Wednesday, September 18, 2024

TRUNG QUỐC ĐÃ BẮT "CON HỔ" CHU VĨNH KHANG NHƯ THẾ NÀO?

Để bắt được con hổ to nhất mang tên Chu Vĩnh Khang (周永康), Trung Quốc đã phải tiến hành chiến dịch đập rất nhiều "ruồi".

Chu Vĩnh Khang (周永康) lúc là Bộ trưởng Công an Trung Quốc.

Ngày 29/7/2014, Trung Quốc công khai tuyên bố mở cuộc điều tra chính thức đối với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, quan chức cao cấp nhất nước này bị rơi vào vòng lao lý trong hàng chục năm trở lại đây, và nó minh chứng cho một điều: Muốn bắt được "hổ" ở Trung Quốc, cần phải đập rất nhiều "ruồi" trước.

Chưa đầy một tháng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Tân Hoa Xã đưa tin một quan chức cấp cao ở một tỉnh phía tây nam bị điều tra với tội danh tham nhũng, và đây được coi là phát súng đầu tiên cho chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi" do ông Tập phát động.

Mãi đến sau này, người ta mới biết rằng đó cũng là phát súng đầu tiên của một chiến dịch chính trị quy mô cực lớn nhằm bủa vây và hạ bệ một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới lãnh đạo Trung Quốc kể từ sau thời Mao Trạch Đông đến nay, đó chính là cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.

Chiến dịch bắt ruồi

Ngay sau phát súng mở đầu nhắm vào Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Li Chuncheng (李春城 Lý Xuân Thành) nổ ra, hàng loạt quan chức cấp cao khác của tỉnh này cũng rơi vào vòng lao lý với cùng một kịch bản tương tự - điều tra chống tham nhũng. Tứ Xuyên được coi là căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang, và các quan chức có mối quan hệ với cựu trùm an ninh đầy quyền lực này cứ lần lượt rơi vào "lưới trời".

Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Li Chuncheng (李春城 Lý Xuân Thành) 

Thời gian sau đó, đã có hàng trăm quan chức, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành mục tiêu của chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi", và tấm lưới dần dần siết chặt lại xung quanh Chu Vĩnh Khang. Cuối cùng mẻ lưới được cất lên với thông báo điều tra chính thức Chu Vĩnh Khang vào ngày hôm qua.

Chu Vĩnh Khang – con hổ lớn nhất từ trước tới nay sa lưới – là một nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng quyền lực bao phủ trong chính phủ, ngành công nghiệp và ngành an ninh Trung Quốc. Ông này từng là ủy viên Bộ Chính trị và là ông chủ cao nhất của ngành dầu khí đầy quyền lực ở Trung Quốc.

Khi ông này được giao phụ trách lĩnh vực an ninh, tư pháp và tòa án của Trung Quốc, ngân sách dành cho lực lượng an ninh của nước này lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua cả ngân sách quốc phòng. Người ta coi quyền lực và tầm ảnh hưởng của Chu bằng cả cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, Edgar Hoover của FBI và ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller của nước Mỹ gộp lại.

Trong thời gian qua, điều dễ nhận thấy là hầu hết các quan chức Trung Quốc bị khai trừ đảng, điều tra với tội danh tham nhũng đều ít nhiều có mối liên hệ với Chu Vĩnh Khang. Họ hoặc là đồng nghiệp, là tay chân thân tín, là trợ thủ làm ăn, hay thậm chí là họ hàng máu mủ với ông trùm an ninh này.

Chu Vĩnh Khang (周永康) chính thức bị điều tra sau 18 tháng rơi vào tầm ngắm.

Việc hạ bệ một nhân vật quyền lực "một tay che trời" như vậy là điều gần như không thể làm được trong các thế hệ lãnh đạo trước của Trung Quốc. Bởi khi làm vậy, họ đã vi phạm một điều luật "bất thành văn" trong giới lãnh đạo nước này, đó là không điều tra các quan chức cấp cao nhất ngay cả khi họ đã về hưu nhằm đảm bảo cho hệ thống chuyển giao quyền lực được vận hành trơn tru sau nhiều thập nhiên biến động chính trị.

Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc cũng bắt đầu lờ mờ đoán ra điều gì sẽ xảy đến với Chu Vĩnh Khang sau khi một loạt thông tin về những vụ "chặt vây cánh" của ông trùm an ninh này xuất hiện trên báo chí.

Chuẩn bị dư luận

Quá trình bủa lưới xung quanh Chu Vĩnh Khang thể hiện sự thận trọng của ông Tập Cận Bình trong việc thuyết phục những người bất đồng, giữ thống nhất trong đảng và quan trọng hơn là chuẩn bị dư luận sẵn sàng cho một vụ scandal có thể hủy hoại hình ảnh của đảng.

Ông Joseph Fewsmith, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston nhận xét: "Trong thời kỳ đổi mới ở Trung Quốc, chưa có bất cứ ủy viên thường trực Bộ Chính trị nào bị điều tra với tội danh tham nhũng. Lãnh đạo Trung Quốc sợ rằng nếu cuộc đấu đá nội bộ diễn ra ngay trong Bộ Chính trị, nó sẽ làm bất đồng sâu sắc thêm và khiến việc duy trì thống nhất trong đảng càng thêm khó khăn."

Giống như hành động bóc vỏ một củ hành tây, chiến dịch hạ bệ Chu Vĩnh Khang được thực hiện dần dần bằng cách bóc từng lớp một những quan chức thân tín. Đầu tiên là những quan chức ở Tứ Xuyên, sau đó là những trợ thủ của ông Chu trong ngành dầu khí. Tiếp đến, cơ quan an ninh bắt giữ con trai và con rể của ông này, và cuối cùng là những cố vấn cấp cao, trợ lý riêng của ông Chu.

Quách Vĩnh Tường (郭永祥), một trợ thủ đắc lực của Chu Vĩnh Khang.

Ông Fewsmith nhận định: "Họ đi từ dưới lên trên, tích lũy bằng chứng để lập hồ sơ và thuyết phục các nhân vật chính trị quyền lực rằng cần phải có bước đi tiếp theo quyết liệt hơn."

Kết quả là hơn 480 quan chức trên khắp Trung Quốc đã trở thành những "con ruồi" bị vướng vào tấm lưới công lý do cơ quan điều tra chống tham nhũng giăng ra. Có những nơi quan chức bị bắt nhiều đến mức chính quyền bị thiếu cán bộ trầm trọng khiến nhiều người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau.

Cơ quan điều tra

Phụ trách chiến dịch điều tra này là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), một cơ quan đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng lại hoạt động vô cùng bí mật. Mãi tới năm ngoái, cơ quan này mới lập trang web riêng và công bố đường dây nóng của mình.

Về mặt pháp luật, CCDI lại không có quyền bắt giữ hay truy tố những người vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ quan này lại là một trong những tổ chức có quyền lực nhất ở Trung Quốc, có thể bắt giữ và điều tra bất cứ ai trong số gần 90 triệu đảng viên ở nước này.

CCDI thuộc sự quản lý của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và không nằm trong vòng kiểm soát của cơ quan an ninh nội địa, nơi Chu Vĩnh Khang vẫn còn có ảnh hưởng rất sâu sắc. Cơ quan này chỉ chịu sự quản lý các lãnh đạo đảng và có thể báo cáo trực tiếp lên cấp cao nhất là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, bỏ qua các khâu trung gian để khỏi bị lộ bí mật thông tin.

Chu Vĩnh Khang (周永康) trong một phiên xét xử

Mẻ lưới cuối cùng

Lần cuối cùng Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước công chúng là tại một buổi họp lớp được tổ chức vào ngày Quốc khánh 1/10/2013 tại Đại học Dầu khí Trung Quốc. Sau đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay ông này đã bị giam lỏng tại nhà.

Trong suốt 18 tháng tổ chức chiến dịch vây bắt Chu Vĩnh Khang và các tay chân thân tín, không một quan chức cấp cao dù là đương chức hay đã nghỉ hưu nào của Trung Quốc đề cập công khai về số phận của Chu. Theo các chuyên gia phân tích, sự im lặng tuyệt đối này thể hiện sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Trung Quốc đối với việc hạ bệ Chu Vĩnh Khang.

Ông Kerry Brown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney nhận định: "Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đồng thuận rằng họ phải tự thanh lọc mình, nếu không cuộc khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn. Bởi vậy, họ cần phải có những bước đi quyết liệt để cắt đi ung nhọt".

Trí Dũng / Theo: Khám Phá



No comments: