Khi không may va phải một ai đó, rất có thể chúng ta sẽ nhận được những vẻ mặt cau có cùng ánh mắt đầy khó chịu kèm hàm ý đe dọa. Thông thường, không mấy ai để ý và sẽ cho qua, nhưng ở một số nơi, những ánh mắt “hình viên đạn” đó được dân gian gọi là “mắt quỷ” (the evil eye) và đi kèm với đó là hậu quả nghiêm trọng...
Lời nguyền có từ thời xa xưa
Theo các tài liệu ghi chép cổ cùng lời kể truyền miệng dân gian xưa, “mắt quỷ” là một dạng lời nguyền ám chỉ ánh mắt của con người có thể gây nên những đại họa cho người hay các sinh vật sống khác. Những tai họa do “mắt quỷ” gây nên có thể chỉ là những trận ốm, tai nạn “kì lạ” nhưng cũng có thể dẫn đến sự chết chóc.
Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Alan Dundes, lời nguyền “mắt quỷ” được che giấu dưới dạng lời khen tặng, khiến nạn nhân mất cảnh giác, sau đó được ếm khi nhìn vào mắt.
Ảnh minh hoạ.
Triệu chứng của việc bị nguyền ám bao gồm chán ăn, mệt mỏi hay ngáp, hoặc ốm nặng. “Mắt quỷ” cũng có thể ám lên động vật hoặc cây cối khiến gia súc gầy đi, bò kiệt sữa, cây cối đột nhiên chết… Thậm chí, những tòa nhà hoặc phương tiện vận chuyển cũng có thể bị ếm: ô tô, xe máy bất ngờ bị hỏng vĩnh viễn, nhà nhanh chóng xuống cấp, bị dột hoặc bị côn trùng, giòi bọ xâm lấn… Vậy nguồn cội của "mắt quỷ" là từ đâu?
Ngược dòng lịch sử...
Theo một số tài liệu cổ xưa, “mắt quỷ” đã được người Hy Lạp và La Mã cổ đại nhắc đến nhiều trong kinh Koran (Kinh Thánh của người Hồi giáo). Thậm chí, "mắt quỷ" cũng được đề cập tới trong kịch của Shakespeare.
Người xưa tin, “mắt quỷ” là một dạng trù ếm, hình thành từ những đố kỵ, ghen ghét, thèm khát của con người. Nó nhập vào ai đó và rồi thông qua đôi mắt - nơi được coi là cửa sổ tâm hồn, bắt đầu lan tỏa, tạo nên những bệnh dịch không rõ nguyên nhân và không thể chữa khỏi. Đó được coi là những đôi mắt chứa đầy tai họa.
Ảnh minh hoạ.
Người xưa đặc biệt tin vào “sự nguyền rủa” (thậm chí con người hiện đại ngày nay cũng vậy). Bất kỳ sự kiện xấu nào như ốm chưa rõ nguyên nhân, tai nạn bất ngờ… đều có thể được đổ lỗi cho sự nguyền rủa. Những lời nguyền, trong đó có “mắt quỷ” được coi là nguyên nhân kinh điển cho câu hỏi vì sao người ở hiền lại phải hứng chịu điều xấu, tai ương.
Ngay cả ngày nay, người Mexico vẫn đang lưu truyền câu chuyện của bé Chita - một cô bé dễ thương và ngoan ngoãn. Nhưng đến một ngày, một người phụ nữ vóc người nhỏ bé đã đến bên cô và nói: “Cô bé dễ thương quá, hãy cho phép ta được chạm vào tóc và đôi mắt của bé”.
Ảnh minh hoạ.
Mẹ Chita đã không cho và người phụ nữ bỏ đi, nhưng ngay hôm sau cô bé bị ốm, sốt rất cao. Các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân, cho đến khi một nữ phù thủy tiết lộ “cô bé đã bị ám bởi mắt quỷ”, đồng thời tiến hành giải hạn cho cô bé.
Cách phòng tránh “mắt quỷ” và chống lại lời nguyền
Trẻ em và trẻ sơ sinh được cho là những đối tượng dễ bị “mắt quỷ” ám nhất. Một số nước như Hy Lạp, Rumani, hoặc Ấn Độ đưa ra vài quy định cấm kỵ là khen ngợi trẻ em một cách công khai ở chốn đông người.
Lý do là bởi điều này có thể thu hút những ánh “mắt quỷ” đầy ghen ghét và thù hằn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn khen ngợi những đứa bé đó, bạn có thể bắt đầu lời khen bằng lời lẽ tôn kính đến Chúa Trời vì đó được xem là một hành động khiêm nhường. Một nền văn minh cổ đại thuộc vùng Lưỡng Hà dùng chiếc mặt dây chuyền bằng hồng ngọc như một lá bùa ngăn "mắt quỷ".
Ảnh minh hoạ.
Vào thời xưa, “mắt quỷ” lộng hành đến nỗi dường như không ai dám khen tặng nhau. Họ tin rằng, bất kỳ ai cũng có thể mang “mắt quỷ” và dù cho họ không hề mang chủ ý xấu nhưng rất có thể, họ sẽ ếm lời nguyền ngay cả khi bản thân người đó không hề biết.
Ngay cả đến một cái nheo mắt, hoặc những người có tật ở mắt cũng khiến tất thảy mọi người lo sợ. Với nhiều người, niềm tin này có thể vô hại, nhưng biết đâu nó sẽ gây nguy hiểm cho người thân mình.
Nếu một người bị buộc tội là ếm “mắt quỷ” lên người khác, khả năng người đó bị tấn công, đánh đập tàn bạo, trả thù, thậm chí giết chết rất cao. Và vì quá lo sợ, mọi người tìm cách chống lại "mắt quỷ" bằng những phương pháp khác kì quặc.
Bức khảm mô tả lại một vài loại bùa chú chống lại "mắt quỷ" ở thời La Mã.
Một phương pháp được đưa ra đó là để xua đuổi “mắt quỷ”, khi một đứa trẻ được khen tặng, bố mẹ chúng sẽ yêu cầu người khen phải nhổ nước bọt… vào mặt bé. Họ tin rằng, hành động này sẽ khiến đứa bé từ đang được ngợi khen, bị hạ thấp nhân phẩm trầm trọng. Nó sẽ làm cho “mắt quỷ” không còn cớ để ám nữa.
Nhưng “phòng hơn chống”, cách tốt nhất để chống lại lời nguyền “mắt quỷ” chính là tránh nó. Mỗi nơi có phương pháp phòng tránh “mắt quỷ” khác nhau, tùy theo văn hóa, vị trí địa lý và sở thích cá nhân.
Người Ý dùng loại bùa đeo cổ làm bằng bạc, có hình dáng nắm tay hoặc bàn tay đang bắt quyết.
Tại Hy Lạp, người ta sử dụng bùa hộ mệnh, mang màu xanh lam - màu sắc tượng trưng cho thiên đường hoặc thần thánh và biểu tượng con mắt. Người Ý sử dụng hai loại bùa đeo cổ làm bằng bạc, có hình dáng nắm tay hoặc bàn tay đang bắt quyết.
Còn người Ấn Độ sử dụng bùa làm từ những sợi dây gắn đá xanh, được đeo cho trẻ sơ sinh. Bùa mê, thuốc phép, thần chú cũng được sử dụng phổ biến. Một số nơi sử dụng tỏi để ngăn quỷ dữ và nhiều người tin rằng, thậm chí chỉ cần nói từ “garlic”- tỏi là đủ để bảo vệ bản thân trước “mắt quỷ”.
Bên cạnh đó, nhiều tài liệu cũng chỉ ra cách để bạn có thể áp dụng "trừ tà" nếu ai đó đã bị “mắt quỷ” ám. Thông thường nhất, người ta nhờ cậy đến những Shaman- thầy phù thủy, thầy bói hay những nhà ngoại cảm để hóa giải lời nguyền.
Tạm kết
Những câu chuyện về "mắt quỷ" vẫn xuất hiện, nhưng ngày nay, mức độ ám ảnh về nó không còn quá nghiêm trọng như trước, mặc dù ở một số nơi dân trí thấp trên thế giới vẫn có trường hợp người bị thiêu sống vì nghi là phù thủy. Thông thường, để bảo vệ mình, nhiều người thường mang bùa hộ mệnh có hình con mắt bởi họ cho rằng, chiếc bùa đó sẽ giúp họ chống lại lời nguyền từ "mắt quỷ".
Ảnh minh hoạ.
Tất nhiên, tryuyền thuyết thì vẫn chỉ đơn thuần là truyền thuyết và những lời kể dân gian sẽ bị "xáo trộn" và mai một đi nhiều. Nhưng xét cho cùng, niềm tin này cũng không gây hại gì và ta có thể coi đây là cách người xưa sử dụng nhằm hóa giải những ánh mắt thù địch, đố kỵ, ghen ghét, để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.
PV / Theo: Dân Việt