Sunday, March 3, 2019

BỮA TIỆC LUẬN KIẾM CỦA CÁC BẬC ANH HÙNG

Cuốn phim điện ảnh "Anh Hùng" (英雄) tôi xem đã lâu lắm rồi, thích nhất là những pha tuyệt kỹ võ thuật rất hay và dàn dựng quá hoành tráng nhất là đoạn chót loạn tên bắn chết kiếm khách vô danh. Hôm nay tình cờ đọc được bài viết này, tôi lục lại thùng DVD đã bỏ lâu tìm lại cuốn phim này và xem lại lần nữa để tìm xem Trương Nghệ Mưu muốn gửi gấm gì qua cuốn phim. Đúng như tác giả viết là có nhiều người suy nghĩ theo ý của mình. Bạn đọc bài sau và nếu có thể xem lại cuốn phim rồi suy nghĩ xem đạo diễn muốn ẩn ý gì nhé. (LKH)


BỮA TIỆC LUẬN KIẾM CỦA CÁC BẬC ANH HÙNG

Để có thể ngồi trên chiếu tiệc, cách Tần Thủy Hoàng trong tầm kiếm, anh hùng Vô Danh – tức Kinh Kha, phải giết sạch những tay kiếm siêu tuyệt thời đó.

Phải hạ thủ ba sát kiếm thủ khét tiếng thiên hạ là Trường Không (Chấn Tử Đan), Tàn Kiếm (Lương Triều Vỹ) và Phi Tuyết (Trương Mạn Ngọc), tay kiếm Vô Danh (Lý Liên Kiệt) mới được đến ngồi cách Tần Thuỷ Hoàng (Trần Đạo Minh) 10 bộ, uống rượu luận anh hùng.

Và qua phim Anh Hùng, đạo diễn Trương Nghệ Mưu lần đầu tiên gọi Kinh Kha – hoá thân của Vô Danh – là anh hùng.

Lâu nay người ta chỉ gọi ông là dõng sĩ – nghĩa là một kẻ mà hành vi không do chính mình quyết định.


Anh hùng tiếc anh hùng

Thời Chiến quốc (475-221 tCN), Trung Quốc gồm 7 nước: Tần, Sở, Tấn, Hán, Chu, Triệu, Yên. Triệu có ba kiếm khách lừng danh là Trường Không, Tàn Kiếm và Phi Tuyết. Chính vì họ mà Tần Thuỷ Hoàng mất ăn mất ngủ trong hơn 10 năm.

Thế rồi, cả ba đã bị Vô Danh kiếm khách giết. Hay tin, Tần Thủy Hoàng sướng rơn, bèn triệu Vô Danh vào hội kiến, hỏi chi tiết việc giết ba hiệp khách nước Triệu và phong thưởng.

Theo luật, trong vòng 100 bộ (bộ = 1 bước đi) kể từ ngai vàng của Tần Thủy Hoàng, không ai được phép bước vào. Vì giết được Trường Không nên Vô Danh được phép tiến vào đại điện cách Tần Thủy Hoàng 20 bộ.

Sau đó, vì cũng giết được Tàn Kiếm và Phi Tuyết nên, nên theo luật, Vô Danh được phép diện kiến và uống rượu với Tần Thủy Hoàng trong vòng 10 bộ.

Vô Danh lần lượt kể lại kế hoạch ly gián, lợi dụng tính chất phức tạp của tình yêu chồng chéo giữa ba người để làm tiêu tan lực lượng đối phương, sau đó mới lần lượt giết Trường Không, rồi đôi tình lữ Tàn Kiếm và Phi Tuyết.


Thoạt nghe thì câu chuyện của Vô Danh có vẻ “hợp lý” nhưng không lừa được con người mưu trí, đa nghi và sắc bén như Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng kể lại câu chuyện của Vô Danh dựa theo phỏng đoán của ông: nguyên nhân chính của cái chết của Trường Không, Tàn Kiếm và Phi Tuyết là vì họ tự nguyện cầu bại và muốn chết chứ không phải vì Vô Danh có bản lãnh cao hơn.

Thực ra, cả ba tay cao thủ này muốn dùng khổ nhục kế, hy sinh tính mạng để trợ giúp Vô Danh có cơ hội đến gần và giết Tần Thủy Hoàng.

Tuy nhiên, cả hai câu chuyện của Vô Danh và Tần Thủy Hoàng đều không đúng với sự thật. Điều cần lưu ý là Vô Danh nói với Tần Thủy Hoàng rằng Vô Danh đã nhìn sai về Tàn Kiếm và sau đó, phim từ từ trình bày câu chuyện thật.

Tàn Kiếm là tay kiếm thủ đã đạt tới mức tối thượng thừa, dùng thư pháp để viết chữ “kiếm”, qua đó nói lên tất cả yếu chỉ của quan điểm anh hùng.

Người anh hùng làm nên những việc phi thường, dám hy sinh ích lợi cá nhân cho ích lợi của thiên hạ. Cốt lõi của phim là cách nhìn sự vật và con người khá tương đồng giữa các anh hùng, anh hùng tiếc anh hùng.


Vì hai chữ “thiên hạ”

Tại đại điện, trước các ngọn nến lung linh thần bí, Tần Thủy Hoàng thong thả hỏi chuyện và luận về tình yêu, danh dự và bổn phận, luận về anh hùng với Vô Danh.

Vô Danh là một kiếm khách tối nguy hiểm trong vòng 10 bộ với tuyệt kỹ “thập bộ nhất sát”, nghĩa là trong vòng 10 bộ chưa hề có ai thoát khỏi lưỡi kiếm thần tốc của Vô Danh cả.

Tuyệt kỹ này khiến cho người ta liên tưởng đến bài Hiệp Khách Hành của Lý Bạch “nhất nhật thiên lý hành/ thập bộ sát nhất nhân (ngày đi ngàn dặm không biết họ Lý có nổ hay không?) Thủ pháp liên văn bản mà họ Trương dùng trong kịch bản vẫn gặp đây đó trong cấu trúc truyện hiện đại.

Khi Tần Thủy Hoàng vạch ra các điểm phi lý trong câu chuyện Vô Danh kể xong, bèn hỏi: “Ngươi định giết ta nhưng không có kiếm thì làm sao giết?”


Lúc bấy giờ Vô Danh chỉ cách Tần Thủy Hoàng 10 bộ và trả lời: “Bằng kiếm của nhà ngươi”. Tần Thủy Hoàng đã ném ngay kiếm của mình trước mặt Vô Danh.

Vì hai chữ “thiên hạ” của Tàn Kiếm mà Vô Danh đã không giết Tần Thủy Hoàng, “thập bộ nhất sát” chỉ đánh bằng đuôi kiếm, để rồi ngay sau đó đón nhận trận “bão” tên của quân Tần một cách anh hùng.

Tần Thủy Hoàng hiểu ra cảnh giới cuối cùng của kiếm thuật nhưng vẫn vì thiên hạ mà ra lệnh giết Vô Danh. Và cho rằng mình giết một anh hùng trong một ngày là quá nhiều, không muốn giết thêm ai nữa.

Kết thúc phim, màn ảnh chạy giòng chữ cho hay Tần Thủy Hoàng sau đó đã thống nhất sơn hà, là vị hoàng đế đầu tiên của Trung quốc, có nhiều công trạng như: thống nhất chữ viết, đơn vị đo lường, xây Vạn Lý trường thành để chống giặc phía Bắc xâm lăng, v.v.

Tuy bị nhà văn Vương Sóc phê bình là chỉ biết chui vào lịch sử cho an thân, nhưng Trương Nghệ Mưu vẫn là một khuôn mặt lớn của thế giới. Và ông đã gửi thông điệp gì cho chúng ta từ bộ phim Anh Hùng? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của từng cá nhân.


Chỉ biết các nhà bình luận phim nói rằng, ẩn khuất đằng sau bộ phim, đâu đó là khuôn mặt đạo diễn Trương Nghệ Mưu với nụ cười hoài nghi của nghệ sĩ.

Bộ phim Anh Hùng là ứng viên giải Oscar và Quả Cầu Vàng cho thể loại phim hay nhất năm 2003. Chi phí tổng cộng của phim lên tới 31 triệu đô la.
Dáo Lá
Link tham khảo:


No comments: