Bức ảnh hiếm hoi về tướng Muhammad Suleiman (bên phải), cố vấn thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (bên trái) (ảnh: Ynet News)
Ngày 1/8/2008, tướng Muhammad Suleiman – cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad – bị bắn chết khi đang ăn tối trong biệt thự riêng ở thành phố cảng Tartus (Syriaz).
Theo The Intercept (trang tin Mỹ), những kẻ ám sát ông Suleiman được cho là đã bỏ trốn bằng thuyền.
Một cuộc điều tra do chính phủ Syria tiến hành sau đó phát hiện trong nhà ông Suleiman giấu khoảng 80 triệu USD tiền mặt. Lượng lớn ngoại tệ bị phát hiện khiến chính quyền của Tổng thống al-Assad bất ngờ. Cuộc điều tra sau đó chuyển hướng sang nghi vấn ông Suleiman phản bội và tham nhũng.
Trong khi đó, Wikileaks (tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát hành tài liệu tình báo quốc tế) tiết lộ, tình báo Pháp tin rằng tướng Suleiman bị ám sát do tranh giành quyền lực trong nội bộ Syria.
“Mohammed Suleiman, sĩ quan quân đội Syria, đã bị ám sát. Một cuộc điều tra đang được tiến hành”, Buthaina Shaaban – cố vấn của Tổng thống al-Assad – nói với báo giới vào ngày 7/8/2008.
Sau tuyên bố này, giới chức Syria không thông tin gì thêm về cái chết của tướng Suleiman.
Ynet News (báo Israel) cho hay, hình ảnh tướng Suleiman chỉ được truyền thông Syria công bố sau khi ông qua đời. Hoạt động của tướng Suleiman trong quân đội được vẫn giữ bí mật. Vụ việc tưởng như đã chìm xuống.
Biệt kích hải quân Israel (ảnh: Times Of Israel)
Nhưng đến năm 2015, hồ sơ mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do Edward Snowden – cựu nhân viên CIA – tiết lộ cho hay, ông Suleiman thực ra bị ám sát bởi một nhóm biệt kích hải quân Israel.
Theo tài liệu bị rò rỉ của NSA, ngày 1/8/2008, một nhóm biệt kích hải quân Israel đã xâm nhập cảng Tartus và bắn chết tướng Muhammad khi ông đang ăn tối trong biệt thự ở bãi biển Rimal al Zahabiya (Cát vàng).
Sau khi bắn vào đầu và cổ Suleiman, nhóm biệt kích lặng lẽ thoát đi bằng đường biển.
Tướng Suleiman được chôn cất ở quê nhà Draykish, cách thành phố Tartous khoảng 40km về phía đông. Tang lễ có sự tham dự của ông Maher al-Assad, em trai Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông al-Assad không dự đám tang tướng Suleiman mà tiếp tục lịch trình công du Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tài liệu của NSA, tướng Suleiman là người phụ trách “những vấn đề quân sự nhạy cảm nhất” của Syria.
Syria và Israel không bình luận về tài liệu của NSA do Edward Snowden tiết lộ.
Hồ sơ mật tiết lộ ông Suleiman bị Israel ám sát (ảnh: Arab New)
Nếu tài liệu của NSA được xác minh, đây được cho là lần đầu tiên Israel ám sát quan chức chính phủ của một quốc gia có chủ quyền. Điều này đặt câu hỏi liệu Israel có vi phạm luật quốc tế hay không, theo Washington Times.
“Israel có lý do để sát hại ông Suleiman. Song, theo luật quốc tế về chiến tranh thì rõ ràng là vào năm 2008 Syria không xảy ra xung đột vũ trang, vì vậy, Israel không có quyền ám sát ông Suleiman”, bà Mary Ellen O'Connell – giáo sư khoa Luật Đại học Notre Dame (Mỹ) – nói với The Intercept.
Hoạt động của tướng Suleiman được giới chức Syria giữ bí mật, nhưng theo The Intercept, ông có vị trí cao trong chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Ông Suleiman được cho là người chịu trách nhiệm xử lý thông tin tình báo và vận chuyển các lô vũ khí từ Syria cho Hezbollah (ở Liban) và Hamas (ở Dải Gaza). Ông Suleiman cũng có mối quan hệ thân thiết với tướng Iran Qasem Soleimani – người bị Mỹ hạ sát bằng máy bay không người lái vào năm 2020.
Hezbollah, Hamas và Iran được cho là 3 đối thủ “không đội trời chung” của Israel.
Lò phản ứng hạt nhân Al Kibar trước và sau khi bị Israel không kích (ảnh: Ynet News)
Tình báo Mỹ - Israel cũng xác định tướng Suleiman là người phụ trách xây dựng lò phản ứng hạt nhân Al Kibar ở tỉnh Deir ez-Zor (cơ sở mà Syria chưa bao giờ thừa nhận), theo Washington Times.
Dẫn nguồn tin từ Tổng cục Tình báo Israel (AMAN), Ynet News cho hay, tướng Suleiman chuyên thực hiện các nhiệm vụ bí mật của Syria. Tổng thống al-Assad cho phép ông chỉ huy một lực lượng riêng, hoạt động tách biệt với quân đội và các cơ quan an ninh Syria.
AMAN gọi tướng Suleiman là “chỉ huy lực lượng bóng tối” của Syria.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, tiết lộ, tướng Suleiman là người “cất giấu bí mật lớn nhất của Syria” – một lò phản ứng hạt nhân ở tỉnh Deir ez-Zor (đông bắc Syria), cách sông Euphrates không xa. Tình báo Mỹ và Israel biết đến điều này khá muộn, khi Syria dường như xây dựng xong lò phản ứng và có thể sản xuất plutonium (nhiên liệu cho bom hạt nhân).
Theo Ynet News, dự án lò phản ứng Al Kibar bí mật đến nỗi, khi Israel không kích vị trí này (trong chiến dịch Orchard), tướng Ali Habib Mahmud – Tổng Tham mưu trưởng quân đội Syria – cho rằng lực lượng Israel đã tấn công nhầm.
Theo The Sun, vụ ám sát tướng Suleiman được cho là động thái khép lại chiến dịch Orchard của Israel, diễn ra cách đó gần 1 năm.
Kidon – đơn vị ám sát nguy hiểm bậc nhất Israel (ảnh: Spec Ops Magazine)
Từ năm 2006 đến 2007, Israel đã chuẩn bị chiến dịch bí mật Orchard, với sự tham gia của Viện Tình báo Mossad. Mục tiêu của chiến dịch là phá hủy lò phản ứng Al Kibar, nơi Israel nghi ngờ Syria sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Ngày 5/9/2007, phi đội F-15, F-16 của Israel cất cánh trong đêm, ném bom Al Kibar. Israel đơn phương thực hiện chiến dịch Orchard, sau khi cố thuyết phục Mỹ tham gia nhưng không thành công, theo Times of Israel.
Ngay sau vụ tập kích, Thủ tướng Israel lúc bấy giờ – ông Ehud Olmert – đã gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để giải thích, nhờ chuyển lời đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng, Israel không chấp nhận việc Syria có lò phản ứng hạt nhân.
Syria kiềm chế, không đáp trả Israel sau vụ nhà máy Al Kibar bị phá hủy và tướng Suleiman bị ám sát. Israel được cho là đã tính toán trước điều này.
Cựu Giám đốc CIA Hayden thừa nhận Israel “đã đúng” khi thực hiện chiến dịch Orchard.
Der Spiegel (tạp chí Đức) và Spec Ops Magazine (tạp chí an ninh Anh) cho rằng, tướng Suleiman bị ám sát do vai trò hàng đầu của ông trong chương trình hạt nhân bí mật của Syria. Vụ ám sát có sự phối hợp giữa lính biệt kích hải quân Israel và Kidon – đơn vị ám sát khét tiếng nhất của Mossad.
Kidon nguy hiểm ra sao?
Theo Spec Ops Magazine, Kidon (Mũi giáo) là một trong những đơn vị ám sát nguy hiểm và tàn nhẫn nhất thế giới. Họ được cho là không dung thứ bất cứ kẻ thù nào của Israel.
Trong cuốn sách “Điệp viên chống Armageddon: Bên trong cuộc chiến bí mật của Israel” – một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới năm 1990 – tác giả Dan Raviv (nhà báo Mỹ) và Yossi Melman (nhà báo Israel) đã hé lộ phần nào về sự tồn tại của Kidon.
Người ta không thể xác định chính xác ngày Kidon thành lập, nhưng một số nguồn tin tình báo cho rằng, Mossad bí mật thành lập đơn vị chuyên ám sát này vào khoảng những năm 1960. Hoạt động sau hơn nửa thế kỷ, chưa có thành viên nào của Kidon bị lộ danh tính hay bị bắt giữ.
Kidon chuyên thực hiện các vụ ám sát bên ngoài lãnh thổ Israel. Họ rời khỏi hiện trường mà gần như không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Cuốn sách nói trên cũng cho hay, Kidon chỉ ra tay với những mục tiêu ám sát có giá trị cao. Đơn vị này có khoảng 75 người, bao gồm cả nam và nữ, con số chính xác chưa bao giờ được biết tới.
Mossad chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại của Kidon. Đơn vị này bí mật đến mức văn phòng của nó không nằm trong trụ sở của Mossad, hoặc có thể Kidon không có văn phòng cố định. Ngay cả khi làm việc với Mossad, các thành viên của Kidon vẫn dùng tên giả. Chỉ những quan chức cấp cao nhất của Mossad mới nắm được lý lịch của thành viên Kidon.
Nhiều ô tô của các nhà khoa học hạt nhân bị ám sát được Iran trưng bày (ảnh: CNN)
Tuyển chọn và đào tạo
Quá trình tuyển chọn thành viên của Kidon là bí mật. Giới phân tích suy đoán họ được lựa chọn trong các thành viên ưu tú nhất của 2 đơn vị đặc nhiệm Israel: Duvdevdan và Sayeret Matkal.
Các tân binh Kidon được cho là phải trải qua đào tạo khắt khe kéo dài 2 năm ở sa mạc Negev (phía nam Israel) trước khi được cử đi làm nhiệm vụ. Thành viên Kidon chỉ làm nhiệm vụ trong thời gian nhất định, sau đó rời tổ chức để đảm bảo bí mật.
Cuốn “Điệp viên chống Armageddon: Bên trong cuộc chiến bí mật của Israel” tiết lộ, Kidon thường hoạt động theo nhóm 4 người, được phân chia nhiệm vụ rõ ràng: Người theo dõi, người vận chuyển, người hỗ trợ và người kết liễu.
Bắn tỉa, gài bom và đầu độc là 3 cách ám sát Kidon thường sử dụng.
Năm 1978, Kidon được cho là đã ám sát ông Wadia Haddad – thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine – bằng socola tẩm thuốc độc. Vụ ám sát được thực hiện ở Baghdad (thủ đô Iraq), theo NBC News.
Năm 2011, Kidon được cho là đã ra tay ám sát ông Darioush Rezaeinejad – nhà khoa học hạt nhân Iran. Ông Rezaeinejad bị bắn gục trên đường đón con đi học về ở Tehran, theo Guardian.
Theo: Vương Quốc – tổng hợp (Tri thức & Cuộc sống)
Link tham khảo: