Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1967, "The Last Waltz" (Điệu valse cuối cùng) là một trong những bản nhạc ăn khách nhất của ca sĩ người Anh gốc Ấn Engelbert Humperdinck. Riêng trên thị trường Anh quốc, bài hát đã lập kỷ lục với gần một triệu rưỡi đĩa nhựa, được bán chạy trong vòng hai tháng. Tại các vũ trường hay các câu lạc bộ khiêu vũ, "The Last Waltz" (Điệu valse cuối cùng) cũng thường được chọn làm bài hát kết thúc những đêm dạ vũ cuối tuần trong nhiều thập niên liền.
Trong nguyên tác, bản nhạc tiếng Anh do hai nhạc sĩ Les Reed và Barry Mason đồng sáng tác. Cặp bài trùng này là một trong những nhóm tác giả hàng đầu ngự trị vương quốc Anh trong suốt những năm 1960. Trong giai đoạn cực thịnh, hai tác giả chuyên soạn một loạt bài hát ăn khách cho những tên tuổi sáng giá thời bấy giờ như Tom Jones (Delilah), Rod Stewart (The day will come) hay nhóm The Fortunes (Here it comes again) …..
Tựa đề bản nhạc "The Last Waltz" (Điệu valse cuối cùng) gồm cả hai nghĩa : lần đầu tiên khi đôi tình nhân vừa gặp nhau trên điệu nhảy bế mạc đêm dạ vũ. Đến khi phải chia tay nhau, họ lại được dịp dìu nhau một lần nữa cũng trên điệu nhảy này. Nhịp valse cuối cùng cũng là hồi kết của một chuyện tình, khi yêu thương đã nhạt phai, cho con tim một mình ở lại.
Về hoàn cảnh sáng tác, tác giả Les Reed (1939-2019) (tên thật là Leslie Reed) từng kể lại câu chuyện về nhạc phẩm này trong quyển sách ''1000 UK #1 Hits'' (Một ngàn ca khúc Anh số 1) của hai tác giả Jon Kutner và Spencer Leigh. Ông Leslie Reed cho biết : thời Đệ nhị thế chiến, lúc ấy ông còn nhỏ, bố ông đi lính trong nhiều năm, lâu lâu mới có dịp về thăm nhà. Trong gia đình, mẹ ông cùng với các bà dì, thường rủ nhau đi khiêu vũ vào mỗi chiều tối thứ Sáu, tại nhà văn hóa địa phương.
Thời bấy giờ, bài hát luôn kết thúc đêm dạ vũ chính là điệu valse mang tựa đề ''I'm Taking You Home Tonight'' (Đêm nay, anh đưa em về). Thế nhưng, trong đêm dạ vũ, chỉ có phụ nữ cùng nhảy cặp với nhau mà thôi, vì lúc ấy hầu hết các thanh niên trai tráng đều đang thi hành nghĩa vụ quân sự. Và khi Leslie cũng như những đứa bé khác nghe tiếng nhạc trỗi lên, các em đều biết rằng đây là điệu valse cuối cùng, các bà mẹ sắp trở về để lo cho con bữa ăn tối, thường là chỉ khoảng mười phút sau đó.
Khi Leslie Reed kể lại giai thoại này cho bạn của ông là nhạc sĩ Barry Mason (1939-2021), hai người mới tự nhủ tại sao họ lại không viết một bài hát nói về điệu valse cuối cùng. Leslie Reed chịu nhiều ảnh hưởng của Burt Bacharach lúc bấy giờ, trong cách dùng hợp âm tinh tế diệu vợi, giai điệu yêu đời lung linh lấp lánh như pha lê trong ánh nắng sáng ngời.
Thế nhưng thập niên 1960 mà viết về những kỷ niệm thời chiến không phải là chuyện dễ dàng, cho nên Barry Mason khi đặt lời cho bài hát đã kể lại một câu chyện phổ quát hơn. Nhiều năm sau đó, "The Last Waltz" (Điệu valse cuối cùng) thay thế hẳn cho bản nhạc ''I'm Taking You Home Tonight'' (Đêm nay, anh đưa em về), cho tới khi các đêm nhảy tại các vũ trường không còn thịnh hành.
Sau khi đoạt ngôi vị quán quân thị trường Anh, bản nhạc "The Last Waltz" (Điệu valse cuối cùng) đã có nhiều phiên bản phóng tác. Trong tiếng Pháp, tác giả Hubert Ithier chuyển bài này thành nhạc phẩm "La Dernière Valse", từng được nhiều ca sĩ tên tuổi ghi âm, trong đó có Mireille Mathieu (1967), Petula Clark, Tino Rossi, Lucky Blondo hay Ginette Reno (1969). Gần đây hơn có phiên bản hòa âm mộc của Brigitte Marchand và Lisa Ono.
Phiên bản lời Việt thứ nhì ''Khúc luân vũ cuối cùng'' qua phần ghi âm của Don Hồ có lời khác biệt đôi chút : Bao ngày vui thần tiên đến cho đôi mình / Vui tình xanh mình mơ mãi không rời xa / Ngờ đâu tình phai nhạt mau trách ai bây giờ / Đành xa lìa nhau từ đây tiếng gieo buồn đau …
Lời Việt thứ ba của ''The Last Waltz'' có tựa đề là ''Bài luân vũ cuối cùng'' là của tác giả Nguyễn Hoàng Đô, qua phần trình bày của nhiều ca sĩ khác nhau, giọng nữ có Quỳnh Dao và Hồng Nhiên, giọng nam có Thụy Long : Chiều nay chợt nghe từ xa, tiếng ca êm đềm / Bài luân vũ xưa chìm đắm trong cơn mộng mê / Còn ai dìu nhau nhịp chân lả lơi, mắt trao duyên đầu / Bài luân vũ cuối cùng nhắc ta chuyện xưa …
Những kỷ niệm thời thơ ấu tưởng chừng đã quên nào ngờ con tim lại nhớ mãi. Trong nhạc phẩm "The Last Waltz" (Điệu valse cuối cùng), cái tài của cặp bài trùng Les Reed/Bary Mason là biến một kỷ niệm riêng tư (chỉ có người trong cuộc mới biết) thành một câu chuyện phổ quát (mọi người có thể hiểu). Gọi là cuối cùng nhưng điệu valse lướt mãi không ngừng, trên nhịp thời gian, cho dù sớm đến vội tàn, nào ngờ tình hợp rồi tan.
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment