Có lẽ bạn đang bật cười vì đây là chuyện hài hước, một con mèo mà dạy hải âu cách bay. Vậy chúng ta nên tò mò hay coi đấy là một sự hoang tưởng đáng yêu?
Bằng cách kể chuyện rất duyên, Luis Sepúlveda đã đưa các cô cậu nhóc nhỏ đến với những dí dỏm về một câu chuyện đơn giản, truyền tải tình yêu thương đến tất cả trẻ em. Nhưng lại hướng người trưởng thành đến một thế giới dám mơ ước trong cuộc sống tựa hồ như một cơn lốc với nhiều gánh nặng này.
Những nghịch lý từ Chuyện con mèo dạy hải âu bay
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng trong lành ngay tại bến cảng Hamburg, chú mèo mun mập ú Zorba đang nằm dài lười biếng để sưởi nắng. Kengah, một cô hải âu xinh đẹp không may bị dính lớp váng dầu do con người thải ra biển. Cố gắng hết sức mình, Kengah bay gần vào bờ và đỗ lại trên ban công nhà Zorba. Với chút sức lực còn lại, cô đã sinh ra một quả trứng và nhờ Zorba hứa với mình ba điều. Trong lúc bối rối và xúc động trước cái chết của Kengah, Zorba đã đồng ý với cô: “sẽ không ăn quả trứng”, sẽ “chăm lo cho quả trứng đến khi chú chim non ra đời”, và điều cuối dường như không tưởng là “dạy nó bay”.
Điều gì đã khiến Kengah tin rằng sau khi mình qua đời, Zorba sẽ không biến quả trứng ấy thành một món ăn ngon cho một bữa trưa? Dẫu lý trí mách bảo tôi di nguyện ấy hoang đường biết bao, thì trái tim tôi vẫn luôn hy vọng có kỳ tích tồn tại. Bởi má tôi vẫn hay nói:“Kỳ tích chỉ xuất hiện khi bản thân đã nỗ lực cố gắng hết sức mình”. Có lẽ vào lúc cơ thể yếu đuối đến cạn kiệt ấy, trong lòng Kengah vẫn luôn tha thiết lo lắng cho đứa con bé bỏng chưa kịp chào đời của mình. Phải chăng tình mẫu tử thiêng liêng ấy đã bám liều vào trái tim của chú mèo ú kia?
Cái chết của Kengah được lồng vào hình ảnh một vùng biển đang bị lớp váng dầu bao phủ, như một hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường do con người gây ra, làm hại biết bao sinh vật.
Có lẽ quả trứng trong tác phẩm đã thật may mắn vì được Zorba cứu và nuôi nấng. Nhưng thực tế, còn biết bao nhiêu sinh linh khác chưa từng được biết đến thế giới này chỉ vì sự vô tình của con người?
Tôi là một kẻ không ưa gì văn chương, càng không phải là một kẻ thích lang thang trong một thế giới vốn dĩ:“nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, để rồi tìm tòi những hạt ngọc mà nhà văn nhặt nhạnh cho đời như Nguyễn Minh Châu đã nói:“Nhà văn là người gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Nhưng tôi đã lạc trôi trong hành trình ấy bởi Luis Sepúlveda. Với tôi, Chuyện con mèo dạy hải âu bay đã trở thành một hạt ngọc. Nó khiến lòng tôi rung cảm, trào dâng ngọn lửa hy vọng cho một sự vươn lên mạnh mẽ của lòng can đảm và nhiệt huyết.
Bài học chấp nhận sự khác biệt của nhau
Luis Sepúlveda đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một người cầm bút. Vốn dĩ, đề tài yêu thương đã quá quen thuộc hoặc có khi lại gặp ý tưởng na ná nhau. Nhưng ông đã dùng ngòi bút độc lạ hơn để nói về triết lí sâu sắc của đề tài này, đó là “tình khác loài”. Thật sự không hề đơn giản khi bắt một con mèo ấp trứng. Dẫu cho người ta vẫn nghĩ rằng, hải âu vốn là món ăn khoái khẩu của loài mèo đi chăng nữa. Khoảnh khắc chú chim non chào đời, cũng là lúc Zorba bắt đầu học cách làm cha, làm mẹ. Hành trình nuôi dạy này, khó khăn biết bao khi Zorba phải nuôi dưỡng một đứa trẻ không cùng giống loài với mình, vô số câu hỏi tựa hồ không lời giải đáp: Một nàng chim non phải ăn gì và cần học những gì đây?
Đông Miên / Theo: emdep
No comments:
Post a Comment