Khu nhà được ví với "Tử Cấm Thành" ở tỉnh Hà Nam.
Tử Cấm Thành thứ hai
Nằm giữa những tòa nhà cao tầng ở Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, chen giữa các con ngõ nhỏ truyền thống tại thành phố là một khu biệt phủ kì lạ có hình dáng giống hệt Tử Cấm Thành. Tuy không quy mô hoành tráng 720.000 m2 với 9.999 phòng như phiên bản thật, "Tử Cấm Thành giả" cũng đủ khiến người dân xung quanh không khỏi hiếu kỳ và choáng váng vì độ xa hoa.
Cổng chính hoành tráng.
Dân địa phương gọi đây là "biệt phủ của trung tướng", ám chỉ sở hữu của Cốc Tuấn San, một quan chức quân đội cấp cao nhưng bị "ngã ngựa". Dinh cơ này được xây dựng trên diện tích rộng lớn, có đầy đủ vườn thượng uyển, hồ nước, lầu bát giác như cố cung tại Bắc Kinh.
Tòa biệt phủ với kiến trúc mô phỏng hoàn toàn Tử Cấm Thành này chỉ là một phần tài sản rất nhỏ của Cốc Tuấn San.
Cực giỏi tặng quà
Cửa ra vào cầu kỳ.
Cốc Tuấn San, sinh năm 1956 tại một ngôi làng nghèo mang tên Đông Bạch Thương, nằm ở ngoại vi thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông ta là con trai của Cốc Ngạn Sanh, một nông dân đúng nghĩa sinh năm 1924. Theo Caixin, San là con trai cả của gia đình 6 anh chị em và được đánh giá là một đứa trẻ nghịch ngợm, thường xuyên gây gổ với bạn bè.
Khuôn viên rộng rãi.
Năm 1971, San tham gia Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc và được phân công về quân khu Thẩm Dương ở miền đông bắc Trung Quốc. Ông ta được đánh giá là người có năng lực kĩ chiến thuật và kỉ luật ở mức trung bình nhưng rất giỏi giao thiệp với bạn bè và quan chức khác. Dù rất giỏi "luồn lách" nhưng San nhiều lần bị Trương Long Hải, chỉ huy cấp cao đánh giá và phê bình vì thái độ không tốt. Tại đơn vị ở Thẩm Dương, San nhanh chóng được biết tiếng vì khả năng làm quen với các lãnh đạo cấp cao nhờ "tài" biếu xén.
San sau này có quan hệ tình cảm với con gái của ông Trương Long Hải và bị gia đình nhà gái cấm cản. Cốc Tuấn San được điều động tới một thị trấn khác nhận nhiệm vụ để tránh tiếp xúc với con gái ông Hải nhưng sau cùng, hai người vẫn kết hôn.
Như diều gặp gió
Lục giác đài.
Tháng 6/1985, nhiều binh sĩ Trung Quốc phải phục viên do đợt tinh giản lớn quân số. San vẫn ở trong quân ngũ do có bố vợ là Trương Long Hải trợ giúp. Vợ của ông ta được chuyển về sở cảnh sát Bộc Dương công tác. Vận may đổi đời đến với Cốc Tuấn San khi ông được làm trong mỏ dầu Trung Nguyên của tập đoàn Sinopec. Ông nhanh chóng trở thành người phụ trách văn phòng quản lý các hoạt động kinh tế liên quan tới quân đội-dân sự trong khu vực.
Bạn bè của San nói rằng nhờ làm việc ở vị trí này, ông kiếm bộn tiền vì bán hàng với giá "cắt cổ". Nhiều lãnh đạo cấp cao đánh giá Cốc Tuấn San là người có năng lực.
Hồ thượng uyển.
Năm 1993, một quan chức cấp cao từ Tề Nam tới làm việc và khen ngợi thành tích của San tại Bộc Dương. Sau đó, ông được thuyên chuyển sang Học viện Chỉ huy Lục Quân Tề Nam làm việc. Tiếp đó, San nhanh chóng móc nối để sang Học Viện Quốc phòng Quốc gia học tập, tạo tiền đề trở thành tướng lĩnh cấp cao sau này.
Năm 2001, Cốc Tuấn San được điều chuyển tới Bắc Kinh làm việc trong vai trò phó giám đốc quân nhu của Tổng cục Hậu cần, quản lý toàn bộ việc xây dựng nhà cửa, doanh trại quân đội. Hai năm sau, San được thăng hàm thiếu tướng. Thời gian từ 2005 tới 2007, Tổng cục Hậu cần chi tới 500 triệu nhân dân tệ để nâng cấp doanh trại quân đội và một phần số tiền này đã chảy vào túi Cốc Tuấn San.
Kiến trúc mô phỏng hoàn toàn Tử Cấm Thành.
Cuộc điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện ra trong thời gian này, Cốc Tuấn San đã chiếm hơn 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 326 triệu USD) nhờ hoạt động bán đất quốc phòng của quân đội tại Bắc Kinh và Thượng Hải. San cũng móc nối với các công ty bất động sản và chiếm 60% lợi nhuận từ các hoạt động mua đất, bán nhà.
Mọi chuyện vỡ lở
Cốc Tuấn San (谷俊山) thời đương chức.
Tháng 12/2009, ông Cốc Tuấn San trở thành phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc và ông chỉ còn cách chức vụ chủ nhiệm tổng cục "một bước chân". Nếu lên chức chủ nhiệm, ông San sẽ được thăng hàm đại tướng.
Ông San có mối quan hệ thân tình với Phó chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, người sau này cũng bị xét xử vì đại án tham nhũng. Trong đám cưới của con gái ông Từ, San đã gửi số tiền lên tới 20 triệu tệ (khoảng 80 tỷ đồng) quà cưới.
Con trai Cốc Tam.
Con trai San là Cốc Hiến Quân (hay còn gọi là Cốc Tam) được sự trợ giúp của bố đã kiếm tiền "khủng khiếp" nhờ các thương vụ mua bán nhà đất tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Biệt phủ "Tử Cấm Thành" của Cốc Tuấn San cũng được mua trong thời gian này. Mối quan hệ tốt của ông San cùng sự hậu thuẫn của vợ là cảnh sát khiến những đơn từ khiếu nại của người dân về mua đất giá rẻ rồi bán đất cắt cổ không được cơ quan chức năng ngó ngàng.
Năm 2011, Lưu Nguyên, chính ủy Tổng cục Hậu cần đề nghị xử lý hành vi được cho là tham nhũng của Cốc Tuấn San. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào cũng yêu cầu cách chức Cốc Tuấn San nhưng bị nhiều tướng cấp cao phản đối.
Mãi tới năm 2012, ủy ban kiểm tra của quân đội Trung Quốc mới vào cuộc và điều tra từ thời ông San còn làm việc ở Bộc Dương. Tháng 5/2012, Cốc Tuấn San chính thức bị bãi nhiệm. Sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, vụ việc Cốc Tuấn San có bước chuyển hướng quan trọng.
Ông Từ Tài Hậu (徐才厚), một người thân thiết với Cốc Tuấn San.
Đầu năm 2013, ủy ban kiểm tra tới tận nhà ông San ở Bộc Dương, phát hiện ra lượng lớn rượu quý, thuyền vàng, tượng vàng. Báo địa phương cho biết San thuê nghệ sĩ từ bảo tàng ở Bắc Kinh thiết kế khu trưng bày ở quê nhà. Để chở hết số vàng này, chính quyền phải thuê tới 4 xe tải hạng nặng.
Sau đó một năm, truyền thông Trung Quốc chính thức thông báo vụ việc Cốc Tuấn San tham nhũng quy mô lớn. Ông ta bị cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Đây là quan chức quân đội cấp cao nhất ở thời điểm đó bị xét xử kể từ vụ Vương Thủ Nghiệp năm 2006.
Tháng 8/2015, Cốc Tuấn San bị tuyên án tử hình, cho hưởng án treo 2 năm. Trong thời gian này, nếu Cốc Tuấn San cải tạo tốt, ông ta sẽ được giảm án xuống tù chung thân. Chức danh thượng tướng và mọi bổng lộc chính trị của ông San đều bị tước bỏ.
Quang Minh / Theo: Dân Việt
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment