Trong kinh A Hàm có câu chuyện như sau:
Một hôm có người ngoại đạo đến hỏi Đức Phật:
– Này Ngài Cù Đàm! Giáo lý của Ngài có Niết bàn không? Nếu có, thì có ai chứng được Niết bàn chưa?
– Giáo lý của ta có Niết bàn và có người đã chứng được Niết bàn.
– Vậy Ngài Cù Đàm chứng chưa?
– Ta đã chứng được.
– Nếu giáo lý của Ngài có Niết bàn và Ngài đã chứng Niết bàn. Vậy tất cả đệ tử Ngài có được Niết bàn hết chăng?
– Đệ tử của ta, có người chứng được Niết bàn, có người không chứng được Niết bàn.
– Giáo lý ngài có Niết bàn thì tại sao Ngài dạy đệ tử có người chứng, có người không chứng?
– Ở đây gần thành Vương Xá, vậy ông có biết thành Vương Xá không?
– Dạ biết
– Ông có rành đường đến thành Vương Xá không?
– Dạ rành.
– Nếu có người hỏi đường để đến thành Vương Xá. Ông chỉ dẫn tường tận mà người đó không đi tới là lỗi tại ai?
– Dĩ nhiên là lỗi tại người đi. Nếu người đó đi theo đúng như lời tôi chỉ thì chắc chắn sẽ tới.
Bây giờ Đức Phật mới kết luận rằng:
– Ta cũng vậy, giáo lý của ta có Niết bàn và ta cũng đã đạt Niết bàn. Nhưng ta dạy đệ tử nếu ai y theo lời ta dạy mà tu thì đạt tới Niết bàn, bằng không thì không đạt được. Vậy không có Niết bàn đâu phải là lỗi tại ta.
Dù có tôn giáo hay không tôn giáo, dù kiến tánh hay chưa kiến tánh thì luật nhân quả vẫn là sự vận hành chung cho muôn loài vạn vật không trừ một ai. Người làm đúng là đúng, người làm sai là sai, người làm tốt sẽ tốt, người làm xấu sẽ xấu, luật nhân quả không dành riêng cho người nào cả. - Còn việc đúng sai tốt xấu thì cứ để luật nhân quả cân nhắc phán xét, chúng ta không nên dựa vào hiểu biết về nhân quả hạn hẹp của mình để đánh giá hành động của người khác.
HT. Thích Viên Minh
No comments:
Post a Comment