Độc toạ u hoàng lý,
Đàn cầm phục trường khiếu.
Thâm lâm nhân bất tri,
Minh nguyệt lai tương chiếu.
竹裏館 - 王維
獨坐幽篁裏
彈琴復長嘯
深林人不知
明月來相照
Quán trong rừng trúc
(Dịch thơ: Nguyen Gia Dinh)
Một mình giữa bụi trúc buồn,
Ôm đàn rồi hát vẳng muôn cung sầu.
Rừng sâu ai biết đến đâu!
Chỉ vầng trăng sáng bạn bầu cùng ta.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Vương Duy 王維 (699-759) tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm nên Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Ông tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ vương Lý Phạm mến tài, đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại nhạc thừa rồi bị giáng làm Tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung thư lệnh, ông được mời về làm Hữu thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian.
Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài Ngưng Bích trì. Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm Hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.
Ông giỏi văn nghệ, ưa tiêu dao, nên tuy làm việc với triều đình nhưng vẫn thích nơi có cảnh quan yên tĩnh. Ông được gần vua, các cận thần và được quý trọng vì am hiểu văn chương nghệ thuật. Song trong lòng đã sẵn hướng về thiên nhiên nên thơ ông tả nhiều thú điền viên sơn thuỷ. Ông có một trang viên riêng cho mình, ở đó ông gảy đàn, thổi sáo và làm thi phú. Ông để lại khoảng 400 bài thơ, trong đó có những bài thơ thời trẻ bộc lộ tâm trạng của lớp tri thức có tài có chí không được dùng, sống trong cảnh hàn vi, còn bọn công tử quý tộc dốt nát lại giàu có, rong chơi xa hoa, truỵ lạc.
Nguồn: Thi Viện