Monday, September 30, 2024

VÌ SAO NGƯỜI XƯA CÓ CÂU "NĂM THÌN BÃO LỤT"?

Câu nói 'Năm Thìn bão lụt' xuất phát từ một sự kiện có thật trong lịch sử. Một trận bão lớn ập vào khu vực Nam Bộ gây ra thiệt hại nặng nề về người và của.


Vì sao người xưa có câu "Năm Thìn bão lụt"?

Từ xưa đến nay, vùng đất Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn được xem là nơi có khí hậu ôn hòa, ấm áp quan năm, ít khi xuất hiện bão. Do đó, người dân ở khu vực này thường không có nhiều kinh nghiệm chống bão bằng người dân ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Nhắc đến "Năm Thìn bão lụt", nhiều người sẽ nhắc tới con bão lớn diễn ra vào năm Giáp Thìn 1904 ở Nam Bộ, đặc biệt là xứ Gò Công và nhiều vùng phụ cận như Định Tường, Cần Giờ...

Cơn bão năm 1904 lớn đến mức được đưa vào những câu thơ dân gian truyền miệng của người dân Nam Bộ.

Người ta nói rằng: "Bến Thành nóc chợ cũng bay/ Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…" hay "Gặp em đây mới biết em còn/ Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi"...

Một số bài báo thời xưa đề cập đến sự kiện "Năm Thìn bão lụt". Bên trái là bài tường thuật về trận bão năm Giáp Thìn 1904 trên tờ Nam Kỳ Tuần báo cuối cùng ra ngày 8/6/1944. Bên phải là bài viết nhắc đến trận báo năm 1904 trên tờ giai phẩm Thần Chung xuân Nhâm Thìn 1952.

Tư liệu ghi chép về trận bão lớn này không nhiều, chủ yếu được nhắc đến trong văn học dân gian. Duy nhất chỉ có cuốn "Gò Công cảnh cũ người xưa" của cụ Việt Cúc xuất bản thập niên 1970, sau đó được NXB Trẻ tái bản vào năm 1993 có nhắc đến sự kiện này.

Theo đó, cụ Việt Cúc thuật lại cơn bão ập đến vào ngày rằm tháng 3 năm Giáp Thìn, lúc đó đang mùa khô hạn, đồng ruộng nứt nẻ. Bỗng nhiên trời nổi cơn cuồng phong. Từ 10 giờ sáng mây đen đã bao phủ khắp bầu trời. Tới hơn 5 giờ chiều: "Bỗng xoay chiều gió từ phương Đông ào ào xô gãy cây và trốc gốc, vách nhà đổ xiêu. Lá cây, lá lợp nhà tốc bay tứ tung, cây cối nằm la liệt".

Không chỉ vậy, trận cuồn phong cần được mô tả là nhấn chìm nhiều tàu thuyền trên biển, trên sông, thiệt hại về người và của là vô cùng lớn.

Làng mạc Gò Công tiêu điều chết chóc sau bão lụt. Ảnh tư liệu

Một số ghi chép cũ cho thấy, cơn bão năm Giáp Thìn 1904 ảnh hưởng đến hầu khắp các tỉnh ở khu vực Nam Bộ. Trong đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang); Tân An (Long An); Chợ Lớn, Gia Định (TP HCM) và dọc theo vùng duyên hải.

Một hải lưu cao đến 3,5 mét đã cuốn đi mất nhiều làng ở gần bờ biển.

40 năm sau trận thiên tai, bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân được đăng trên Nam Kỳ tuần báo (do Hồ Văn Trung - tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm chủ nhiệm) số 85, ra ngày 8/6/1944, có mô tả chi tiết về cơn bảo diễn ra vào Chủ nhật ngày 1/5/1904 trên đất Sài Gòn xưa.

Tác giả của bài báo kể rằng hôm ấy đúng ngày bầu cử hội đồng thành phố; chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp. Một quan chức Sài Gòn thời bấy giờ còn tuyên bố dõng dạc trong bài diễn văn của mình rằng: "Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa...".

Suốt từ buổi sáng đến trưa, Sài Gòn có mưa lâm râm. Đầu giờ chiều, gió bắt đầu thổi mạnh. Đến 15h, gió càng dữ dội. Tuy nhiên, người dân lúc đó chỉ nghĩ rằng trời nổi cơn dông chứ không ai nghĩ đến sẽ có bão lụt. Lúc này, đường xá vắng tanh vì xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành đều cố gắng kiếm nơi trú ẩn hoặc về nhà.

Chỉ mới 16h mà trời đã tối sầm. Khi đó, điện cũng bị cắt. Các nhà hàng, quán cơm phải đốt đèn dầu hoặc đèn cầy. Tuy nhiên, gió lớn thổi không ngừng làm đèn cũng liên tục bị tắt.

Theo bài báo này, đến 17h, trận mưa dông mới "thật kịch liệt cực điểm". Nó đốn ngã cây cối; làm tốc mái nhà; đứt dây điện, dây thép; làm cột điện và cột đèn liêu xiêu, đổ ngã; nhấn chìm tàu ghe. Mưa gió lớn cũng làm ngựa kéo xe hoảng sợ bứt dây cương để tháo chạy.

Đến 19h, các tàu lớn cũng bị sóng đẩy lên bờ nằm nghiêng ngả. Nhiều tàu thuyền bị phá hủy do sóng lớn, mưa bão.

Đến 22h, trời bớt dông nhưng mưa vẫn trút xuống không ngừng.

Người ta nói rằng cơn bão này mạnh đến mức quật ngã một đoàn tàu của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. (Ảnh minh họa)

Sáng hôm sau, người ta thống kê được hơn 900 gốc cây lớn nằm ngôn ngang trên các con đường của Sài Gòn. Nhà lá bay tứ tung khắp nơi.

Báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon thời đó cũng miêu tả về trận bão này như sau: "Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn (tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho), có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giật đứt mái nhà ở đềpô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá khác. Cách đó mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép...".

Lúc bấy giờ, người ta thống kê được rằng thiệt hại về của thời điểm bây giờ là khoảng 40 triệu đồng (tương đương 1000 tỷ đồng ngày nay). Trận bão lớn cũng cướp đi sinh mạng của hơn 3000 người chỉ tính riêng tại Sài Gòn.

Trận bão cũng ảnh hưởng lớn đến các tỉnh khác ở khu vực Nam Bộ. Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến Gò Công và khu vực lân cận. Bão khiến 60% nhà sập đổ, 5000 người thiệt mạng, 80% gia súc bị tiệt hại.

Cây cối ngã đổ ở Sài Gòn trong bão lụt Năm Thìn - Ảnh: tư liệu

"Năm Thìn bão lụt" mang ý nghĩa khác

Trận bão năm Giáp Thìn 1904 là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất ở Sài Gòn từng được ghi nhận. Tuy nhiên, việc khẳng định chính xác đây có phải cơn bão mạnh nhất từng đánh vào Sài Gòn hay không cần phải có các đánh giá kỹ hơn dưa trên việc phân tích hoàn lưu, tốc độ gió... Thời đó, các phương tiện dự báo còn lạc hậu nên sức tàn phá của cơn bão mới khủng khiếp như vậy.

Câu nói "Năm Thìn bão lụt" dùng để chỉ một sự kiện cụ thể, nói về trận bão diễn ra ở khu vực Nam Bộ năm 1904, không mang tính quy luật.

120 năm đã trôi qua, câu chuyện về "Năm Thìn bão lụt" đó chỉ còn trên vài tư liệu sách báo và trong văn học dân gian. Nó không chỉ còn là câu nói chỉ một sự kiện trong lực sử mà đã được hiểu theo nghĩa khác. Thành ngữ này hiện nay được dùng để chỉ những sự việc đã diễn ra qua lâu, quá xưa cũ: "Ôi, chuyện hồi năm Thìn bão lụt tới giờ…!".

Thanh Huyền
Theo: giaitri.thoibaovhnt



THIÊN THU TUẾ - TRƯƠNG TIÊN


Thiên thu tuế - Trương Tiên

Sổ thanh đề quyết,
Hựu báo phương phi yết.
Tích xuân cánh bả tàn hồng chiết.
Vũ khinh phong sắc bạo,
Mai tử thanh thời tiết.
Vĩnh Phong liễu,
Vô nhân tận nhật phi hoa tuyết.

Mạc bả yêu huyền bát,
Oán cực huyền năng thuyết.
Thiên bất lão,
Tình nan tuyệt.
Tâm tự song ty võng,
Trung hữu thiên thiên kết.
Dạ quá dã,
Đông song vị bạch cô đăng diệt.


千秋歲 - 張先

數聲鶗鴃,
又報芳菲歇。
惜春更把殘紅折。
雨輕風色暴,
梅子青時節。
永豐柳,
無人盡日飛花雪。

莫把幺絃撥。
怨極絃能說。
天不老,
情難絕。
心似雙絲網,
中有千千結。
夜過也,
東窗未白孤燈滅。


Thiên thu tuế
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Cuốc kêu khắc khoải canh trường.
Mùa xuân qua mất, vấn vương đợi chờ.
Cành hồng nhặt những ngẩn ngơ.
Mưa phùn lất phất, bất ngờ gió qua.
Cô đơn cây liễu sau nhà.
Quả mơ còn chát, hoa ra cuối mùa.
Trời già đem bán ai mua ?
Tỳ bà tấu khúc hơn thua đoạn trường.
Tâm tình chẳng hết nhớ thương.
Dệt tình dan díu đêm dường qua nhanh.
Lơ thơ con nhện buông mành.
Ngọn đèn lẻ bóng, mong manh song hường.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Trương Tiên 張先 (990-1078) tự Tử Dã 子野, người Ngô Hưng, tỉnh Chiết Giang, từng làm quan lang trung. Từ của ông phong cách khá cao, nổi danh ngang với Liễu Vĩnh. Trong Bạch Vũ trai từ thoại, từ của ông được nhận định vừa hàm súc, vừa phát việt. Tác phẩm của ông có An lục tập và An lục từ.

Nguồn: Thi Viện



LỊCH SỬ HÌNH THÀNH MÃ QR

Những mã QR hình vuông vô cùng phổ biến và hiện diện khắp nơi hiện nay thực ra đã được phát minh bởi một kỹ sư người Nhật Bản cách đây 30 năm.


Tờ Mainichi Shimbun cho biết đó là kỹ sư Masahiro Hara (67 tuổi). Ông Hara làm việc tại công ty Denso Wave chuyên sản xuất thiết bị công nghiệp thuộc Tập đoàn Toyota. Ông chia sẻ về lý do tạo mã QR: “Ban đầu, tôi tạo ra chúng để theo dõi các linh kiện ô tô tại nhà máy”. Đó là năm 1992 khi ông Hara vẫn còn làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển mã vạch của Denso Corp, công ty mẹ của Denso Wave.

Denso Corp tập trung nghiên cứu và phát triển để hiện đại hóa phương pháp sản xuất kanban của Toyota, còn được gọi là phương pháp đúng lúc. Vào thời điểm đó, Denso Corp dùng mã vạch để theo dõi linh kiện ô tô được vận chuyển. Nhưng mã vạch chỉ có thể chuyển đổi thông tin khoảng 20 chữ, số. Càng nhiều thông tin cần miêu tả, chẳng hạn như lịch sử sản xuất và vận chuyển, thì càng cần nhiều mã vạch, dẫn đến một sản phẩm cần khoảng 10 mã vạch.

Công nhân đã sử dụng đầu đọc để quét mã vạch của từng sản phẩm mỗi khi họ vận chuyển chúng. Trong giai đoạn bận rộn, hàng nghìn mã vạch cần được quét, dẫn đến thách thức lớn về hiệu quả làm việc.

Ông Masahiko Hara - người đã phát minh ra mã QR. Ảnh: mainichi.jp

Ông Hara bắt tay vào phát triển một loại mã mới có thể chứa nhiều thông tin và quét được một cách hiệu quả. Ông tập trung vào mã hai chiều (2D), vốn bắt đầu được phát triển ở Mỹ. Trong khi mã vạch được coi là một chiều (1D) với các đường thẳng đứng đặt cạnh nhau, thì mã 2D bao gồm các ô nhỏ được xếp thành hàng như một bức tranh khảm, tạo điều kiện để có thể chứa nhiều thông tin trong một không gian nhỏ. Tuy nhiên, bất tiện phát sinh khi các hình dạng hoặc ký tự khác xuất hiện ở gần mã, máy quét không thể phân biệt và mất thời gian để đọc thông tin chính xác.

Sau một số thử nghiệm và sai sót, mã QR của ông Hara đã ra đời. Nếu nhìn kỹ vào một mã QR, bạn có thể thấy những ô vuông màu đen nhỏ hơn ở ba góc của hình vuông. Chúng được gọi là “mẫu phát hiện vị trí”, vô cùng đặc biệt với mã QR. Ý tưởng đến với Hara khi ông nhìn ra ngoài cửa sổ tàu hỏa và thấy một tòa nhà có cửa sổ không khớp nhau ở các tầng trên.

Nhờ “mẫu phát hiện vị trí”, máy quét nhanh chóng nhận dạng mã QR và đọc thông tin chứa trong đó. Đây là một trong những điểm hấp dẫn của mã QR và cũng là một phần tên của mã này: "QR" là viết tắt của "quick response” (tạm dịch: phản hồi nhanh).

Ngoài khả năng nhận diện nhanh và chính xác, lượng thông tin có thể đưa vào mã tăng đáng kể, lên 1.800 ký tự kanji của Nhật Bản, tương đương với một tài liệu cỡ A4. Với những ưu điểm này, mã QR ra mắt thế giới vào năm 1994.

Điều đặc biệt là Denso Corp đã chọn không đăng ký quyền sáng chế đối với mã QR. Mục đích của Denso Corp là để mã QR phổ biến rộng rãi rồi từ đó công ty tăng lợi nhuận thông qua việc bán máy quét và các thiết bị liên quan khác.

Vào thời điểm đó, chỉ các tổ chức mới sử dụng mã QR. Sự phát triển của điện thoại di động là bước khởi đầu cho giai đoạn bùng nổ khiến người người nhà nhà biết đến mã QR. Năm 2002, tập đoàn Sharp (Nhật Bản) ra mắt điện thoại di động có đầu đọc mã QR. Sau đó, các nhà sản xuất khác cũng làm theo.

Người dân quét mã QR để thanh toán.

Khi người tiêu dùng sở hữu máy quét, các tập đoàn bắt đầu sử dụng mã QR được nhúng với thông tin liên kết người dùng tới trang web của họ.

Với sự ra đời của điện thoại thông minh, việc sử dụng mã QR đã vượt xa mong đợi của ông Hara và các đồng nghiệp. Điều khiến ông ngạc nhiên nhất là mã QR hiện được sử dụng để thanh toán.

Nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay đã bắt đầu sử dụng mã QR để trao đổi số tiền thanh toán của người dùng và các thông tin liên quan khác.

Ông Hara cười và nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mã QR sẽ được sử dụng để trao đổi tiền. Tôi vẫn lo lắng có thể xảy ra sai sót nghiêm trọng”.


Năm 2014, Hara và nhóm của ông đã trở thành những công dân Nhật Bản đầu tiên giành được Giải thưởng Nhà phát minh châu Âu do Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu trao tặng hàng năm.

Hara cho biết sau khi nghỉ hưu, ông muốn làm nông nghiệp. Ông chia sẻ: “Tôi muốn phát triển nhiều loại trái cây và rau quả mới để chúng ngon hơn”. Mục tiêu này của Hara cũng khá gần gũi với công việc kỹ sư của ông.

Theo: khoahoc.tv
Link tham khảo:




Sunday, September 29, 2024

VU HUỆ TĂNG, NỮ TRÀ SƯ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Vu Huệ Tăng (于慧曾) hiện sống ở nước Pháp. Bà là người gốc Đài Loan, một bậc thầy về trà đạo Công Phu và là người nữ duy nhất trong số mười trà sư hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Nữ trà sư Vu Huệ Tăng (于慧曾)

Nữ trà sư Vu Huệ Tăng có tên tiếng Anh là Yu Hui Tseng, phiên âm từ tên 于慧曾 trong tiếng Trung Quốc. Bà là hậu duệ nhiều đời của Tăng Tử (505 - 435 TCN) - một nhân vật trong Nhị thập tứ hiếu và là học trò xuất sắc của Khổng Tử.

Vu Huệ Tăng sinh ra tại huyện Nam Đẩu (Đài Loan), nơi gia đình mẹ bà nhập cư từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Vào thế kỷ 17, dưới thời nhà Minh, thân tộc của bà nằm trong số 100 gia đình quý tộc được chọn để sinh sống trên đảo Đài Loan. Có lẽ xuất thân từ quý tộc nên bà có cuộc sống khá nhàn hạ.

Vài hình ảnh về trà quán La Maison des Trois Thés ở Paris. Ảnh: thevangeliste.wordpress.com, tripadvisor.fr, volutes-tea.com, timeout

Vu Huệ Tăng học piano từ năm 4 tuổi, sau đó học kèn clarinet ở cấp độ chuyên nghiệp rồi đoạt giải nhất tại Đài Loan năm 17 tuổi. Và không có gì ngạc nhiên, bên cạnh việc học nhạc, bà còn thọ giáo Trà đạo Công Phu của sư phụ Trương Thiên Phúc (张天福), vì cả ba thế hệ gia đình bà đã kế thừa và phát triển quy trình sản xuất trà tại Đài Loan. Về sau bà trở thành một trong những chuyên gia giỏi nhất về trà trên thế giới.

Nét văn hóa phổ biến hơn 1.000 năm qua

Công Phu trà là một loại hình trà đạo liên quan đến nghi thức chuẩn bị và trình bày trà, có nguồn gốc từ Phúc Kiến và khu vực Triều Sán phía đông Quảng Đông. Do phải mất nhiều thời gian để lựa chọn nguyên liệu, nướng, cất và pha nên nó được gọi là Công Phu trà hay Công Phu trà Triều Châu, một nét văn hóa trong việc uống trà phổ biến hơn 1.000 năm qua.

Vu Huệ Tăng muốn sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để quảng bá Công Phu trà rộng khắp nên bà sang nước Pháp sinh sống. Bà muốn thay đổi hình ảnh của trà mà nhiều người đã biết về nó ở nước Pháp cũng như các nước phương Tây khác.

Năm 1995, bà mở trà quán La Maison des Trois Thés tại số 1 đường Saint-Médard (Paris), nơi bà có một trong những hầm trà lớn nhất thế giới, với hơn 1.000 loại trà do chính tay bà tuyển chọn, trong đó có một số loại trà lâu đời đến hơn 100 năm, có thể vượt quá giá trị của những loại rượu vang Pháp nổi tiếng như Château Pétrus, Romanée-Conti hay Dom Pérignon.

Trà sư Vu Huệ Tăng đang “tìm hiểu” trà. Bà có thể trả lời chính xác tất cả về loại trà mà bà đã nếm trải. Ảnh: pluris.fr

Công Phu (工夫) trong phương ngữ Triều Sán có nghĩa là tỉ mỉ và tinh tế giống như tính chất của Vu Huệ Tăng vậy. Bà chú ý đến chất lượng và cách pha trà truyền thống cổ điển của Trung Quốc trong tất cả các loại trà, dù đó là trà rời, trà thô, trà bột hay trà dạng nén, đặc biệt là loại trà lá rời tự nhiên, một sản phẩm gia dụng từ cuối thế kỷ 14, phổ biến từ thời nhà Minh, đã được đưa vào sử dụng trong cung đình.

Tại trà quán của mình ở Paris, Vu Huệ Tăng cất giữ và ủ các loại trà trong loại buồng có thiết kế đặc biệt, kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm tối ưu. Bà vốn cầu toàn trong việc bảo quản trà nên thường yêu cầu khách hàng không xức nước hoa nồng nặc khi họ tham dự buổi nếm thử trà của bà.

Thế rồi, càng ngày trà quán La Maison des Trois Thés của bà càng được giới sành trà cũng như các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới săn đón. Bà đã cộng tác với những đầu bếp lừng danh như Alain Senderens, Guy Savoy, Joël Robuchon, Olivier Roellinger và Pierre Gagnaire, cung cấp từng loại trà phù hợp với thức ăn trong nhà hàng của những đầu bếp này.

Ngoài ra, bà còn làm việc với các chuyên gia về bánh ngọt và sôcôla, các nhà sản xuất rượu, thợ làm pho mát bậc thầy, các cửa hàng tạp hóa, nhà chưng cất rượu whisky và thậm chí cả nước hoa…

Vu Huệ Tăng và trà quán La Maison des Trois Thés. Ảnh: lonzl.com, wordpress.com, stockfood.ro

Ngày nay, nếu đến La Maison des Trois Thés ở Paris, bạn sẽ thấy phong cách trang trí kiểu Trung Quốc, với những ký tự chữ vuông bên ngoài quán. Gỗ có mặt khắp nơi, vật dụng nội thất là bản sao của đồ nội thất cổ điển và hiện đại của Trung Quốc.

Thực đơn có rất nhiều món với các loại rượu hiếm và đắt tiền, giá trung bình cao hơn một chút so với những nơi khác, song chấp nhận được, vì cái tên của nữ trà sư Vu Huệ Tăng cũng đủ bảo đảm tất cả, xứng đáng cho chuyến viếng thăm của bạn.

Vương Trung Hiếu / Theo: Thanh Niên
Link tham khảo:



CON SÁO BẠC LIÊU

Ông T.V. Lai có lần hỏi tôi về nguồn gốc bài Lý Con Sáo Bạc Liêu, tôi cứ loay hoay hoài không biết trả lời ngay sao cho ổn thỏa. Có lẽ như vầy.


Ba tôi là một nghệ sĩ cổ nhạc, kéo vĩ cầm mùi rệu. Gốc gác bên Nội tôi mấy đời sinh sống làm ăn trên cuộc đất Cần Giuộc, thuộc miền Tây Nam phần. Nhưng đến thế hệ của Ba tôi, khi lớn lên thời thế đẩy đưa, ông đã trôi giạt ra tận ngoài Huế lập gia đình, một thời gian sau lại tấp lên cao nguyên Daklak, tỉnh Ban Mê Thuột. Thuở đó, thập niên 1930 - 40, Ban Mê Thuột là chốn ma thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy, ít có người Kinh đặt chân tới xứ này. Tại đây, Ba Má tôi lập nghiệp, sinh con đàn cháu đống cho đến cuối đời.


Tôi còn nhớ mỗi lần gánh cải lương Thanh Minh Thanh Nga của Út Bạch Lan - Thành Ðược đi lưu diễn khắp nước ghé lên Ban Mê Thuột, có dịp Ba tôi vẫn hay mời các nghệ sĩ này về nhà đờn ca cải lương hoài cổ linh đình. Sân khấu là nền nhà, nên không ai cần phải xênh xang áo mão, diệu võ dương oai, ra tuồng ra tích; chỉ việc ngồi bệt xuống chiếu quanh mâm đồ nhậu mà ca ngâm với dàn đờn ca tài tử sành nghề gồm guitar cổ nhạc (phím lõm), đờn kìm, đờn tranh, nhị hồ, vĩ cầm, song lang v.v... Ðó là cuối thập niên 1950.

Ba tôi vốn sống bằng nội tâm nên về sau càng lớn tuổi ông càng thâm trầm ít nói, cây vĩ cầm cũng vắng tiếng. Biến cố tháng 4/75 mất nước tan nhà. Ba tôi buồn. Thỉnh thoảng những đêm rằm ngắm trăng bên ly rượu đế, nhã hứng Ba tôi lấy đờn ra kéo. Ngón đờn thiện nghệ, mùi mẫn trở nên nỉ non, uốn éo, não nùng. Sau này đi đoàn tụ Má tôi đem theo cây vĩ cầm của ông như một kỷ vật, bà nói Ba tôi chết vì bệnh buồn.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan và Nghệ sĩ Thành Được trong vở Nửa Đời Hương Phấn, ảnh chụp năm 1959.

Ngoài ra, chú Năm tôi, rồi chú Sáu (mắc thêm cái nghiệp làm thơ), chú Lai Anh, chú Út đều là những người có máu nghệ sĩ, đã một thời đình đám cầm ca. Qua thế hệ thứ hai, anh Hai tôi chuyển qua tân nhạc chuyên về độc tấu Tây ban cầm nhạc cổ điển Tây phương. Trừ chú Út, còn những vị vừa kể trên đã tuần tự ra người thiên cổ. Có lẽ, một giòng dõi nghệ sĩ như vậy, lại thêm núi rừng cao nguyên heo hút cũng đủ thẳm thấu hồn tôi một chút gì là sầu là cảm, một chút gì gọi là liên quan tới lãnh vực tân, cổ nhạc chăng?

Bạc Liêu là cái nôi của dân ca miền Nam, quê hương của câu vọng cổ đầu tiên ra đời. Bản Dạ Cổ Hoài Lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1918, kể về tâm tình người vợ nhớ chồng xa quê lúc đêm về. Sau này, khi tôi viết bài Lý Con Sáo Bạc Liêu trong đó có một đoạn vọng cổ do tôi cải biên không muốn để cho con sáo của tôi xổ lồng bay xa tới Mỏ Cầy, Bến Tre hay Rạch Giá, Hà Tiên, hoặc Sóc Trăng, Cà Mau..., mà chỉ bay quanh quẩn ở xứ cơ cầu mà thôi. Hơn nữa, năm 1970 có lần tôi đi ngang qua Bạc Liêu nhìn thấy vài mái lều tranh cằn cỗi, xiêu tó, trơ trụi trên gò đất quanh là ruộng muối không một bóng người; trên trời thì mây chì ảm đạm dọc ngang, dưới đất thì sắt se gió mặn. Cái cảnh hắt hiu sầu thảm đó của Bạc Liêu đã ăn sâu vào tâm trí tôi cho tới tận bây giờ.

Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Về sau, trong cuốn băng hình Chúng Ta Ði Mang Theo Quê Hương của Trung Tâm Thúy Nga, tôi bồi hồi thấy lại con người và sông nước Bạc Liêu sau gần 30 năm xa cách. Nhìn hình ảnh những nghệ sĩ ca múa trông giống như một phó bản của Ba tôi và các nghệ sĩ cổ nhạc thời trước. Những bản cổ nhạc theo các điệu Kim tiền, Lưu thủy, Bình bán vắn, Nam xuân, Nam ai... của Ba tôi và các nghệ sĩ diễn tấu xưa kia đã âm thầm đọng lại, vun bồi trong tôi để ngày nay biến thể thành điệu nhạc Lý Con Sáo Bạc Liêu. Rồi mỗi lần nghe lại bài này qua giọng hát Phi Nhung, Hương Lan, Tâm Ðoan, Ngân Huệ, Trung Hậu, Duy Trường, Thoại Mỹ, Quang Hiếu, Lý Ngọc Thu... tôi đều mang một mối cảm hoài. Sau này ở bên nhà nhiều người cũng thích hát bài này, cũng có vài nghệ sĩ sáng tác thêm phần cổ nhạc giao duyên.

Cuối cùng, tôi như thấy mình từ một phương trời xa thẳm bôn ba trở về quê xưa. Từ miền châu thổ sông Cửu Long ngược lên phố núi, đứng trước căn nhà xưa, nơi tôi thường nép mình ngoài cửa lắng nghe tiếng vĩ cầm mùi rệu của Ba tôi, ngón đàn kìm của chú Sĩ, tiếng guitar cổ nhạc của cậu Năm Bé, tiếng nhị hồ của chú Hiếu hòa cùng giọng hát của danh ca Thành Được và nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan.


Ngày nay tất cả chỉ còn lại dư âm. Trừ Thành Được, tất cả, họ đã hóa thành gió bụi, từ lâu lắm. Riêng nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, sau hơn 60 năm miệt mài trên sân khấu cải lương, ngày 4-11-2016, như con sáo xổ lồng đã bay vào thiên cổ. Hầu như bà dành hết cuộc đời mình cho nền cổ nhạc miền Nam đến hơi thở cuối cùng. Bà mất đi nhưng tiếng hát ngọt ngào, êm dịu của bà, dù đã ngót 60 năm, tôi nghe như vẫn còn đọng lại đâu đó trên nền nhà năm xưa của Ba Má tôi.

Ngậm ngùi nhớ tới bà mà thương cho tình trạng sân khấu cải lương không còn đất sống. Nền cổ nhạc có từ năm 1917 đến nay đã tròn một thế kỷ đang lâm vào cảnh suy tàn. Dù sao, trong cái buồn cũng có cái may, vì nghệ thuật cải lương vẫn còn những hậu duệ không kém những bậc tài danh năm xưa, như Kim Tử Long, Hương Lan, Ngọc Huyền, Thanh Ngân, Tài Linh, Vũ Linh, Vũ Luân, Thoại Mỹ, Quế Trân... Ngày nay, những nghệ sĩ này không còn sân khấu lớn để diễn, nhưng giọng ca mùi của họ vẫn văng vẳng đâu đó ở nơi đời này.

Tôi cũng thích thưởng thức vọng cổ với dàn đờn ca tài tử sau này diễn ra trong các quán lá, trên sàn nhà, ngoài vườn cây, bên con rạch hiền hòa. Có điều, giữa không gian nghệ thuật dân dã như vậy, cho dù họ hát thật mùi, đờn thật hay nhưng nghe ra giọng ca giọng đờn của họ có vẻ lầm lũi, bùi ngùi, hụt hẫng làm sao. Họ như những tiếng dế canh thâu rả rích gọi buồn.

Những sinh hoạt nghệ thuật truyền thống như vậy, những ấn tượng âm thanh như vậy lâu dần đã thấm nhuần vào ký ức thính giác của tôi, để rồi tuần tự tôi viết ra các điệu nhạc có âm hưởng dân ca, cổ nhạc miền Nam như Lý Con Sáo Bạc Liêu, Phải Lòng Con Gái Bến Tre, Con Sáo Thứ Ba Biển, Con Sáo Rạch Giá, Tay Vịn Cần Thơ, Tình Má Hậu Giang, Lý Ngược Dòng, Nhớ Dìa Miệt Thứ…

Nhớ nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan

Phan Ni Tấn, Xuân 2017
Nguồn: Văn Hữu số 36



XUÂN NHẠN - VƯƠNG CUNG


Xuân nhạn - Vương Cung

Xuân phong nhất dạ đáo Hành Dương,
Sở thuỷ Yên sơn vạn lý trường.
Mạc quái xuân lai tiện quy khứ,
Giang Nam tuy hảo thị tha hương.


春雁 - 王恭

春風一夜到衡陽
楚水燕山萬里長
莫怪春來便歸去
江南雖好是他鄉


Nhạn xuân (Dịch thơ: Điệp luyến hoa)

Hành Dương một tối gió xuân lay,
Nước Sở non Yên vạn dặm dài.
Chớ lạ xuân về bay mất bóng,
Giang Nam dù đẹp vẫn quê người.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Cung 王恭, không rõ năm sinh năm mất, tự An Trung 安中, hiệu Giai Sơn Tiều Giả 皆山樵者, người Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Năm Vĩnh Lạc thứ 4 đời Minh Thành Tổ, được tiến cử vào viện hàn lâm, tham gia biên soạn bộ "Vĩnh Lạc đại điển". Sau cáo quan về quê, ở ẩn không ra làm quan nữa. Có tác phẩm: Bạch vân tiều trường hà tập 白雲樵長河集.

Nguồn: Thi Viện

CÔN TRÙNG: MÓN ĂN KINH DỊ HAY SƠN HÀO HẢI VỊ?

“Cứ nghĩ đó là chả dế, giống như chả cá vậy,” vị đầu bếp nói khi ông mời người đàn ông đang đứng xếp hàng thử món mì nước (laksa) cay, nóng hổi – một loại mì nấu với nước cốt dừa – đầy ắp "chất đạm bổ dưỡng".


Ngay bên cạnh là một đĩa dế xào ớt, phiên bản côn trùng của một món ăn yêu thích của người Singapore – cua biển ngập trong sốt ớt ngọt, đậm đà.

Nhìn bề ngoài, bữa tiệc đứng này chẳng khác gì những bữa tiệc khác, ngoại trừ thành phần chính trong mọi món ăn: dế.

Trong hàng chờ lấy thức ăn có một người phụ nữ thận trọng múc miến Hàn Quốc xào giòn phía trên rắc thịt dế băm nhỏ vào đĩa của mình, và một người đàn ông không ngừng chất vấn vị đầu bếp trẻ.

Bạn có thể cho rằng những thực khách này háo hức với bữa tiệc. Dù gì thì họ cũng nằm trong số hơn 600 nhà khoa học, doanh nhân và những nhà hoạt động môi trường từ khắp nơi trên thế giới đổ về Singapore trong sứ mệnh biến côn trùng trở thành món ăn ngon miệng. Tên của hội nghị nói lên tất cả – Côn Trùng Nuôi Sống Thế Giới.

Thế nhưng, nhiều người lại bị thu hút bởi bàn tiệc đứng kế bên, nơi không có món côn trùng. Một số người có thể tranh luận rằng do ở đó có những món ăn quen thuộc: cá chẽm đánh bắt tự nhiên ngâm với sả và chanh, bít tết thăn bò nướng với mứt hành tây, cà ri rau củ với nước cốt dừa.

Theo Liên Hợp Quốc, khoảng hai tỷ người, tức là khoảng một phần tư dân số thế giới, đã ăn côn trùng trong chế độ ăn hàng ngày.

Nhiều người khác cũng nên gia nhập cùng họ, theo lời những người ủng hộ côn trùng ngày càng đông đảo, những người cho rằng côn trùng là một lựa chọn tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Nhưng liệu viễn cảnh cứu Trái Đất có đủ để khiến mọi người thử những loại côn trùng mà họ sợ hãi nhất không?

Món côn trùng

“Chúng tôi phải chú ý làm sao để các món côn trùng trở nên ngon hơn,” đầu bếp Joseph Yoon sống ở New York chia sẻ. Ông đã thiết kế thực đơn toàn dế cho hội nghị, cùng với đầu bếp Nicholas Low người Singapore. Sự kiện này chỉ được phép sử dụng dế.

“Nói rằng côn trùng bền vững, giàu chất dinh dưỡng, có thể giải quyết vấn đề an ninh lương thực v.v., là không đủ để khiến chúng trở nên dễ ăn, chứ chưa nói đến hấp dẫn," ông nói thêm.

Dế đang được nhiều đầu bếp thử nghiệm trong chiến dịch thúc đẩy việc ăn côn trùng. 
Ành: Getty Images

Các nghiên cứu đã phát hiện rằng chỉ cần sáu con dế là đáp ứng được nhu cầu protein hằng ngày của một người. Và việc nuôi chúng cần ít nước và đất hơn so với chăn nuôi gia súc.

Một số quốc gia đã có những động thái khuyến khích chế độ ăn từ côn trùng, nếu không muốn nói là thúc đẩy mạnh mẽ. Gần đây, Singapore đã phê duyệt 16 loại côn trùng, bao gồm dế, tằm, châu chấu và ong mật, làm thực phẩm.

Singapore nằm trong số ít quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Thái Lan, đang xây dựng cơ chế để quản lý ngành công nghiệp côn trùng ăn được còn non trẻ này. Các ước tính về quy mô ngành dao động từ 400 triệu USD đến 1,4 tỷ USD.

Các đầu bếp như Nicholas Low đã phải tìm cách “phân nhỏ” côn trùng để chế biến, vì mọi người không phải lúc nào cũng sẵn sàng thử “nguyên con”.

Tại hội nghị, ông Low đã tái sáng tạo món mì nước laksa phổ biến khi thay chả cá thông thường bằng những miếng chả làm từ dế băm nhuyễn. Ông kể rằng để khử mùi đất của côn trùng cũng tốn nhiều công sức. Những món ăn có "hương vị mạnh", như mì laksa, là lý tưởng vì sự hấp dẫn của công thức gốc khiến mọi người không còn để tâm tới những con côn trùng bị nghiền nát.

Ông Low chia sẻ rằng ông không thể biến tấu nhiều thứ với dế. Thông thường, chúng được chiên giòn để tạo cảm giác giòn tan, hoặc nghiền thành bột mịn, khác với thịt, loại thực phẩm có thể chế biến đa dạng từ hầm đến nướng.

Ông không thể hình dung việc ngày nào cũng nấu món dế: “Có lẽ tôi chỉ nấu nó như một món đặc biệt trong một thực đơn nhiều món hơn."

Nguồn hình ảnh,Insects to Feed the WorldChụp lại hình ảnh,Nicholas Low (thứ ba từ phải) và Joseph Yoon (thứ tư từ phải) đã dẫn đầu đội ngũ chuẩn bị tiệc đứng với các món làm từ dế cho những người tham gia hội nghị Côn Trùng Nuôi Sống Thế Giới.

Kể từ khi Singapore cho phép làm món ăn từ côn trùng, một số nhà hàng đã bắt đầu thử sức. Một quán hải sản đã bắt đầu rắc dế lên món nướng xiên (satay) và mì Ý mực, hoặc phục vụ kèm cà ri đầu cá.

Dĩ nhiên, cũng có những quán chịu chơi hơn. Quán Takeo Cafe ở Tokyo đã phục vụ côn trùng cho khách hàng suốt 10 năm qua.

Thực đơn của quán bao gồm salad với hai con gián Madagascar trên lớp rau và cà chua bi, một muỗng kem lớn với ba con châu chấu nhỏ đậu trên đó, và thậm chí có cả cốc tai pha với rượu làm từ phân tằm.

"Điều quan trọng nhất là sự tò mò của [khách hàng]," ông Saeki Shinjiro, giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Takeo, cho biết.

Còn về môi trường thì sao? "Khách hàng không quan tâm nhiều lắm," ông nói.

Để đảm bảo an toàn, Takeo cũng có thực đơn không chứa côn trùng. "Khi thiết kế thực đơn, chúng tôi luôn chú ý không phân biệt đối xử với những người không ăn côn trùng... Một số khách hàng chỉ đi cùng bạn bè," ông Shinjiro chia sẻ.

"Chúng tôi không muốn những người như vậy cảm thấy khó chịu. Không cần phải ăn côn trùng một cách bất đắc dĩ."

Nguồn hình ảnh,BBC/Kelly NgChụp lại hình ảnh,Dế tẩm gia vị, một món ăn chơi từ công ty khởi nghiệp Global Bugs Asia của Thái Lan-Thụy Điển

Con người và thức ăn

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thế. Từ nhiều thế kỷ, côn trùng đã là nguồn thực phẩm quý giá ở các vùng khác nhau trên thế giới.

Ở Nhật Bản, châu chấu, tằm và ong bắp cày từng được ăn từ lâu tại những khu vực nội địa, nơi khan hiếm thịt và cá. Thói quen này xuất hiện trở lại trong thời kỳ thiếu lương thực vào Thế chiến II, theo quản lý Michiko Miura của Takeo.

Ngày nay, dế và tằm thường được bán như món ăn vặt tại các chợ đêm ở Thái Lan, trong khi thực khách ở Mexico City trả hàng trăm đô la để cho món ấu trùng kiến, một món ăn từng được người Aztec (đế chế cai trị khu vực này từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16) coi là cao lương mỹ vị.

Tuy nhiên, các chuyên gia về côn trùng lo ngại rằng những truyền thống ẩm thực này đang dần mai một dưới tác động của toàn cầu hóa, vì những người ăn côn trùng hiện nay thường liên hệ chế độ ăn này với nghèo đói.

Joseph Yoon, đầu bếp sống ở New York, cho biết ở những nơi có lịch sử ăn côn trùng lâu đời như châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, đang có một “cảm giác xấu hổ ngày càng tăng”. Ông nói: “Giờ đây khi họ có dịp xem các nền văn hóa nước ngoài qua internet thì họ cảm thấy xấu hổ về việc ăn côn trùng, vì đó không phải là thói quen ăn uống ở những nơi khác."

Trong cuốn sách Côn trùng ăn được và cuộc cách mạng của nhân loại (Edible Insects and Human Evolution), nhà nhân chủng học Julie Lesnik lập luận rằng chủ nghĩa thực dân đã làm sâu sắc thêm sự kỳ thị đối với việc ăn côn trùng. Bà viết rằng Christopher Columbus và các thành viên trong đoàn thám hiểm của ông đã mô tả việc người bản địa châu Mỹ ăn côn trùng là "thú tính... còn tệ hơn bất kỳ loài thú nào trên mặt đất".

Tuy nhiên, thái độ của con người có thể thay đổi. Trên thực tế, những món ngon như sushi và tôm hùm từng là khái niệm xa lạ đối với hầu hết mọi người.

Sushi ban đầu là một món ăn của tầng lớp lao động, được bán ở các quầy hàng trên đường phố. Và tôm hùm, được gọi là “gà của người nghèo”, từng được dùng để nuôi tù nhân và nô lệ ở vùng đông bắc nước Mỹ vì ở đây rất dồi dào, theo nhà nghiên cứu ẩm thực Keri Matiwck từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Nhưng khi các mạng lưới giao thông ra đời giúp việc di chuyển dễ dàng hơn và khả năng bảo quản thực phẩm được cải thiện, ngày càng có nhiều người biết đến loài giáp xác này. Khi nhu cầu tăng, giá cả và địa vị của tôm hùm cũng tăng theo.

Những loại thực phẩm từng được coi là "kỳ lạ", hoặc thậm chí không được coi là thực phẩm, có thể dần dần trở nên phổ biến, theo Tiến sĩ Matwick. “[Nhưng] niềm tin văn hóa cần thời gian để thay đổi. Sẽ mất một thời gian để thay đổi quan niệm rằng côn trùng là đáng ghê tởm và bẩn thỉu.”

Một số chuyên gia khuyến khích mọi người dạy con cái trở nên cởi mở hơn với các loại thực phẩm không phổ biến, bao gồm côn trùng, vì các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu.

Nguồn hình ảnh,Insects to Feed the WorldChụp lại hình ảnh,Singapore nằm trong số ít các quốc gia đang triển khai việc quản lý ngành công nghiệp côn trùng ăn được, với các ước tính về quy mô ngành dao động từ 400 triệu USD đến 1,4 tỷ USD.

Côn trùng có thể trở thành “siêu thực phẩm” của tương lai, được săn lùng như diêm mạch và các loại trái mọng. Chúng có thể được ăn một cách miễn cưỡng, thay vì được hào hứng tìm kiếm như món bít tết béo ngậy hay một tô mì ramen thơm ngon.

Hiện tại, đầu bếp Nicholas Low ở Singapore cho rằng không có gì thúc đẩy mọi người thay đổi chế độ ăn uống của họ, đặc biệt là những nơi giàu có, khi mà hầu như mọi thứ người ta muốn đều chỉ cần vài cú nhấp chuột.

Những người tiêu dùng trẻ tuổi có thể sẵn sàng thử côn trùng vì sự tò mò, nhưng sự mới mẻ sẽ nhanh chóng mất đi, ông nói. “Chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn. Chúng ta thích thịt là thịt và cá là cá.”

Kelly Ng
BBC News (08/09/2024)
Singapore
Link tham khảo:



Saturday, September 28, 2024

LỊCH SỬ THÚ VỊ CỦA PIZZA

Pizza là một trong những món ăn phổ biến ở Italy cũng như trên toàn thế giới.

Hoàng hậu Margherita và chiếc bánh pizza mà bà ưa thích

Pizza là một trong những món ăn phổ biến ở Italy cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự, cũng như ai là người đầu tiên làm ra nó thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số tài liệu cho rằng, lịch sử pizza trải dài từ thời cổ ở Ai Cập, La Mã và Hy Lạp.

Từ bánh mì hàng nghìn năm trước

Trong hàng nghìn năm, con người đã kết hợp các loại thảo mộc, gia vị, rau, nấm và thịt khác nhau để tạo ra những món ăn không chỉ với mục đích duy trì sự sống, mà còn làm cho chúng có hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Một số sự kết hợp này có thể cho ra đời món pizza. Tên món ăn này đã xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Gaeta (Italy) vào năm 997.

Ngược dòng lịch sử xa hơn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về bánh mì từ bột lên men được “nướng” trên đá cách đây khoảng 7.000 năm ở Sardinia. Dần dần, người cổ quyết định thêm hương vị bằng cách kết hợp dầu, rau, thịt và gia vị vào chiếc bánh dùng hằng ngày.

Theo Science Trends, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, những người lính Ba Tư dưới sự lãnh đạo của vua Darius I đã rắc đều chà là và pho mát lên bánh mì dẹt.

Trong khi đó, người Trung Quốc cổ đại có loại bánh hình tròn dẹt gọi là bing, còn Ấn Độ làm ra loại bánh mì tẩm chất béo có tên paratha. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy loại bánh mì dẹt tương tự ở các nền văn hóa Nam và Trung Á khác, với tên gọi roti và naan.

Các nhà sử học La Mã cổ đại từng ghi chép lại các món ăn trong nhiều tài liệu khác nhau. Vào thế kỷ thứ 3, Cato the Elder đã viết về một loại bánh mì dẹt tròn phủ lên đó rau thơm và ô liu. Vào thế kỷ thứ 5, Virgil cũng mô tả một món ăn tương tự.

Các nhà khảo cổ sau này đã tìm thấy những dụng cụ nấu nướng từ tàn tích của Pompeii, có thể được sử dụng để làm những món ăn tương tự pizza, nghĩa là chúng có niên đại ít nhất là từ vụ phun trào núi Vesuvius vào khoảng năm 72.

Đến pizza hiện đại

Hầu hết các nhà sử học ngày nay đều cho rằng bánh pizza hiện đại phát xuất ở Naples. Thành phố này bắt đầu tồn tại như một khu định cư của người Hy Lạp vào khoảng năm 600, nhưng đến thế kỷ 18 và 19, nó đã trở thành một vương quốc độc lập, dù thịnh vượng nhưng tỷ lệ người lao động nghèo vẫn cao.

Raffaele Esposito được cho là "cha đẻ" của bánh pizza hiện đại và tấm biển ghi nhớ nhân 100 năm ngày pizza ra đời.

Pizza được phát minh vào khoảng thời gian này. Carol Helstosky, Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Denver, tác giả cuốn sách Pizza: A Global History, giải thích rằng, những lao động nghèo ở Naples cần một bữa ăn rẻ tiền và có thể ăn nhanh chóng.

Pizza phục vụ tốt mục đích nêu trên. Người nghèo rất thích loại bánh mì phủ cà chua, pho mát, cá cơm, dầu và tỏi, trong khi đó, những người thuộc tầng lớp xã hội cao hơn tỏ ra kinh ngạc trước thói quen ăn uống mà họ cho là “kinh tởm” này.

Vào năm 1805, Napoléon chinh phục Naples và cai trị nó cho đến khi ông buộc phải thoái vị vào năm 1814. Mãi đến năm 1861, vương quốc này mới chính thức trở thành một thành phố của Italy.

Năm 1889, nhà vua Italy, Umberto I và hoàng hậu Margherita đến thăm Naples. Bà hoàng bày tỏ mong muốn được thưởng thức những món ăn đặc sắc của thành phố này. Đầu bếp hoàng gia đã giới thiệu Raffaele Esposito, chủ sở hữu cửa hiệu Pizzeria Brandi, người có biệt tài làm ra những chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn.

Esposito dâng lên hoàng hậu ba chiếc bánh: Pizza marinara (với tỏi), pizza với cá cơm và pizza có ba thành phần phủ cà chua, phô mai mozzarella và húng quế. Hoàng hậu rất thích chiếc bánh thứ ba nên Esposito đã đặt tên cho nó theo tên bà: Pizza Margherita.

Sau chuyến thăm của hoàng gia đến Naples, danh tiếng của Esposito đã đạt đến đỉnh cao, nhưng món ăn này đã không phổ biến ngay lập tức ở đất nước của ông ta. Trên thực tế, pizza đã phát triển mạnh ở Mỹ, trước khi cơn sốt pizza lan tràn khắp Italy.

Năm 1905, Gennaro Lombardi khai trương G. Lombardi’s trên phố Spring ở Manhattan, biến tiệm bánh của ông trở thành một trong những cơ sở kinh doanh bánh pizza có giấy phép đầu tiên ở Mỹ. Sau đó không lâu, các cửa hàng tương tự xuất hiện trên khắp New York, Chicago, Boston, New Jersey và bất kỳ nơi nào có những người Naples định cư.

Điều tương tự cũng xảy ra ở châu Âu. Những người nhập cư từ Naples đã mang theo món ăn yêu thích của họ đi khắp nơi. Sau Thế chiến thứ Hai, pizza không còn là món ăn “dân tộc” ở Mỹ nữa, và những người không phải gốc Naples đã vào cuộc, tạo ra phiên bản riêng theo ý thích của họ.

Vào những năm 1950, pizza tiếp tục chiếm lĩnh thế giới. Chủ hiệu bánh pizza, Rose Totino đã nảy ra ý tưởng tuyệt vời là bán pizza đông lạnh. Năm 1958, Pizza Hut đầu tiên được mở tại Wichita, Kansas.


Một năm sau, Little Caesar’s đầu tiên được khai trương tại Garden City, Michigan. Năm tiếp theo, đó là Domino’s ở Ypsilanti. Năm 1962, một người Canada gốc Hy Lạp tên là Sam Panopoulos tự nhận là người đã phát minh ra món Pizza Hawaii.

Tính đến năm 2022, thị trường pizza trên toàn thế giới là một ngành công nghiệp trị giá 141,1 tỷ USD. Chỉ riêng ở Mỹ, có hơn 75.000 địa điểm mở cửa hàng pizza, hơn một nửa trong số đó là cửa hàng độc lập.

Vào năm 2001, Pizza Hut đã gây ấn tượng khi giao một chiếc bánh pizza xúc xích đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Chỉ hơn một thập niên sau đó, các nhà khoa học do NASA tài trợ đã chế tạo một máy in 3D có thể cho ra chiếc bánh pizza trong một phút mười lăm giây. Đây là một phần của dự án sản xuất thức ăn cho các phi hành gia lên sao Hỏa.

Theo: GDTĐ

"MẮT QUỶ" - LỜI NGUYỀN GÂY CHẾT CHÓT TỪNG KHIẾN MỌI NGƯỜI SỢ HÃI RA SAO?

Theo tín ngưỡng và những lời kể truyền miệng, lời nguyền "mắt quỷ" có thể gây ra những tai họa đáng sợ.


Khi không may va phải một ai đó, rất có thể chúng ta sẽ nhận được những vẻ mặt cau có cùng ánh mắt đầy khó chịu kèm hàm ý đe dọa. Thông thường, không mấy ai để ý và sẽ cho qua, nhưng ở một số nơi, những ánh mắt “hình viên đạn” đó được dân gian gọi là “mắt quỷ” (the evil eye) và đi kèm với đó là hậu quả nghiêm trọng...

Lời nguyền có từ thời xa xưa

Theo các tài liệu ghi chép cổ cùng lời kể truyền miệng dân gian xưa, “mắt quỷ” là một dạng lời nguyền ám chỉ ánh mắt của con người có thể gây nên những đại họa cho người hay các sinh vật sống khác. Những tai họa do “mắt quỷ” gây nên có thể chỉ là những trận ốm, tai nạn “kì lạ” nhưng cũng có thể dẫn đến sự chết chóc.

Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Alan Dundes, lời nguyền “mắt quỷ” được che giấu dưới dạng lời khen tặng, khiến nạn nhân mất cảnh giác, sau đó được ếm khi nhìn vào mắt.

Ảnh minh hoạ.

Triệu chứng của việc bị nguyền ám bao gồm chán ăn, mệt mỏi hay ngáp, hoặc ốm nặng. “Mắt quỷ” cũng có thể ám lên động vật hoặc cây cối khiến gia súc gầy đi, bò kiệt sữa, cây cối đột nhiên chết… Thậm chí, những tòa nhà hoặc phương tiện vận chuyển cũng có thể bị ếm: ô tô, xe máy bất ngờ bị hỏng vĩnh viễn, nhà nhanh chóng xuống cấp, bị dột hoặc bị côn trùng, giòi bọ xâm lấn… Vậy nguồn cội của "mắt quỷ" là từ đâu?

Ngược dòng lịch sử...

Theo một số tài liệu cổ xưa, “mắt quỷ” đã được người Hy Lạp và La Mã cổ đại nhắc đến nhiều trong kinh Koran (Kinh Thánh của người Hồi giáo). Thậm chí, "mắt quỷ" cũng được đề cập tới trong kịch của Shakespeare.

Người xưa tin, “mắt quỷ” là một dạng trù ếm, hình thành từ những đố kỵ, ghen ghét, thèm khát của con người. Nó nhập vào ai đó và rồi thông qua đôi mắt - nơi được coi là cửa sổ tâm hồn, bắt đầu lan tỏa, tạo nên những bệnh dịch không rõ nguyên nhân và không thể chữa khỏi. Đó được coi là những đôi mắt chứa đầy tai họa.

Ảnh minh hoạ.

Người xưa đặc biệt tin vào “sự nguyền rủa” (thậm chí con người hiện đại ngày nay cũng vậy). Bất kỳ sự kiện xấu nào như ốm chưa rõ nguyên nhân, tai nạn bất ngờ… đều có thể được đổ lỗi cho sự nguyền rủa. Những lời nguyền, trong đó có “mắt quỷ” được coi là nguyên nhân kinh điển cho câu hỏi vì sao người ở hiền lại phải hứng chịu điều xấu, tai ương.

Ngay cả ngày nay, người Mexico vẫn đang lưu truyền câu chuyện của bé Chita - một cô bé dễ thương và ngoan ngoãn. Nhưng đến một ngày, một người phụ nữ vóc người nhỏ bé đã đến bên cô và nói: “Cô bé dễ thương quá, hãy cho phép ta được chạm vào tóc và đôi mắt của bé”.

Ảnh minh hoạ.

Mẹ Chita đã không cho và người phụ nữ bỏ đi, nhưng ngay hôm sau cô bé bị ốm, sốt rất cao. Các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân, cho đến khi một nữ phù thủy tiết lộ “cô bé đã bị ám bởi mắt quỷ”, đồng thời tiến hành giải hạn cho cô bé.

Cách phòng tránh “mắt quỷ” và chống lại lời nguyền

Trẻ em và trẻ sơ sinh được cho là những đối tượng dễ bị “mắt quỷ” ám nhất. Một số nước như Hy Lạp, Rumani, hoặc Ấn Độ đưa ra vài quy định cấm kỵ là khen ngợi trẻ em một cách công khai ở chốn đông người.

Lý do là bởi điều này có thể thu hút những ánh “mắt quỷ” đầy ghen ghét và thù hằn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn khen ngợi những đứa bé đó, bạn có thể bắt đầu lời khen bằng lời lẽ tôn kính đến Chúa Trời vì đó được xem là một hành động khiêm nhường. Một nền văn minh cổ đại thuộc vùng Lưỡng Hà dùng chiếc mặt dây chuyền bằng hồng ngọc như một lá bùa ngăn "mắt quỷ".

Ảnh minh hoạ.

Vào thời xưa, “mắt quỷ” lộng hành đến nỗi dường như không ai dám khen tặng nhau. Họ tin rằng, bất kỳ ai cũng có thể mang “mắt quỷ” và dù cho họ không hề mang chủ ý xấu nhưng rất có thể, họ sẽ ếm lời nguyền ngay cả khi bản thân người đó không hề biết.

Ngay cả đến một cái nheo mắt, hoặc những người có tật ở mắt cũng khiến tất thảy mọi người lo sợ. Với nhiều người, niềm tin này có thể vô hại, nhưng biết đâu nó sẽ gây nguy hiểm cho người thân mình.

Nếu một người bị buộc tội là ếm “mắt quỷ” lên người khác, khả năng người đó bị tấn công, đánh đập tàn bạo, trả thù, thậm chí giết chết rất cao. Và vì quá lo sợ, mọi người tìm cách chống lại "mắt quỷ" bằng những phương pháp khác kì quặc.

Bức khảm mô tả lại một vài loại bùa chú chống lại "mắt quỷ" ở thời La Mã.

Một phương pháp được đưa ra đó là để xua đuổi “mắt quỷ”, khi một đứa trẻ được khen tặng, bố mẹ chúng sẽ yêu cầu người khen phải nhổ nước bọt… vào mặt bé. Họ tin rằng, hành động này sẽ khiến đứa bé từ đang được ngợi khen, bị hạ thấp nhân phẩm trầm trọng. Nó sẽ làm cho “mắt quỷ” không còn cớ để ám nữa.

Nhưng “phòng hơn chống”, cách tốt nhất để chống lại lời nguyền “mắt quỷ” chính là tránh nó. Mỗi nơi có phương pháp phòng tránh “mắt quỷ” khác nhau, tùy theo văn hóa, vị trí địa lý và sở thích cá nhân.

Người Ý dùng loại bùa đeo cổ làm bằng bạc, có hình dáng nắm tay hoặc bàn tay đang bắt quyết.

Tại Hy Lạp, người ta sử dụng bùa hộ mệnh, mang màu xanh lam - màu sắc tượng trưng cho thiên đường hoặc thần thánh và biểu tượng con mắt. Người Ý sử dụng hai loại bùa đeo cổ làm bằng bạc, có hình dáng nắm tay hoặc bàn tay đang bắt quyết.

Còn người Ấn Độ sử dụng bùa làm từ những sợi dây gắn đá xanh, được đeo cho trẻ sơ sinh. Bùa mê, thuốc phép, thần chú cũng được sử dụng phổ biến. Một số nơi sử dụng tỏi để ngăn quỷ dữ và nhiều người tin rằng, thậm chí chỉ cần nói từ “garlic”- tỏi là đủ để bảo vệ bản thân trước “mắt quỷ”.

Bên cạnh đó, nhiều tài liệu cũng chỉ ra cách để bạn có thể áp dụng "trừ tà" nếu ai đó đã bị “mắt quỷ” ám. Thông thường nhất, người ta nhờ cậy đến những Shaman- thầy phù thủy, thầy bói hay những nhà ngoại cảm để hóa giải lời nguyền.

Tạm kết

Những câu chuyện về "mắt quỷ" vẫn xuất hiện, nhưng ngày nay, mức độ ám ảnh về nó không còn quá nghiêm trọng như trước, mặc dù ở một số nơi dân trí thấp trên thế giới vẫn có trường hợp người bị thiêu sống vì nghi là phù thủy. Thông thường, để bảo vệ mình, nhiều người thường mang bùa hộ mệnh có hình con mắt bởi họ cho rằng, chiếc bùa đó sẽ giúp họ chống lại lời nguyền từ "mắt quỷ".

Ảnh minh hoạ.

Tất nhiên, tryuyền thuyết thì vẫn chỉ đơn thuần là truyền thuyết và những lời kể dân gian sẽ bị "xáo trộn" và mai một đi nhiều. Nhưng xét cho cùng, niềm tin này cũng không gây hại gì và ta có thể coi đây là cách người xưa sử dụng nhằm hóa giải những ánh mắt thù địch, đố kỵ, ghen ghét, để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.

PV / Theo: Dân Việt



VỌNG GIANG NAM - ÂU DƯƠNG TU


Vọng Giang Nam - Âu Dương Tu

Giang Nam liễu,
Diệp tiểu vị thành âm.
Nhân vị ty khinh na nhẫn sách,
Oanh hiềm chi nộn bất thăng ngâm.
Lưu trước đãi xuân thâm.
Thập tứ ngũ,
Nhàn bão tỳ bà tầm.
Giai thượng bá tiền giai hạ tẩu,
Nhẫm thì tương kiến tảo lưu tâm.
Hà huống đáo như kim.


望江南 - 歐陽修

江南柳,
葉小未成陰。
人為絲輕那忍拆,
鶯嫌枝嫩不勝吟。
留著待春深。
十四五,
閒抱琵琶尋。
階上簸錢階下走,
恁時相見早留心。
何況到如今。


Nhớ Giang Nam (Dịch thơ: Yến Lan)

Giang Nam liễu
Lá nhỏ bóng chưa râm
Mảnh khảnh mầm xanh ai nỡ bẻ
Cành non oanh cũng né ca ngâm
Chờ đến tiết xuân thâm
Tuổi mười bốn
Ôm lòng tỳ bà, đàn
Nhà trên nghịch tiền, nhà dưới trốn
Gặp nhau ngày ấy đã lưu tâm
Huống nữa đến hôm nay


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Âu Dương Tu 歐陽修 (1007-1072) tự Vĩnh Thúc 永叔, người huyện Lư Lăng tỉnh Giang Tây, ông là một vị cổ văn gia, lịch sử học gia có tiếng, lại là một thi nhân tài tình phong phú. Ông hiện còn lại "Lục nhất từ" 3 quyển.

Nguồn: Thi Viện



KHI NGƯỜI TA GIÀ ĐI, CÁCH SỐNG TỐT NHẤT CHỈ CÓ MỘT TỪ: THUẬN!

Có một người đã nói: “Trên đời khó lưu lại nhất chính là vẻ đẹp của sắc đẹp và vẻ đẹp của hoa”. Thời gian chầm chậm trôi, cuộc đời dần già đi, tuổi thanh xuân trôi đi mãi mãi không bao giờ quay trở lại. Trên đường đi, ta giống như đang chèo thuyền ngược dòng, ta đã nhìn thấy những cơn gió mạnh và những con sóng, đồng thời cũng trải nghiệm được thế giới khó khăn đến nhường nào. Vì vậy, khi về già, con người nhất định phải thiện đãi với chính bản thân mình, học cách sống thuận với tự nhiên và an tâm tự tại hưởng thụ tuổi già. Đạt đến được trạng thái thuận tai, thuận mắt, thuận miệng, thuận thân và thuận tâm, bạn mới có thể sống một cuộc sống êm đềm, thuận buồm xuôi gió.

Khi người ta già đi, cách sống tốt nhất chỉ có một từ: thuận!
 
1. Thuận tai: có thể nghe được

“Luận ngữ của Khổng Tử” nói: “Sáu mươi mà thuận tai”, có ý nghĩa là đã trải qua mấy chục năm ở thế gian và trải qua bao thăng trầm. Có khả năng bao dung, nhẫn nại những gì người khác nói cho dù đó là tốt hay xấu. Bởi vì tâm linh và trí tuệ của một người có xu hướng trưởng thành theo tuổi tác và kinh nghiệm. Khi ta còn trẻ, hầu hết những rắc rối và nỗi buồn trong cuộc sống đều đi từ tai mà vào. Khi ai đó nói xấu, bắt nạt, làm nhục, cười nhạo tôi, hay nói dối tôi, tôi sẽ trở nên tức giận đến mức ước gì có thể bịt tai lại. Nhưng khi đến một độ tuổi nhất định, tâm trí bạn trở nên rộng mở hơn và bao dung hơn với mọi người. Khi người khác đưa ra những lời khuyên hữu ích và những lời phê bình có thiện chí, hãy lắng nghe với tinh thần cởi mở mà không tỏ ra cứng đầu hay bảo thủ. Ngay cả khi đã nghe thấy những lời xúc phạm, bản thân cũng sẽ không còn kích động và quá coi trọng nó, thay vào đó mình sẽ quên nó đi và cười trừ. Bởi vì quãng đời còn lại của bạn rất ngắn ngủi, thế giới thuộc về bạn và không liên quan gì đến người khác. Chỉ khi giữ được sự bình yên và tĩnh lặng trong tâm hồn, bạn mới có thể bắt gặp những phong cảnh đẹp nhất trên con đường về già của mình.


2. Thuận mắt: có thể nhìn rõ

Khổng Tử nói: “Người quân tử hòa hợp nhưng khác biệt”. Trên đời không có hai chiếc lá giống hệt nhau. Ngày xưa, chúng ta luôn kiêu ngạo và thích dùng tiêu chuẩn của mình để đòi hỏi và đo lường người khác. Cuối cùng, tôi không thích tất cả mọi người và muốn chỉ trích mọi thứ tôi gặp phải, điều này khiến tôi không vui. Khi trưởng thành tôi nhận ra rằng mỗi người đều có cách sống riêng. Đối với những người hoặc sự vật mà bạn không thể hiểu được, bạn nên nhìn họ với ánh mắt bao dung, học cách chấp nhận và nhìn khác đi. Không chỉ vậy, chúng ta cũng nên nhìn vào mặt tốt đẹp, tích cực của cuộc sống và tránh xa mặt tiêu cực, bi quan. Khi trong mắt luôn có lá xanh và hoa đỏ, bạn có thể khiến mọi người như một làn gió xuân, cảm thấy mãn nguyện và tận hưởng tuổi già.

3. Thuận miệng: có thể ăn được

Tục ngữ có câu: “Được ăn là một phước lành”. Miệng thuận, được ăn ngon là phước lành lớn nhất đối với người về già. Nhưng nhiều người cao tuổi không muốn ăn uống, chất lượng cuộc sống không hề cao. Họ luôn tâm niệm rằng có nhiều tiền tiết kiệm hơn thì cuộc sống hưu trí của mình sẽ an toàn và đảm bảo hơn. Nhưng nếu bạn ăn không ngon, số tiền bạn tiết kiệm được sẽ là liều thuốc cho tương lai. Nếu vì một việc nhỏ mà mất đi một điều lớn lao thì chắc chắn bạn sẽ hối hận. Một số người già trải qua những ngày trầm cảm, lo lắng cho con cái, chán nản về tuổi già khiến tâm trạng không vui và không thể ăn ngon. Ăn uống không điều độ sẽ không tốt cho dạ dày và ruột, tổn hại đến cảm xúc và cuối cùng hành hạ cơ thể. Đừng coi thường mọi bữa ăn, đừng đối xử tệ bạc với cơ thể, hãy ăn uống điều độ, nuôi dưỡng bản thân, có nguồn vật chất dồi dào, tinh thần bình yên và sống trong hiện tại, đó là cách sống tốt nhất trong những năm cuối đời.


4. Thuận thân: có khả năng di chuyển

Cuộc sống chỉ có vận động mới có thể chống lại lão hóa và sống khỏe mạnh. Một số người, ngay cả những người kiên quyết tập thể dục, ngay cả ở độ tuổi bảy mươi hay tám mươi, họ vẫn có thể chạy bộ hay đi dạo trong công viên khi họ thức dậy vào sáng sớm. Và một số người ít vận động và mắc bệnh, họ chỉ có thể ở trong bệnh viện và nhìn thế giới bên ngoài qua cửa sổ. Tập thể dục và không tập thể dục dẫn đến cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Ở tuổi già, thân thể là vốn liếng lớn nhất; sức khỏe là của cải đắt giá nhất. Thay vì ghen tị với thân hình đẹp của người khác, tốt hơn hết bạn nên bắt đầu tập thể dục ngay bây giờ. Có thể không có tác dụng rõ ràng một hoặc hai lần, nhưng hãy kiên trì và biến việc tập thể dục thành thói quen. Mỗi giọt mồ hôi bạn đổ ra chính là liều thuốc chống lão hóa tốt nhất và mang đến cho bạn những điều bất ngờ.

5. Thuận tâm: Có thể hiểu được

Bạn phải biết rằng trên thế giới này, không có trở ngại nào không thể vượt qua và không có nút thắt nào không thể tháo gỡ được. Mọi rắc rối dù vui hay buồn, cay đắng hay ngọt ngào rồi cũng sẽ qua. Những chuyện lớn khiến bạn mệt mỏi, những điều khó khăn khiến bạn cau mày sẽ trở thành những chuyện tầm thường, không còn gì đáng nhắc đến một khi bạn đã vượt qua được. Hãy dành thời gian thư giãn đầu óc, xem nhẹ mọi việc, sống vui vẻ là những thái độ tốt nhất cho quãng đời còn lại của bạn.

Khi già đi, không bệnh tật, không lo nghĩ, thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng như tiếng chim hót mùa xuân (ảnh: Pinterest)

Thời gian không thể đuổi theo, năm tháng không thể giữ lại. Thời gian trôi qua, khi một người già đi, người đáng trách nhất chính là chính mình. Trong suốt quãng đời còn lại, bạn phải sống thật suôn sẻ và chăm sóc thật tốt cho cơ thể cũng như tâm trạng của mình, điều này quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.

Cổ nhân nói: “Sống chết có số, phú quý do trời”, bởi vậy hết thảy sự tình trong cuộc sống thuận theo tự nhiên là lựa chọn tốt nhất. Con người sở dĩ phiền não phần lớn đều là vì lo được lo mất, hoặc là canh cánh trong lòng một số sự tình nào đó. Người ta thông thường đều là ở trong cường điệu bản thân quá mức hoặc truy cầu quá nhiều rồi không đạt được mà đánh mất đi sự khoái hoạt, tường hòa vốn có, mà rơi vào đau khổ.

Đăng Dũng biên dịch
Nguồn: aboluowang