Thursday, September 26, 2024

"NGƯỜI TÌNH TRONG MẮT HÓA TÂY THI" - CÂU TRƯỚC ĐÓ MỚI LÀ TRỌNG ĐIỂM

Câu “Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi” (情人眼裡出西施 tạm dịch: Người tình trong mắt hóa Tây Thi) được ghi lại sớm nhất trong cuốn ‘Sơn Cốc thượng – Điều khê ngư ẩn tùng thoại hậu tập’. Câu này có ý tứ là trong mắt người tình thì dù cô gái có dáng vẻ như thế nào đều sẽ trở nên xinh đẹp như Tây Thi vậy.


Phía sau câu nói này cũng có một câu chuyện được kể lại như thế này. Vào thời Xuân Thu, ở vùng ngoại ô nước Việt có một vị tiều phu tên là Tần Nhân. Một ngày nọ, Tần Nhân bắt gặp 3 vị cô nương hốt hoảng chạy trên đường. Nguyên do là vì Tây Thi cứu nước Việt khiến cho phu nhân của Việt vương đố kỵ nên đã sai người truy sát. Nhóm 3 người Tây Thi nghe được tin liền vội vàng chạy trốn, trên đường lại tình cờ gặp được Tần Nhân đi đốn củi trở về. Tần Nhân không chỉ cứu giúp 3 vị cô nương, hơn nữa còn đoán được mỹ nhân Tây Thi là một trong số họ. Các cô nương hiếu kỳ muốn Tần Nhân nói cho họ biết ai là Tây Thi trong 3 người. Tần Nhân dựa vào trí tuệ của mình đã thuận lợi nhận ra và câu chuyện đã trở thành một giai thoại, biến thành “Tần Nhân nhãn lý xuất Tây Thi”, theo thời gian chuyển dời, lời này đã dần dần chuyển thành ‘Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi”.

Trong thơ ca có rất nhiều lời được chọn lọc từ tục ngữ, ngạn ngữ các địa phương khác nhau mà viết nên.

Đến thời nhà Tống, trong bài thơ ‘Điều khê ngư ẩn tùng thoại hậu tập’, câu “Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi” đã bị xem là ‘cái quan định luận’ và trở thành câu nói ví von nổi tiếng thuyết phục lòng người phổ biến trong dân gian.

Đến thời nhà Minh, câu này đã được lưu truyền rộng khắp, Tiểu thuyết gia huyền thoại Chủ Nhân Tây Hồ Ngư Ẩn có viết trong chương 5 ‘Hoan hỉ oan gia’ như thế này: “Mắt của hắn nhìn Nguyên Nương không rời, càng nhìn càng thấy thích, đúng là người tình trong mắt hóa Tây Thi”.

Tào Tuyết Cần từng trích dẫn câu này trong chương 79 cuốn “Hồng Lâu Mộng”, Viết là: “Tiếp theo câu ‘Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi thì sẽ là trong mắt Tây Thi xuất anh hùng”.

Thi nhân Hoàng Tăng thời nhà Thanh có tuyển tập ‘Hàng Châu tục ngữ thơ’, trong đó viết:


“Sắc bất mê nhân nhân tự mê,
Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi.
Hữu duyên thiên lý lai tương ngộ,
Tam tiếu đồ nhiên đương nhất si”.

Diễn nghĩa:

“Sắc chẳng mê người người tự mê, người tình trong mắt hóa Tây Thi.
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, 3 cười bỗng chốc thành kẻ ngốc”.

Câu thứ nhất: “Sắc chẳng mê người người tự mê” là ý nói rằng tài năng và sắc đẹp của cô gái không phải đi mê hoặc người nào đó, nhưng bởi vì người đó yêu thích tài năng và sắc đẹp của nàng nên bị mê trong đó, nhìn đâu cũng thấy tốt đẹp và cảm thấy cô gái ở trước mặt không có chỗ nào khiếm khuyết cả.


Câu thứ 2: “Người tình trong mắt hóa Tây Thi”. Người khi đã yêu thích thì dù đối phương có dáng vẻ bề ngoài trông như thế nào đi nữa cũng đều là người hoàn mỹ.

Câu thứ 3: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Nếu như đã là duyên phận thì dù cách xa nhau nghìn dặm vẫn có thể gặp nhau vào một thời điểm nào đó.

Câu thứ 4: “3 cười bỗng chốc thành kẻ ngốc”. Nếu không có duyên phận thì 3 lần cười bỗng hóa thành kẻ ngốc.

“Tam tiếu” ở đây cũng giống như câu chuyện “tam tiếu nhân duyên” giữa Đường Bá Hổ và Thu Hương vậy. Khi du ngoạn ở Tô Châu, Đường Bá Hổ đối với Thu Hương nhất kiến chung tình, lại thấy Thu Hương cười 3 lần liền tưởng rằng Thu Hương cũng đối với mình như vậy. Sau đó, Đường Bá Hổ liền bán mình tiến vào Hoa phủ làm thư đồng, trải qua nhiều khó khăn cuối cùng cũng kết thành lương duyên với Thu Hương. 

Chữ “Duyên” (duyên phận, nhân duyên) trong văn hoá truyền thống. Ảnh: Shen Yun.

Một kết thúc có hậu đương nhiên là mãn nguyện, thế nhưng những vụ án về tình ái tồn tại trong cuộc sống đã nói cho chúng ta biết, kết cục cuối cùng của họ cũng chỉ là kẻ ngốc si tình mà thôi. Sở dĩ có bi kịch như vậy chính là giống như câu “Sắc chẳng mê người người tự mê”.

Cho nên mới nói, “người tình trong mắt hóa Tây Thi” cố gắng đừng bởi vì “sắc chẳng mê người người tự mê”. Chớ để đến cuối cùng lại kết thúc bằng “3 cười bỗng chốc thành kẻ ngốc”.

Đến đây thì mọi người đã hiểu vì sao trước câu “Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi” là câu “Sắc bất mê nhân nhân tự mê”.

Cuối cùng, tác giả bài viết chân thành chúc cho mọi người đều “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

Theo: Vision Times
San San biên dịch