Tuesday, September 6, 2016

ÔNG VUA NHẬP CẢNG PHIM ẢNH TRƯƠNG VĨ NHIÊN

Trước 1975 mình rất mê phim Hong Kong - Đài Loan, từ phim tình cảm đến phim võ thuật, phim ma...coi như ít bỏ qua một bộ phim nào, với những phim chiếu dịp tết, vé chợ đen cũng phải mua. Mê những tài tử minh tinh như: Trần Hậu, Quan Sơn, Hồ Phong, Tăng Giang, Khương Đại Vệ, Địch Long, Vương Vũ, La Liệt, Trần Hồng Liệt, Tần Hán,Tần Tường Lâm, Lâm Đại, Lăng ba, Trịnh Phối Phối, Tiêu Phương Phương, Trần Bửu Châu, Lâm Thanh Hà, Lâm Phụng Kiều,....những bộ phim từ tiểu thuyết tìng cảm của Quỳnh Dao, kiếm hiệp,...những John Wayne, Richard Burton, Liz taylor, Jane Fonda, Brigitte Bardot, Alain Delon,... và những phim Ấn Độ có lồng thêm 6 câu vọng cổ,... Lúc đó thích nhất là phim của hãng "Shaw Brothers" vì phim nào cũng hay hết. Đi xem phim là để giải trí nên mình cũng không biết và bận tâm tìm hiều ai là người nhập cảng các bộ phim này cho tới bây giờ mới biết nhờ đọc qua đươc giai thoại về ông Trương Vĩ Nhiên. Chép lại bài này mình có rút bớt một vài đoạn cho ngắn lại, xin lỗi tác giả bài viết. Mời các bạn cùng đọc:

"ÔNG VUA NHẬP CẢNG PHIM ẢNH TRƯƠNG VĨ NHIÊN
Thành tỉ phú nhờ phim chưởng và bạo lực"
Nếu chỉ nhìn vào cái hình thức bên ngoài, bất cứ ai mới gặp Trương Vĩ Nhiên lần đầu, đều không thể nghĩ đó là một nhà tỉ phú người Hoa của đất Sài Gòn. Dáng dấp hơi lùn và chắc người, khuôn mặt tròn, chưa nói đã cười. Giọng nói và cách phát âm chẳng khác nào một nông dân thứ thiệt ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng đó lại là “ông vua” rạp hát và ngành nhập cảng phim ảnh của miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Lên ngôi cùng truyện kiếm hiệp Kim Dung
Ngày đó, ngành sản xuất cũng như nhập cảng phim ảnh và khai thác các rạp chiếu bóng đều nằm trong tay tư nhân. Hai cơ sở: Trung tâm Quốc gia Điện ảnh và Phòng Điện ảnh của Cục Tâm lý chiến do quân đội quản lý, chỉ thực hiện các phim tài liệu và phóng sự chiến trường. Một ít phim truyện nhựa do hai cơ sở này sản xuất.
Số hãng phim tư nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể liệt kê: Hãng phim của tỉ phú Ưng Thi, chủ khách sạn Rex và các rạp Rex, Văn Hoa Đa Kao, Văn Hoa Sài Gòn. Nguyễn Thị Lợi, Giám đốc Cosunam film, Thái Thúc Nha, Giám đốc Alfa film, và Hãng phim Mỹ Vân, Hãng Viễn Đông của Trương Vĩ Nhiên. Mỗi năm, tất cả những hãng phim này gộp lại, cũng chỉ cho ra đời được năm, ba phim là cùng.


Tính ra, hơn 20 năm tồn tại, điện ảnh miền Nam Việt Nam sản xuất chưa tới 100 phim truyện. Đại để, các phim về đề tài dân gian, như "Lâm Sanh - Xuân Nương", "Phạm Công - Cúc Hoa", "Lục Vân Tiên"… và một số phim tình cảm xã hội như: "Kiếp hoa", "Ảo ảnh", "Sóng tình", "Hè muộn", "Trường tôi", "Vết thù trên lưng ngựa hoang", "Loan Mắt nhung",… Số đạo diễn có nghề cũng rất ít ỏi, diễn viên chính thống lại càng hiếm hoi với nhiều gương mặt xuất thân từ kịch nói hoặc cải lương. Chính vì thế mà nguồn cung cấp chính cho thị trường điện ảnh, hoàn toàn dựa vào phim ngoại nhập, chủ yếu là phim các nước Âu, Mỹ, Ấn Độ, Hồng Công, Đài Loan. Thoạt đầu, lượng phim Âu Mỹ chiếm đến 70% thị phần. Về sau thì bị phim Hồng Công qua mặt.
Điều đáng nói là lĩnh vực phim ảnh ngoại nhập, hầu như nằm trọn trong tay một cá nhân, hay nói đúng hơn là trong tầm khống chế của một gia đình, do Trương Vĩ Nhiên (còn có tên gọi là Trương Vĩ Tài) đứng đầu. Ông ta là một tên tuổi được xếp vào danh sách các "đại xì thẩu" của Chợ Lớn. Phải nói rằng, thời kỳ đó, các phương tiện vui chơi, giải trí tại Sài Gòn còn rất nghèo nàn, nói chi đến các tỉnh, thành. Ngoài các phòng trà, vũ trường, chỉ dân có tiền mới dám đến, thì chẳng còn gì khác. Sân khấu ca nhạc độc nhất chỉ rạp Quốc Thanh, mỗi tuần mới có một xuất "đại nhạc hội" mở màn vào sáng Chủ nhật, do ông bầu Duy Ngọc tổ chức. Vì thế, người ta chỉ còn biết kéo nhau vào rạp chiếu bóng, xem phim.
Quyết nắm thị trường béo bở này, thoạt đầu Trương Vĩ Nhiên đầu tư vào một loạt rạp hát, và trở thành chủ nhân của các rạp: Eden, Đại Nam, Opera, Osca, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Palace, Thủ Đô… Với ngần ấy cơ sở, mỗi cơ sở chiếu mỗi ngày 5 suất, chỉ trong ngày, Trương Vĩ Nhiên coi như đã thu vào bạc triệu.


Vào khoảng giữa thập niên 60, khi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thâm nhập vào miền Nam ViệtNam, nhiều thành phần xã hội đâm ra say mê đọc Kim Dung hơn bất cứ một loại hình giải trí nào khác. Có một sự kiện khá khôi hài, cũng cần nhắc lại cho bạn đọc mua vui. Dạo đó, ông Kim Dung viết truyện kiếm hiệp đăng mỗi ngày trên các nhật báo Hồng Công, mà thuật ngữ báo chí gọi là "feuilleton". Khi báo Hồng Công về tới Sài Gòn qua đường Tân Sơn Nhất, các dịch giả mới dịch lại để đăng báo Sài Gòn, do đó chậm mất một ngày. Tuy nhiên, nó đã trở thành “mốt”, nên báo nào không có truyện của Kim Dung là coi như ế. Hôm nào, bị trục trặc, báo Hồng Công không về kịp, báo Sài Gòn đành phải cáo lỗi. Nhưng mỗi lần cáo lỗi, là y như hôm đó số lượng sụt giảm.
Để cứu vãn tình thế, mấy ông chủ báo đã có sáng kiến, yêu cầu các người dịch, cứ tự ý phịa ra để kéo dài nội dung một cách vô thưởng, vô phạt những khi báo Hồng Công không về kịp. Ví như, kỳ trước ông Kim Dung viết đến đoạn hai đối thủ đang đánh nhau thì ngưng. Để chờ ông Kim Dung cho ai thắng, ai thua như thế nào, người dịch tự kéo dài trận chiến. Hai bên hết đánh nhau dưới đất, lại nhảy lên nóc nhà. Bí quá thì cho tạm dừng trong chốc lát để chửi rủa, mắng nhiếc nhau cho đủ trang báo. Về sau, độc giả phát hiện được, bởi cùng là chuyện của Kim Dung, nhưng tại sao mỗi báo lại mỗi khác nhau, nên đã phản ứng gay gắt.
Tỉ phú chớp bóng thao túng cả khâu kiểm duyệt


Nhắc lại như thế để thấy truyện võ hiệp của Kim Dung ăn khách đến chừng nào. Vì thế, khi những tác phẩm của ông ta được dựng thành phim và du nhập vào miền Nam thì các rạp tha hồ hốt bạc. Bộ phim võ hiệp đầu tiên được chiếu tại Sài Gòn là "Độc Long Đàm" ở rạp Rex, và kế đến là hai rạp Văn Hoa của ông Ưng Thi. Người ta chen chúc nhau để xem, và suất nào cũng hết sạch vé. Đến nỗi, vé chợ đen mắc gấp đôi, gấp ba giá vé chính thức vẫn không dễ gì mua được.
Ông Ưng Thi thắng lớn trong nhất thời, nhưng Trương Vĩ Nhiên lại nhạy bén và nhanh chân hơn trong kinh doanh lâu dài. Ông ta nhận định, phim kiếm hiệp sẽ chiếm lĩnh thị trường, và qua mặt phim Âu, Mỹ. Hơn nữa, giá tiền nhập một bộ phim Hồng Công, Đài Loan chỉ bằng 50%, thậm chí là 30% so với phim Âu, Mỹ. Lập tức, Trương Vĩ Nhiên đặc cử em rể là Hang Vay Tche bay sang Hồng Công, Đài Loan ngay, bằng mọi cách phải ký được hợp đồng với Hãng Show Brothers (Thiệu Thị), và Golden Harvest (Gia Hòa) cho Hãng Viễn Đông của Trương Vĩ Nhiên độc quyền nhập vào Việt Nam, khai thác phim của hai hãng này. Không có gì khó khăn để Vay Tche hoàn thành sứ mạng này.
Khi Trương Vĩ Nhiên được Vay Tche thông báo hợp đồng đã được ký kết, ở Sài Gòn ông ta lên ngay phương án nâng cấp các rạp có sẵn: bọc lại ghế nệm, gắn hệ thống máy lạnh, thay máy chiếu và âm thanh, ánh sáng hiện đại. Đồng thời, tổ chức cả buvette (quầy giải khát) phục vụ khán giả ngay trong rạp. Bên cạnh đó, Trương Vĩ Nhiên còn thu mua lại một số rạp xập xệ, xuống cấp, làm ăn không hiệu quả. Ông ta tân trang lại trong một thời gian kỷ lục để đưa vào khai thác.


Trương Vĩ Nhiên đã thắng lớn ngay những đợt phim kiếm hiệp đầu tiên mới nhập về. Người xem đổ xô đến các rạp còn đông hơn dự kiến và tất nhiên Trương Vĩ Nhiên đã thu vào két bạc siêu lợi nhuận. Từ đó, dân ghiền xinê đã bớt nhắc tới những bộ phim nổi tiếng của Âu - Mỹ mà một thời họ từng say mê. Những bộ phim đình đám một thời như: "Cướp vàng giữa thành phố", "Đứa trẻ lạc loài", “Nữ hoàng Cléopâtre”... và cả những diễn viên lừng lẫy thế giới, như: John Wayne, Anthony Quinn, Allain Delon… hay các người đẹp bốc lửa: B.Bardot, Sophia Loren, Liz Taylor… xem như trôi vào quên lãng! Thay vào đó, người ta bắt đầu nhắc tới những tên phim: "Độc Long đàm", "Long hổ quyết đấu", "Thập tứ nữ anh hào", "Thập tam thái bảo"…
Với những thần tượng da vàng mới: Lăng Ba, Lý Thanh, Trịnh Phối Phối, Hà Lợi Lợi, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Lý Tiểu Long… Các hãng phim lớn của phương Tây và Hollywood, như: 20th Centurry Fox, Paramount, Golden Mayer... một thời làm mưa, làm gió thị trường phim ảnh thế giới bỗng dưng tuột dốc thê thảm tại châu Á, trầm trọng nhất là Đông Nam Á, đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, người ghiền phim kiếm hiệp và võ thuật Hồng Công lại tăng số lượng chưa từng thấy.
Dĩ nhiên là Trương Vĩ Nhiên giàu lên rất nhanh. Theo một vài số liệu của Liên bộ Tài chính - Tổng nha Thuế vụ của chính quyền Sài Gòn, những năm đầu thập niên 60, lợi nhuận hàng năm mà Trương Vĩ Nhiên thu vào từ 100 đến 200 triệu đồng. Từ năm 1965 - 1968, tăng lên 500 triệu đồng, rồi 1 tỉ. Những năm kế tiếp lại tăng lên ở mức trên dưới 2,5 tỉ.
Chỉ lấy mỗi rạp Đại Nam ra làm mẫu để tính toán, người ta dễ dàng nhận ra ngay. Rạp có 1.200 ghế, mỗi ngày chiếu 5 xuất, bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, đến 23 giờ. Vào thời điểm đó, giá mỗi vé dưới nhà là 170 đồng, trên lầu 300 đồng. Tính trung bình cả trên lầu và dưới nhà, giá mỗi vé là 200 đồng chẵn. Mỗi xuất 1.000 vé thì mỗi ngày Trương Vĩ Nhiên thu vào 1 triệu đồng, mỗi tháng 30 triệu, và một năm là 360 triệu. Trong khi đó, ông ta nắm trong tay hàng loạt rạp như thế, thì đủ biết Trương Vĩ Nhiên giàu có đến cỡ nào.


Đến những năm 70, khi những bộ phim kiếm hiệp đã bão hòa với người xem. Các hãng phim Hồng Công và Đài Loan lại cho ra đời một loạt những bộ phim võ thuật, với sự phô bày, biểu diễn các kỹ thuật và kỹ xảo tinh vi các thế võ Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên. Loạt phim quyền cước này với những ngôi sao Lý Tiểu Long, Kim Cang, La Liệt… đã được khán giả Việt Nam đón nhận còn nồng nhiệt hơn cả loại phim kiếm hiệp dã sử trước đó. Trương Vĩ Nhiên lại tiếp tục hốt bạc.
Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, đã định cư ở Chợ Lớn mấy đời. Trương Vĩ Nhiên có người anh cả là Trương Vĩ Hùng, cũng là một tài phiệt Chợ Lớn. Và em trai út là Trương Vĩ Trí, dân biểu quốc hội của VNCH. Anh em ông ta được thừa hưởng một tài sản khá lớn do cha mẹ để lại. Vấn đề là họ đã biết cách làm cho khối tài sản đó ngày càng phình ra thêm. Tuy nhiên cuộc sống của Trương Vĩ Nhiên tương đối giản dị, không xa hoa và hưởng thụ như nhiều nhà tỉ phú khác, dù ông ta thành công rất sớm, khi mới tròn 30 tuổi.
Công bằng mà nói, trong hàng loạt phim võ hiệp được tỉ phú Trương Vĩ Nhiên nhập vào miền Nam, cũng có một số phim giá trị, mang nội dung tốt, đề cao cái thiện và sự tất thắng của chính nghĩa. Tuy nhiên, nhằm mục đích lợi nhuận, Trương Vĩ Nhiên đã không từ những phim không lành mạnh, chiếm một tỉ lệ rất lớn, với đầy rẫy những cảnh chém giết tàn bạo. Xen vào đó là cảnh khiêu dâm, ăn chơi trụy lạc đến mức sống sượng.


Với ưu thế của kẻ độc quyền nhập cảng phim ảnh Hồng Công và Đài Loan, Trương Vĩ Nhiên đã ôm hết cái mớ phim hổ lốn đó về Sài Gòn để phát hành không sót một phim nào. Có những phim quá tệ hại, đã bị các viên chức khâu kiểm duyệt lấy cớ đe nẹt. Trương Vĩ Nhiên đánh hơi được ngay, đã dùng tiền chạy chọt để qua ải. Đến nỗi, dư luận xã hội đã mỉa mai: "Trương Vĩ Nhiên là giám đốc Hãng phim Viễn Đông, kiêm Chủ sự Phòng kiểm duyệt phim ảnh của Bộ Thông tin”. Chính những loại phim này đã ảnh hưởng xấu đến tính cách và lối sống của một bộ phận thanh niên thời đó.
Có thể nói, Trương Vĩ Nhiên cũng chẳng hơn gì một số nhà tỉ phú khác, trực tiếp làm giàu nhờ chiến tranh, như ông vua kẽm gai, cọc sắt và lưới chống B.40. Hay như Phạm Quang Khai, vua tàu biển và xàlan, nhà thầu chuyên chở toàn bộ súng đạn, xăng dầu và các loại chiến cụ cho quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Không biết, có bao giờ nhà tỉ phú Trương Vĩ Nhiên nghĩ đến việc làm giàu của mình, phần nào đã tiếp tay cho tội ác? Hay là ông ta chỉ nghĩ đến tiền là trên hết!
Đoàn Thiên Lý 
(trích trong mạng Nguyễn Hữu Kính)

No comments: