dung có dấu hiệu trầm cảm, ít giao tiếp và cũng rất ít nói. Người ta bảo, đêm đêm cô ngồi một mình trong bóng tối như một pho tượng tại một căn phòng trong Cư xá Ngân hàng ở quận 3 (?). Lại cũng nghe nói sau này cô đã định cư tại Hawaii và lập gia đình với một người đàn ông Mỹ (?).

Từ Công Phụng và nhạc sĩ Phạm Duy tại Việt Nam, 2008

Như đã nói, bản tính của Phụng là thâm trầm, dè đặt trong lời ăn tiếng nói. Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Thanh Niên năm 2008 tại Việt Nam, khi được hỏi về Từ Dung thì Từ Công Phụng trả lời một cách… hồn nhiên:

“Tôi đã quên rồi [cười]. Cũng lâu quá còn gì. Chúng tôi chia tay vì một lỗi rất nặng của cô ấy, mà tôi bây giờ không muốn nhắc đến chuyện đó nữa…”

Bí mật chỉ được hé lộ đến mức đó vì có thể Từ Công Phụng ngoài việc “kín tiếng” còn là “người chồng có trách nhiệm” đối với gia đình mà anh đã xây dựng lần thứ hai tại Hoa Kỳ. Anh hiện sống với chị Kim Ái, một nhân vật cũng kín tiếng như chồng.

Từ Công Phụng & Kim Ái

Trên đây là những gì tôi biết về “cặp uyên ương” nhiều bí ẩn trong làng ca nhạc Sài Gòn. Từ Dung & Từ Công Phụng là đôi song ca rất ít người biết được chuyện phía sau sân khấu.

Sự chia tay lặng lẽ của hai người rồi cũng sẽ đi vào quên lãng của khán thính giả… nhưng có điều, dù muốn dù không, kỷ niệm vẫn là kỷ niệm đối với chính họ.

Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính