Allan Metcalf đã viết một quyển sách về từ OK. Ông nói OK không chỉ là một từ vĩ đại, nó còn là một từ quan trọng, một sản phẩm thành công nhất mà người Mỹ đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Nó bao gồm cả triết lý sống và cách suy nghĩ của người Mỹ.
Từ OK ngắn gọn, đơn giản nhưng lại chứa nhiều ý nghĩa, đúng như cách trò chuyện của người Mỹ. Khi người ta nói “I’m OK”, nó có thể là một câu không biểu cảm hay cũng có thể là “Tôi thật sự ổn đấy”, đôi khi nó còn hàm ý: “Tôi không ổn chút nào đâu”.
Từ OK còn phản ánh cả triết lý “chuyện gì cũng có thể’ của người Mỹ. Nếu chuyện gì đó được cho là OK, tức là nó sẽ ổn, cho dù nó không hoàn hảo, nhưng có thể chấp nhận được. Đó là cách mà đa số người Mỹ nhìn vào vấn đề.
Có nhiều giai thoại về sự ra đời của từ OK được người ta nhắc đến. Một trong những câu chuyện đó liên quan đến Boston. Người ta bắt gặp từ ngữ này lần đầu tiên trên tờ báo Boston Morning Post vào ngày 23 tháng 3 năm 1839, dưới hình thức một trò đùa. OK được giải thích là chữ viết tắt của “All Correct”. Tuy nhiên, tại sao lại là OK mà không phải la AC? Cách giải thích duy nhất của người Mỹ: “orl korrekt”. Ngay từ đầu, những gì gọi là chính xác cũng chưa hẳn là chính xác, mà chỉ là OK!
Một năm sau, từ “OK” bắt đầu được Đảng Dân chủ dùng làm khẩu hiệu trong suốt thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1840. Ứng cử viên của họ, Martin Van Buren, xuất thân từ Kinderhood của New York, nên có biệt danh là “Old Kinderhook”. Những người ủng hộ ông vì thế đã thành lập câu lạc bộ tên là “OK Club”. Điều này chắc chắn đã giúp quảng bá thuật ngữ OK!
Tổng thống Andrew Jackson được cho là có thói quen phê từ “OK” vào các văn thư trình lên ông để tỏ ý chấp thuận. Mặc dù chỉ là tin đồn, điều này cũng cũng đã tạo ra một phong trào trong các nhà lãnh đạo. Họ bắt chước lối phê này để ra điều mình cũng làm như tổng thống. Kết quả là: OK biến thành một từ thông dụng!
Những cụm từ như “och aye” (tiếng Scottish) hay “ola kala” (tiếng Hy Lạp), mang nghĩa là “tốt đấy, được đấy” cũng được dùng để giải thích cho nguồn gốc của từ OK. Tuy nhiên, theo những chứng cứ lịch sử và ngôn ngữ học thì có vẻ như OK không thể có có xuất phát từ thành ngữ trên. Chính vì vậy mà OK đôi khi cũng làm đau đầu các nhà ngôn ngữ học.
Cho dù từ OK có xuất phát từ đâu đi chăng nữa, nó vẫn là một trong những “phát minh nổi tiếng” của người Mỹ. Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng OK được dùng ở hầu hết mọi nơi, kể cả những nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức. Cũng như Thomas Harris và quyển sách của ông “’I’m OK — You’re OK” đã chỉ ra: “I’m OK” có nghĩa là tôi có thể làm những gì tôi muốn. “You’re OK” có nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn muốn. Có thể là chúng ta không làm giống nhau, nhưng như vậy cũng OK.”
Nguồn: “OK: The Improbable Story of America’s Greatest Word by Allan Metcalf: review”. The Telegraph.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment