Sunday, September 29, 2024

VU HUỆ TĂNG, NỮ TRÀ SƯ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Vu Huệ Tăng (于慧曾) hiện sống ở nước Pháp. Bà là người gốc Đài Loan, một bậc thầy về trà đạo Công Phu và là người nữ duy nhất trong số mười trà sư hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Nữ trà sư Vu Huệ Tăng (于慧曾)

Nữ trà sư Vu Huệ Tăng có tên tiếng Anh là Yu Hui Tseng, phiên âm từ tên 于慧曾 trong tiếng Trung Quốc. Bà là hậu duệ nhiều đời của Tăng Tử (505 - 435 TCN) - một nhân vật trong Nhị thập tứ hiếu và là học trò xuất sắc của Khổng Tử.

Vu Huệ Tăng sinh ra tại huyện Nam Đẩu (Đài Loan), nơi gia đình mẹ bà nhập cư từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Vào thế kỷ 17, dưới thời nhà Minh, thân tộc của bà nằm trong số 100 gia đình quý tộc được chọn để sinh sống trên đảo Đài Loan. Có lẽ xuất thân từ quý tộc nên bà có cuộc sống khá nhàn hạ.

Vài hình ảnh về trà quán La Maison des Trois Thés ở Paris. Ảnh: thevangeliste.wordpress.com, tripadvisor.fr, volutes-tea.com, timeout

Vu Huệ Tăng học piano từ năm 4 tuổi, sau đó học kèn clarinet ở cấp độ chuyên nghiệp rồi đoạt giải nhất tại Đài Loan năm 17 tuổi. Và không có gì ngạc nhiên, bên cạnh việc học nhạc, bà còn thọ giáo Trà đạo Công Phu của sư phụ Trương Thiên Phúc (张天福), vì cả ba thế hệ gia đình bà đã kế thừa và phát triển quy trình sản xuất trà tại Đài Loan. Về sau bà trở thành một trong những chuyên gia giỏi nhất về trà trên thế giới.

Nét văn hóa phổ biến hơn 1.000 năm qua

Công Phu trà là một loại hình trà đạo liên quan đến nghi thức chuẩn bị và trình bày trà, có nguồn gốc từ Phúc Kiến và khu vực Triều Sán phía đông Quảng Đông. Do phải mất nhiều thời gian để lựa chọn nguyên liệu, nướng, cất và pha nên nó được gọi là Công Phu trà hay Công Phu trà Triều Châu, một nét văn hóa trong việc uống trà phổ biến hơn 1.000 năm qua.

Vu Huệ Tăng muốn sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để quảng bá Công Phu trà rộng khắp nên bà sang nước Pháp sinh sống. Bà muốn thay đổi hình ảnh của trà mà nhiều người đã biết về nó ở nước Pháp cũng như các nước phương Tây khác.

Năm 1995, bà mở trà quán La Maison des Trois Thés tại số 1 đường Saint-Médard (Paris), nơi bà có một trong những hầm trà lớn nhất thế giới, với hơn 1.000 loại trà do chính tay bà tuyển chọn, trong đó có một số loại trà lâu đời đến hơn 100 năm, có thể vượt quá giá trị của những loại rượu vang Pháp nổi tiếng như Château Pétrus, Romanée-Conti hay Dom Pérignon.

Trà sư Vu Huệ Tăng đang “tìm hiểu” trà. Bà có thể trả lời chính xác tất cả về loại trà mà bà đã nếm trải. Ảnh: pluris.fr

Công Phu (工夫) trong phương ngữ Triều Sán có nghĩa là tỉ mỉ và tinh tế giống như tính chất của Vu Huệ Tăng vậy. Bà chú ý đến chất lượng và cách pha trà truyền thống cổ điển của Trung Quốc trong tất cả các loại trà, dù đó là trà rời, trà thô, trà bột hay trà dạng nén, đặc biệt là loại trà lá rời tự nhiên, một sản phẩm gia dụng từ cuối thế kỷ 14, phổ biến từ thời nhà Minh, đã được đưa vào sử dụng trong cung đình.

Tại trà quán của mình ở Paris, Vu Huệ Tăng cất giữ và ủ các loại trà trong loại buồng có thiết kế đặc biệt, kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm tối ưu. Bà vốn cầu toàn trong việc bảo quản trà nên thường yêu cầu khách hàng không xức nước hoa nồng nặc khi họ tham dự buổi nếm thử trà của bà.

Thế rồi, càng ngày trà quán La Maison des Trois Thés của bà càng được giới sành trà cũng như các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới săn đón. Bà đã cộng tác với những đầu bếp lừng danh như Alain Senderens, Guy Savoy, Joël Robuchon, Olivier Roellinger và Pierre Gagnaire, cung cấp từng loại trà phù hợp với thức ăn trong nhà hàng của những đầu bếp này.

Ngoài ra, bà còn làm việc với các chuyên gia về bánh ngọt và sôcôla, các nhà sản xuất rượu, thợ làm pho mát bậc thầy, các cửa hàng tạp hóa, nhà chưng cất rượu whisky và thậm chí cả nước hoa…

Vu Huệ Tăng và trà quán La Maison des Trois Thés. Ảnh: lonzl.com, wordpress.com, stockfood.ro

Ngày nay, nếu đến La Maison des Trois Thés ở Paris, bạn sẽ thấy phong cách trang trí kiểu Trung Quốc, với những ký tự chữ vuông bên ngoài quán. Gỗ có mặt khắp nơi, vật dụng nội thất là bản sao của đồ nội thất cổ điển và hiện đại của Trung Quốc.

Thực đơn có rất nhiều món với các loại rượu hiếm và đắt tiền, giá trung bình cao hơn một chút so với những nơi khác, song chấp nhận được, vì cái tên của nữ trà sư Vu Huệ Tăng cũng đủ bảo đảm tất cả, xứng đáng cho chuyến viếng thăm của bạn.

Vương Trung Hiếu / Theo: Thanh Niên
Link tham khảo: