Năm 1978, khi mới 10 tuổi, Nguyễn Thanh Việt thường nhìn thấy những dòng chữ trên cửa sổ: “Lại thêm một người Mỹ mất việc vào tay người Việt Nam”. Cha của Việt, một người tị nạn chiến tranh Việt Nam, vừa khai trương cửa hàng tạp hóa thứ hai của gia đình.
Dòng chữ “Tôi là người Mỹ” được treo trước cửa một tiệm tạp hóa tại Oakland, California. Chủ tiệm, một người Mỹ gốc Nhật, hy vọng đây là cách giúp ông tránh bị kỳ thị đối xử. Ảnh chụp vào năm 1944, thời điểm Mỹ và Nhật đối đầu trong Thế chiến II. Nguồn: Library of Congress/ Corbis/ VCG/ Getty Images.
“Đó là một câu chuyện được lặp đi lặp lại trong lịch sử nước Mỹ”, Nguyễn Thanh Việt, nay đã 50 tuổi và là một nhà văn đoạt giải Pulitzer, nhận xét.
“Những người hiểu rõ lịch sử của người Mỹ gốc Á biết rằng từ lúc dân di cư châu Á đặt chân đến đây, họ đã là nạn nhân bị tấn công bạo lực”.
Vì sao hiện nay vấn đề kỳ thị người gốc Á lại bùng lên?
Ngày 19/3/2021, một người đàn ông da trắng bắn chết tám người tại Atlanta, trong đó sáu nạn nhân là phụ nữ gốc Á. Các nhà điều tra chưa kết luận về nguyên nhân thảm sát, nhưng vụ việc này đã làm bùng lên sự phản đối về vấn nạn kỳ thị người gốc Á trong dịch bệnh vừa qua.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Mỹ, số lượng các vụ kỳ thị chống lại người gốc Á ở Mỹ gia tăng nhanh chóng. Điều này khiến người ta nhớ đến sự kiện năm 1900, khi dịch hạch bùng phát ở San Francisco, làn sóng kỳ thị chống người gốc Á cũng nổi lên.
Các chính trị gia và giới truyền thông đóng vai trò không nhỏ trong việc kích động tâm lý kỳ thị của người dân.
Theo một nghiên cứu đăng trên American Journal of Public Health tháng 3/2021, sau khi Donald Trump dùng hashtag #chinesevirus (virus Trung Quốc) lần đầu tiên trên Twitter ngày 16/3/2020, từ khóa này trở thành số một ngay tuần tiếp theo.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những người sử dụng hashtag trên thường đăng kèm các nội dung khác thể hiện sự thù ghét đối với người gốc Á, nhiều hơn hẳn so với người đăng các hashtag khác nói về dịch bệnh, như #covid-19.
Vào ngày 18/3/2021, tại San Francisco, một người Mỹ gốc Hoa có tên Xiao Zhen Xie, 76 tuổi, bị một thanh niên da trắng 39 tuổi tấn công. Bà Xie đã đánh trả và khiến kẻ tấn công phải nhập viện. Trước đó, người thanh niên da trắng này đã tấn công một người Mỹ gốc Việt khác có tên Ngoc Pham, 83 tuổi. Ảnh: Mashable.
“Việc này tô đậm suy nghĩ rằng dịch bệnh là lỗi của người Hoa”, giáo sư dịch tễ học Yulin Hswen của Đại học California, một tác giả của nghiên cứu, nói.
“Nó bình thường hóa thái độ phân biệt chủng tộc. Từ đó, các niềm tin này có thể bị nhấn sâu thêm và ảnh hưởng đến các hành vi ngoài đời”.
Theo ghi nhận của dự án Stop AAPI Hate (Chấm dứt thù ghét chống lại người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương), từ tháng 3/2020 đến hết năm 2020, có 2.808 báo cáo về các hành vi kỳ thị đối với người gốc Á.
Trong năm 2020, các vụ tấn công thù địch đối với người gốc Á tại các thành phố lớn của Mỹ tăng 150% so với năm 2019, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Thù hận và Cực đoan.
Người cao tuổi gốc Á là nạn nhân thường xuyên của bạo lực do kỳ thị. Đầu năm nay, một người Mỹ gốc Thái 84 tuổi đã chết sau khi bị đẩy ngã xuống đất. Một người Mỹ gốc Philippines 61 tuổi ở New York thì bị chém bằng dao rọc giấy. Một phụ nữ gốc Hoa 89 tuổi ở New York bị tát rồi châm lửa thiêu. Đó chỉ là vài trường hợp trong số những hành vi tấn công bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã thừa nhận sự tồn tại của vấn đề kỳ thị người gốc Á trong đại dịch. Các nhà lãnh đạo này kêu gọi người Mỹ đừng im lặng, thay vào đó hãy lên tiếng chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
Người gốc Á ở Mỹ bị kỳ thị từ bao giờ?
Từ khi những người lao động nhập cư châu Á đầu tiên đặt chân đến Mỹ.
Người châu Á tìm đến Mỹ để thoát cảnh chiến tranh, nạn đói và hy vọng làm giàu. Nhưng họ lại trở thành nô lệ lao động, bị chèn ép, bóc lột, lừa dối, thù ghét và thậm chí sát hại không thương tiếc.
Từ những năm 1850, cơn sốt vàng và nhu cầu lao động giá rẻ đã đưa người Trung Quốc tới California và các bang phía Tây của nước Mỹ. Làm những công việc nặng nhọc mà người bản xứ không muốn làm, những người thợ mỏ, công nhân xây dựng Trung Quốc đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng cơ sở vật chất tại vùng đất mới.
Những người thợ mỏ tại California vào năm 1852. Các công nhân đến từ Trung Quốc (bên phải) làm việc bên cạnh những người da trắng địa phương. Ảnh: Getty Images.
Khoảng 15.000 người Hoa đã giúp xây lên tuyến đường sắt xuyên lục địa. Họ ngủ trong lều và được trả lương thấp hơn người Mỹ.
Tới năm 1870, có đến 20% lực lượng lao động bang California là người Hoa, mặc dù họ chỉ chiếm 0,002% dân số nước Mỹ. Gần như ngay lập tức, khẩu hiệu “Người Trung Quốc tới cướp việc làm của chúng ta” được xướng lên. Họ còn bị gọi là “Họa da vàng” (Yellow peril) do bị coi là không sạch sẽ, dễ truyền bệnh.
Mô tả về những người lao động di cư này, Denis Kearney, người thành lập Đảng Người lao động California, viết:
“Những lao động rẻ mạt này có mặt ở mọi nơi. Họ mặc ít quần áo và toàn đồ rẻ. Họ ăn gạo từ Trung Quốc. 20 người nhồi trong một phòng chưa tới 10 mét vuông. Họ là những kẻ mạt hạng, thường bị ăn đòn, khom nhom dễ bảo, bần tiện, đáng khinh và chỉ biết phục tùng”.
Năm 1854, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng người gốc Á không được làm chứng chống lại người da trắng trước tòa. Phán quyết mở đường cho các vụ tấn công và phân biệt đối xử tàn bạo với người gốc Á.
Sau cái chết của một người da trắng tại khu người Hoa năm 1871, người Mỹ da trắng và gốc Tây Ban Nha tiến hành một cuộc trả thù tàn bạo. Ít nhất 17 đàn ông và trẻ em trai người Hoa bị giết. Xác họ bị treo lên khắp phố. Không ai trong số hung thủ bị trừng phạt.
Cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó đã thổi bùng thêm ngọn lửa kỳ thị những người bị coi là ăn cướp công ăn việc làm của dân Mỹ. Tình hình tệ đến mức năm 1882, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Loại bỏ người Hoa (Chinese Exclusion Act), cấm người Trung Quốc tới Mỹ và không cho người Hoa đang ở Mỹ trở thành công dân.
Mãi tới năm 1943, khi chính phủ Mỹ ra lệnh tống giam người gốc Nhật thì luật cấm người Hoa mới bị hủy bỏ. Những người cấp tiến da trắng vận động bỏ luật này không phải vì yêu quý người Hoa mà để ủng hộ một liên minh chống Nhật và phe Trục phát xít.
Một bức tranh vào năm 1885, mô tả cảnh thợ mỏ Trung Quốc chạy trốn khi bị thợ mỏ da trắng cầm vũ khí tấn công. Các công nhân da trắng cáo buộc họ cướp việc làm của người địa phương. Ảnh: Library of Congress/ Washington Post.
Năm 1900, dịch hạch bùng phát ở San Francisco, nhiều khả năng bắt nguồn từ một tàu buôn Úc. Nhưng nạn nhân đầu tiên là một người Hoa và cả cộng đồng bị đổ tội. Trong một đêm, cả khu phố Tàu bị cảnh sát bao vây, cấm cư dân, trừ người da trắng, ra vào. Người Hoa còn bị cảnh sát tùy tiện khám nhà và đập phá đồ đạc.
Sau đạo luật cấm dân nhập cư Trung Quốc, một lượng lớn lao động Nhật Bản cùng một số ít người Triều Tiên và Ấn Độ đã tới Mỹ để thay thế vị trí lao động lương thấp. Làn sóng bài người Nhật lại nổi lên. Tới năm 1907, Mỹ ký với Nhật Hiệp ước Quý ông (Gentleman’s Agreement) nhằm hạn chế người nhập cư Nhật Bản.
Các lao động đến từ Ấn Độ cũng không thoát. Người địa phương gọi làn sóng người Ấn tới Mỹ là “cuộc xâm lược Hindu”, hay “cơn thủy triều khăn Turbans” (loại khăn mà người theo đạo Sikh của Ấn Độ đội). Năm 1917, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Nhập cư, theo đó cấm toàn bộ người nhập cư từ các vùng được chỉ định ở châu Á và các đảo ở Thái Bình Dương.
Tới năm 1924, Quốc hội Mỹ tiếp tục thông qua đạo luật siết chặt quy định nhập cư, dựa trên hạn ngạch phân bổ theo tỷ lệ nguồn gốc quốc tịch đang có trong tổng số dân. Ngoại trừ Philippines đang là lãnh thổ thuộc Mỹ, tất cả người nhập cư từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều không được tới Mỹ, không có quyền trở thành công dân nếu đã ở Mỹ, bị cấm kết hôn với người da trắng và sở hữu đất đai.
Với nguồn lao động giá rẻ khác bị cắt đứt, hàng ngàn người Philippines ồ ạt nhập cảnh tới các bang phía Tây của Mỹ để thế chân làm các công việc nặng nhọc chân tay. Nhưng họ cũng không được yên. Khủng hoảng kinh tế năm 1929 lại làm dấy lên phong trào bài ngoại cực đoan, chống lao động Philippines. Sau đó, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Philippines Độc lập năm 1935, trao trả quyền độc lập cho Philippines, đồng thời hạn chế số người nhập cư từ nước này xuống chỉ còn 50 người một năm.
Mãi tới năm 1952, Mỹ mới chấm dứt các luật cấm người châu Á nhập cư, cho phép người gốc Á nhập tịch. Tuy vậy, quy định phân biệt chủng tộc áp đặt hạn ngạch người nhập cư dựa trên tỷ lệ nguồn gốc dân số đang có vẫn tồn tại.
Vậy là trong nửa thế kỷ từ năm 1882 đến 1935, ba làn sóng nhập cư đầu tiên từ châu Á tới Mỹ đều bị ngăn chặn. Những người đã có mặt thì không được phép trở thành công dân Mỹ.
Tới tận năm 1965, có thể nói chính quyền Mỹ mới xóa bỏ ý tưởng rằng “Mỹ là một quốc gia da trắng” khi thông qua Đạo luật Nhập cư và Nhập tịch mới (The Immigration and Naturalization Act of 1965). Đạo luật này xóa bỏ hệ thống hạn ngạch nhập cư theo sắc tộc, thay vào đó là hệ thống nhập cư tạo điều kiện cho việc đoàn tụ gia đình và thu hút lao động tay nghề cao tới Mỹ.
Một gia đình người Nhật tại Mỹ buộc phải rời khỏi nơi ở của mình và bị đưa vào trại tập trung vào năm 1942. Ảnh: AP.
Một trong những sự kiện thường được nhắc đến để minh họa cho lịch sử kỳ thị mà người gốc Á phải đối mặt là việc người gốc Nhật ở Mỹ bị dồn vào trại tập trung trong Thế Chiến II.
Năm 1941, sau khi Nhật tấn công Mỹ ở Trân Châu Cảng, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt ký Sắc lệnh 9066, tống giam hàng ngàn người Mỹ gốc Nhật vào trại tập trung do nghi ngờ họ làm gián điệp cho kẻ thù. Không tên gián điệp nào được tìm thấy. Người gốc Nhật trở về sau trại tập trung thì thấy tài sản của họ bị đập phá hoặc tịch thu.
Người Việt tại Mỹ cũng là nạn nhân quen thuộc bị kỳ thị.
Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, nhiều người Việt tới Mỹ tị nạn. Khi cộng đồng người Việt đông lên thì khẩu hiệu “người Việt cướp việc làm của người Mỹ” lại nổi lên. Năm 1979, sau khi nổ ra các vụ ẩu đả giữa ngư dân gốc Việt và người da trắng ở Texas, tàu bắt tôm của người Việt bị đốt, một xưởng nơi nhiều người Việt làm việc trở thành mục tiêu đánh bom. Năm 1981, đảng phân biệt chủng tộc 3K (Ku Klux Klan) tuyên bố gây chiến để tiêu diệt người Việt ở đây.
Nước Mỹ có “sửa sai” không?
Có. Nước Mỹ dần dần thừa nhận lịch sử phân biệt chủng tộc người châu Á của mình. Các đạo luật nhập cư dựa trên chủng tộc và nguồn gốc đều bị hủy bỏ.
Năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan công khai xin lỗi và bồi thường 20.000 USD một người cho những nạn nhân người gốc Nhật còn sống sau các trại tập trung trong Thế Chiến II. Tòa án Tối cao hủy bỏ phán quyết cho phép lập các trại tập trung này vào năm 2018. Bang California xin lỗi người Mỹ gốc Nhật vào đầu năm 2020.
Năm 2011, Thượng viện Mỹ chính thức xin lỗi về Đạo luật Loại bỏ người Hoa. Năm 2012, Hạ viện làm điều tương tự.
Tuy nhiên, phần lịch sử này lại hiếm khi được dạy trong trường học.
Tranh của họa sĩ gốc Á Amanda Phingbodhipakkiya tại một trạm tàu điện ngầm ở Brooklyn, New York. Các nhân vật gốc Á xuất hiện với thông điệp “đây cũng là nhà của chúng tôi”. Ảnh chụp tháng 1/2021. Nguồn: STRF/STAR MAX/IPx.
Adrian De Leon, trợ lý giáo sư ngành Hoa Kỳ học và Sắc tộc học tại Đại học Nam California nói:
“Một phần của vấn đề là những người nói rằng chuyện này [phân biệt chủng tộc] không thể nào xảy ra ở Mỹ. Phần còn lại, những cộng đồng phải chịu đựng kỳ thị thì biết nó có tồn tại. Việc cố ý khuyến khích cho tình trạng thiếu hiểu biết về lịch sử này là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa thượng đẳng bản địa, phân biệt chủng tộc và bạo lực sinh sôi”.
Vì sao vấn đề phân biệt chủng tộc người gốc Á ít được quan tâm?
Có ba lý do:
– Người gốc Á thuộc nhóm thiểu số tại Mỹ, số lượng ít hơn nhiều so với người da đen. Trong cơ cấu dân số Mỹ 2019, người da đen chiếm tỷ lệ 13,4% trong khi người gốc Á là 5,9%. Con số nhà lập pháp da đen trong Quốc hội hiện tại là 59, gấp hơn ba lần tổng số nhà lập pháp gốc Á (17 người). Vấn đề người gốc Á bị kỳ thị ít nhận được sự quan tâm hơn so với vấn đề kỳ thị người da đen.
– Tính cách cam chịu và không muốn làm to chuyện của người gốc Á, nhất là thế hệ thứ nhất tới Mỹ. Theo một nghiên cứu của Pew Research năm 2012, khoảng 20% người gốc Á nói rằng trong một năm trước đó họ bị đối xử bất công vì lý do sắc tộc. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy chỉ 13% người gốc Á cho rằng phân biệt chủng tộc với người châu Á ở Mỹ là vấn đề lớn, 48% coi đó là vấn đề nhỏ và 35% cho rằng đó không phải là vấn đề. Những người lớn tuổi gốc Á hiếm khi báo cáo trải nghiệm bị phân biệt đối xử.
– Người gốc Á bị rập khuôn là “thiểu số kiểu mẫu”, tức là một nhóm người tự lực vươn lên thành công về giáo dục và kinh tế mà không cần chính phủ trợ giúp.
Người Mỹ gốc Á biểu tình chống kỳ thị chủng tộc trong đại dịch ngày 12/3/2021. Ảnh: AP Photo/ Steven Senne.
Theo nhà văn Nguyễn Thanh Việt, nhiều người không nhận thức được người gốc Á là một tập hợp rất đa dạng. “Có rất nhiều người gốc Á nghèo, nhiều người gốc Á sống trong điều kiện kinh tế dễ tổn thương và dễ trở thành đối tượng cho bạo lực sắc tộc”.
Trên thực tế, thiểu số kiểu mẫu là một cụm từ được nhào nặn ra để đối phó với phong trào đòi quyền lợi của người da đen những năm 1960. Trong thời gian này, các học giả da trắng quay ra ca ngợi người gốc Á là nhóm sắc tộc thành công nhờ chăm chỉ làm việc, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm mà không phải đòi quyền lợi hay phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ.
Việc này đạt được hai mục đích. Một là ngăn cản động lực đòi hỏi quyền lợi và công lý xã hội của người da đen. Khi đặt một nhóm thiểu số cũng từng bị kỳ thị lên bục thành công nhờ nỗ lực cá nhân mà không ca thán, chỉ trích thể chế hay đòi hỏi thêm phúc lợi, câu hỏi ẩn đằng sau là “vì sao các bạn lại không làm được vậy?”.
Thứ hai, việc này tránh cho chính quyền phải quan tâm đến các vấn đề của người gốc Á và khiến các nhóm thiểu số này không liên kết với nhau trong cuộc vận động đòi công lý chống phân biệt chủng tộc.
Suốt 50 năm qua, quan niệm sai lầm về “thiểu số kiểu mẫu” đã đóng đinh trong ý thức của người Mỹ.
“Việc mô tả người Mỹ gốc Á là những người thành công cho phép công chúng, các quan chức chính phủ và ngành tư pháp phớt lờ hoặc gạt ra bên lề các nhu cầu hiện tại của người Mỹ gốc Á”, theo nhận định của Robert Chang, giáo sư luật tại Đại học Seattle.
***
Bài viết tham khảo và tổng hợp từ các nguồn:
1) Time: Hate Crimes Against Asian Americans Are on the Rise. Many Say More Policing Isn’t the Answer
2) Asia Society: Asian Americans Then and Now
3) National Geographic: America’s long history of scapegoating its Asian citizens
4) Washington Post: The long, ugly history of anti-Asian racism and violence in the U.S
Gockhuatlichsu1210 (30/08/2023)
Theo: spiderum
No comments:
Post a Comment