Monday, September 5, 2016

TÍNH ƯA KHOE KHOANG VÀ KHOÁC LÁC CỦA NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA

Từ đứa nhỏ khoe cái áo mới đến người lớn khoe có cái nhà đẹp, cái xe đắt tiền bản chất không khác nhau (thích được khen). Người Việt chúng ta có rất nhiều thứ để khoe (quần áo, xe cộ, nhà cửa, tiền của, gia thế, địa vị, con cái…)

Về khoe quần áo, một bữa tiệc cưới gây ấn tượng mạnh cho tôi mãi đến bây giờ. Bàn tôi có 10 người gồm 5 bà, 2 đứa bé một Việt, một Mỹ với mẹ em và tôi. Ăn chưa hết món thứ nhất thì bà mặc áo dài xanh đứng lên bỏ đi, lúc sau bà ta mặc váy đỏ, sơ – mi đỏ rực rỡ, cổ đeo giây chuyền vàng to bản vàng khè nhí nhảnh đi vào. Bốn bà kia thấy thế lần lượt từng bà đứng lên, bàn ăn lại có 4 bộ quần áo mới xanh xanh, đỏ đỏ. Nhưng chưa hết, ăn xong chừng 3 món hai bà ngồi giữa đứng lên, ba bà nữa đứng lên, làm bàn ăn bỏ trống một nửa. Lúc sau bàn chúng tôi có 5 bộ quần áo mới nữa vàng vàng, xanh xanh, đỏ đỏ; vàng đeo đầy cổ, đeo cả ở 2 tay, 2 chân.
Em bé Mỹ ngồi bên tôi trố mắt ra nhìn, bé hỏi tôi:
- Sao các bà thay đồ hoài vậy?
May lúc ấy ông thợ ảnh đến, tôi nói tránh đi:
Các bà ấy thay đồ để chụp ảnh.  Người Việt Nam thích chụp ảnh!
Tôi còn được nghe nói có những bữa tiệc chẳng những các bà mà cả các ông cũng đi thay bộ mã tới 2, 3 lần.

Có lẽ trên thế giới không có người nước nào có lối sống kỳ lạ như vậy. Tại chúng ta mang nhiều mặc cảm đói rách chăng? Có thể thế, cộng thêm tính khoe khoang sẵn có.
Người có tiền thì mua, người không có tiền đi thuê ở mấy tiệm đồ cưới, nhưng cũng có những người dám tới mấy tiệm bán quần áo, nữ trang sang trọng của người Mỹ mua về mặc đi ăn đám cưới sau đó đem trả lại lấy tiền về. Lối mua bán kém lương thiện như thế ở đâu cũng thấy nói tới.
Chúng ta có nhiều cái khoe, trong các cuộc gặp gỡ, họp mặt, người ta hay tự giới thiệu tôi là Kỹ sư A. và đây, vợ tôi Tiến sĩ M. Ngoài giới thiệu bản thân người ta còn tìm cách để có dịp nào đó trong câu chuyện khoe về gia thế, dòng dõi qúi phái của mình, khoe cái xe Cadillac, Mercedes mới mua hay khoe cái nhà ở trên đồi, trên núi.
Khoe trong chỗ bạn bè quen biết chưa đủ, đôi khi người ta còn viết báo, làm thơ khoe vợ (hay chồng ) trước đây nắm chức vụ gì ở Việt Nam, con cái mấy người có bằng bác sĩ, kỹ sư… để bà con xa gần đều biết.
Trong một cuộc hội nghị văn chương có tính cách quốc tế nọ, vị đại biểu Việt Nam thay vì trình bày những vấn đề liên hệ lại tự “giới thiệu” trước đây mình làm gì, sau năm 1975 sang Mỹ học đậu Bachelor rồi đậu tới cả Master. Ông ta quên rằng trong giới văn, thi sĩ người ta không để ý đến bằng cấp mà chú trọng vào tài năng thực sự. Thi hào Nguyễn Du chỉ có bằng Tú Tài, văn hào Anatole France nước Pháp rớt Tú Tài, thi sĩ Tản Đà Việt Nam hình như không có cái bằng nào cả.
Tính khoe khoang của chúng ta thật quá đáng.

Việc khoe khoang cái mình có đã xấu, đã kỳ nhiều người đi xa hơn khoe khoang những cái mình không có để người khác khen hoặc phục nể. Đó là nói khoác, nói không đúng sự thật.
Thời nào và ở đâu chẳng có người nói khoác nhưng ngày xưa người ta nói khoác (nói phét) không hẳn để khoe hão về mình mà nói làm cho người khác ngạc nhiên, nói cho vui nên nói khoác mà có khi vẫn để cho người ta biết mình nói khoác. Mời độc giả đọc bài thơ do Cụ Ôn Như Nguyễn văn Ngọc sưu tập đăng trong Nam Thi Hợp Tuyển (Nhà xuất bản Bốn Phương tái bản, trang 85) để hiểu người xưa nói khoác:
Anh Nói Khoác
Ta con ông Cống, cháu ông Nghè,
Nói có trên trời dưới đất nghe.
Sức khoẻ Hạng Vương cho một búng,
Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe.
Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại,
Chạy tốc lên non bắt cọp về.
Độ nọ vào chơi trong nội phủ,
Ba ngàn công chúa phải lòng mê.

Vô Danh
Đọc bài thơ trên chúng ta thấy tức cười, biết là nói khoác nhưng đọc cho vui, đọc để giải trí. Tuy nhiên chẳng ai ưa người chuyên môn nói khoác. Câu chuyện xưa kể đại khái một ông nói khoác khoe mới trông thấy trái bí to bằng cái nong phơi lúa (đường kính độ 2 mét hay 6 feet ). Ông ngồi bên thấy thế nói:
Bác nói trái bí to bằng cái nong đâu có lớn lắm, hôm trước tôi thấy một cái chảo to bằng cái đình làng mới khiếp chứ!
Ông nói khoác hỏi:
Bác nói phét rồi, người ta đúc cái chảo quá to như thế để làm gì chứ?
- Ấy, để nấu trái bí của bác!

Ngày nay bản chất của nói khoác thay đổi, danh xưng cũng thay đổi, số người nói khoác tăng lên gấp bội có lẽ do cuộc chiến tàn khốc và kéo dài vừa qua làm xã hội xáo trộn, luân lý đạo đức suy đồi, lòng người đảo điên theo. Người ta nói khoác không phải để vui chơi, đùa giởn như xưa mà nói khoác để lòe người khác, để đề cao mình và nói khoác quá nên kêu là “nổ”. Nổ như đại bác, nổ như kho đạn nổ.
Những năm trước Việt kiều về thăm quê ăn mặc se sua, tay cầm chai nước, vàng đeo đầy người hỏi ra nếu không là bác sĩ thì cũng kỹ sư, luật sư, chức vụ dở lắm cũng giám đốc (manager), tổng giám đốc.  Đàn ông nếu trước kia đi lính thì nói khoác là sĩ quan, quan cấp úy thì nói là quan cấp tá. Các bà bà nào cũng bà úy, bà tá hoặc giám đốc nhà xuất cảng nọ, nhà nhập cảng kia.
Nơi nào càng nhiều người Việt thì bệnh nổ càng nhiều, nhiều nhất ở Mỹ. Ở Mỹ nhiều nhất ở California thứ đến Houston, Dallas… . Nhiều người thích khoe khoang, khoác lác đến nỗi năm nào cũng về nước một lần để làm Việt kiều, để có dịp nói khoác, dù thân nhân sống hết ở Mỹ.
Căn bệnh này không phải chỉ người Việt ở nước ngoài mắc phải, trong nước từ Nam chí Bắc đều mắc cả. Đối với chính quyền thì sự khoác lác được nâng lên thành chính sách, đó là tuyên truyền dối trá để lừa gạt nhân dân.

Ít lâu nay cánh Việt kiều về nước bớt nổ vì đồng bào trong nước qua thân nhân, bạn bè (ở nước ngoài) dần dần biết rõ đời sống Việt kiều lam lũ vất vả, tằn tiện dè sẻn từng xu (cent), thức dậy từ 2 giờ sáng xếp hàng tranh mua đồ bán seo (sale) hay lượn vòng cuối tuần mua hàng garare sale! Tất nhiên không phải ai cũng đi mua như thế, vả lại mua như thế không phải là xấu. Xấu ở chỗ hay khoác lác để biểu lộ sự giàu có, sang trọng hơn người nhưng thực chất không khá giả gì.
Chúng ta sống không thiết thực, chúng ta sống nông nổi.
PHẠM HY SƠN

No comments: