Rau nhíp (lá bép) – Loại rau rừng được mệnh danh là "bột ngọt” của rừng
Loại rau nhíp còn có tên gọi khác là cây lá bép, rau bét, rau lá bướm, rau danh, rau gắm. Tên tiếng Anh là paddy oats, gnetum, joint fir, kampong tree, spanish joint fir. Tên khoa học là gnetum gnemon L.
Nằm trong 10 đặc sản nổi tiếng ở Bình Phước, lá nhíp là một loại rau rừng được người S’tiêng yêu thích và thường xuất hiện trong mâm cơm của người dân tộc này. Đến với Bình Phước vào mùa thu hoạch lá nhíp, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đeo trên vai những chiếc gùi và đi vào rừng hái lá nhíp.
Lá nhíp là loại rau rừng mọc hoang ở các khu rừng trên đỉnh đồi. Thế nhưng vì nhu cầu sử dụng lá nhíp nên người S’tiêng đã mang giống cây này về để trồng, vừa để hái ăn trong gia đình, vừa có thể thu hoạch đem bán kiếm thêm thu nhập.
Loại rau rừng này thuộc thân gỗ tiến hóa từ dây leo và có kích thước khá nhỏ. Thân lá nhíp cao từ 5cm đến 20cm và có khá nhiều nhánh. Lá nhíp có quả hình bầu dục, nhìn từ xa giống như quả hạch và có lông mịn như nhung phủ kín bên ngoài. Lá nhíp có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu trong những cánh rừng ở Bình Phước.
Loại cây rừng này thường mọc hoang ở các khu rừng trên đỉnh đồi. Tuy nhiên sau khi nhà nước chuyển đổi rừng sang trồng cao su thì quãng đường đi hái loại rau nhíp của người dân kéo dài thêm. Chính vì thế mà già làng đã nảy ra một ý nghĩa đó là đem hẳn giống cây này về nhà trồng để giúp cho người dân không chỉ có cái ăn mà còn có thể kiếm thêm thu nhập qua việc trồng trọt, buôn bán lá nhíp.
Tương tự như đọt mây nướng, lá nhíp là loại rau gắn liền với đời sống người S’tiêng. Nó vô cùng quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của họ. Đến đây, có dịp ngồi thưởng thức một bữa ăn của người S’tiêng, du khách sẽ có cơ hội nếm thử món lá nhíp này đúng kiểu nhất. Nó mang hương vị dân dã nhưng không kém phần tinh tế, có thể khiến thực khách vương vấn chỉ sau một lần nếm thử.
Lá nhíp khi ăn có vị thơm ngon, dẻo ngọt, béo béo bùi bùi, cũng bởi nó có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Có rất nhiều cách để bạn chế biến lá nhíp như đem xào, nấu lẩu, hầm canh với cá suối... Tuy nhiên, món canh thụt làm từ lá nhíp chính là món ăn nổi tiếng nhất.
Trong bối cảnh rau nhíp rừng ngày càng khan hiếm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đưa cây rau nhíp từ rừng về trồng tại vườn nhà. Không chỉ có nguồn rau tại chỗ để sử dụng, mà việc trồng tại nhà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Tùy từng thời điểm, một cân lá nhíp có giá từ 45.000 – 80.000 đồng, có lúc lên tới 120.000 đồng mà không có để bán.
Có rất nhiều cách để bạn chế biến Lá nhíp như đem xào, nấu lẩu, hầm canh với cá suối...
Hiện nay, cây lá nhíp được trồng nhiều ở bắc Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam, Indonesia và bán đảo Mã Lai ở độ cao 200 - 900m. Ở Việt Nam, rau nhíp phân bố ở một số tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ như: Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận và Côn Đảo.
Cây rau nhíp là loài cây thân gỗ mảnh (thân trườn tiến hóa từ dây leo), kích thước từ nhỏ đến trung bình, thân cao từ 5 - 20m và có nhiều nhánh. Lá thuộc loại thường xanh, lá đơn mọc đối, không có lá kèm, mép lá nguyên, gân lá lông chim, dài 8 - 20cm và rộng 3 - 10cm; lúc mới mọc có màu đồng, khi trưởng thành có màu lục sẫm và bóng mặt, có mũi nhọn ở chóp, thon dẹp dần ở gốc, gân lá 5-7 cặp dính nhau; lá có hình dạng, kích thước gần giống với lá chôm chôm, lá nhãn. Hoa có cấu tạo hoa nguyên thủy dạng nón, đơn tính khác gốc. Quả giống như quả hạch, hình bầu dục, dài 2 - 5cm, có mũi ngắn, lấm tấm lông như nhung, lúc non màu vàng, rồi chuyển dần sang màu đỏ, tới tía khi chín, chỉ có một hạt trong mỗi quả.
Lá và quả cây nhíp: Ảnh: Kiều Đình Tháp.
Theo các nhà nghiên cứu, lá nhíp giàu protein, chất khoáng, vitamin A và vitamin C. Hàm lượng đường trong lá nhíp đạt 0,93%, do vậy khi nấu canh có vị ngọt, đồng thời với hàm lượng đường khử 0,88% giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ nguồn năng lượng này một cách nhanh chóng.
Không chỉ ngon, đủ calo, an toàn, loại rau này còn chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Ở Indonesia loại lá nhíp là cây bản địa mọc hoang hoặc trồng rất phổ biến và được dùng trong ẩm thực ở nước này.
Hạt cây lá nhíp được dùng để nấu món Súp rau chua Indonesia (Sayur Asem) và cũng có thể, nghiền thành bột và chiên thành món bánh emping, một loại bánh ghém krupuk giống như bánh phòng tôm ở Việt Nam. Loại bánh này có hương vị hơi đắng và thường được dùng để ăn nhẹ hoặc ăn kèm với các món chiên, xào khác. Lá rau nhíp cũng thường được sử dụng làm rau trong các món ăn.
Hạt được nghiền thành bột và rán kỹ thành một loại bánh giòn. Bánh này có vị hơi đắng và được dùng như là đồ ăn kèm với tên gọi 'Keropok Belinjau' trong ẩm thực của người Indonesia và Malaysia.
Loài rau này được trồng phổ biến ở khu vực Aceh và được xem như một loại cây rau cao cấp.
N.A / Theo: Dân Việt