Thời thịnh thế triều Đường là thời văn trị võ công đều đạt được thành tựu rất cao. Có đến hàng nghìn bài thơ Đường được người đời từ xưa đến nay yêu thích ngâm vịnh, đi sâu vào tâm hồn mỗi người. Có thể chúng ta đã nghe nói sức mạnh của thơ Đường còn lớn hơn cả sức mạnh vũ lực, ngay cả tướng cướp cũng ngưỡng mộ nhà thơ, kính ngưỡng những tác phẩm của nhà thơ.
Thi nhân đời Đường là Lý Thiệp cũng là một trong những nhân vật được chép trong “Tài tử truyện” đời Đường. Lý Thiệp rất tài hoa, là người quang minh lỗi lạc, yêu thích núi sông, du sơn ngoạn thủy, tự lấy danh hiệu là “Thanh Khê Tử”. Thơ văn ông trác tuyệt xuất chúng, cảnh giới vượt ngoài thế tục. Ông sở trường viết thơ tự sự, mềm mại bay lượn như nước chảy mây trôi, liền một mạch thơ. Tài danh của ông được mọi người kính ngưỡng, vang động đương thời.
Lý Thiệp quê cha đất tổ ở Lạc Dương. Thuở nhỏ ông ngụ cư ở Khai Phong, Hà Nam. Sau này để tránh loạn nên đã di cư xuống miền Nam. Yêu thích núi sông, du sơn ngoạn thủy, ông ẩn cư ở hang động dưới ngọn núi Hương Lô núi Lư Sơn. Ông thuần dưỡng một con hươu trắng và gọi nơi mình ở là “Bạch Lộc Động” (hang Hươu Trắng). Trong những năm Đại Hòa đời Đường Văn Tông, Lý Thiệp được tể tướng tiến cử làm Thái học Bác sỹ.
Một bài thơ Lý Thiệp đã đẩy lui băng cướp
Một lần Lý Thiệp đến Cửu Giang, Giang Tây để tìm người em trai là Lý Bột. Khi từ biệt lên thuyền, ông đem những đồ ở trong túi ra tặng ẩn sỹ núi Lư Sơn, chỉ giữ lại thư tịch và gạo mà thôi. Thuyền đi đến cửa sông Hoán thì trời tối, bỗng có gió lớn, và mấy chục tên cướp mang vũ khí xông đến.
Bọn cướp hỏi thuyền của ai. Người đi cùng thuyền nói: “Lý bác sỹ”.
Tên tướng cướp lâu nay đã nghe danh tiếng tài thơ của Lý Thiệp, hắn mừng lắm và nói: “Nếu là Lý bác sỹ thì chúng tôi không cướp đồ của ông. Vàng bạc vải vóc có gì đáng quý đâu, thơ văn mới là thứ quý hiếm”.
Rồi hắn nói tiếp: “Tôi từ lâu đã ngưỡng mộ thi danh của Lý bác sỹ, xin ngài làm một bài thơ tặng tôi thì tôi rất mãn nguyện rồi”.
Lý Thiệp nghe xong, lòng đang lo nơm nớp liền bình thản trở lại. Lúc này ông mới nhìn kỹ tên tướng cướp, gương mặt ánh mắt không có nét gì đáng ghét cả, thậm chí còn toát lên nghĩa khí vượt hơn người thường. Lý Thiệp vui vẻ làm bài thơ thất ngôn tuyệt cú hài hước “Tặng hào khách thi” (Thơ tặng khánh anh hào) tặng cho hắn. Bài thơ như sau:
Làng chài xao xác tiếng mưa đêm,
Lục lâm hào khách vốn nghe tên.
Ngày sau chẳng cần che danh tính,
Ngày nay nhân thế nửa là ông.
Nguyên văn:
Mộ vũ tiêu tiêu giang thượng thôn,
Lục lâm hào khách dạ tri văn.
Tha thời bất dụng tàng danh tính,
Thế thượng như kim bán thị quân.
Tướng cướp được tặng bài thơ thì vô cùng vui mừng, liền đem lễ vật hậu hĩ gồm trâu và rượu tặng Lý Thiệp. Lý Thiệp nhất thời cũng không dám cự tuyệt. Ông thấy tướng cướp này đúng là một ‘hào khách’, nên muốn tiến cử hắn lên triều đình để có cơ hội dốc sức báo đáp quốc gia. Thế là ông bày tỏ tâm ý muốn gặp lại ở chùa Phật tại Dương Châu. Hào khách ‘tướng cướp’ bày tiệc rượu tiễn biệt Lý Thiệp, cảm tạ tình cảm hữu hảo của ông đã tặng thơ, rồi bái tạ thêm lần nữa, sau đó đưa tiễn ông xuống thuyền.
Bài thơ “Tặng hào khách thi” này được lưu truyền ra thế gian ngay từ thời Đường. Câu chuyện Lý Thiệp làm một bài thơ đẩy lui băng cướp được ghi chép lại trong các sử sách như “Đường tài tử truyện”, “Đường thi kỷ sự” và “Vân Khê hữu nghị” đời Đường.
Lục lâm hào khách năm xưa nay ở đâu
Rất nhiều bài viết về chuyện Lý Thiệp chỉ viết đến đây. Sau này tướng cướp như thế nào? Sự tình sau này khiến mọi người kinh ngạc tán thán.
Hào khách vốn có ngộ tính tốt, chỉ là thời tuổi trẻ ngông cuồng đã lầm đường lạc lối làm cướp. Lý Thiệp tuy trong lòng có ý tiến cử khi nói lời cáo biệt, nhưng sau này cũng không gặp lại được hào khách. Nhưng có một vị cử nhân đã chứng kiến những chuyển biến của hào khách sau khi được tặng bài thơ “Tặng hào khách thi”.
Mấy chục năm sau, có một vị cử nhân tên là Lý Hội Trưng đi ngao du đến vùng Tuần Châu (thành phố Huệ Châu ngày nay) ở Mân Việt. Trên đường ông gặp trận mưa như trút, không thể nào đi tiếp được, đành đội mưa tìm nhà xin tá túc. Có người chỉ cho ông đến Vi Thị Trang để xin tá túc.
Chủ nhân gia trang là Vi Thị rất hào phóng. Cụ già ngoài 80 chống gậy ra tiếp đón vị khách trẻ không mời mà đến. Cụ tự xưng là người chốn thôn quê tên là Vi Tư Minh. Khi cùng cử nhân họ Lý đàm luận thơ văn sử sách, cụ trích dẫn rất rộng, thuộc làu các bài thơ của các nhà thơ tên tuổi. Hai người đàm đạo từ sáng đến tối mà vẫn chưa muốn dứt. Lý Hội Trưng tuy là người giỏi ăn nói mà cũng không thể sánh được với cụ.
Khi Lý Hội Trưng ngâm nga bài thơ “Tặng hào khách thi” mà Lý Thiệp sáng tác năm xưa, cụ già Vi Tư Minh vừa nghe bỗng nét mặt trở nên rầu rĩ. Rồi cụ kể lại câu chuyện của cụ với Lý bác sỹ năm xưa.
Cụ nói: “Tôi thuở tuổi trẻ phẩm hạnh tính tình rất xấu, phóng đãng giang hồ, kết giao với nhiều kẻ gian, đã làm nhiều việc xấu. Sau này gặp được Lý bác sỹ, được ngài viết bài thơ này đề tặng, vì vậy tôi đã cải tà quy chính. Tôi biết ngài Lý coi trọng tôi, muốn tiến cử tôi với triều đình để dốc sức báo đáp quốc gia, giống như Lục Cơ thời Tấn xưa kia tiến cử Đới Uyên. Trong lòng tôi chứa đựng tình nghĩa của ngài Lý, thế là tôi ẩn cư ở núi La Phù 12 năm. Nghe nói ngài Lý qua đời, tôi đã mất đi tâm nguyện muốn trở lại nơi cũ. Hôm nay lại nhắc đến chuyện xưa khiến tôi cảm thương. Nào, hãy nâng chén truy điệu Lý bác sỹ”.
Lúc đó, Vi Tư Minh phất ngược tay áo, khảng khái ngâm nga:
Làng chài xao xác tiếng mưa đêm,
Lục lâm hào khách vốn nghe tên.
Ngày sau chẳng cần che danh tính,
Ngày nay nhân thế nửa là ông.
Trong khi ngâm nga bài thơ về hào khách này, chúng ta cũng phát hiện ra rằng, vị lục lâm hào khách cướp thuyền năm xưa, trải qua mấy chục năm ẩn cư tu hành đã chuyển biến thành một vị Ngũ Lăng Hào Khách anh hùng sung mãn, hào hiệp khí khái. Thi phong Đại Đường mênh mông quả thực tràn đầy sức mạnh nhân đức cảm hóa nhân tâm.
Hoài Nhẫn Nhẫn / Theo: ĐKN
Triêu Lộ biên dịch