Sau hàng loạt vụ việc trẻ em đòi tự tử hoặc làm hại bản thân, nhiều vị phụ huynh bắt đầu cảm thấy lo lắng bất an về một trò chơi có tên "thử thách Momo" xuất hiện qua ứng dụng Youtube Kids.
Thời gian gần đây, mạng xã hội tràn ngập thông tin liên quan đến "thử thách Momo" sau khi nhiều trang tin nước ngoài đăng tải về một số vụ việc trẻ em tự làm hại bản thân vì xem trò đùa đáng sợ này. Rất nhiều vị phụ huynh cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của con cái mình dù chưa rõ Momo là gì
"Thử thách Momo" là gì?
Hình tượng đáng sợ của Momo là một khuôn mặt người phụ nữ tóc đen dài, vầng trán nhô cao, hai mắt to lồi và khuôn miệng rộng bất thường. Thoạt nhìn, bất cứ ai cũng cảm thấy ghê sợ trước hình ảnh Momo chẳng khác nào phim kinh dị.
Thực chất, đây là một tác phẩm nghệ thuật có tên "Mother Bird", (tạm dịch: Chim mẹ) của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, từng được trưng bày vào năm 2016 tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo. Nghệ sĩ người Nhật không bao giờ ngờ rằng một ngày, tác phẩm của mình lại bị kẻ xấu lợi dụng với mục đích tiêu cực, trở thành hình ảnh đáng sợ khiến nhiều trẻ em bị trầm cảm, thậm chí là tìm cách tự tử.
Hình ảnh tác phẩm Mother Bird được trưng bày tại triển lãm ở Tokyo, Nhật Bản.
Theo đó, trẻ em sẽ được Momo liên lạc thông qua mạng xã hội WhatsApp hoặc ứng dụng Messenger rồi trò chuyện, tâm sự. Sau đó, trẻ em sẽ nhận được nhiều hình ảnh bạo lực và một số thử thách buộc chúng phải thực hiện. Những thử thách này thường có thể gây hại cho bản thân như cạo đầu, cắt tay, thậm chí là tự tử. Kèm theo đó, Momo còn gửi lời đe dọa không được nói cho ai biết, nếu không tuân theo thử thách thì sẽ bị trừng phạt.
Đối tượng mà Momo nhắm đến thường là giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, những người có vấn đề về tâm lý như căng thẳng, trầm cảm, có thể dễ dàng nghe theo những lời xúi giục.
Hiện nay, Momo không chỉ đơn thuần xuất hiện trong ứng dụng trò chuyện nữa mà còn len lỏi vào các video hoạt hình mà trẻ em thường xem trên ứng dụng Youtube Kids. Chúng đột ngột xuất hiện giữa một số hoạt hình thông dụng, tưởng như an toàn như Peppa Pigs, Fortnight..., sau đó yêu cầu người xem tự sát bằng một số cách kinh dị. Những hình ảnh tiêu cực này thường xuất hiện rất nhanh và ngắn nên phụ huynh khó lòng nhận ra.
Thử thách Momo đã yêu cầu trẻ em tự sát hoặc tự làm hại bản thân.
Nhiều thông tin cho rằng thử thách Momo bắt nguồn từ Nam Mỹ nhưng chưa ai xác thực được. Tuy nhiên, một số người đã lần theo 3 số điện thoại được cho là của Momo và phát hiện nhiều điểm phi logic. Đầu số 57 thuộc về mã quốc gia Colombia, 81 là của Nhật Bản và 52 là của Mexico.
Thực chất, một số người đã báo cáo từng trò chuyện với Momo bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Tây Ban Nha. Điều này chứng tỏ thử thách Momo đã lan rộng và có nhiều phiên bản trên nhiều quốc gia.
Một vài số điện thoại được cho là của Momo.
Có thể nói, Momo là một trò chơi hù dọa nhưng được dàn dựng một cách công phu và lan truyền nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của internet. Thử thách Momo có thể là trào lưu tương tự với "Cá voi xanh" từng khiến 130 thiếu niên Nga mất mạng vì làm theo các hoạt động trong video. Tuy nhiên, không ai rõ những người dàn dựng nên thử thách Momo có mục đích gì.
Thử thách Momo được cho là đã len lỏi trong một số phim hoạt hình.
Những nạn nhân thật của trò chơi ảo
Thử thách Momo được cho là đã xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Anh, Mexico, Argentina, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha...
Theo tờ Thời báo Buenos Aires (Argentina), một đứa trẻ 12 tuổi tại Argentina đã tự kết liễu đời mình sau khi nghe theo lời xúi giục của Momo. Ngay sau đó, cảnh sát đã bắt tay tìm hiểu những kẻ mà nạn nhân liên lạc qua mạng xã hội nhưng không có manh mối.
Ngày 28/8/2018, một chàng trai Ấn Độ có tên Manish Sarki, 18 tuổi, được tìm thấy đã qua đời trong chuồng gia súc với dòng chữ "Illuminati" và "Devil's one eye" vẽ nguệch ngoạc trên tường. Tháng 9/2018, một bé gái 12 tuổi và một bé trai 16 tuổi ở Colombia đã tự sát bất thành.
Một số cơ quan và trường học nước ngoài đăng cảnh báo về Momo.
Gần đây nhất, một bé gái 5 tuổi sống tại thị trấn Cheltenham, nước Anh đã tự cầm kéo rồi vào phòng tắm cắt sạch tóc của mình. Rất may do người mẹ phát hiện kịp thời nên bé gái chỉ bị xước da đầu một chút. Khi được hỏi tại sao lại làm vậy, bé gái nói rằng Momo đã yêu cầu mình và nếu không làm theo, Momo sẽ giết em. Sau đó, người mẹ đã hoảng sợ cắt toàn bộ đường truyền mạng.
Chia sẻ trong nhóm facebook Love Westhoughton, một người mẹ người Anh có con trai là nạn nhân của thử thách Momo cho biết: "Khi tôi đón con, giáo viên đã đề nghị nói chuyện với tôi. Cô ấy nói con trai tôi đã khóc và nói: "Momo sẽ đi vào phòng con vào ban đêm và giết con". Khi về nhà, tôi đã nói chuyện với con và thằng bé kể rằng vài người bạn ở trường đã rủ nhau xem Momo".
Cách bảo vệ trẻ em khỏi thử thách tự sát Momo
Không khó để bảo vệ con cái khỏi những trò chơi tiêu cực trên internet. Nếu con cái của bạn thường xuyên dùng mạng xã hội hoặc xem hoạt hình để giải trí, bạn có thể tự chặn những nội dung phản cảm, kiểm soát những nội dung này thông qua ứng dụng của mình, chặn những kênh có nội dung phản cảm hoặc quản lý thời gian xem.
Phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến việc tiếp cận internet của con cái.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những bộ lọc tự động trên Youtube, ngăn trẻ em tải xuống những ứng dụng không phù hợp với lứa tuổi.
Phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con để biết chúng làm gì trên mạng xã hội, tạo dựng cho con niềm tin và sự mạnh mẽ để chúng không tin vào những lời đe dọa và xúi giục không có thật trên internet.
Tuy nhiên bên cạnh luồng thông tin đó, một số cơ quan báo chí quốc tế cho rằng thử thách Momo là không có thật. Ngày 28/2, Trung tâm an toàn Internet của Anh (UK Safer Internet Centre) chia sẻ trên tờ Guardian rằng đây chỉ là tin giả, sự hoang mang do chính người lớn phát tán và chưa có báo cáo chính xác nào về trường hợp trẻ em tự gây hại cho bản thân sau khi nghe lời của Momo.
Youtube lên tiếng sau hàng loạt tin đồn về thử thách Momo.
Về phía Youtube, nơi được cho là phát tán hình ảnh Momo, cũng đã chính thức lên tiếng trên trang Twitter rằng: "Chúng tôi muốn khẳng định về thông tin Thử thách Momo: Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về các video thử thách Momo trên Youtube. Những video khuyến khích người xem làm hại bản thân và hành động nguy hiểm bị cấm trong chính sách của chúng tôi".
Theo Khánh Hằng (Dịch từ The Sun, BBC) (Khám phá)