Bí mật an ninh quyền lực nhất của Tổng Thống Mỹ. Nguồn ảnh: vnexpress.
Như thông lệ, mỗi lần Tổng thống Mỹ công du nước ngoài, một đội ngũ an ninh và phương tiện bảo vệ hùng hậu được huy động nhằm bảo đảm an toàn cho người đứng đầu Nhà Trắng.
Nổi bật nhất trong số đó là chuyên cơ Không lực Một. Trên thực tế, đây không phải một máy bay cụ thể, mà là tên gọi dùng để chỉ hai phi cơ Boeing 747-200B mang mã đuôi 28000 và 29000, chuyên phục vụ Tổng thống Mỹ. Khi ông chủ Nhà Trắng sử dụng máy bay nào, chiếc đó sẽ được gọi là Không lực Một.
Chuyên cơ Không lực Một của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters
Với hệ thống điện tử hàng không và phòng thủ tiên tiến, AF1 được xếp vào loại máy bay quân sự, với khả năng chống chọi với các cuộc tấn công trên không.
Nó có thể gây nhiễu radar đối phương và phóng mồi bẫy để khiến tên lửa tầm nhiệt đi chệch hướng. Nó cũng có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, cho phép bay trong thời gian không giới hạn, yếu tố rất quan trọng trong trường hợp khẩn cấp.
AF1 cũng được trang bị thiết bị liên lạc bảo mật, cho phép máy bay hoạt động như một trung tâm chỉ huy di động. Có 85 điện thoại, hệ thống liên lạc vô tuyến hai chiều và cả kết nối máy tính trên phi cơ.
Không lực Một có thể đạt tốc độ tối đa hơn 1.013 km/h, tầm bay 12.550 km, với phi hành đoàn 26 người. Máy bay có khả năng chở theo 70 hành khách.
Không gian bên trong khoang máy bay rộng khoảng 372 m2, chia làm ba tầng, gồm một phòng riêng dành cho Tổng thống, một phòng y tế trang bị bàn mổ, phòng hội nghị và phòng ăn, hai khu bếp có thể cung cấp suất ăn cho 100 người cùng lúc, bên cạnh các khu vực dành cho báo chí, VIP, nhân viên an ninh và thư ký.
Nhiều máy bay chở hàng, trong đó có vận tải cơ “ngựa thồ” C-17 Globemaster, chở đội xe bọc thép và trực thăng của Tổng thống, thường hạ cánh trước khi ông đến.
Theo Washington Post, Tổng thống Mỹ luôn đi cùng với một phụ tá quân sự mang theo chiếc vali khẩn cấp được gọi là “quả bóng hạt nhân”. Vali này không chứa nút bấm hay mã cho phép lập tức khai hỏa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, mà bên trong nó có điện thoại và một tấm thẻ đặc biệt gọi là “bánh quy”.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời trụ sở Cục Tình báo Trung ương Mỹ vào ngày 21/1/2017. Đi cạnh ông là trợ lý mang theo vali hạt nhân (Ảnh: Getty).
Thẻ “bánh quy” được làm bằng nhựa, in các mã số nhận diện cá nhân, cho phép Tổng thống phát động cuộc tấn công hạt nhân vào những mục tiêu đã được lựa chọn từ trước. Tổng thống Mỹ chỉ có thể đọc mã số trên thẻ “bánh quy” khi bẻ đôi tấm nhựa mờ phủ bên ngoài tấm thẻ.
Phụ tá quân sự luôn ở bên cạnh tổng thống mọi lúc, mọi nơi, bởi chỉ có ông chủ Nhà Trắng mới sở hữu mã nhận dạng cá nhân cần thiết để ra lệnh tấn công.
Khi Không lực Một hạ cánh, Tổng thống Mỹ sẽ di chuyển bằng chuyên xa Cadillac One, chiếc limousine sang trọng, hiện đại, sở hữu nhiều cải tiến, được mệnh danh là “Quái thú”.
Với trọng lượng khoảng 9 tấn, thân xe bọc thép và cửa sổ chống đạn, chiếc xe được cho là có cả súng phóng lựu hơi cay, hệ thống điện tử tinh vi, camera nhìn đêm và điện thoại vệ tinh tích hợp.
Chuyên xa “Quái thú” của Tổng thống Mỹ được thiết kế với các lớp bảo vệ đặc biệt. Đồ họa: BBC
Lốp được gia cố bao quanh bánh xe có vành thép, đồng nghĩa “Quái thú” vẫn có thể tiếp tục di chuyển nếu lốp bị nổ.
Khoang hành khách được bọc kín để chống lại nguy cơ xe bị tấn công hóa học. Một lớp bọt đặc biệt lập tức sẽ phụt ra bao quanh bình xăng nếu xe xảy ra tai nạn nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy nổ.
Tổng thống Trump đi siêu xe “quái thú” của mình vòng quanh Đường đua Quốc tế Daytona 500. (Ảnh: AP)
Chiếc xe có thể chở ít nhất 7 người và có nhiều loại vật tư y tế, như một tủ lạnh chứa đầy máu dự trữ phù hợp với nhóm máu của Tổng thống.
Một xe “Quái thú” thứ hai giống hệt và cùng đeo biển 800-002 đóng vai trò “xe mồi” nghi binh trong đoàn tháp tùng Tổng thống.
Mỗi khi chuyên xa của Tổng thống Mỹ di chuyển đều có một đội xe hỗ trợ đông đảo hộ tống như xe cảnh sát dẫn đoàn, xe dự phòng của Sở Mật vụ, đội phản ứng nhanh, xe SUV liên lạc bọc thép, được gọi là Roadrunner, cùng phương tiện chở đội ngũ y tế và báo chí.
Đội hình đoàn xe tháp tùng Tổng thống Mỹ mỗi khi di chuyển. Đồ họa: BBC
Tổng thống Mỹ cũng có thể mang theo đội trực thăng khi công du, gồm chiếc Sikorsky VH-3D Sea Kings cỡ lớn hoặc VH-60N White Hawks mới nhưng nhỏ hơn. Bất kỳ trực thăng nào chở Tổng thống Mỹ đều được gọi là Marine One.
Những chiếc trực thăng này sở hữu thiết bị liên lạc, hệ thống phòng thủ chống tên lửa và thân được gia cố vững chắc để tăng cường khả năng bảo vệ.
Marine One VH-92A
Như một biện pháp an ninh, Marine One thường bay theo nhóm trực thăng giống hệt nhau làm mồi nhử để không ai biết chiếc nào thực sự chở tổng thống. Chúng còn có nhiệm vụ chở cả các nhân viên hỗ trợ, lực lượng đặc nhiệm và nhân viên Mật vụ, những người được giao nhiệm vụ xử lý mọi tình huống khẩn cấp giữa chuyến bay.
Nhân viên Mật vụ là “tấm lá chắn” không thể thiếu trong hàng rào an ninh bảo vệ Tổng thống Mỹ. Năm 2018, đội ngũ tháp tùng tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tới thăm Anh có khoảng 1.000 người, trong đó có hơn 150 nhân viên Mật vụ.
Các mật vụ có nhiệm vụ đi theo Tổng thống mọi lúc mọi nơi, trong đó “lá chắn” ở gần ông nhất là các thành viên Đơn vị Bảo vệ Tổng thống (PPD), thường mặc vest đen và sử dụng các loại súng ngắn đặc biệt như khẩu SIG Sauer P229 do Đức và Thụy Sĩ hợp tác chế tạo.
Ngoài ra, Sở Mật vụ còn có Đội Chống Tấn Công (CAT), đóng vai trò quan trọng trong đội hình bảo vệ Tổng thống Mỹ. Biệt đội này được được trang bị các loại vũ khí hạng nặng, sẵn sàng dập tắt mọi mối đe dọa từ vòng ngoài đội hình di chuyển của Tổng thống.
Khi Tổng thống công du nước ngoài, Sở Mật vụ sẽ nhanh chóng rà soát, kiểm tra các khách sạn để đảm bảo an ninh tối đa. Các nhân viên khách sạn tiếp xúc với đoàn của Tổng thống phải trải qua kiểm tra lý lịch. “Nếu ai có tiền sử phạm tội, quản lý khách sạn yêu cầu họ không đến làm vào ngày hôm đó”, Ronald Kessler, tác giả một cuốn sách về lực lượng mật vụ Mỹ, cho biết.
Sở Mật vụ cũng sẽ tiếp quản toàn bộ tầng trên và tầng dưới khách sạn nơi Tổng thống nghỉ ngơi và trưng dụng thang máy riêng để ông cùng các thành viên trong đoàn sử dụng.
Vì lý do an ninh, Nhà Trắng thường không tiết lộ chi phí cho mỗi chuyến công du nước ngoài của Tổng thống. Tuy nhiên, báo cáo hiếm hoi được Văn phòng Tổng Kiểm toán Mỹ công bố cho thấy chuyến công du 6 nước châu Phi của ông Bill Clinton năm 1998 có chi phí 42,8 triệu USD. Chuyến thăm Trung Quốc năm đó của ông Clinton có chi phí 18,8 triệu USD, nhưng chưa tính ngân sách dành cho Sở Mật vụ, do đây là thông tin mật.
Đăng Dũng tổng hợp
Theo: vandieuhay