Sunday, September 1, 2024

NGƯỜI DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ KHÔNG MUỐN LÀM HOÀNG ĐẾ, ÔNG ĐÃ 3 LẦN TỪ CHỐI NGAI VÀNG

Hoàng đế là người cai trị tối cao của xã hội cổ đại. Hoàng đế cũng là người quyền lực lớn nhất. Có thể nói, ngai vàng là một vị trí mà mọi người đều muốn ngồi. Từ xa xưa, các hoàng tử cũng phải tranh đua để lên ngôi báu. Hầu hết các vị vua đều phải trải qua quá trình tranh đấu để làm thiên tử. Tuy nhiên, trong lịch sử có một vị hoàng tử độc nhất vô nhị, ông được làm hoàng đế, nhưng từ chối cương vị.


Sinh ra vào thời nhà Đường thịnh thế, có ba cơ hội lên ngôi nhưng ông đều từ bỏ. Ông là con trai thứ tám của Hoàng đế Đường Cao Tông Lý Trị và con trai út của Hoàng đế Võ Tắc Thiên, là hoàng đế kế nhiệm Đường Trung Tông Lý Hiển, ông chính là Hoàng đế Đường Duệ Tông Lý Đán.

Đường Duệ Tông

Lý Đán thường được biết đến với danh nghĩa là cha của Hoàng đế Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Ông vừa là hoàng đế thứ năm vừa là hoàng đế thứ bảy của nhà Đường với hai lần đăng cơ.

Con đường trở thành hoàng đế của Lý Đán không mấy suôn sẻ, thậm chí là gặp nhiều khúc quanh. Các lần lên ngôi cũng liên quan rất lớn đến việc bỏ ngai vàng “ba lần” của ông.

Lịch sử viết, Lý Đán tin vào Đạo giáo và từng triệu tập Tư Mã Thừa Trinh – một đạo sĩ từ núi Thiên Thai về để xin ông chỉ dạy thuật âm dương. Tư Mã Thừa Trinh nói với Lý Đán:“Cái gọi là ‘Đạo’ có nghĩa là bị tổn thất hết lần này đến lần khác cho đến khi vô vi”. 

(ảnh: Suho).

Lý Đán lại hỏi:”Đối với việc tu luyện cá nhân, vô vi là cảnh giới cao nhất, vậy cảnh giới cao nhất của một quốc gia là gì?”

Tư Mã Thừa Trinh trả lời:“Việc cai trị đất nước cũng giống như việc tu luyện cá nhân, chỉ cần chúng ta tuân theo sự phát triển tự nhiên của vạn vật và loại bỏ tư tưởng ích kỷ thì đất nước sẽ có thể đạt được sự cai trị lớn mạnh”.

Người ta cho rằng những tư tưởng và hành vi sau này của Lý Đán có thể đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Đạo giáo.

Võ Tắc Thiên

Vào năm Tự Thánh thứ nhất, Võ Tắc Thiên phế truất Đường Trung Tông và lập Lý Đán vốn là Dự vương lên làm hoàng đế, hiệu Duệ Tông. Tuy kế thừa ngai vàng nhưng Lý Đán không nắm quyền hành trong tay. Ông không những không được chấp chính mà còn không được ở trong chính điện.

Vào tháng 2 cùng năm, Võ Tắc Thiên đổi niên hiệu thành Văn Minh, phong vợ của Lý Đán là Lưu thị lên làm hoàng hậu, và con trai cả của bà là Lý Hiến làm thái tử.

Sau khi dẹp loạn cuộc binh biến ở Dương Châu và cuộc nổi dậy của người trong tôn thất, vào năm Thuỳ Củng thứ hai, Võ Tắc Thiên ban chiếu chỉ trả lại quyền lực cho Đường Duệ Tông. Biết rất rõ ý định của mẹ chỉ là muốn cho thiên hạ thấy mà không thật tâm trao quyền hành nên ông không dám nhận Phụng chiếu. Vì vậy, Võ Tắc Thiên lại tiếp tục nhiếp chính.

Năm sau, Võ Tắc Thiên phong vương cho các con trai của vua Đường Duệ Tông, bao gồm: Hằng vương Thành Nghĩa, Sở vương Long Cơ, Vệ vương Long Phạm và Triệu vương Long Nghiệp. Nhìn bề ngoài, Đường Duệ Tông tưởng chừng có uy nghiêm của hoàng đế nhưng thực chất ông chỉ là bước đệm để Võ Tắc Thiên đạt đến đỉnh cao chính trị.

(ảnh: 997788).

Đến năm Vĩnh Xương thứ nhất, Võ Tắc Thiên ra lệnh cho quốc gia thống nhất lịch tuần, đổi tên thành Chiếu, đổi niên hiệu thành Tái Sơ, đồng thời quy định mọi sắc lệnh ban hành sau này đều phải tương xứng với việc chế thư (làm sách).

Lúc này, Võ Tắc Thiên đã đạt đến quyền lực tối cao về mặt chính trị và có khả năng thay đổi triều đại. Bà đã huy động lực lượng của mình và yêu cầu các quan cùng nhau tấu chương yêu cầu thay đổi triều đại. Nhưng điều này bị người nhà họ Lý và một số quan lại Nho giáo kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, ngay sau đó họ hoặc là bị giết hoặc bị bịt miệng.
 
Lần đầu tiên nhường ngôi hoàng đế cho Võ thái hậu

Trước tình hình này, Đường Duệ Tông đã ra một chiếu chỉ thỉnh cầu Võ hậu lên ngôi hoàng đế. Hành vi “nhường ngôi” này đã tạo cơ hội cho Võ Tắc Thiên bước lên làm nhân vật chính của sân khấu chính trị, đồng thời giúp Lý Đán bảo vệ mình một cách khôn ngoan trong cơn bão quyền lực này.

Vào năm Thiên Thụ đầu tiên, Võ Tắc Thiên chấp nhận lời thỉnh cầu của các quan đại thần lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Thánh Thần Hoàng đế, đổi nhà “Đường” thành nhà “Chu”. Cùng lúc đó, Đường Duệ Tông bị giáng xuống làm hoàng tử, cho đổi thành họ Võ, chuyển đến Đông Cung, giữ nguyên cung cách của một thái tử. Còn Thái tử Lý Thành Khí bị giáng làm thái tôn.

Tuy nhiên, cuộc sống của Lý Đán không vì vậy mà bình yên. Người thị nữ thân tín nhất của Võ Tắc Thiên là Vi Đoàn Nhi lại đem lòng yêu Lý Đán. Khi bị từ chối tình cảm, bà ta đã trả thù bằng cách cố gắng gài bẫy hai người vợ được Lý Đán yêu quý là Lưu thị và Đậu thị.

(ảnhL Kknews).

Đầu tiên Vi Đoàn Nhi chôn một bức tượng gỗ khắc hình của Võ Tắc Thiên trong cung điện của họ, rồi vu khống hai người này có mưu đồ sát hại Võ Tắc Thiên. Vì vậy, một ngày vào năm Trường Thọ thứ hai, Lưu thị và Đậu thị như thường lệ đến thăm Võ Tắc Thiên nhưng đã bị hành quyết trong bí mật, không còn trở về.

Tuy nhiên, Đường Duệ Tông không dám hỏi mẹ tung tích của hai người vợ. Ông chỉ có thể coi như không có chuyện gì xảy ra. Vi Đoàn Nhi vẫn chưa hả giận, bởi vì bà ta vẫn không thể có được trái tim của Lý Đán. Vi Đoàn Nhi tiếp tục tố cáo ông với hoàng đế. Thế nhưng lần này, Võ Tắc Thiên không suy xét mà lập tức xử tử Đoàn Nhi.

Cùng năm đó, Lý Đán lại bị vu cáo tội mưu phản. Võ Tắc Thiên vô cùng tức giận, lệnh giam lỏng ông ở trong phủ, không cho đại thần gặp mặt, đồng thời phế các con ông từ thân vương xuống làm quận vương. Những người bị nghi đồng phạm đều bị tra tấn dã man.

Bấy giờ nhạc công An Kim Tàng đã tự mổ bụng của mình để chứng minh sự trong sạch cho Lý Đán. Thái hậu nghe tin cảm động, lệnh cho thái y cứu sống Kim Tàng và xá miễn cho con trai.

Lần thứ hai nhường ngôi cho anh trai Lý Hiển

Vào năm đầu tiên Thánh Lịch, Võ Tắc Thiên đưa Lý Hiển trở về kinh đô – người đã bị giáng chức và đuổi khỏi cung làm Lư Lăng vương. Nhìn thấy điều này, Lý Đán tin rằng mẹ của ông có thể sẽ phong anh trai ông làm hoàng đế. Vì vậy ông nhiều lần nói dối nói rằng mình bị bệnh, không thể đến triều. Đồng thời yêu cầu xin nhường ngôi thái tử cho Lý Hiển.

Sự nhượng bộ chủ động của Lý Đán không chỉ giúp Võ Tắc Thiên hỗ trợ Lý Hiển đăng cơ mà còn ngăn chặn xung đột giữa hai anh em. Lý Đán từ thái tử trở thành thừa tướng, và Lý Hiển trở lại làm hoàng thái tử.

Vào năm Thần Long thứ nhất, Tể tướng Trương Giản Chi và những người khác lên kế hoạch đảo chính, buộc Võ Tắc Thiên phải thoái vị và lập Lý Hiển lên làm hoàng đế. Như vậy, ngôi vị của Đường Trung Tông đã được khôi phục với hiệu mới là Ứng Thiên Hoàng đế.

Đường Trung Tông Lý Hiển (ảnh: Soundofhope).

Vì Lý Đán là người vô cùng khiêm tốn nên rất được anh trai tin tưởng. Hoàng đế phong ông làm An Quốc Tương vương, chức Thái úy (tương đương thừa tướng), sau đó lại định lập ông làm thái đệ nối ngôi, nhưng Lý Đán đã từ chối. Khi này, Trung Tông mới lập con trai là Lý Trọng Mậu làm hoàng thái tử.

Vào năm Cảnh Long thứ tư, Hoàng đế Đường Trung Tông băng hà. Lý Trọng Mậu lên kế vị hiệu là Đường Thương Đế. Vi Ôn hoàng hậu lên làm thái hậu muốn nhiếp chính giống như Võ hậu trước đây. Sau này, vì hành vi của Vi hậu đi quá xa nên gây bất bình khắp triều đình.

Vào tháng 6 cùng năm, Lâm Chi vương Lý Long Cơ và Thái Bình công chúa dẫn quân tiến vào cung, không chỉ giết chết hoàng đế và Vi thái hậu mà còn diệt trừ hết cả lũ tùy tùng lẫn vây cánh.

Sau khi cuộc đảo chính thành công, các quan đại thần lần lượt viết tấu sớ nói rằng:“Quốc gia đã trải qua nhiều khó khăn, nên bổ nhiệm một người lớn tuổi và đáng kính hơn làm hoàng đế”.
 
Lần thứ ba từ chối ngôi báu

Lý Đán một lần nữa tìm đủ mọi cách để từ chối ngôi vị, nhưng cuối cùng, dưới sự thuyết phục của mọi người, Đường Thương Đế đã ban hành chỉ dụ nhường ngôi cho Lý Đán, bản thân quay về làm Ôn vương như cũ.

Lý Đán (ảnh: Soundofhope).

Đến năm Đường Long thứ nhất, Đường Duệ Tông trở lại ngai vàng. Một tháng sau, ông phong cho con trai Lý Long Cơ làm thái tử và đổi niên hiệu thành Cảnh Vân.
Nhường ngôi cho con trai

Tuy nhiên, Đường Duệ Tông cũng không ở lâu trên ngai vàng. Lý do là con trai của ông Lý Long Cơ và em gái của ông là Công chúa Thái Bình tranh giành quyền lực khiến ông nhiều lần đau đầu. Vì tương lai của nhà Đường và vì sự an toàn của bản thân, Lý Đán quyết định nhường ngôi cho con trai – một người thât sự có năng lực. Còn Duệ Tông thoái vị làm Thái Thượng hoàng an hưởng tuổi già. 

Đường Huyền Tông và Dương Quý phi (ảnh: Min).

Sự thật lịch sử đã chứng minh quyết định của Đường Duệ Tông là điều vô cùng sáng suốt. Triều đại nhà Đường do hoàng đế Đường Huyền Tông Lý Long Cơ cai trị ngày càng hùng mạnh, mở ra thời kỳ Khai Nguyên thịnh thế nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Như vậy, Hoàng đế Đường Duệ Tông là ông vua duy nhất trong lịch sử không muốn làm hoàng đế. Nhưng ông từ chối thừa kế đến ba lần vẫn không thoát khỏi việc phải lên ngôi. Suy cho cùng, người có thiên tử dẫu không tranh giành vẫn sẽ làm đế vương vậy.

Minh Nguyệt
Nguồn: Soundofhope (Lý Tĩnh Nhu)