Saturday, September 21, 2024

TRUNG QUỐC CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG THẾ CHIẾN THỨ II?

Hơn 2 năm trước khi xe tăng Đức tiến vào Ba Lan và 4 năm trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, “chiến tranh thế giới thứ 2” đã nổ ra sớm nhất ở Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia.

Quân Nhật tiến vào tỉnh Sơn tây của Trung Quốc năm 1937. Ảnh History.com

Trung Quốc làm gì trong Thế chiến II?

Nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất (1894 – 1895), quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn không mấy dễ chịu. Trong khi Trung Quốc chìm vào cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu và lực lượng đảng Cộng sản, đế quốc Nhật đã chiếm được vùng Mãn Châu giàu tài nguyên. Ở Mãn Châu (vùng đông bắc Trung Quốc), Nhật Bản thiết lập chính quyền bù nhìn do Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh – đứng đầu.

Bản đồ đế quốc Nhật Bản và Mãn Châu Quốc (Manchukuo) năm 1931 (ảnh: Sohu).

Đến mùa hè năm 1935, từ Mãn Châu, khoảng 1,5 triệu quân Nhật từng bước lấn sâu vào Trung Quốc. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, Tưởng Giới Thạch không lo chống quân xâm lược mà chỉ "hướng mũi giáo" vào lực lượng của đảng Cộng sản. Tưởng chủ trương "bình định" trong nước trước, kháng Nhật sau.

Theo Sohu, tháng 12/1936, nội bộ Quốc dân đảng xảy xa cuộc binh biến chấn động. Tưởng Giới Thạch bị 2 tướng quân đội dưới quyền bắt cóc.

Vụ việc Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc được giới sử học đặt tên là "Sự biến Tây An". Tháng 12/1936, Tưởng Giới Thạch đến Tây An đốc chiến, ra lệnh cho 2 tướng Trương Học Lương và Dương Hổ Thành tấn công quy mô lớn vào Diên An – đại bản doanh của phe đối thủ. Không muốn thấy cảnh "huynh đệ tương tàn" trong khi đất nước có ngoại xâm, 2 tướng Trương, Dương khẩn cầu Tưởng Giới Thạch đình chỉ nội chiến, cùng liên minh kháng Nhật nhưng bị cự tuyệt.

Tưởng Giới Thạch (phải) và Trương Học Lương (trái) (ảnh: Sohu).

Đêm ngày 12/12/1936, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành cho quân bao vây, bắt sống Tưởng Giới Thạch. Sau nhiều cuộc đàm phán, Tưởng Giới Thạch chấp nhận nghị hòa với lực lượng đảng Cộng sản, cùng liên minh chống Nhật.

Tháng 7/1937, bất chấp thái độ hòa hoãn của Trung Quốc, quân Nhật đóng gần thành Uyển Bình – cách Bắc Kinh khoảng 16km – liên tục khiêu khích bằng các cuộc tập trận quy mô lớn.

Theo Alphahistory, đêm ngày 7/7/1937, quân Nhật tập trận rầm rộ gần cầu Lư Câu (thuộc Uyển Thành) mà không báo trước. Cho rằng Nhật tấn công trước, quân Trung Quốc từ Uyển Thành nổ súng bắn trả. Vụ việc khiến một binh sĩ Nhật mất tích.

Quân Nhật do tướng Kawabe Masakazu dẫn đầu kiên quyết vào Uyển Thành tìm người nhưng phía Trung Quốc không đồng ý. Quân Nhật lập tức tuyên chiến. Uyển Thành và cả Bắc Kinh nhanh chóng thất thủ.

Bị áp đảo về hỏa lực, quân đội Trung Quốc không thể cản nổi đà tiến của Nhật. Đầu tháng 8/1937, quân Nhật đã áp sát Thượng Hải.

"Chúng ta không thể chịu đựng thêm. Chúng ta sẽ không nhận nhượng. Chúng ta sẽ đứng lên, chiến đấu chống quân Nhật cho đến khi tiêu diệt hết chúng và bảo vệ cuộc sống của chúng ta", Tưởng Giới Thạch động viên quân đội trước khi bắt đầu chiến dịch Thượng Hải. Đây cũng là một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Trung – Nhật.

Theo History, ngày 12/8/1937, Tưởng Giới Thạch điều quân bao vây "khu định cư quốc tế Thượng Hải" nơi có khoảng 30.000 dân Nhật sinh sống. Ngày 13/8, quân Quốc dân đảng tấn công một số căn cứ của Nhật ở Thượng Hải. Một ngày sau, máy bay Trung Quốc ném bom "khu định cư quốc tế Thượng Hải" khiến nhiều thường dân thiệt mạng.

Giữa tháng 8, Nhật điều hơn 200.000 quân tăng viện cho mặt trận Thượng Hải, tàu chiến Nhật từ ngoài khơi cũng nã pháo dữ dội vào thành phố. Phía Quốc dân đảng huy động khoảng 700.000 quân cho trận chiến nhưng gặp nhiều bất lợi về không quân. Hải quân Trung Quốc cũng không đủ sức đối phó với tàu chiến Nhật.

Quân Nhật chiếm Bắc Kinh (ảnh: History).

Ngày 26/10, Nhật chiếm được huyện Đại Xưởng – vị trí án ngữ nhiều tuyến đường lớn ở Thượng Hải. Mười ngày sau, hải quân Nhật đổ bộ từ Vịnh Hàng Châu, quân Quốc dân đảng buộc phải rút lui khỏi Thượng Hải. Thương vong đối với cả 2 bên lên tới hơn 300.000 người, trong đó phần lớn thuộc về Trung Quốc.

Tháng 12/1937, Nhật chiếm Nam Kinh. Tức giận trước sự kháng cự quyết liệt của quân đội Trung Quốc ở Nam Kinh, quân Nhật tổ chức thảm sát ở thành phố này. Sau năm 1945, tòa án Nam Kinh ước tính có khoảng 300.000 người Trung Quốc mất mạng sau vụ thảm sát và hàng chục nghìn phụ nữ bị cưỡng hiếp.

"Đầu năm 1938, khi Nhật Bản tiến sâu về phía nam và phía tây, thất bại đối với Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi. Họ không có đồng minh, thiếu vũ khí và từng bước rút lui", Rana Mitter – tác giả cuốn "China World War II" – nhận xét.

Tuy nhiên, người Trung Quốc không nhượng bộ trước các thất bại ở giai đoạn đầu cuộc chiến. Họ cố gắng kháng cự và khiến chiến sự kéo dài vượt xa tính toán của Nhật Bản. Tưởng Giới Thạch dời bộ chỉ huy quân đội về Trùng Khánh, xây dựng căn cứ ở Vân Nam, Tứ Xuyên.

Xe tăng Trung Quốc trong chiến tranh với Nhật (ảnh: Sina).

Theo Sohu, ở khu vực nông thôn, những người lính của đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt thành công với lối đánh du kích. Họ tổ chức các đơn vị tự vệ ở từng ngôi làng, thành lập chính quyền địa phương và từng bước củng cố lực lượng. Thế trận giằng co diễn ra suốt năm 1938. Quân Nhật cố gắng thiết lập nhiều chính quyền bù nhìn để quản lý các khu vực chiếm đóng nhưng không mấy hiệu quả.

Ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan, Thế chiến II bùng nổ. Lúc này, Nhật đang cố gắng khuất phục sự kháng cự của Trung Quốc bằng chiến thuật bao vây. Nhiều cảng biển ở Trung Quốc cũng bị phong tỏa. Năm 1940, Pháp thua Đức ở châu Âu, Nhật nhân cơ hội này tấn công khu vực Đông Dương. Tuy nhiên, điều này lại khiến quân Nhật phải dàn mỏng lực lượng ở Trung Quốc và tạo điều kiện cho lực lượng đảng Cộng sản phản công ở Mãn Châu.

Alphahistory nhận định, trong khi phe Quốc dân đảng mất dần quyển kiểm soát ở các thành phố lớn do Nhật chiếm đóng, lực lượng của đảng Cộng sản lại từng bước lớn mạnh ở khu vực nông thôn (nơi quân Nhật ít để mắt tới). Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nội chiến ở Trung Quốc sau Thế chiến II.

Viện trợ nước ngoài bắt đầu đổ về Trung Quốc sau khi đà tấn công của Nhật Bản bị đình trệ. Năm 1941, Liên Xô viện trợ vũ khí cho cả lực lượng đảng Cộng sản và Quốc dân đảng. Joseph Stalin – lãnh tụ Liên Xô – lúc bấy giờ cho rằng Nhật Bản với bộ máy quân sự đang phát xít hóa là mối nguy lớn và hy vọng 2 phe ở Trung Quốc có thể hợp tác kháng Nhật.

Tháng 8/1941, Mỹ cản trở cuộc chiến của Nhật Bản ở Trung Quốc bằng cách ngừng bán cho Nhật máy bay, dầu mỏ, xăng và kim loại. Điều này khiến Nhật Bản – quốc gia vốn nghèo tài nguyên – rất tức giận và là nguyên nhân quan trọng khiến Nhật ra lệnh tấn công căn cứ Trân Châu Cảng của Mỹ. Trước đó, Mỹ cũng ký đạo luật "Cho vay – Cho thuê" vũ khí và cung cấp vũ khí cho lực lượng Trung Quốc.

Mỹ tham chiến chống Nhật ở châu Á – Thái Bình Dương (ảnh: History).

Ngày 7/12/1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Mỹ ngay lập tức tuyên chiến với Nhật và hải chiến ở Thái Bình Dương bùng nổ. Nhân cơ hội này, Trung Quốc tuyên bố tham gia phe Đồng minh cùng chống phát xít. Tháng 1/1942, Trung Quốc đẩy lui cuộc tấn công quy mô lớn của Nhật vào một thành phố ở tỉnh Hồ Nam. Thắng lợi này giúp Trung Quốc gây được tiếng vang lớn đối với phe Đồng minh.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp bất lợi lớn khi tất cả các cảng chính bị Nhật kiểm soát. Tuyến đường sắt ở Vân Nam và tuyến đường bộ thông với Myanmar của Trung Quốc cũng bị phong tỏa. Điều này khiến Trung Quốc chỉ có thể nhận được số lượng nhỏ vũ khí do phe Đồng minh viện trợ bằng đường hàng không. Theo History, để "chia lửa" với Trung Quốc, năm 1942, Washington cử tướng Joseph Stilwell chỉ huy lực lượng Mỹ tấn công Nhật ở Myanmar, Ấn Độ và Trung Quốc.

Quan hệ giữa phe Quốc dân đảng và tướng Joseph Stilwell không mấy tốt đẹp. Trong khi tướng Stilwell liên tục thúc giục Quốc dân đảng phản công, Tưởng Giới Thạch bác bỏ vì cho rằng lực lượng của ông chưa đủ sức. Tưởng cũng bất mãn với Stilwell do lo ngại quyền lực của ông bị người Mỹ uy hiếp.

Từ năm 1943 – 1944, phe phát xít liên tục thất bại ở châu Á, châu Âu và bị lực lượng Đồng minh phản công. Tháng 9/1944, quân Trung Quốc đã khai thông tuyến đường bộ nối với Myanmar và nhận được nhiều tiếp tế. Ở mặt trận Thái Bình Dương, hải quân Mỹ đẩy lùi tuyến phòng thủ của Nhật và ném bom rải thảm vào đất Nhật khiến hàng trăm nghìn người thương vong.

Để đáp trả Mỹ, Nhật Bản quyết định mở chiến dịch Ichi Go (kéo dài từ tháng 4/1944 đến tháng 12/1944) nhằm phá hủy toàn bộ căn cứ Mỹ ở khu vực đông nam Trung Quốc và thoát khỏi tình trạng sa lầy. Nhật Bản huy động khoảng 500.000 quân cho chiến dịch này và khiến lực lượng Quốc dân đảng tổn thất lớn.

Trong giai đoạn cuối của Thế chiến II, phòng không Nhật đã không còn đủ sức kháng cự Mỹ. Đất Nhật liên tục bị ném bom.

Đầu năm 1945, Trung Quốc phát động các chiến dịch tái chiếm tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây. Do thành công của chiến dịch, Trung Quốc lên kế hoạch tái chiếm Quảng Đông – nơi có nhiều cảng biển quan trọng – vào mùa hè cùng năm. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa kịp thực hiện.

Lễ đầu hàng của quân Nhật ở Trung Quốc (ảnh: China Daily).

Theo China Daily, tháng 8/1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến khoảng 200.000 người chết. Cùng thời điểm này, Hồng quân Liên Xô cũng đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Mỹ yêu cầu quân Nhật ở Trung Quốc phải đầu hàng. Nhật Bản thực hiện điều này vào ngày 9/9/1945.

Chuyên gia Rana Mitter nhận định, nhiệm vụ chính của Trung Quốc trong Thế chiến II là kìm chân lực lượng lớn của Nhật và "chia lửa" với Liên Xô, Mỹ. Nếu Trung Quốc đầu hàng Nhật Bản trước khi Thế chiến II nổ ra, cục diện chiến tranh có thể thay đổi lớn.

"Nếu Trung Quốc đầu hàng sớm, Nhật Bản có thể sẽ không cảm thấy lo ngại khi bị Mỹ cấm vận dầu mỏ và kim loại. Nếu Nhật không tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ sẽ không có cớ can thiệp vào châu Á và sau đó là tham chiến ở châu Âu", ông Mitter viết.

Vương Nam / Theo: Khám Phá
Link tham khảo: