DẠO CHƠI TRÊN "HỒ CỦA TRỜI"
Hỏi ở ĐBSCL có một hồ nước mang tên Búng Bình Thiên hay còn gọi là “Hồ của trời”, rất nhiều người không biết. Người viết bài này khi đến đây cũng ngỡ ngàng với hồ nước tự nhiên lớn nhất ĐBSCL, nước trong hồ xanh thẳm giữa vùng phù sa mà chẳng ai giải thích được, nơi đây còn là “cái rốn” cá sinh sống tự nhiên của An Giang…
“Biển hồ” và “túi” cá đồng
Muốn đến Búng Bình Thiên, từ thị xã Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956, qua Cồn Tiên, đến ngã tư Quốc Thái, quẹo trái khoảng 2,5km là đến nơi. Búng - dạng như một cái hồ - nằm giữa 3 xã biên giới là Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Vào mùa khô, Búng Bình Thiên hẹp lại còn khoảng 200ha nhưng không bao giờ cạn, đến mùa nước nổi mặt búng tỏa rộng lên đến 800ha. Đây được xem là hồ nước tự nhiên lớn nhất ĐBSCL và còn được mệnh danh là biển hồ của miền Tây Nam bộ. Hồ cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả vùng và là “túi cá đồng” với chủng loại phong phú bậc nhất vùng An Giang. Ở đây hội tụ đủ các loại cá nước ngọt và số lượng sinh sản nhiều do môi trường tốt. Đặc biệt, hàng năm, Búng Bình Thiên cung cấp một lượng cá sặt khá lớn để làm khô sặt. Con cá sặt sống ở Búng Bình Thiên có mình dày, nhiều thịt. Món khô sặt xoài bằm được xếp vào hàng “đệ nhất đưa cay”! Người dân sống quanh búng và trên búng còn nuôi cá bè xuất khẩu.
Có điều thú vị mà ngay cả người dân ở đây bao đời nay cũng không giải thích được, là vì sao ở vùng đồng bằng nặng phù sa này lại có một hồ nước trong xanh quanh năm, trong khi đó các sông, kênh, rạch gần đó nước lại đục ngầu? Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi đi xem một số cửa kênh, rạch, sông đổ vào búng, thì tại ngay các cửa này nước có hai màu rõ rệt: bên trong búng nước xanh trong, còn phía ngoài nước đục!
Đến Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi, khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản mùa nước nổi như: cá linh nấu canh chua, bông điên điển xào, cá rô đồng nướng chấm mắm me, chuột đồng rô ti… Hàng năm, người dân còn tổ chức đua ghe trên búng rất vui nhộn.
Vì sao gọi “Búng Bình Thiên”?
Người dân truyền miệng rằng, vào cuối thế kỷ 18, một võ tướng của nhà Tây Sơn đã chọn Búng Bình Thiên làm căn cứ. Lúc đó, khu vực này khô cằn, ông bèn làm lễ vái trời đất xin ban cho nguồn nước để quân sĩ dùng. Ông vừa khấn vừa rút kiếm chém xuống đất, lạ thay một dòng nước ngọt phun trào ngày đêm tràn ngập thành hồ. Lúc ấy nước từ dưới đất búng lên, nên tên “búng” có từ đó (?). Còn người dân nơi đây gọi “búng” tức là hồ hay đầm - Búng Bình Thiên là hồ nước bình yên của trời. Có ý kiến khác cho rằng, trong sách “Tự vị tiếng nói miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển thì thấy có từ “bưng”. Từ này gốc Khmer (Trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng), và nó có nghĩa là: “Vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ”... Như vậy, “búng” ở đây có phải là do từ “bưng” nói trại mà ra hay không?
Búng Bình Thiên nối với sông Hậu bằng con sông Bình Di dài khoảng 8km (gần cửa khẩu Khánh Bình hay còn gọi Long Bình, vì có chợ Long Bình). Từ Búng Bình Thiên, chúng tôi đi thuyền máy ngược dòng Bình Di để đến cửa khẩu Khánh Bình của Việt Nam và bên kia là cửa khẩu Chrey Thum (cách nhau con sông Bình Di), thuộc tỉnh Kandal của nước bạn Campuchia - cũng là chuyến du ngoạn ngắm biên giới trên sông thú vị.
Theo huyện An Phú, huyện đã có đề án quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành một khu du lịch bảo tồn văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí cho du khách, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu Khánh Bình kết nối với các địa điểm du lịch khác của tỉnh An Giang.
Hàn Sa
No comments:
Post a Comment