Tuesday, August 20, 2024

NHƯ MỘNG LỆNH KỲ 2 - LÝ THANH CHIẾU


Như mộng lệnh kỳ 2 - Lý Thanh Chiếu

Tạc dạ vũ sơ phong sậu,
Nùng thuỵ bất tiêu tàn tửu.
Thí vấn quyển liêm nhân,
Khước đạo hải đường y cựu.
Tri phủ?
Tri phủ?
Ưng thị lục phì hồng sấu.


如夢令其二 - 李清照 

昨夜雨疏風驟,
濃睡不消殘酒。
試問卷簾人,
卻道海棠依舊。
知否,
知否,
應是綠肥紅瘦。
Như mộng lênh kỳ 2
(Dịch thơ: Nguyễn Hoàng Anh)

Ngủ vùi chẳng tỉnh cơn say
Hôm qua mưa xéo gió giày cả đêm
Hỏi nàng thị nữ cuốn rèm:
“Hải Đường ngoài đó, nhìn xem thế nào?”
Nàng rằng: “Hoa chẳng làm sao
Tô muôn sắc thắm, khoe bao vẻ hồng”
Nghĩ thầm: “Liệu có chắc không?
Giờ này trổ lá phai bông đâu còn!”


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lý Thanh Chiếu 李清照 (1084-1155) hiệu Dị An cư sĩ 易安居士, người Tế Nam, Sơn Đông. Bà chẳng những là một tác gia vĩ đại trong nữ thi nhân, mà còn là một tác gia vĩ đại trong Tống từ. Bà là con gái của học giả trứ danh Lý Cách Phi. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với con trai Tể tướng Triệu Đĩnh Chi, tức Hồ Châu thái thú Triệu Minh Thành, có thể nói là một mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống. Đôi tài tử cùng nhau xướng hoạ thơ từ, chỉnh lý văn chương, sống một đời thanh tao u nhã. Năm Tĩnh Khang 1126, quân Kim đánh Tống, bà theo chồng chạy xuống phương nam, không lâu sau trượng phu qua đời, thân gái dặm trường thực khiến người ta thương xót. Một mình phiêu bạc, vãn cảnh rất thê lương, đấy đã gây thành bối cảnh ảm đạm trong toàn bộ Sấu ngọc từ 漱玉詞 của bà.


Bà quan niệm từ khúc cần hợp luật, ý tứ thanh nhã, coi thơ và từ là hai thể loại hoàn toàn độc lập (biệt thị nhất gia). Tác phẩm của Lý Thanh Chiếu có hai thời kỳ: trước đại biến Tĩnh Khang là những từ khúc về tình yêu đôi lứa thiết tha đằm thắm. Sau khi Tống triều nam di, tác phẩm của bà là nỗi nhớ thương cố quốc, tình cảm cô liêu u tịch, phong cách kín đáo thâm trầm, xót xa cho kiếp hồng nhan bạc mệnh, hình thành phong cách riêng Lý Dị An, đẩy uyển ước từ phái lên vị trí đỉnh cao thời Lưỡng Tống. Từ của bà chỉ còn sót lại hơn 20 bài, song đều là những châu ngọc, gấm thêu.

Lục Du trong Lão Học am bút ký viết: “Dị An cư sĩ giỏi viết chữ, vẽ rất đẹp, từ khúc nổi tiếng, lời lẽ rất chau chuốt. Cho đến bây giờ các vị học giả, mỗi lần đọc Kim thạch tự lục thì tâm thần sảng khoái đến cùng cực. Không hiểu sao, một người đàn bà không còn trẻ nữa mà có thể sinh ra những lời hoa gấm như thế. Thật là đại kỳ! Thật là đại kỳ!”

Nguồn: Thi Viện