Sunday, December 3, 2023

BI KỊCH NHỮNG CHÀNG TRAI Ý BỊ THIẾN ĐỂ DUY TRÌ GIỌNG HÁT CAO VÚT

Bắt đầu từ thế kỷ 16, các castrati - những chàng trai bị thiến, được các dàn hợp xướng sử dụng để thay thế cho phụ nữ. Nhưng trong khi chỉ một số người tìm thấy danh vọng và tiền tài, nhiều người khác phải chịu cảnh nghèo đói, tăm tối, sức khỏe bị tổn hại.

Dàn hợp xướng nhà nguyện Sistine năm 1898. Các ca sĩ castrati được đánh dấu bằng số đỏ.

Bạn có bao giờ tưởng tượng được bố mẹ lại chấp nhận thiến con trai mình để cậu bé có thể theo nghiệp ca hát? Mặc dù ngày nay chuyện đó có vẻ khó hiểu, nhưng đây là một lựa chọn khá phổ biến của nhiều bậc cha mẹ ở Italy cho đến tận thế kỷ 19. Họ hy vọng những đứa con trai bị thiến của mình sẽ trở thành một castrato, thành viên của dàn hợp xướng nam castrati được kính trọng - những người luôn giữ được chất giọng cao vút cả khi trưởng thành.

Nhiều castrato đã đạt được danh tiếng và tài sản. Một trong những castrato nổi tiếng nhất, có tên Farinelli, thậm chí còn được tuyển chọn để hát cho nhà vua Tây Ban Nha trong 10 năm. Giọng hát của ông được cho là đã giúp xoa dịu chứng trầm cảm của nhà vua.

Trái lại, nhiều người bị thiến phải chịu cảnh nghèo đói, chưa kể đến những tác dụng phụ của việc bị mất đi bộ phận cơ thể. Khi lớn lên, họ thường gặp phải tình trạng xương phát triển bất thường, loãng xương và trầm cảm.

Nguồn gốc của castrati

Mặc dù việc thiến người đã có một lịch sử lâu dài, nhưng castrati chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16. Khi đó, Vatican cấm phụ nữ tham gia dàn hợp xướng nhà thờ, dẫn đến nhu cầu về những nam ca sĩ có giọng cao.

Chẳng bao lâu, những ca sĩ bị thiến, được gọi là castrato, đã trở thành một sự thay thế phổ biến cho giọng nữ. Thực tế này thậm chí còn được Vatican ngầm chấp thuận vào năm 1589 khi Giáo hoàng Sixtus V ra sắc lệnh rằng castrati nên thay thế các cậu bé và giọng giả thanh trong dàn hợp xướng của Thánh Peter.

Senesino, một trong những castrato nổi tiếng nhất. Ảnh: ATI

Vào đầu thế kỷ 18, khoảng 4.000 cậu bé ở Italy đã bị thiến mỗi năm để trở thành ca sĩ. Nhưng vì việc thiến về mặt kỹ thuật là bất hợp pháp nên gia đình họ phải đưa con trai đến tiệm cắt tóc hoặc bác sĩ phẫu thuật hành nghề trong các ngõ hẻm để thực hiện thủ thuật. Ở đó, các cậu bé phải trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn, không được gây mê và ước tính khoảng 20% ​​đã tử vong.

Gia đình của họ thường nói dối về những gì đã xảy ra với con mình để tránh bị trừng phạt. Họ bịa ra chuyện con trai mình bị ngã ngựa hoặc bị lợn rừng tấn công.

Sau khi bị thiến, các cậu bé thường được đưa vào trường học dành cho các castrati. Và cha mẹ của các em hy vọng rằng giọng hát của con trai họ sẽ được rèn luyện để tỏa sáng, và sớm mang lại danh tiếng, tiền bạc cho gia đình.

Những castrato nổi tiếng

Nhiều castrato là những ca sĩ cực kỳ nổi tiếng ở châu Âu. Họ đã đi khắp lục địa, thường kiếm được những khoản thù lao khổng lồ cho những lần xuất hiện trong các vở opera. Và mặc dù người Pháp coi castrati là những người "què quặt", nhưng những tin đồn về năng lực tình dục của họ vẫn được bàn tán ở nhiều nơi.

Tác giả người Italy, Casanova lưu ý: “Để chống lại sự cám dỗ, hoặc không cảm nhận được nó, một castrati phải lạnh lùng và lì cảm xúc như một người Đức".

Hai trong số những castrato nổi tiếng nhất là Senesino, sinh năm 1686, và Farinelli, sinh năm 1705.

Senesino, nổi tiếng với sự hợp tác với nhà soạn nhạc Georg Frederick Handel, có thể kiếm được tới 3.000 bảng Anh mỗi năm. Với vai trò là "primo uomo" (ca sĩ chính) của công ty Handel và Học viện Âm nhạc Hoàng gia, Senesino đã hát trong 17 vai chính trên sân khấu London.

Nhưng sau đó Farinelli đã làm lu mờ sự nổi tiếng của Senesino. Ông kiếm được 5.000 bảng Anh mỗi năm khi biểu diễn khắp châu Âu, và thậm chí còn được Nữ hoàng Elisabetta Farnese của Tây Ban Nha thuê với hy vọng chữa khỏi chứng trầm cảm cho chồng bà. Để có thêm 1.500 đồng guinea mỗi năm, Farinelli đã biểu diễn riêng cho Vua Philip V. Ông có thể đã phục vụ nhà vua trong suốt một thập kỷ.

Nhà soạn nhạc Johann Joachim Quantz đã ca ngợi tài năng của Farinelli, nhận xét về castrato nổi tiếng này: “Cách hát của ông ấy rất điêu luyện và khả năng trình diễn không có đối thủ... Ông hát allegro đầy lửa, và chuyển các quãng nhanh một cách rõ ràng và dễ chịu".

Một số castrato, như Senesino và Farinelli, đã có sự nghiệp lẫy lừng. Nhưng đại đa số castrato không bao giờ đạt được mức độ nổi tiếng như vậy. Và dù nổi tiếng hay không, các castrat sau này thường phải chịu đựng một số vấn đề sức khỏe liên quan đến việc họ bị thiến khi còn nhỏ.

Farinelli có lẽ là castrato nổi tiếng nhất vào thời đó, kiếm được tới 5.000 bảng Anh mỗi năm. Ảnh: ATI

Mặt tối của con đường trở thành castrati

Bị thiến khi còn trẻ không chỉ mang lại cho castrati những giọng hát hay. Nó cũng gây ra cho họ những vấn đề sức khỏe kéo dài suốt cuộc đời.

Nhiều castrato có chiều cao ấn tượng, vì việc thiếu hormone thường đồng nghĩa "đĩa tăng trưởng" của họ không bao giờ đóng lại. Tình trạng này dẫn đến xương dài bất thường và có thể gây thêm căng thẳng cho các cơ quan nội tạng, cũng như chứng loãng xương khi họ có tuổi.

Các bộ phận khác trên cơ thể của một castrato cũng có thể phát triển to hơn bình thường, bao gồm ngực, hàm và mũi. (Điều này thực sự hữu ích, vì lồng ngực lớn có thể giúp ca sĩ tăng khả năng lấy hơi). Một nhà nghiên cứu nhận xét: “Hầu hết các castrato đều trở nên to và mập như những con gà trống thiến, với hông, mông, cánh tay và cổ tròn, mũm mĩm”.

Khi thi thể của Farinelli được khai quật vào năm 2006, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng castrato này có các long xương dài và "sự tích tụ" xương trên trán. Đây là một tình trạng gọi là hyperostosis frontalis interna, thường ảnh hưởng đến phụ nữ và có thể gây đau đầu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Và quả thực, nhiều castrato đã bị trầm cảm khi họ già đi.

Một bức chân dung của Alessandro Moreschi (vào khoảng năm 1900), người được cho là castrato cuối cùng. Ảnh: ATI

Nhưng đến thế kỷ 19, nhu cầu về castrati không còn cao nữa. Castrati bắt đầu biến mất vì một số lý do. Thứ nhất, phụ nữ đã được phép trở lại sân khấu vào thế kỷ 18. Mặt khác, thái độ của công chúng về việc thiến người đã thay đổi.

Triết gia Jean-Jacques Rousseau, vào năm 1779, đã lên án tục lệ này, gọi những bậc cha mẹ gửi con trai mình đi thiến là “những người vô nhân đạo, bỏ rơi con cái để mua vui cho những kẻ dâm đãng và độc ác".

Castrati thậm chí trở thành một nỗi xấu hổ ở Ý, và Giáo hoàng Pius X đã cấm sử dụng họ trong Nhà nguyện Sistine vào năm 1903. Lúc đó, một số castrato nổi tiếng nhất, bao gồm Girolami Crescentini và Giovanni Battista Velluti, đã nghỉ hưu từ lâu.

Nhưng castrato cuối cùng của Nhà nguyện Sistine, Alessandro Moreschi, đã không được nghỉ hưu hoàn toàn cho đến tận năm 1913. Được biết đến với biệt danh "Thiên thần của Rome", Moreschi qua đời vào năm 1921, sau khi một bản thu âm giọng hát của ông được thực hiện.

Mặc dù Moreschi không còn ở thời kỳ đỉnh cao ca hát, nhưng bản thu này đã mang đến một cái nhìn đầy ám ảnh về truyền thống castrato.

Thu Hằng / Báo Tin Tức



No comments: