Friday, September 30, 2016

HỌA PHÚC TƯƠNG SINH

Họa và phúc tương sinh với nhau và sự chuyển hóa này khó mà lường trước được.
Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa – Phúc luân chuyển và tương sinh. Dưới đây là một vài câu chuyện nói về điều này. 


Có một vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt một ngón tay, mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!” Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao.
Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị thổ dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị tế thần. Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả quốc vương ra, thay vào đó viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế.


Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn 1 năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa 1 năm ngồi tù cũng là việc tốt, nếu như tôi không ngồi tù, thì thử nghĩ vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”
Bởi vậy, việc tốt chưa chắc đã tốt hoàn toàn, việc xấu cũng chưa chắc đã hoàn toàn xấu. Đạo Phật dạy “vô thường”, mọi chuyện có thể thành tốt, mọi chuyện có thể nên xấu. Người bi quan mãi mãi nghĩ đến mình chỉ còn một triệu đồng mà buồn lo, người lạc quan vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn mười ngàn đồng.


Khi Tô Đông Pha bị giáng về đảo Hải Nam, sự cô tịch, hoang vu trên đảo so với thời kỳ đầu ông mới được thăng chức vùn vụt đúng là hai thế giới khác nhau một trời một vực. Nhưng sau đó, Tô Đông Pha nghĩ, giữa vũ trụ này, sống trên hòn đảo cô độc này thực ra không chỉ có một mình ông. Trái đất cũng là một hòn đảo cô độc giữa biển cả, giống như con kiến giữa chậu nước, khi leo lên một phiến lá, đây cũng là một hòn đảo mồ côi. Vì thế, Tô Đông Pha cảm thấy chỉ cần biết hài lòng là có thể vui vẻ.
Ở trên đảo, mỗi lần ăn một món hải sản địa phương, Tô Đông Pha lại thấy mình thật may mắn vì đã được đến đảo Hải Nam này. Thậm chí, ông nghĩ nếu trong triều có vị đại thần nào đến đây sớm hơn ông, ông làm sao có thể được tự mình nếm những món ăn ngon lành như thế?

Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa - Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái kết quả của nó. Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được Phúc thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái Họa sẽ đến; khi gặp điều Họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên cần giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.
Như trường hợp của một anh bạn trước đây không lâu: công việc kinh doanh của anh đang đà tuột dốc, biết là vậy nhưng anh cứ loay hoay không biết phải làm sao. Thời cuộc thay đổi kéo theo nhu cầu thị trường cũng đổi thay. Tiếp tục làm thì thua lổ, chấm dứt để đổi sang cái mới thì lại tiếc công sức đã bỏ ra, lại cũng lo khi chuyển việc mới thì cần có vốn, phải xây dựng lại thị trường từ đầu liệu có hơn được không?
Giữa lúc phân vân như vậy thì biến cố ập đến, cơ sở của anh bị thưa kiện vì tiếng ồn, hạn phải đóng cửa hoặc di dời trong vòng 30 ngày.


Lúc đó quả thật thấy anh chỉ muốn điên, sau vài ngày đắn đo suy nghĩ anh đã đi đến quyết định đóng cửa ; Anh gọi cho các khách hàng, bạn bè trong giới tuyên bố thanh lý toàn bộ cơ sở, vừa bán vừa cho để giải quyết tất cả công nợ. Chỉ trong vòng 2 tuần anh đã trở về con số 0.
Liên tiếp bao đêm sau đó anh không ngủ được, đầu óc suy nghĩ miên man chỉ một câu thôi: "Làm cái gì để sống?". Mọi người cũng sốt ruột thay cho anh, mỗi người đưa ra một lời khuyên, cuối cùng "cái khó ló cái khôn" anh đã quyết chọn một hướng đi mới và sau một thời gian nỗ lực thành công đã đến vượt quá cả mong ước.
Vậy cái biến cố lúc đó là phúc hay hoạ? Nếu không có nó liệu anh ta có dứt khoát từ bỏ cái sự nghiệp đang lụi tàn để làm lại từ đầu hay không?
Phải mất một thời gian sau ta mới nhận ra là họa hay phúc.

Duy trì sự cân bằng và tinh thần lạc quan giữa cuộc sống hiện đại nhiều cạnh tranh và áp lực

Chắc chắn những câu chuyện họa và phúc còn diễn ra nhiều lần trong cuộc đời mỗi người, bạn sẽ có được nhiều điều giá trị trong cuộc sống, đôi khi không chỉ về mặt vật chất. Luôn duy trì sự cân bằng và tinh thần lạc quan giữa cuộc sống hiện đại, nhiều cạnh tranh và áp lực bạn sẽ giữ được tâm bình, sự thản nhiên và sáng suốt trước những xoay vần trong cuộc đời.

(Sưu tầm trên mạng)

NỤ TẦM XUÂN

"Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay !"....
(Ca dao)


Hồi nhỏ tôi đã thuộc lòng trọn bài ca dao này và cho tới bây giờ vẫn còn nhớ. Có người nói đây không phải là ca dao mà là bài thơ có dính líu đến ông Đào Duy Từ một vị tướng cho nhà Nguyễn ở đàng trong. Hôm nay thì tôi chưa muốn nói về câu chuyện này.


Đọc bài ca dao, ngày đó chỉ biết chút chút cái buồn da diết của một mối tình lỡ muộn và mấy từ "nụ tầm xuân" tôi cứ tin chắc đó là nhưng nụ hoa chưa nở, còn nhỏ nhắn đang xuân như cô gái trong bài ca dao khác:



"Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân 
Nay anh học gần, mai anh học xa 
Anh lấy em từ thuở mười ba 
Đến năm mười tám em đà năm con 

Ra đường người nghĩ còn son 
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng"...


(Ca dao)


Mười mấy năm trước, có một lần ra Richmond đến gặp một người khách mở nhà hàng trên đường Victoria. Vào bên trong tiệm, thấy anh trang trí cũng đẹp, thanh lịch, trên bàn thu tiền và ở góc bên phòng kế có 2 bình hoa thật lớn, trang trí những nhánh cây có nụ màu trắng đầy lông tơ mịn như nhung nhìn rất đẹp vì cái lạ và chút gì đó thanh tao của cành đầy nụ nho nhỏ không lá và dường như là nhánh khô. Tôi buộc miệng hỏi anh: "Cây thiệt hay cây giả vậy anh ?". Anh nói "Cây thiệt nhưng đã khô". Tôi hói tên, anh nói không biết tiếng Việt gọi là gì nhưng người Tàu nói là cây vàng bạc gì đó chưng để mang cái hên vào nhà.


Tôi khoái quá hỏi liền:" Anh mua ở đâu vậy?". Anh cho biết là trong vướn nhà anh lúc mua nhà đã có sẵn chủ trước trồng mấy cây nên anh mới chặt được một mớ cắm trong tiệm và ở nhà. Thấy tôi khoái quá, anh nói: "Để sang năm đi, nếu nó ra hoa, tôi sẽ cho anh vài nhánh".

Chắc chờ không nổi, ai cũng bận rộn, đâu muốn phiền ai. Và cũng từ đó mỗi khi vào nursery hay tiệm hoa nào tôi cũng dáo dác nhìn xem có thấy nó không vì không biết nó tên gì để hỏi. Một tình cờ may mắn, lần đó trên đường về nhà của nhiều năm trước, đang chạy xe trên đường Springvale, bà xã mới nói: "Chết rồi, trái cây mua đủ hết nhưng quên mua hoa để tối cúng", vì tối là Trung Thu, tôi nói: "Không sao có một tiệm hoa trên đường Springvale đề anh tắp vô."


Đây là một cái vừa là kho, vừa là tiệm, phía sau là một thủa đất rộng mênh mông trồng hoa đề bán. Hoa ở đây cũng rất rẻ và khá đủ để cho khách chọn. Vào tiệm, bà xã tôi chọn hoa, tôi đi lòng vòng và "nó đây rồi!" trong một góc nọ, những bó cây khô đề đống, tôi lại gần thì thấy những nụ hoa trắng bạc nằm trên cành cây khô không lá, tôi kêu người chủ hỏi thì mới biết tên tiếng Anh của nó là "Pussy Willow". Anh ta nói sau vườn có một mớ mà anh chưa muốn đốn bỏ. Tôi mua mấy bó mà mừng quá trời vì kiếm được cái mình mong muốn. Giá cũng rất rẻ. Tôi hỏi anh sau không để hoa to thêm, anh nói hoa to, nở ra là hết đẹp và sẽ mau rụng.


Tôi chưng một chậu trong văn phòng, chưng một chậu ở nhà. Đôi khi có mấy người khách Hoa hay Hong Kong trông thấy, họ nói tiếng Hoa gọi là Ngân Liễu (銀柳) và ai cũng hỏi kiếm ở đâu vậy. Tôi chỉ họ nơi mua.



Vài năm gần đây chạy xe trên đường Springvale, không còn thấy cái tiệm bán hoa nữa, cả khu vườn hoa đã bán cho cộng ty phát triễn nhà đầt. Chậu Ngân Liễu của tôi bây giờ cũng khô và rụng bớt nhiều "nụ tầm xuân", bây giờ chắc phải đi tìm để thay mới.


Hôm nay nghỉ lễ, "Lễ hội đá banh của Melbourne", lên mạng lang thang, đọc được bài viết nói về "nụ tầm xuân" nên muốn chia sẻ cho các bạn (LKH):


NỤ TẦM XUÂN

Nụ tầm xuân là tên một loài hoa được cắt cành chưng vào dịp tết Nguyên Đán rất phổ biến ở nước ta. Nhiều người thắc mắc tên thật của loài cây này là gì, thậm chí đa số người bán và người trồng đều không nắm rõ tên của thật của nó mà cùng gọi nó là "nụ tầm xuân".

Thực ra nụ tầm xuân là tên gọi của một loài cây thuộc chi Liễu có tên là Liễu tơ (Pussy willow). Tên gọi của nó cũng vì lí do hoa của nó có lông tơ mềm mại như lông mèo. Nụ hoa của loài cây này mọc nhiều theo nách lá và sau đó những chồi non mau chóng mọc ra mang xanh nõn. Hình tượng này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, vì vậy loài cây này được yêu thích ở Việt Nam và Trung Quốc trong dịp xuân về.


Nhành liễu tơ được nhuộm nhiều màu sắc và bán vào dịp tết với tên gọi "nụ tầm xuân"

Liễu tơ, hay còn gọi là Liễu dê có tên khoa học là Salix caprea. Đây là loài cây thấp, rụng lá theo mùa. Hoa của nó bung ra những tơ mềm. Hoa nở rộ vào đầu mùa xuân sau đó chồi non mọc ra.

Một cây liễu tơ trổ đầy hoa vào mua xuân

Hoa "Nụ tầm xuân" thật ra là liễu tơ

Theo: Nhà Vườn Miền Tây

CÂY CẦU NỔI ĐẶC BIỆT Ở TRIỀU CHÂU

Cây cầu nổi đặc biệt Quảng Tế (廣濟橋),còn được gọi là cầu Tương Tử (湘子橋) (Hàn Tương Tử trong bát tiên), là một trong những cây cầu lâu đời bắc ngang Hán Giang ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.


Cây cầu dài 500 m được nâng bằng 24 cầu tàu bằng đá và 18 chiếc thuyền, với 24 đình nghỉ chân. Không những có giá trị lịch sử lâu đời mà cây cầu nổi đặc biệt này còn là cây cầu phao đầu tiên trên thế giới có khả năng đóng mở. Vì vậy người ta thường nói nếu đến Triều Châu mà không ghé thăm cây cầu này thì chuyến đi của bạn trở nên vô nghĩa.




Cây cầu nổi đặc biệt với 24 cầu tàu đá, 18 chiếc thuyền và 24 đình nghỉ chân

Lúc đầu, cây cầu vốn được nâng đỡ trên 86 chiếc thuyền lớn. Tuy nhiên ngày nay chỉ có phần giữa cầu mới có khả năng đóng mở. Cầu Quảng Tế được xây dựng làm cầu phao từ thời nhà Tống, năm 1170. Nhưng cây cầu đã gặp khá nhiều biến cố nến đã có rất nhiều vị quan khác cũng chung tay vào việc xây dựng chiếc cầu. Trong số đó, Ding Yun Yuan (丁允元 Đinh Doãn Nguyên) là người đã cho xây dựng hầu hết các cầu tàu. Đóng gớp to lớn của ông được ghi nhận khi chiếc cầu nổi đặc biệt này đổi lại theo họ ông, thành cầu Đinh Công (丁公桥).


Chiếc cầu nổi đặc biệt này có ý nghĩa lịch sử lâu đời



Trải qua khá nhiều lần trùng tu và sửa đổi sau đó cho đến thời Minh, cầu được cho xây lại và đổi thành cái tên Quảng Tế như ngày nay. Vào thời nhà Thanh, hai tượng bò được cho đặt ở hai đầu cầu, làm tượng trấn giữ cầu trước các trận lũ. Năm 1842, tượng bò ở bờ đông bị lũ cuốn theo dòng nước. Cây cầu nổi đặc biệt dài 500 m ngày nay được nâng đỡ bởi 24 cầu tàu bằng đá và 18 chiếc thuyền, với 24 đình nghỉ chân.


Phần giữa của cây cầu nổi đặc biệt có thể đóng mở để tàu thuyền qua lại

Nằm ở vị trí tiếp giáp giữa phía đông Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây nên cây cầu nổi đặc biệt Quảng Tế từng là nơi tụ họp náo nhiệt với rất nhiều người buôn bán trên cầu vào thời xưa. Ngày nay sự ồn ào náo nhiệt của những buổi họp chợ không còn nhưng vẫn còn hình ảnh những gánh hàng rong cùng du khách tản bộ



Theo: Thiên Tân Group



MỬA RA ĐÀM

Có lần vào lúc tọa thiền, thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất chịu hết nổi bèn khạc đàm lên tượng Phật. Thị giả thấy không bằng lòng, vội hỏi :
- Bạch thầy ! Tại sao thầy khạc đàm lên tượng Phật ?

Thiền sư Đạo Nhất liền ho hai tiếng, hỏi ngược lại thị giả :
- Trong hư không, chỗ nào cũng có pháp thân, bây giờ ta muốn khạc đàm, ông bảo ta đến chỗ nào khạc ?
Thị giả mờ mịt không biết thế nào.
Lại có một lần, thiền sư Đạo Nhất dường như không được vui, phun đàm ra hư không. Thị giả không hiểu, hỏi :
- Vừa mới khạc đàm, sao lại nổi giận ?
Thiền sư Mã Tổ giải thích :
- Ta ngồi thiền ở đây, núi sông thế giới, sum la vạn tượng ở trong hư không đều hiện ra trước mắt, ta chịu hết nổi cho nên mới khạc đàm.


Thị giả không hiểu hỏi :
- Tất cả đều là tướng lành tu chứng, có thể nói là việc tốt, sao thầy lại não phiền ?
Mã Tổ nói :
- Lẽ dĩ nhiên là việc tốt, nhưng đối với ta thì rất chán ghét !
Thị giả mờ mịt không hiểu, hỏi :
- Đó là cảnh giới gì ?
Mã Tổ đáp :
- Cảnh giới Bồ-tát !
Thị giả nhăn mày, lắc đầu tỏ ý không hiểu, nói :
- Cảnh giới ấy, người ta khó mà hiểu được.


Mã Tổ nói :
- Vì ông là người chứ không phải Bồ-tát.
Thị giả hỏi :
- Bồ-tát không phải tên là hữu tình giác sao ?
Mã Tổ quở trách :
- Vì ông là một kẻ dốt không hiểu gì cả, làm sao gọi là giác hữu tình ?
Ngay lời quở trách của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, thị giả liền được thể ngộ.
Lời bình :
Có những người tôn kính Phật mà thực ra hoàn toàn không biết gì về Phật. Vì pháp thân Phật trùm khắp hư không, bao hàm pháp giới, tuy Mã Tổ khạc đàm lên tượng Phật nhưng để nói lên rằng ngài đã nhận biết pháp thân Phật, đã là không chỗ nào chẳng trùm khắp thì chỗ nào cũng có.


Có những người khi tọa thiền thích thấy tướng lạ để tăng thêm lòng tin, nhưng Mã Tổ lại chán ghét thấy những điều đó, đó nói lên rằng diệt trừ hiện tượng sai biệt trong vũ trụ mà trở về với bình đẳng, diệt trừ nhân ngã đối đãi mà trở về một. Thị giả kẹt nơi cái thấy thế tục, cho nên ngài trách là một kẻ dốt không biết gì cả.

(trích trong mạng Thiền Viện Thường Chiếu)

"CÁ LEO" NƯỚNG MUỐI ỚT

Mình là dân miền Tây, dù sống ở thành phố nhưng tự thấy cũng biết chút ít về miệt vườn, cũng thường về miền quê, ăn những món dân dã, biết nhiều chuyện và sống với nông thôn và miền sông nước nhưng mãi đến bây giờ mình mới biết tri thức về miền quê và cuộc sống của mình quá nông cạn theo kiểu "chữ nghĩa không đầy lá mít" mà bày đặt. Mới hôm qua không biêt về cây "sầu đâu" thì hôm nay lại lờ mờ với con "cá leo".


Lúc đầu đọc mình cứ tưởng "cá leo" tức là con "cá leo cây" một đặc danh mà người ta gọi con "cá thòi lòi" vì nó có khả nặng leo lên cây cũng như con "cá lóc" nó có thể nhảy và "lóc" từ bên này qua bên kia qua đường một cách dễ dàng. Nhưng càng đọc thêm thì thấy loại cá này có thể nặng từ 1-2 kg và còn có thể hơn nữa thỉ chắc chắn nó không thể là con "cá thòi lòi" được. Như vậy đây là một điều mà mình cũng chưa từng biết.


Con "cá leo" này là một đặc sản của miền Tây và cũng là một món ăn đặc sản.
MÌnh chưa từng biết. Ai ăn rồi xin cho biết ngon không ?

"CÁ LEO" NƯỚNG MUỐI ỚT

Cá leo là một loài cá nước ngọt được phân bố ở nhiều vùng khác nhau, nhiều nhất là sông Tiền và sông Hậu, xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi . Đây là một loài da trơn, mình dài giống như cá trèn nhưng to hơn nhiều, trung bình từ 1-2 kg.


Đặc tính của cá leo là đến mùa sinh sản, chúng thường vượt qua các cánh đồng ngập nước để “làm tình”, con đực rượt con cái một cách hào hứng, mãnh liệt, khiến cho nước dợn sóng, thậm chí chúng còn leo qua những chỗ có mực nước xâm xấp, phơi mình trên cạn. Chính vì vậy mà dân gian mới gọi là “cá leo”. Thời điểm thích hợp ( tháng 8 – 9 ) là bà con ngư dân tập trung săn bắt. Hiện nay, loài cá này rất hiếm nên bà con phải khai thác bằng cách dỡ chà, giăng lưới, giăng câu…
Thịt cá leo săn chắc, rất thơm ngon nên được các bà nội trợ chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như cá leo chiên tươi, ướp muối chiên, kho, nướng, nấu canh chua…


Một trong những món ngon độc đáo mà các nhà hàng thường chế biến phục vụ cho du khách hiện nay là cá leo nướng muối ớt. Muốn chế biến món này trước hết chúng ta chọn mua những con còn tươi sống đem về làm sạch nhớt bằng cách rửa nước ấm hoặc nước muối, móc bỏ mang, ruột, cắt bỏ vây, để cho ráo nước. Sau đó đem cá ướp với tỏi, ớt, chút bột nêm và bột ngọt cho thấm đều trước khi đem nướng trên bếp than hồng hoặc bếp điện.
Trong khi nướng, trở cá thường xuyên, xát thêm muối ớt và dầu ăn nhiều lần cho đến khi da cá chuyển màu, mỡ cháy xèo xèo, bốc mùi thơm lựng là cá đã chín. Đặc biệt cá leo da mỏng, thịt mau chín nên khi nướng cần tránh cháy khét mất ngon.


Nước chấm thích hợp nhất với món cá nướng là nước mắm chua cay hoặc muối ớt vắt chanh. Món này có thể ăn chung với bún hoặc cuốn bánh tráng kèm thêm các loại rau , xà lách, dưa leo, chuối chát, khế… Có thể coi đây là món ngon đặc sản, thịt cá lại lành, bổ dưỡng và ăn ít ngán nên mọi người đều ưa thích.
Về miền tây mùa nước nổi, bạn đừng quên thưởng thức món cá leo thơm ngon độc đáo này.

Theo Văn Hóa Miền Sông Nước.

CÂU CHUYỆN TRƯỚC MIẾU QUAN ÂM

Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được hoặc đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!


CÂU CHUYỆN TRƯỚC MIẾU QUAN ÂM

Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.
Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.
Phật dừng lại, hỏi nhện: "Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?"
Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: "Thế gian cái gì quý giá nhất?"
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: "Thế gian quý nhất là những gì không có được hoặc những gì đã mất đi!". Phật gật đầu, đi khỏi.
Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.
Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?"
Nhện nói: "Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là "không có được" hay "đã mất đi" ạ!"
Phật bảo: "Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi."


Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.
Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: "Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?"
Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: "Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được hoặc cái đã mất đi."
Phật nói: "Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!"
Và thế, nhện đầu thai thành một tiểu thư đài các, trong một nhà quan, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng.
Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển. Trường phong công chúa tới rủ Châu Nhi đi dự tiệc. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Châu Nhi vừa nhìn thấy Cam Lộc tài hoa đã đem lòng yêu mến, nàng nghĩ chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi ngỡ Phật đã an bài mối nhân duyên này, nàng hỏi Cam Lộc: "Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?"
Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: "Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?". Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.


Châu Nhi về nhà, nghĩ, vì sao Phật không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.
Thái tử Chi Thụ, một người bạn đồng trang lứa với Châu Nhi, biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: "Châu Nhi, nàng ơi, nàng có biết không, ta đã yêu nàng ngay từ lần đầu tiên gặp nàng trong cung điện, tình yêu trong ta đã ấp ủ bấy lâu. Nay nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi." Nói đoạn, toan rút gươm tự sát.
Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: "Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương _Cam Lộc_ là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió _Trường Phong_ mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?"
Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: "Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được hoặc đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"


Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm...
Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?
"Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ !"
Trong suốt đời ta sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.
Ðể yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có "duyên" là đủ.
Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.
Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
(Trang Hạ dịch, theo saycoo-ĐL)

Thursday, September 29, 2016

ĐÃN NGUYỆN NHÂN TRƯỜNG CỬU

"Đãn nguyện nhân trường cửu" (但願人長久) được phóng tác từ bài từ của Tô Đông Pha có tựa là "Trung Thu" theo thể điệu "Thủy Điệu Ca Đầu" (水調歌頭-中秋)

明月几时有
Since when has there been the bright Moon?
把酒问青天
I raise my cup of wine and ask the blue sky.

不知天上宫阙
I don't know about the palace in Heaven,

今夕是何年
What year this really is.
我欲乘风归去
I would like to ride the wind home to you.
又恐琼楼玉宇
But fear where the magnificent jade structures
高处不胜寒
There is an unbearable chill in high places.
起舞弄清影
So I started dancing and playing with my own clear image under the moonlight.
何似在人间
I might as well just stay in this human world.

转朱阁
Circling red chambers,
低绮户
Low through the curtained windows,
照无眠
You shine on the sleepless ones.
不应有恨
Surely you should not be having any misgivings
何事长向别时圆
For why are you so perfectly bright and round when we are parted?
人有悲欢离合
We humans have sorrow, joy, separation and togetherness.
月有阴晴圆缺
The Moon has dimness, brightness, fullness and eclipses.
此事古难全
This matter has never been ideal since the ancient time.
但愿人长久
Wishing we live long lives,
千里共婵娟
To appreciate the beauty of the Moon even while thousand miles apart.
(Sưu tầm trên mạng)

Thêm một bài do Đặng Lệ Quân (邓丽君) hát.



CHIẾC CẦU

Tại Học viện Quân sự West Point (Mỹ) trong một tiết học về môn kỹ thuật, khi giáo sư ra đề tài vẽ một chiếc cầu, dĩ nhiên sinh viên của trường phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế cho mục tiêu quân sự. Các sinh viên khác đều thiết kế một cái cầu theo tiêu chuẩn và kỹ thuật như đã học ở phần lý thuyết. Riêng Whister lại không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng, bắc qua một mỏm núi cao với một gam màu sáng của ánh mặt trời đang ló dần trên đỉnh. Dọc hai bờ sông là thảm cỏ xanh rì. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.

Vị giáo sư cầm bức tranh lên quan sát và tỏ vẻ không ưng ý chút nào. Ông yêu cầu anh phải xóa hình ảnh hai đứa bé. Whister ngẫm nghĩ một hồi bèn đặt cọ lông di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này vị giáo sư tỏ ra giận dữ, ông quát to và đập tay xuống bàn : “Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh”.

Không thể vẽ thiên nhiên mà thiếu bóng dáng con người, Whister bèn vẽ hai ụ đất trên thảm cỏ dọc theo dòng sông như muốn vị giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.



Người sinh viên ấy là họa sĩ tài ba James Mc.Neil Whister.

Với anh, chiếc cầu bắc qua dòng sông là để nối liền đôi bờ là để con người ở hai bờ sông liên lạc với nhau. Không thể được gọi là cầu nếu chiếc cầu không dùng để đi lại, thông thương hay chiếc cầu sẽ trở thành vô nghĩa nếu thiếu vắng sự qua lại của con người.

Hằng ngày, chúng ta cũng đang vẽ bức tranh của những chiếc cầu gặp gỡ, cảm thông, yêu thương để xóa đi những ngăn cách, những hận thù. Một cử chỉ hỏi thăm, một nụ cười, một cái bắt tay, một ánh mắt cảm thông của con người đang là những thanh gỗ được ghép lại thành chiếc cầu để nối kết nhân loại.


Con người chỉ có thể sống hòa bình và an vui khi giữa chúng ta được nối kết bằng những chiếc cầu của gặp gỡ, yêu thương và tha thứ.

Hoathuytinh

SONG HỈ (雙喜)


 Trong đám cưới người Việt, chữ Song Hỉ biểu đạt niềm vui, hạnh phúc của hai dòng họ cũng như của cặp tân lang - tân nương. Chữ Song Hỉ xuất hiện rất nhiều trong đám cưới của người Việt từ thiệp cưới, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu… Nó được dán từ nhà ra ngõ, từ cổng khách sạn vào phòng ăn để thông báo với mọi người về đám cưới và nơi gia đình tổ chức bữa cơm chia vui mời khách khứa, họ hàng... Mặc dù không biết chữ Hán nhưng nhìn thấy biểu tượng song hỷ thì ai cũng biết là có đám cưới.
Có người biết, có người không biết, hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa chữ Song Hỉ này:

SONG HỈ - 囍 (雙喜)
Tóm lược điển tích:

Vương An Thạch (đời nhà Tống) đã sáng tạo nên chữ Song Hỉ bằng 2 chữ Hỉ được lược bớt bộ Thảo, để nói về hai lần gặp may lớn của mình là vừa thi đỗ cao lại vừa lấy được vợ đẹp.


Chi tiết điển tích:
Vương An Thạch đời nhà Tống, năm 20 tuổi đi lên kinh đô để thi Trạng nguyên, dọc đường dừng chân nghỉ tại một thị trấn có trang viện của Mã Viên ngoại. Vương An Thạch thấy trước nhà có treo một cái đèn kéo quân, trên đó có dán một vế câu đối:
走馬燈,燈馬走,燈熄馬停步
Tẩu mã đăng, đăng mã tẩu, đăng tức mã đình bộ.
Nghĩa là: Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng đi.
Vế đối còn chờ người. Vương An Thạch xem xong nói:
- Câu nầy dễ đối thôi.
Nói rồi liền bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì cậu thiếu niên Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.
Nơi trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan Chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, rồi bảo Vương qua thi vấn đáp.


Quan Chủ khảo thấy lá cờ vẽ hình con cọp đang bay phất phơ trước gió, liền nghĩ ra vế đối:
飛虎旗,旗虎飛,旗捲虎藏身
Phi hổ kỳ, kỳ hổ phi, kỳ quyển hổ tàng thân.
Nghĩa là: Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ ẩn mình.
Vương An Thạch chợt nhớ vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại, nếu đem đối vào đây thì rất hay và rất chỉnh, liền ứng khẩu đọc vế đối cho quan giám khảo nghe:
走馬燈,燈馬走,燈熄馬停步
Tẩu mã đăng, đăng mã tẩu, đăng tức mã đình bộ.
Quan Chủ khảo không ngờ Vương An Thạch có tài ứng đối mau lẹ như vậy, câu đối rất chỉnh, nghĩa lý xuất sắc.
Thế là Vương An Thạch coi như đã thi đậu đầu trong kỳ thi ấy, chỉ chờ chánh thức đăng tên lên bảng vàng và giấy báo mà thôi.
Vương An Thạch trở về quê nhà, đi ngang qua nhà Mã Viên ngoại, người nhà của Mã Viên ngoại nhận biết Vương là người mà trước đây đã nói rằng vế đối dán trên đèn kéo quân dễ đối thôi, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại.


Mã Viên ngoại yêu cầu Vương đọc vế đối. Vương liền lấy vế đối của quan Chủ khảo đọc lên:
飛虎旗,旗虎飛,旗捲虎藏身
Phi hổ kỳ, kỳ hổ phi, kỳ quyển hổ tàng thân.
Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh rất khéo, nên nói với Vương An Thạch rằng:
- Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới chịu ưng làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.
Thế là đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang.
Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, và ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại.
Cũng ngay trong ngày đám cưới đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch được chấm đậu Trạng nguyên, được triều đình đòi lên kinh đô lãnh chức.
Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: một là cưới được vợ tài giỏi giàu có, hai là được chấm đậu Trạng nguyên.


Vương An Thạch rất hứng chí, lấy giấy viết lớn hai chữ HỈ (囍) dán trước nhà và ngâm:

巧對聯成雙喜歌,
馬燈飛虎結絲羅
洞房花燭題金榜,
小登科遇大登科

Xảo đối liên thành song hỉ ca ,
Mã đăng phi hổ kết ti la
Động phòng hoa chúc đề kim bảng
Tiểu đăng khoa ngộ đại đăng khoa

Khéo đối thành ra khúc hỉ ca,
Ngựa phi hùm chạy thực giao hòa.
Động phòng hoa chúc, tên đề bảng,
Tiểu đăng khoa lại Đại đăng khoa.
Vậy, gốc tích của chữ SONG HỈ là do điển tích nầy, tức là vừa cưới được vợ, vừa thi đậu Trạng nguyên.
Hai niêm vui lớn cùng đến một lúc còn được gọi là SONG HỈ LÂM MÔN (2 niềm vui cùng vào cửa)


Nhưng về sau, chữ SONG HỈ được dùng với ý nghĩa khác hơn một chút: là hai việc vui mừng song song nhau: nhà trai vui mừng có dâu mới, nhà gái vui mừng có rể mới.

(Sưu tầm trên mạng VN và TQ nên có chỉnh lại đôi chút. 
Xin lỗi các tác giả)

BIỆT NGHIỆP VÀ CỘNG NGHIỆP

Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc.
Thực là một điều lý thú đối với Phật tử chúng ta, khi theo dõi cuộc bàn luận về một đề tài Phật giáo như: “Biệt nghiệp và cộng nghiệp” giữa hai nhà khoa học tự nhiên, hai nhà bác học thế giới: Một là Matthieu Ricard, người Pháp, tiến sĩ Sinh học, trở thành một tu sĩ Phật giáo tại một thiền viện Tây Tạng ở Katmandu (Nepal). Người thứ hai là Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, một nhà bác học về Vật lý thiên văn, đang công tác tại Viện Công nghệ học California, và là giáo sư ở trường Đại học Virginia.
Chủ đề của cuộc đàm thoại như sau: Khái niệm về nghiệp (karma) của Phật giáo có ý nghĩa hay không? Thuyết nghiệp liên hệ như thế nào với luật nhân quả và tư tưởng định nghiệp (destin deterministe). Nếu theo đạo Phật, cái ta và con người cá nhân là ảo ảnh, thì cái gì luân hồi trong vòng sanh tử?(chương 8,cuốn “Vô biên trong lòng bàn tay”_L’infini dang la paume da la main _Trịnh Xuân Thuận)
Tôi rất đổi ngạc nhiên khi thấy tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard, mô tả một vài thế giới đặc biệt theo đúng nội dung của phẩm “Hình thành thế giới”trong kinh Hoa Nghiêm(Avatamsaka sutra). Một kinh đại thừa mà bản Hán dịch đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VII (đời bà Võ Hậu Võ Tắc Thiên). Nghĩa là trước rất xa sự phát hiện của Copernic ! Đúng là đạo Phật luôn luôn và liên tục dành nhiều ngạc nhiên cho các nhà bác học thế giới!


Sau đây, xin giới thiệu nội dung của cuộc đàm thoại, bắt đầu bằng lời phát biểu của tiến sĩ Matthieu Ricard (từ đây, viết tắc là Matthieu).
Matthieu Về từ nguyên mà nói, karma có nghĩa là “hành động”.Những điều chúng ta làm, nói và suy nghĩ không những có một tầm quan trọng về đạo đức, mà chúng còn tạo ra thế giới của chúng ta. Nhận thức của chúng ta đối với thế giới là kết quả của toàn bộ thực nghiệm của tâm thức của chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp. Ngược lại, tâm thức đó lại bị chi phối bởi cấu trúc thân thể chúng ta, bộ não và hệ thần kinh chúng ta. Đây là một ví dụ nữa của luật tương tác nhân quả (causalité réciproque). Chắc chắn là con người nhận thức vũ trụ khác với bầy ong bầy dơi. Cách thức hoạt động của tâm thức chúng ta gắn liền với cái mà chúng ta gọi là “vũ trụ của chúng ta”. Do có những thực nghiệm tương tợ nhau trong nhiều kiếp quá khứ, mà có những cộng đồng loài hữu tình có một nhận thức tương tợ nhau về thế giới. Đó là kết quả của cái mà đạo Phật gọi là cọng nghiệp(karma collectif) nói lên nhận thức của chúng ta đối với thế giới, ngoài ra, còn có biệt nghiệp (karma individuel) là kết quả của kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.
Thuận: Nhận thức về thế giới có thể khác nhau giữa các sinh vật trong các thế giới khác nhau trong vũ trụ này, thí dụ, những sinh vật sống ở một hành tinh khác, có một vì sao khác làm mặt trời, nhưng theo tôi nghĩ, nhận thức của họ đối với thế giới, có thể không khác biệt lắm so với nhận thức của chúng ta, bởi lẽ, tất cả đều cùng có một lịch sử vũ trụ, giống nhau, đều là sản phẩm của vụ nổ đầu tiên- Big bang, với các tinh vân, sao và hành tinh v.v...Đối với hàng triệu sinh vật không phải loài người, sống trên trái đất này cũng vậy, vì có cùng một lịch sử vũ trụ, cho nên nhận thức của chúng đối với thế giới có thể là không khác nhau lắm.
Matthieu: Đấy bất quá là do chúng ta quá chấp thủ vào nhận thức của chúng ta đối với thế giới, đến mức chúng ta cho là các sinh vật khác cũng thấy thế giới, gần như chúng ta thấy. Tôi cho rằng, con kiến hay con dơi nhìn thế giới khác chúng ta rất nhiều. Quen thuộc với ba chiều kích(dimension) của thời gian, chúng ta mệt lắm mới mường tượng chiều kích thứ tư, bây giờ các nhà vật lý học nói có tới 10 hay 12 chiều kích! Một sinh vật sống ở bình độ thứ nguyên tử(subatomic), chắc là thấy thế giới khác chúng ta rất nhiều.


Đức Phật là bậc toàn giác, hẳn là cũng thấy thế giới rất khác với chúng ta. Kinh Phật nói tới một số thế giới và vũ trụ nhiều như cát trong biển, và mô tả chúng một cách rất hình ảnh và khác lạ. Có những thế giới giống như bánh xe quay vòng (phải chăng đó là những tinh vân hình xoáy- galaxies spirales), những vũ trụ hình giống miệng sư tử (phải chăng đó là những lỗ đen-trous noirs-là loại thiên thể đặc biệt, có trọng lực bản thân lớn đến nỗi, không có vật chất hay ánh sáng nào có thể thoát ra được), những vũ trụ hình dẹp (phải chăng đó là vũ trụ có không gian hai chiều?), những vũ trụ giống như núi lửa đang phun (phải chăng đó là những novae-là ngôi sao bùng nổ rồi tan biến) v.v...
Thuận: Hình ảnh của các vũ trụ theo Phật giáo thật là kỳ lạ. Đức Phật có thể đã nói tới những sinh vật không phải là loài người, phát triển khác hẳn chúng ta trong một môi trường khác biệt hoàn toàn.
Matthieu: Theo vũ trụ quan Phật giáo, có tới sáu loại chúng sanh, trong số này chỉ có hai loại, chúng ta còn nhận thức được, tức làloài người và loài động vật, còn bốn loại kia thì chúng ta không biết được. Đó là không kể loài trời gọi là vô sắc, tức là không có sắc thân, là một hính thái sống không thể nghĩ bàn(bất khả tư nghì) đối với loài người chúng ta.
Thuận: Nếu hai loại biệt nghiệp và cọng nghiệp theo Phật giáo đều do quá khứ quyết định, thì phải chăng đây là một hình thức của quyết định luận(determinisme)?
Matthieu: Không, thuyết nghiệp phản ánh luật nhân quả, thuyết nghiệp không phải là quyết định luận. Nghiệp là hành động, nghiệp do hành động tạo ra, thì nghiệp cũng do hành động của con người mà thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi qúa trình chuyển nghiệp, bằng cách tác động vào nó, trước khi hình thành quả vui hay buồn, tốt hay xấu. Cũng như một quả bong bóng đang rơi, chúng ta có thể bắt lấy nó và ném lên ở một độ cao hơn.
Cuộc sống chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh là kết quả của toàn bộ ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, được thực hiện trong vũ trụ này, trong đời này hay là trong các đời sống trước. Đó là một tổng thể hết sức phức tạp của những yếu tố tương tác lẫn nhau, mà chúng ta có thể thay đổi quá trình trong từng giây phút. Đó là thuyết bất định nghiệp của đạo Phật, rất khác với các thuyết quyết định luận hay số mệnh luận.
Thuận: Như vậy, điều xảy ra cho chúng ta trong đời này là kết quả trực tiếp của hành động và tư duy của chúng ta trong các đời sống trước. Như vậy phải chăng thuyết nghiệp có liên hệ với thuyết tái sanh, thuyết luân hồi qua nhiều cuộc sống nối tiếp nhau. Đối với tôi, niềm tin về thuyết tái sanh làm giảm nhẹ nỗi lo âu trước sự chết, và cung cấp những giải thích hợp lý cho sự xuất hiện những đứa bé thiên tài. Mozart, mới 5 tuổi đã là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và đã soạn được nhiều bản nhạc... phải chăng trong đời sống trước, Mozart đã là một thiên tài âm nhạc? Thuyết tái sanh cũng giải thích vì sao có những đứa trẻ, chưa lớn lên đã mắc phải những chứng bệnh hiểm nghèo và phải đau đớn vô cùng. Phải chăng chính chúng phải gặt hái hậu quả những hành động của chúng trong đời sống trước?


Matthieu: Nếu không tin vào thuyết tái sanh, thì thật là khó chấp nhận tình hình những đứa bé “vô tội” phải gánh chịu hậu quả những hành động mà dường như chúng không có ý niệm gì hết, không có trách nhiệm gì hết. Nhưng thuyết tái sanh và nghiệp sẽ giúp cởi bỏ thắc mắc đó.
Thuận: Đạo Phật nói không có “cái ta”, “cái ta” không thật có. Nếu không có cái ta thì ai hưởng hạnh phúc, ai chịu bất hạnh?
Matthieu: Đúng là có một sự liên tục cho phép nói “tôi” hưởng hạnh phúc hay là chịu nỗi bất hạnh, thế nhưng đó chỉ là sự liên tục của một cái gì thay đổi liên tục. Chính sự liên tục đó tạo ra ảo ảnh một cái gì có thật và bất biến. Cũng như một người đứng xa nhìn con sông, hình như không chảy, hay là nhìn một ngọn đuốc cháy liên tục suốt đêm, nhưng ngọn đuốc đầu đêm, ngọn đuốc giữa đêm, và ngọn đuốc cuối đêm không phải là cùng một ngọn đuốc. Thậm chí, qua từng giây phút, ngọn đuốc cũng đổi khác. Không phải chỉ con người mà mọi sự vật đều là những giòng chảy liên tục của những hiện tượng nối tiếp nhau, và mỗi hiện tượng trong giòng chảy liên tục đó cũng vô thường, biến đổi không ngừng. Norbert Wiener, một trong những cha đẻ của môn “Thần kinh cơ giới học”(Cybernetics) đã dùng hình ảnh của thi ca để nói lên chân lý đó của đạo Phật: “ Chúng ta chỉ là những giòng xoáy của một con sông chảy vô tận. Chúng ta không phải la ømột chất liệu tồn tại mãi, mà là những nét đường luôn được tái phục hồi.”
Một thế kỷ trước công nguyên, Milinda, vua xứ Bactriane, (tức một phần của xứ Aphganistang hiện nay, sách Hán dịch là Đại Hạ) đã đặt câu hỏi đó với Đại Đức Nagasena:
“- Bạch Đại Đức, con người tái sanh với con người kiếp trước là một người hay là hai người?
- Không phải là một người, cũng không phải là hai người.
- Hãy cho tôi một ví dụ.
- Nếu chúng ta thắp một bó đuốc, bó đuốc có thể cháy suốt đêm không?
- Tất nhiên, có thể.
- Bó đuốc cuối đêm có giống bó đuốc nửa đêm và bó đuốc đầu đêm hay không?
- Không.
- Như vậy là có ba bó đuốc khác nhau?
- Không, chỉ có một bó đuốc cháy suốt đêm.
- Thưa Đại Vương, cũng như vậy,các hiện tượng nối tiếp nhau liên tục, một hiện tượng này nảy sinh, thì một hiện tượng khác mất đi. Chính vì lẽ đó, mà người tái sanh không phải là một người, cũng không phải là người khác, so với người của đời sống trước.”


Khái niệm có một cái ta thường tại, hay một tâm thức thường tại, thực nghiệm hậu quả của những nghiệp tạo ra trong quá khứ, và luân hồi liên tục từ đời sống này qua đời sống khác chỉ là một ảo tưởng. Cái ta ảo tưởng đó tuy không có một sự tồn tại tuyệt đối, nhưng vẫn tồn tại tương đối, cho nên mới có tạo nghiệp và chịu hậu quả của nghiệp. Đó là cái mà sách Phật gọi là cái ta giả( giả ngã), cái ta quy ước. Cái ta quy ước đó tồn tại một cách tương đối và cái ta tồn tại tương đối đó vẫn chịu hậu quả của một cái nghiệp cũng tồn tại tương đối.
Lời người bình: Tôi không muốn bàn nhiều hơn về vấn đề cái ta quy ước vì chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội để bàn vấn đề khá phức tạp này. Nhưng qua cuộc toạ đàm giữa Thuận và Ricard, còn một vấn đề phức tạp khác là vấn đề cọng nghiệp, là nghiệp do nhiều người tạo ra và cùng chịu hậu quả. Thí dụ, tôi là người Việt Nam, hiện đang sống cùng với khoảng 80 triệu người Việt khác trên đất nước Việt Nam này. Theo thuyết nghiệp của Phật Giáo, chắc là tôi trong nhiều đời sống trước đã cùng với 80 triệu đồng bào đó đã tạo ra cọng nghiệp, khiến cho tôi cùng với họ trở thành người Việt Nam và cùng sống trên đất nước Việt Nam này.
Thế nhưng, trong cọng nghiệp của người Việt, sống trên đất nước Việt Nam, lại phân chia có người Nam, người Trung, người Bắc sống trong những môi trường địa lý khác nhau. Có thể nói trong cọng nghiệp đất nước, còn có cọng nghiệp vùng. Đấy là không kể những người Việt định cư ở nước ngoài. Nghĩa là trong cọng nghiệp chung, có những yếu tố không phải cọng nghiệp. Thí dụ, cùng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại ở các quận, phường, khu phố khác nhau. Người thì có nhà cửa khang trang, người thì ở căn nhà chật hẹp, thậm chí không có nhà,v.v... Nếu phân tích chi ly thì phức tạp vô cùng. Đạo Phật cho rằng, không có gì gọi là ngẫu nhiên. Mọi sự sai biệt trong cuộc sống, đều do nghiệp tạo ra cả, kể cả cọng nghiệp , biệt nghiệp. Một cách không có ý thức, chúng ta tạo ra môi trường sống của bản thân chúng ta. Giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma, phát biểu về ảnh hưởng của nghiệp đến môi trường khí hậu như sau:
“ Hãy tưởng tượng một cộng đồng trong đó hận thù và giận dữ là tâm trạng phổ biến. Tôi nghĩ là tình trạng cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng tới môi trường, có thể góp phần tạo ra một đợt thời tiết nắng nóng và khô hạn. Nếu trong một cộng đồng mà lòng tham ái, tham đắm rất mạnh mẽ và phổ biến thì đó có thể là nguồn gốc của độ ẩm tăng cao và nạn lụt lội. Tôi (tức Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nêu vấn đề chứ không nói điều gì khẳng định. Nhưng dù là cá nhân hay cộng đồng, thì hành động của mỗi người, cách hành xử của anh ta, tâm trạng của anh ta, ngày này qua ngày nọ, năm tháng này qua năm tháng nọ cuối cùng cũng ảnh hưởng tới môi trường cộng đồng” (Đạt Lai Lạt Ma_Samsara{Luân hồi}, trang 167, bản Pháp ngữ)


Rõ ràng, vấn đề ngài Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến trong đoạn văn trên chỉ là một vấn đề chi tiết trong cả vấn đề cọng nghiệp rộng lớn, có thể bao quát cả vũ trụ, như hai ông Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard nêu ra trong cuốn sách tôi tường thuật “Vũ trụ trong lòng bàn tay”. Trình độ khoa học hiện nay chưa cho phép khẳng định ngoài trái đất ra, còn có rất nhiều hành tinh có sự sống, có thể là cao cấp hơn loài người rất nhiều. Môi trường sống của những hành tinh đó cũng có thể rất khác với môi trường sống trên trái đất, do cọng nghiệp của các chúng sanh trên các hành tinh đó khác biệt với cọng nghiệp người trên trái đất. Với cọng nghiệp khacù nhau, chúng sanh trên các hành tinh đó rất có thể có cấu trúc thân thể và cảm quan khác với cấu trúc thân thể và cảm quan người. Kinh Hoa Nghiêm Phẩm “Thế giới” có mô tả những thế giới muôn hình vạn trạng trong vũ trụ, mà ông Ricard có đề cập tới ở đầu bài này. Kinh Hoa Nghiêm giải thích muôn hình vạn trạng các thế giới (Kinh Hoa Nghiêm nói tới không phải một thế giới mà là hàng biển thế giới – thế giới hải), đếu do cọng nghiệp của chúng sanh tạo ra. Cọng nghiệp khác, thì thế giới môi trường cũng khác. Có thể nói câu: “Thế biệt do nghiệp sanh”, trong luận Câu Xá ( Phẩm nghiệp) không những áp dụng cho thế giới loài người mà là cho toàn vũ trụ, cho muôn vàn thế giới trong cả ba cõi “ Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới”. Chỉ nói riêng về Dục giới, trong đó có cõi người cũng đã có nhiều cõi sống, mà mắt người không thể thấy được như cõi địa ngục là nơi chúng sanh sống chịu đựng những nổi khổ vô cùng tận; cõi quỷ đói, nơi chúng sanh bị đói triền miên; cõi súc sanh, là nơi chúng sanh thường ăn thịt lẫn nhau ( ngay cõi súc sanh, mắt loài người cũng chỉ thấy được một phần); cõi A tu la là cõi các hung thần; cuối cùng là 6 cõi trời ở dục giới là nơi chúng sanh hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống loài người rất nhiều.Sách Phật, có nói tới cõi “ bốn thiên vương” là cõi trời thấp nhất trong các cõi trời thuộc dục giới. Ở đây, thời gian một ngày đêm bằng cả 50 năm ở cõi người. Đây mới nói tình hình thọ mạng ở một cõi trời thấp nhất trong các cõi trời dục giới. Nếu bàn tới cõi trời sắc giới, là cõi không còn có lòng dục, không còn phân biệt giới tính, nam nữ, chúng sanh có sắc thân chói sáng, vô cùng đẹp đẽ, với thọ mạng lâu dài. Theo luận Câu Xá, phẩm “phân biệt thế gian”, thì cõi sắc giới gồm có 17 cõi trời khác nhau, với những tên gọi khác nhau. Cuộc sống ở đây, thật là không thể nghĩ bàn.
Cuối cùng, là cõi Vô sắc, nơi chúng sanh không còn có sắc thân, chỉ sống cuộc sống tinh thần thuần tuý, loài người chúng ta lại khó bàn hơn nữa.
Để kết luận lời bình giải của tôi về đoạn văn hai nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard bàn về biệt nghiệp và cọng nghiệp, tôi thấy cần ghi nhận tính phức tạp của vấn đề nghiệp, mà có lẽ chỉ có Đức Phật mới thấu rõ mọi ngọn ngành chi tiết. Còn chúng ta chỉ có thể nắm được những nét chính, cơ bản. Những nét chính cơ bản về thuyết nghiệp của đạo Phật cũng đủ để chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời mà mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày đều có trọng lượng, có giá trị nhân sinh vì chúng đều ảnh hưởng dến cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta ở đời này và đời sau. Đó là những ý nghĩ, lời nói, hành động thiện lành, tuyệt đối không hại người, hại vật, những lời nói và hành động thấm nhuần bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ,xả.
Trong Tăng Chi I, Phật ví người sống thiện như một cái cây có bộ rễ toàn hút chất ngọt từ trong đất, khác với cái cây có bộ rễ toàn hút những chất đắng từ trong đất đem ví với người ác.


Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc. Không những, bản thân chúng ta tạo ra biệt nghiệp cho chúng ta,mà chúng ta còn góp phần tạo ra cọng nghiệp tốt đẹp cho cộng đồng.
Phật tử chúng ta không phải, chưa phải là con người hoàn thiện. Nhưng chúng ta có ý thức là chúng ta đang tiến tới sự hoàn thiện, dù cho bước tiến đó có thể kéo dài từ đời sống này sang đời sống khác.
Vì biết rằng, thế giới chúng ta đang sống là không hoàn thiện, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho nên chúng ta luôn tỉnh giác, không để cho hình dáng, màu sắc, âm thanh,v.v... của thế giới đó làm chúng ta động lòng, tham đắm, dẫn chúng ta tạo nghiệp, và nghiệp lực tạo ra lại lôi kéo chúng ta lăn lóc mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Nhờ chánh niệm tỉnh giác, mà tâm chúng ta được giữ ở trạng thái hài hoà, cân bằng, thanh thản. Đó chính là tâm giải thoát, dẫn tới tuệ giải thoát, cuộc sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại.
Minh Chi
(trích trong Đạo Phật Ngày Nay)