Friday, September 13, 2024

100 NĂM NGÀY KHAI SINH MÓN XÀ LÁCH CAESAR

Ra đời tại Mexico, món ''Caesar salad'' (salade César trong tiếng Pháp) lại được xem là một trong những món ăn tiêu biểu nhất của Mỹ. Có người cho là món xà lách này được đặt tên theo hoàng đế La Mã Julius Caesar, do thành phần chính là xà lách romaine của Ý. Nhưng cũng có ý kiến cho là món này do nhà triệu phú Thụy Sĩ César Ritz tạo ra khi ông thành lập khách sạn trứ danh Ritz tại Paris. Vậy món xà lách Caesar thực sự đến từ đâu và do ai làm ra ?


Trả lời câu hỏi này, loạt bài viết mùa hè của báo Le Figaro cho biết, mặc dù nhiều nhà hàng Ý được đặt tên theo vị hoàng đế La Mã, hoặc chọn xà lách Caesar làm một trong những món chính, nhưng thực ra tên món ăn này chẳng có liên quan gì đến thời La Mã cổ đại. Cho dù vẫn còn một số tranh cãi về hoàn cảnh ra đời của món này, theo báo Le Figaro, hầu hết các nhà nghiên cứu ẩm thực đều đồng ý về một điều: Món Caesar ra đời vào đầu những năm 1920 tại Tijuana (Mexico) và có rất nhiều khả năng, món xà lách do ông chủ nhà hàng Caesar Cardini (1896-1956), hoặc một người thân của ông sáng chế.

Đầu bếp bậc thầy về xà lách Efrain Montoya chế biến món xà lách Caesar tại nhà hàng Ceasar's Palace ở Tijuana, Mêhicô, ngày 27/06/2024. AP - Gregory Bull
 
Xà lách Caesar lúc đầu không có thịt gà

Theo nhà sử học L. Sasha Gora, chuyên nghiên cứu về ẩm thực thuộc Đại học Augsburg (Đức), để thoát khỏi thời kỳ cấm rượu tại Mỹ từ năm 1920 đến 1934, ông Caesar Cardini đã rời bang California để sang lập nghiệp ở phía bên kia biên giới Mexico. Ông mở một nhà hàng ở Tijuana và quán ăn của ông đã nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng người Mỹ, đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ. Các ngôi sao điện ảnh như Jean Harlow hay Clark Gable vào những dịp nghỉ lễ thường đến Tijuana để vui chơi giải trí, nhất là nơi này có bán rượu ngon.

Theo cô Rosa Cardini, con gái ruột của ông Caesar Cardini, thân phụ của cô đã sáng chế ra món xà lách Caesar một cách ngẫu nhiên, nếu không nói là ''bất đắc dĩ''. Cách đây đúng một thế kỷ, nhân ngày 04/07/1924, ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ (Indepandance Day), Caesar Cardini không ngờ rằng quán ăn của ông lại đắt khách đến như vậy. Lúc bấy giờ, nhà hàng đã bán sạch các món có trên thực đơn, trong bếp dường như không còn thứ gì. Do không muốn mất khách, ông Cardini đã tùy cơ ứng biến, chế ra một món ăn với những gì còn sót lại trong bếp. Ông trộn xà lách romaine với lòng trứng đỏ, một chút phô mai parmesan, tỏi bằm, dầu ô liu và sốt Worcestershire. Thế là món xà lách Caesar ''chính thức'' ra đời. Trái với điều mà nhiều người lầm tưởng, món này không phải là xà lách ''thập cẩm'', cho nên ban đầu không hề có ức gà nướng, thịt xông khói bacon, hay bánh mì chiên giòn…

Caesar’s Original Tijuana Restaurant

Nhưng theo bà Diana Kennedy, tác giả của quyển sách hướng dẫn ''Những món ăn không thể thiếu của Mexico'', thực tế không đơn giản như vậy. Theo bà, chính Alex Cardini, anh trai của Caesar mới là người đã sáng chế ra món xà lách trộn này, mà ban đầu được gọi là ''xà lách Aviator'', trước khi món ăn này trở nên phổ biến, nhiều lần được sao chép thành món ''xà lách Caesar''. Vần đề ở đây là ngoài hai anh em Cardini, hai cộng sự của họ là Paul Maggiora và Livio Santini cũng cho rằng chính họ mới là người đầu tiên nghĩ ra món xà lách trộn này.
 
Biểu diễn để bù lại công thức đơn giản

Theo báo Le Figaro, dù ai là người khai sinh, món ăn đã trở nên nổi tiếng phần lớn nhờ tài kinh doanh của Caesar Cardini. Suy cho cùng, công thức làm món này chẳng có gì là cao siêu, nhưng có ‘‘ăn tiền’’ hay chăng là ở chỗ dàn dựng : tựa như một màn trình diễn, các nhân viên học cách chế biến món ăn, cho mỗi thứ một chút vào trong bát lớn, rồi trộn xà lách ngay trước mặt khách hàng. Vào thời kỳ cực thịnh của quán ăn ở Tijuana, đích thân ông chủ nhà hàng đẩy một chiếc xe lớn, trên xe có đầy đủ các thành phần, và chỉ khi nào khách gọi món, thì ông mới ra tay biểu diễn cách trộn romaine thành món xà lách Caesar.


Cũng như món bánh mì kẹp nhiều lớp '''sandwich club'', mòn xà lách trộn Caesar đã trở nên phổ biến, do rất dễ thực hiện. Vào năm 1935, khi lệnh cấm rượu chính thức kết thúc tại Mỹ, số du khách đi Tijuana bắt đầu giảm mạnh, quán ăn có bán rượu không còn đông khách như xưa. Casear Cardini đã bán lại cơ sở kinh doanh của ông. Dù sau đó đã nhiều lần đổi chủ, quán ăn này vẫn tồn tại, sau khi được công ty Grupo Plascencia mua lại. Tuy thực đơn đã có phần thay đổi, nhưng món xà lách Caesar nổi tiếng vẫn được làm trước mặt khách hàng, ngay trong phòng ăn. Vào năm 1948, vài năm trước khi ông qua đời, Caesar Cardini đã đăng ký bản quyền công thức làm nước sốt của mình, lập công ty kinh doanh các chai 350 ml nước sốt làm sẵn, chủ yếu để trộn xà lách Caesar.


Theo nhà sử học L. Sasha Gora, từ cuối những năm 1940 trở đi, món xà lách Caesar hầu như luôn có mặt trên thực đơn của các khách sạn quốc tế. Sau Mexico, món này trở nên phổ biến ở bang California, xuất hiện ở New York vào những năm 1946-1947, rồi từ đó mới lan rộng sang khắp châu Âu. Thậm chí vào năm 1953, Société d'Épicure, một hiệp hội quốc tế của những người theo chủ nghĩa ''hưởng lạc'' (trụ sở đặt tại Paris), đã bình chọn xà lách Caesar làm một trong những món ăn ngon đến từ châu Mỹ.

Theo thời gian, các thành phần để làm món xà lách Caesar thay đổi tùy theo thị hiếu của khách hàng. Thịt gà nướng cắt mỏng, thịt xông khói bacon, lát bánh mì mỏng chiên tỏi, parmesan bào mịn, pancetta đút lò hay một chút anchois (một dạng cá cơm ngâm muối) ướp với vài giọt nước chanh vắt, để gợi lại hương vị của nước sốt Worcestershire. Mỗi đầu bếp tùy theo ngẫu hứng sẽ có một cách làm riêng : có người thêm một chút mayonnaise để làm cho sốt trộn xà lách đặc quánh lại, người thì trộn thêm với một chút bơ muối tan chảy, nhưng cũng có một số đầu bếp loại bỏ hẳn ''anchois'' (anchovy), vì mùi cá không hợp với khẩu vị của nhiều thực khách Tây Âu.


Cũng như món bún chả hay bánh xèo Việt Nam, ngon hay không trước hết là nhờ nước chấm, xà lách trộn kiểu Caesar dù có chế biến cách nào đi chăng nữa, có ngon là nhờ nước sốt : đặc nhưng không sệt, mịn màng mềm nhuyễn nhờ lòng trứng đánh thật đều tay. Do vậy, thực khách dùng món này vẫn cảm thấy đậm đà vừa miệng, xà lách thoạt nhìn tưởng chừng có nhiều chất béo, nhưng người ăn lại vẫn nhẹ bụng. Nhờ tính linh hoạt trong lối kết hợp và khả năng biến tấu thành nhiều công thức, cho nên đúng 100 năm sau ngày ra đời, món xà lách Caesar đã thực sự chinh phục thế giới.

Tuán Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
Link tham khảo: