Tử Cấm Thành là một trong những công trình hoành tráng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Trung Hoa. Đây là nơi ở của giới Hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời là trung tâm chính trị của Trung Quốc suốt 500 năm.
Là chốn uy nghiêm dành cho Hoàng đế nên rất ít dân thường được bước chân vào. Cuộc sống của Hoàng đế và phi tần cũng được bảo vệ bởi các bức tường thành và cuộc sống của họ là điều bí mật.
Ngày nay, dần dần một số bí ẩn được hé lộ. Tuy nhiên, chủ đề liên quan tới ẩm thực được giới nghiên cứu quan tâm vẫn có nhiều điều chưa sáng tỏ.
Tinh hoàn hổ giúp Hoàng đế Trung Hoa tăng cường ham muốn
Ông Zhao Rongguang, một nhà sử học đến từ tỉnh Hắc Long Giang, là một trong số ít những chuyên gia nghiên cứu về chế độ ăn uống của giới quyền lực thời đó. Trong những ngày đầu, hầu hết các tài liệu cổ liên quan tới vấn đề này đều bị niêm phong.
Là một trong số rất ít người được tiếp cận tài liệu cổ, nhà sử học này bắt đầu tìm hiểu về ẩm thực ở Tử Cấm Thành từ hơn 40 năm trước.
Một bàn tiệc lấy cảm hứng từ bữa tiệc triều đình (Ảnh: Getty).
Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng ông Zhao vẫn kiên trì tới kho lưu trữ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc nằm ở cổng phía tây của Tử Cấm Thành vào những năm 1990. Gần 40 năm thu thập tài liệu, ông đưa ra cái nhìn bao quát về thói quen ăn uống của 3 nhân vật lịch sử nổi tiếng Trung Hoa gồm vua Khang Hy, vua Càn Long và Thái hậu Từ Hi.
Bắt đầu từ câu chuyện của Hoàng đế Khang Hy, ông là người đứng đầu nhà Thanh. Dưới thời vị vua này, Trung Hoa bước vào thời kỳ tương đối ổn định chính trị, kinh tế. Điều này cũng ảnh hưởng tới thực đơn ăn uống của những người sống ở Tử Cấm Thành.
"Trên bàn tiệc của vua Khang Hy có rất nhiều món nướng và thậm chí xuất hiện cả món lạ như tinh hoàn hổ. Người xưa tin rằng tinh hoàn loài vật này có tác dụng tăng cường ham muốn tình dục. Tôi tin rằng vị Hoàng đế này ăn rất nhiều vì có ghi chép chính thức nói rằng Hoàng đế Khang Hy đã săn hơn 60 con hổ trong đời", ông Zhao nói.
Các Hoàng đế nhà Thanh đều dùng nhiều món súp tổ yến (Ảnh: Getty).
Ngoài ra, món mào gà cũng xuất hiện trong bữa ăn của vua với mục đích tương tự.
Dưới thời vị vua này, nhiều món ăn của dân tộc Hán cũng xuất hiện trong bữa tiệc cung đình như món mề vịt hầm.
Bữa ăn của Hoàng đế "không xa hoa như nhiều người tưởng tượng"
"Tử Cấm Thành là gì? Nó như bất cứ cộng đồng nào với ẩm thực là một phần không thể thiếu trong toàn bộ nền văn hóa. Bản thân văn hóa ẩm thực phản ánh rất nhiều về địa vị, quyền lực cũng như sở thích và mối quan hệ con người", bà Daisy Yiyou Wang, phó giám đốc Bảo tàng Cố Cung ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi được ví như "bảo tàng chị em" của bảo tàng Cố Cung nằm tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, cho biết.
Trong số các vật trưng bày tại triển lãm có một ấm trà sữa bằng bạc có niên đại từ thế kỷ 18 hoặc 19. Món vật nằm giữa bình rượu vàng lấp lánh có chạm khắc mây và rồng cùng một chiếc bát thủy tinh có những sợi chỉ vàng tinh xảo.
Chiếc ấm trà được vẽ cầu kỳ với những con rồng vàng mạ vàng cho thấy rằng trà sữa, một món ăn chính trong bữa ăn của người Mãn Châu, là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của triều đình thời nhà Thanh.
Trà sữa muối phản ánh nguồn gốc Mãn Châu của triều đình.
Ngay cả khi Càn Long du hành đến vùng Giang Nam (ngày nay là Hàng Châu và Thượng Hải), ông đã thuê một bậc thầy trà sữa từ Mông Cổ để chuẩn bị trà sữa cho triều đình mỗi ngày".
Và một trong những món không thể thiếu ở Tử Cấm Thành vào những tháng mùa đông là lẩu. Ngày nay, một chiếc nồi tráng men từng phục vụ món lẩu trong triều đình còn được trưng bày tại bảo tàng Cố Cung ở Hong Kong.
Theo nhà nghiên cứu Zhao, thực đơn món ăn luôn được trình lên Hoàng đế phê duyệt từ hôm trước. Tuy vậy, các món ăn chỉ phản ánh một phần sở thích ăn uống của Hoàng đế. Số còn lại là món ăn theo mùa như món lẩu.
Hoàng đế Càn Long trong bức tranh của Giuseppe Castiglione, nhà truyền giáo người Italia ở tại triều đình nhà Thanh (Ảnh: Getty).
Ông Zhao cũng đánh giá ẩm thực thời vua Càn Long đa dạng và tinh tế hơn. Trên bàn ăn của vị vua này hay có các món như vịt om hun khói, măng non xào thịt lợn, súp tổ yến chưng với đường phèn. Đây là một số món ăn tiêu biểu của vùng Giang Nam.
Hoàng đế Càn Long tin rằng súp yến cực kỳ bổ dưỡng nên ông thường ăn một bát vào thời điểm vừa tỉnh dậy trước khi dùng bữa sáng.
Theo tài liệu lịch sử, vua Càn Long ăn 2 bữa chính trong ngày. Một bữa lúc 6h và một bữa lúc 14h. Buổi tối, ông thường ăn từ 20h đến 21h gồm 8-10 món ăn nhẹ.
Và theo chuyên gia Zhao cũng như nhiều nhà nghiên cứu trong bảo tàng Cố Cung ở Hong Kong, các bữa ăn ở Tử Cấm Thành không xa hoa như nhiều người tưởng tượng. Bà Wang cho biết, các Hoàng đế có chế độ ăn uống lành mạnh, không có những bữa yến tiệc cả triệu món ăn.
Huy Hoàng / Theo: Dân Trí
No comments:
Post a Comment